Thứ năm, ngày 25/04/2024

Tin tức trong ngành

Giải báo chí TTXVN 2019: Làm mới những vấn đề đã cũ


(03/07/2020 10:20:36)

Người ta thường nói “rác là thứ vứt đi” nhưng với cánh phóng viên Báo ảnh Việt Nam - Thông tấn xã Việt Nam chúng tôi, rác là một “mỏ vàng” cho những đề tài không bao giờ cũ. Đó cũng chính là nguồn gốc cho sự ra đời của loạt phóng sự nóng về đề tài môi trường, trong đó có tác phẩm “Cuộc chiến chống rác thải nhựa đại dương” vừa vinh dự được trao giải A thể loại ảnh báo chí - Giải báo chí TTXVN 2019; giải A - Khoảnh khắc báo chí 2019 của Hội Nhà báo Việt Nam.

Phóng viên Tất Sơn ghi hình các tình nguyện viên người nước ngoài tham gia dọn rác thải nhựa trên bãi biển Nguyễn Tất Thành, TP. Đà Nẵng

Nếu như việc tìm ra nilon, loại chất dẻo bền, dai và nhẹ… từng được xem là phát minh làm thay đổi thế giới bởi tính hữu dụng và tiện lợi thì ngày nay nó lại đang làm thay đổi cả thế giới theo hướng ngược lại. Đó là gây nên vấn nạn ô nhiễm môi trường, đặc biệt là môi trường biển, với một cái tên đầy hình ảnh nhưng cũng đầy ám ảnh - “thảm họa ô nhiễm trắng”.
 
“Thảm họa ô nhiễm trắng” không chỉ là câu chuyện riêng của Việt Nam, một quốc gia có bờ biển dài, mà là vấn đề nóng mang tính toàn cầu. Vì vậy, ngay từ cuối năm 2018, Ban biên tập Báo ảnh Việt Nam đã xem đây là đề tài quan trọng, cần được đầu tư dài hơi để triển khai thành một phóng sự chuyên đề lớn với dung lượng tầm 10 trang báo trong năm 2019. Đến tháng 6/2019, khi Thủ tướng Chính phủ phát động lễ ra quân toàn quốc “Phong trào chống rác thải nhựa” thì tôi (thường trú tại khu vực miền Trung-Tây Nguyên) và Trưởng phòng phóng viên Tất Sơn (tại Hà Nội), được Tổng biên tập giao nhiệm vụ phối hợp triển khai thực hiện phóng sự chuyên đề Cuộc chiến chống rác thải nhựa đại dương, đăng trên Báo ảnh Việt Nam số tháng 9/2019.
 
Việc thực hiện đề tài về thảm họa môi trường nói chung và rác thải nhựa đại dương nói riêng không mới, bởi trước đó nhiều đơn vị thông tin trong ngành và các đơn vị báo chí, truyền thông trên cả nước đều đã thực hiện với nhiều tác phẩm ấn tượng, thể hiện những góc nhìn khác nhau về thực trạng ô nhiễm rác thải nhựa trên biển tại Việt Nam.
 
Với đặc thù là đơn vị thông tin đối ngoại, lại có thế mạnh về ảnh, chúng tôi buộc phải tìm cách tiếp cận khác để có thể làm mới một vấn đề đã cũ, tạo sức hút đối với bạn đọc, vừa đáp ứng được yêu cầu định hướng thông tin đối ngoại là phản ánh thực trạng của vấn đề vừa nêu bật những giải pháp mang tính chiến lược của Việt Nam trong việc giải quyết vấn nạn ô nhiễm rác thải nhựa trên biển.
 
Một vấn đề quan trọng khác, đó chính là cách thể hiện hình ảnh, yếu tố mang tính quyết định sự thành bại trong mỗi tác phẩm của Báo ảnh Việt Nam. Với chúng tôi, việc chụp những bức ảnh liên quan đến chủ đề thảm họa nếu chỉ dừng lại ở mức độ tạo cảm giác mạnh về mặt thị giác là chưa đủ, bởi ảnh báo chí, nhất là với báo chí đối ngoại thì ngoài tính trung thực còn cần phải “đẹp” và có tính nhân văn. Vì vậy, nếu các góc máy không được tính toán cẩn thận thì hình ảnh những núi rác ngồn ngộn, nhầy nhụa, bẩn thỉu… không những không tạo được ấn tượng và sự đồng cảm mà còn khiến cho người xem cảm thấy sợ, thậm chí là ghê tởm. Điều đó vô hình trung khiến cho mục đích truyền thông trở nên phản tác dụng.
 
Trở lại với câu chuyện con đường đi của phóng sự Cuộc chiến chống rác thải nhựa đại dương. Để thực hiện đề tài này, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Tổng biên tập, trong gần ba tháng, trải qua nhiều địa bàn tác nghiệp khác nhau từ Hà Nội, Thanh Hóa, Đà Nẵng đến Quảng Nam, chúng tôi đã đến nhiều bãi biển, khu dân cư, xóm chài, khu bảo tồn biển, từng điểm nóng về ô nhiễm, thậm chí đến cả một số doanh nghiệp, hội, nhóm, đoàn thể liên quan đến công tác môi trường… để ghi lại những câu chuyện, khoảnh khắc sinh động nhất về thực trạng cũng như các hoạt động phòng chống rác thải nhựa.
 
Sau quãng thời gian vất vả đó, tác phẩm đã hình thành và lên trang, phản ánh một cách khá toàn diện, sinh động về sự quyết tâm và nỗ lực của chính quyền, người dân và cộng đồng xã hội trong cuộc chiến bảo vệ tài nguyên biển của đất nước. Đó cũng chính là thông điệp mà Báo ảnh Việt Nam - tờ báo đối ngoại quốc gia của TTXVN muốn gửi đến bạn đọc trên thế giới về hình ảnh một Việt Nam luôn nêu cao ý thức cùng cộng đồng quốc tế chung tay phòng chống rác thải nhựa đại dương, điều mà Chính phủ Việt Nam đã cam kết đồng hành cùng cộng đồng quốc tế.
 
Cuộc chiến chống rác thải nhựa đại dương của Việt Nam và thế giới có lẽ vẫn còn chặng đường dài phía trước. Còn với chúng tôi, đó là một câu chuyện thú vị được làm mới thành công từ những điều đã cũ. Để làm được điều đó, ngoài nỗ lực của từng phóng viên, yếu tố may mắn từ hiện trường… thì sự định hướng, đầu tư mang tính dài hơi và có chiều sâu của Ban biên tập đối với những phóng sự chuyên đề lớn luôn có tính quyết định.

https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/cuoc-chien-chong-rac-thai-nhua-dai-duong/425859.html

Đặng Thanh Hòa
Nội san Thông tấn số 6/2020

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Giải báo chí TTXVN 2019: Những “mảnh ghép” tạo nên thành công (03/07/2020 10:19:19)

Danh sách giải báo chí TTXVN năm 2019 (03/07/2020 10:12:27)

Cùng học sinh Hải Phòng “Nói không với fake news” (03/07/2020 10:05:24)

Kỷ niệm 95 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2020): Báo Tin tức điện tử thay "áo mới" (03/07/2020 10:00:25)

Kỷ niệm 95 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2020): Giao lưu văn nghệ "Hát về quê hương đất nước"  (03/07/2020 09:59:31)

Hội cựu chiến binh giao lưu tại Bắc Giang (03/07/2020 09:57:39)

Truyền hình Thông tấn khai trương trường quay mới tại Đà Nẵng (25/06/2020 08:42:18)

Kỷ niệm 95 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam: Nâng cao bản lĩnh chính trị của nhà báo trẻ Khối các cơ quan Trung ương (22/06/2020 11:03:28)

Giải A - Giải báo chí quốc gia 2019 và bốn tháng thâm nhập “thế giới” rác thải ở Hà Nội (22/06/2020 09:30:42)

Kỷ niệm 95 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2020): TTXVN giành 6 giải báo chí quốc gia năm 2019 (22/06/2020 09:16:16)