Thứ năm, ngày 02/05/2024

Tin tức trong ngành

Giải Búa liềm vàng lần thứ VIII: Hiểu đúng, viết đúng và trúng vấn đề


(06/02/2024 11:41:32)

Thừa - thiếu giáo viên là vấn đề đã tồn tại rất lâu của ngành giáo dục do nhiều nguyên nhân khác nhau. Là phóng viên đã có 15 năm theo dõi giáo dục, phóng viên Phạm Mai, báo điện tử VietnamPlus -Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN), đã có nhiều bài viết về vấn đề này. Tuy nhiên, khi ngành giáo dục triển khai thực hiện Nghị quyết 29 của Trung ương Đảng về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục thì thiếu giáo viên lại càng trở thành vấn đề vô cùng bức thiết khi nhu cầu giáo viên nhiều hơn và xuất hiện thêm các môn học mới. Tác phẩm "Thiếu giáo viên khắp cả nước, ngành giáo dục chật vật đổi mới" đã phản ánh sâu sắc thực trạng này và vinh dự được trao giải A Giải Búa liềm vàng lần thứ VIII - năm 2023


Những thôi thúc từ thực tiễn
 
Giáo viên được xác định là yếu tố then chốt, quyết định thành công của đổi mới giáo dục, nhưng cả nước thiếu đến trên 100.000 giáo viên. Để thực hiện được Nghị quyết 29 - một Nghị quyết với rất nhiều điểm mới, được đánh giá là cuộc cách mạng trong giáo dục như chuyển từ truyền thụ kiến thức sang hình thành phẩm chất năng lực cho người học, từ thầy đọc trò chép sang thầy hướng dẫn, trò thi công, từ lấy sách giáo khoa làm nền tảng sang lấy chương trình làm cốt lõi - giải quyết thiếu giáo viên là vấn đề bức thiết.
 

Phóng viên Phạm Mai và Phó trưởng phòng Biên tập Võ Hoàng Long, báo điện tử VietnamPlus, thảo luận phương án dựng infographic cho tác phẩm “Thiếu giáo viên khắp cả nước, ngành giáo dục chật vật đổi mới”, tháng 9/2023

Là phóng viên theo dõi lĩnh vực giáo dục, tôi đã rất trăn trở về đề tài này và lên kế hoạch thực hiện ngay từ đầu năm 2023, nhân dịp tròn 10 năm thực hiện Nghị quyết 29 và cũng là năm ngành giáo dục thực hiện đổi mới căn bản toàn diện ở cả ba cấp học.
 
Dù đã theo sát công cuộc thực hiện đổi mới toàn diện của ngành giáo dục hơn 10 năm qua, nhưng để hiểu vấn đề một cách sâu sắc, tôi đã tìm gặp và có một buổi phỏng vấn, lắng nghe Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới chia sẻ về quá trình xây dựng chương trình, những điểm mới, khác biệt, những yêu cầu về cơ sở vật chất, đặc biệt là về đội ngũ giáo viên, để có thể đáp ứng được yêu cầu đổi mới, những đánh giá của ông về quá trình triển khai chương trình trên thực tiễn.
 
Từ những yêu cầu đó, soi chiếu vào thực tiễn, tôi đã liên hệ phỏng vấn nhiều lãnh đạo, giáo viên các trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Những câu chuyện thực tiễn càng khiến tôi phải nỗ lực hơn để thực hiện chùm bài với mong muốn góp tiếng nói thúc đẩy giải quyết vấn đề thiếu giáo viên.
 
Đó là trăn trở của hiệu trưởng một trường liên cấp huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng, khi phải ký giấy cho giáo viên ngoại ngữ duy nhất của trường xin chuyển công tác vì đã có nhiều năm cống hiến cho trường, muốn xin về vùng thuận lợi hơn để gần gia đình. Đó là lo lắng về chất lượng đào tạo của lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang khi thấy việc dạy môn tích hợp chưa đạt so với yêu cầu. Đó cũng là nét mặt buồn phiền của thầy Lê Hồng Quân, Phó hiệu trưởng trường THCS Đất Mũi khi chưa giáo viên nào của trường được bồi dưỡng dạy tích hợp vì thiếu kinh phí trong khi đời sống giáo viên còn nhiều khó khăn. Đó là hành trình hàng trăm cây số mỗi tuần của các giáo viên tỉnh Yên Bái tình nguyện biệt phái lên Mù Cang Chải vì cả huyện miền núi này chỉ có duy nhất một giáo viên tiếng Anh tiểu học. Đó còn là hình ảnh những học sinh huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang phải học online với giáo viên ở Hà Nội dù đã hết dịch bệnh vì cả huyện trắng giáo viên ngoại ngữ.
 
Đời sống khó khăn cũng là một trong những lý do khiến hàng nghìn giáo viên nghỉ việc mỗi năm. Câu chuyện của cô giáo Trịnh Kim Tuyền ở Bắc Giang là một trong hàng nghìn nốt trầm buồn ấy khi cô buộc phải viết đơn xin nghỉ việc, rời xa bảng đen, phấn trắng mà cô đã có 15 năm gắn bó, để khoác lên mình chiếc tạp dề mưu sinh ở quán bún đậu mắm tôm.
 
Những câu chuyện từ thực tiễn đó đã thôi thúc tôi phải nỗ lực đi tìm nguyên nhân và lời giải từ chính sách, vì chỉ có thay đổi chính sách mới có thể tác động quy mô rộng trên toàn hệ thống, toàn ngành chứ không chỉ là một trường, một địa phương.
 
Gấp rút chạy… deadline
 
Đặt mục tiêu hoàn thành chùm bài chậm nhất vào dịp khai giảng năm học mới, sau khi tích lũy tư liệu, tôi bắt đầu viết đúng vào những ngày nghỉ lễ Quốc khánh. Cùng cả gia đình về quê với ông bà nội, ngoại, nhưng thay vì vui với mọi người, tôi vác máy vào phòng riêng, đóng cửa để tập trung hoàn thành tác phẩm. Tôi vẫn nhớ cảm giác có lỗi vì phải lắc đầu từ chối khi cô con gái nhỏ thỉnh thoảng mở cửa ghé vào phòng hỏi: “Mẹ đã xong việc chưa, khi nào mẹ có thể chơi với con?”.
 
Theo đề cương, chùm bài sẽ kết bằng bài phỏng vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn. Tuy nhiên, sát thời điểm đăng, phía Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết Bộ trưởng rất bận và không thể trả lời các câu hỏi phỏng vấn dù đã được tôi gửi từ giữa tháng Tám. Muốn có riêng bài phỏng vấn đó, tôi sẽ phải chờ và bài sẽ đăng sau ngày khai giảng. Tôi quyết định thay đổi kết cấu, không làm riêng bài phỏng vấn mà chỉ đưa ý kiến Bộ trưởng thành phần kết trong bài cuối, sau phần ý kiến các chuyên gia, lãnh đạo các địa phương, cơ quan Nhà nước và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Bài nhất định phải đăng nhân dịp khai giảng vì sau đó không có thời điểm nào thích hợp hơn.
 
Một vấn đề khó khăn nữa là số liệu. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có thống kê dữ liệu về giáo viên đến từng trường trên cả nước nhưng các số liệu đã công bố chỉ có tổng số giáo viên thiếu của toàn quốc hoặc một vài địa phương riêng lẻ. Để bài viết có tính thuyết phục và toàn diện, có giá trị thông tin và hiệu quả tác động cao hơn, tôi cần có số liệu về tình hình thiếu giáo viên của từng tỉnh, thành và dựng infor theo bản đồ. Sau nhiều nỗ lực trao đổi với Bộ Giáo dục và Đào tạo, được sự đồng ý và chỉ đạo của Bộ trưởng, tôi đã có được dữ liệu này. Đây cũng là lần đầu tiên Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố chi tiết số liệu thiếu giáo viên của tất cả 63 tỉnh, thành trên cả nước với báo chí.
 
Cô và trò trường PTDT bán trú Tiểu học và THCS Vàng Đán, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên, tháng 11/2022

Với tư liệu dày dặn và đề cương mạch lạc, sau kỳ nghỉ lễ, tôi đã hoàn thành chùm bài viết Thiếu giáo viên khắp cả nước, ngành giáo dục chật vật đổi mới. Để bài đăng đúng dịp khai giảng, tôi đã “ăn vạ” Trưởng phòng Phóng viên Nguyễn Mỹ Bình để chị bớt thời gian nghỉ lễ, hiệu đính bài viết, góp ý giúp tôi chỉnh sửa, hoàn thiện. Anh Võ Hoàng Long, Phó trưởng phòng Biên tập, cũng phải gấp rút hoàn thành dựng megastory, dựng đồ họa, biểu đồ… Anh đã gửi gắm nhiều tâm huyết vào phần thiết kế của bài viết với các ý tưởng độc đáo, chọn nền xanh, chữ trắng trên cảm hứng từ bảng đen, phấn trắng - hình ảnh thân thương gắn bó với cả cuộc đời mỗi nhà giáo.
 
Điều tôi băn khoăn và áy náy nhất là do dung lượng bài viết có hạn trong khi tư liệu rất nhiều nên tôi đã không thể đưa hết ý kiến của các nhân vật đã phỏng vấn. Tuy nhiên, tất cả những chia sẻ của các chuyên gia, thầy cô giáo đã giúp tôi có cái nhìn vừa thực tế, cụ thể, vừa mang tính tổng quan để có thể định hướng, hiểu đúng, viết đúng và trúng vấn đề. Tôi rất trân trọng điều đó và cảm ơn các nhà giáo đã dành thời gian chia sẻ về công việc bản thân và của ngành, giúp tôi hoàn thành chùm bài. Tác phẩm Thiếu giáo viên khắp cả nước, ngành giáo dục chật vật đổi mới của tôi đã vinh dự được trao giải A Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (Búa liềm vàng) lần thứ VIII - năm 2023./.

Phạm Mai - Báo điện tử VietnamPlus
Nội san Thông tấn Xuân 2024

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Thăm và chúc Tết Giáp Thìn 2024 (02/02/2024 10:19:21)

Giải Búa liềm vàng năm 2023: TTXVN được trao 5 giải thưởng (01/02/2024 23:23:28)

Hội chợ Xuân 2024 gắn kết nghĩa tình đoàn viên TTXVN (26/01/2024 15:13:50)

Tăng cường năng lực số cho đoàn viên, thanh niên TTXVN (26/01/2024 13:02:28)

Ban Chỉ đạo 35 TTXVN triển khai nhiệm vụ năm 2024 (26/01/2024 12:16:53)

Khởi động Giải thưởng ảnh và video clip “Công nghệ từ trái tim - Technology with heart” (25/01/2024 12:10:47)

Ngày hội hiến máu tình nguyện tại Đà Nẵng (24/01/2024 16:30:00)

Tập huấn phòng cháy chữa cháy (23/01/2024 17:11:44)

Báo ảnh Dân tộc và Miền núi điện tử ra mắt giao diện mới (23/01/2024 10:24:21)

Chương trình “Xuân tình nguyện” tại Thanh Hóa (22/01/2024 11:40:43)