Thứ hai, ngày 08/07/2024

Trao đổi - Thảo luận

Chân dung nhà báo:

"HÃặy yÃếu ngháỪẮ gáỨốn bÃỠ váỪỈi nghiáỪẬp"


(17/07/2007 10:13:45)

Đó là câu nói cuối cùng của anh Đoàn Việt khi chia tay anh em trong Hội nghị giao ban các Trưởng phân xã khu vực miền Đông Nam Bộ vào ngày 31/5/2007 tại phân xã Bà Rịa - Vũng Tàu (BR-VT) - ngày cuối cùng anh phóng viên, Trưởng phân xã.

Đây cũng là ngày anh chia tay với ngành Thông tấn sau 35 năm hoạt động. Một số phóng viên trong Hội nghị yêu cuầu anh truyền đạt những kinh nghiệm của mình, anh nói: "Khó có thể trong vài chục phút hay một bài viết mà truyền đạt hết kinh nghiệm của mình được, nên dù rất muốn, tôi cũng chỉ có thể nói với các bạn là hãy yêu nghề làm báo, gắn bó với nghiệp cầm bút, máy ảnh đưa tin của ngành Thông tấn chúng ta. Dù nó là nghề gian khổ" giường - bàn, chiếu - báo, gối - bản tin" nhưng cần phải ăn, ngủ với nó, nằm mơ nó mới phát hiện được những đề tài bài viết ở mọi nơi, mọi lúc: Đừng nên được đào tạo "đủ lông đủ cánh" là "bay đi" mà cần gắn bó, thuỷ chung vói ngành lâu dài, như vậy, mới thể hiện mình là nhà báo chân chính".

Nhà báo Đoàn Việt tại một hội nghị của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

            Vậy là anh đã nghỉ hưu sau 35 năm công tác. Nếu không nói anh trọn đời nghề nghiệp thì cũng có thể nói anh đã cố gắng hết mình để thực hiện được câu nói trên. Anh kể: ngày 15/7/1972, anh cùng với 150 anh em sinh viên khác được cơ quan tuyển trọn từ các trường Đại học: Tổng hợp, Ngoại ngữ, Ngoại giao vào học lớp phóng viên Thông tấn (khoá GP 10) để đi B. Từ trước đến nay, chưa bao giờ cơ quan ta mở được một lớp phóng viên có trình độ Đại học đông đến như thế. Sinh viên tốt nghiệp Đại học hồi đó không nhiều như bây giờ, chỉ với mục đích phục vụ cho chiến trường, cơ quan ta mới được ưu tiên tuyển chọn đông như vậy. Hồi đó, anh cũng như bao anh em đồng nghiệp khác, chưa biết nhiều về nghề báo, thậm chí không hề yêu nghề báo, vì bao nhiêu năm học chuyên sâu ngành mình yêu thích trong trường Đại học như: toán, lý, hóa, văn, sử, địa, sinh, ngoại ngữ... Nhưng khi được chọn đào tạo để đi B thì anh cũng như mọi người, đều sẵn sàng. Có lẽ, đây là một trong những lớp phóng viên có nhiệt tình cách mạng nhất của cơ quan ta, sẵn sàng lao vào nơi gian khổ, ác liệt nhất của chiến tranh. Lúc đó, vào Thông tấn, anh khá gầy yếu, mảnh khảnh, chỉ khoảng 45 kg nhưng khi rèn luyện đeo gạch thì anh rất tích cực, đeo vượt chỉ tiêu đề ra để "có sức khoẻ đi tới được chiến trường".

Vốn đã vất vả với căn bệnh đường ruột từ trước, trên đường Trường Sơn, anh lại bị đổ xe (toàn bộ anh chị em trên xe đều bị thương, có 3 người chết và 6 người bị thương nặng trong đó có anh), nhưng điều trị chưa dứt, anh đã xin ra viện sớm để "đuổi kịp đồng đội". Vào tới căn cứ "R", sau khi cùng anh em tự chặt cây, lấy lá trung quân làm nhà ở, mọi người bắt tay vào biên tập tin từ các phân xã gửi về, thì anh được phân công làm nhiệm vụ "đặc biệt", đó là : đi làm rẫy! Với tinh thần trách nhiệm nhiệm của mình và vốn quen với nghề nông "cổ cày, vai bừa" vùng quê lúa Thái Bình, anh đã vui vẻ nhận nhiệm vụ và còn đăng ký ở lại thêm để chăm sóc rau cho tốt anh trở thành người nổi tiếng trong căn cứ về trồng rau tốt, cung cấp thừa rau ăn cho nhà bếp. Sau đó, khi được phân công xuống tỉnh Tây Ninh làm phóng viên chiến trường, chỉ trong thời gian ngắn, anh đã có tin bài gửi về R và được anh em trong Ban tuyên huấn, anh em báo chí, văn nghệ của tỉnh tin tưởng, yêu mến, giúp đỡ.

Saì Gòn giải phóng. Trong khi các anh em đồng nghiệp từ nơi khác được trở về cơ quan, anh vẫn phải ở lại Tây Ninh để tiếp tục củng cố phân xã, tổ chức đưa tin. Năm tháng sau, khi "chân ướt, chân ráo" về Sài Gòn, anh được phân công theo dõi mảng phục hồi, cải tạo, xây dựng đường giao thông, cải tạo thương nghiệp - những mảng nóng bỏng lúc đó. Anh đã nhanh chóng nắm bắt tình hình,  viết một số bài được các các anh Lam Thanh, Văn Trường (là Phó ban BT tin Trong nước lúc đó được cử vào thành phố phụ trách chuyên môn) đánh giá rất cao, như các bài : "Từ dưới thành phố" (nói về những công nhân phải chui xuống cống rãnh thành phố hót bùn, rác) hay "Thành công của hợp tác xã tiêu thụ phường 8" (nói về mô hình mới trong phát triển thương nghiệp thành phố)

Đặc biệt, trong các năm từ 1977 đến 1979, thành phố nổi lên phong trào Thanh niên xung phong (TNXP) đi xây dựng vùng kinh tế mới (KTM). Đây là nét mới rất đặc sắc và là bước đột phá thành công của thành phố trong cải tạo, xây dựng con người mới, cuộc sống mới. Anh đã được phân công đi viết về mảng này. Từ rừng về, ai cũng muốn sống, làm việc ở nơi đô thị tráng lệ mang tên là "Hòn ngọc viễn đông" này, nhưng vì nhiệm vụ anh lại phải mang bao lô, tăng, võng, mũ tai bèo, quần áo bà ba như người chiến sĩ trước đây, theo chân anh em TNXP đi xây dựng các vùng KTM, đến các vùng rừng núi để viết về họ. Nơi gần nhất anh đến là các vùng KTM Lê Minh Xuân (huyện Bình Chánh), Phạm Văn Cội (huyện Củ Chi) thuộc thành phố, còn lại, là các huyện vùng xa như: Bến Cát, Bù Đốp, Lộc Ninh (tỉnh Sông Bé cũ), Dương Minh Châu, Gò Dầu, Tân Biên (tỉnh Tây Ninh). Để có được tin bài, có lúc, anh phải "xáp dô" cùng anh em TNXP đào mương máng, liên tiếp trồng thơm (dứa) hay vào tận rừng sâu chặt cây, chặt tre làm lán trại cho dân vùng kinh tế mới và phải ăn cơm với "bát canh toàn quốc, nước chấm đại dương" như anh em, để gần gũi anh em, hiểu rõ cuộc sống của anh em hơn. Điều đáng nhớ nhất với anh lúc đó là đợt anh cùng liên đội TNXP Dũng Cảm I lên xây dựng vùng KTM tại các điểm Ngã ba Đồng Pan, Lò Gò, Xa Mát thuộc huyện Tân Biên (Tây Ninh) - nơi trước ngày giải phóng anh đã từng sống, làm rẫy- trong lúc bọn lính Pôn Pốt thường xuyên bắn súng cối hoặc cho quân đội kích sang tàn sát nhân dân. Anh đã cùng anh em chứng kiến cảnh ngôi trường tiểu học xã Tân Khai (giáp biên giới Cam Pu Chia) do anh em mới xây dựng, bị đốt, hàng chục cô giáo, học sinh trong trường bị bọn Pôn Pốt tàn sát, rất dã man. Các tin, bài về TNXP và KTM của anh thường được dùng ngay trong bản tin và nhiều báo khác đã khai thác sử dụng.

Anh nhớ nhất là các bài từng được các anh lãnh đạo cơ quan đánh giá cao như "Đi theo hướng đúng" viết về các nhà tư sản công nghiệp Sài Gòn tự cải tạo bằng đầu tư xây dựng trại rau Đồng Tiến ở huyện Hóc Môn; bài "Bước ngoặt cuộc đời" viết về Nguyễn Thị Mỹ Phương, con nhà tư sản ngành in Thanh Tâm, ở Sài Gòn, đã tình nguyện đi TNXP và trở thành cán bộ Liên đội xuất sắc của Liên đội "Cơ động 2" xây dựng vùng KTM Lê Minh Xuân (huyện Bình Chánh); các bài "Ấm tình đồng đội", "từ bên lề cuộc sống" viết về những bụi đời, từng nổi danh về trôm cắp, hút chích, cầm đầu các băng đảng tội phạm như Hiền "Cá sấu", Bình "Vẽ mánh" (ở các Liên đội Kiên Cường, Trung Dũng ở các huyện Bến Cát, Phú Giáo tỉnh Sông bé, bài "Ngọn cờ hồng trên đất mới" viết về xã KTM Phước Minh, huyện Dương Minh Châu, Tây Ninh hoặc bài "Tìm lại phẩm giá con người" viết về một cô gái "bán hoa" lọc lõi, đã trở thành Đoàn viên, thanh niên gương mẫu ở liên đội Trung Dũng, huyện Bến Cát (Sông Bé)... Thời điểm này, anh là phóng viên tin đầu tiên được phát máy ảnh và đã sử dụng tốt máy ảnh. Hầu hết các bài viết của anh đều có ảnh kèm theo, trong đó anh đã có một tấm ảnh về thanh niên xung phong xây dựng vùng kinh tế mới huyện Bù Đốp (Sông Bé) được Ban Tổ chức cuộc thi ảnh TP Hồ Chí Minh chọn vào 41 ảnh trưng bày triển lãm tại TP Hồ Chí Minh năm 1978.

Từ những cố gắng trên, anh trở thành một trong những cây viết xuất sắc của Phân xã TP Hồ Chí Minh và được chọn đi học lớp Phóng viên Ngoài nước do cơ quan tổ chức tại Hà Nội (1979-1982) nhằm đào tạo những phóng viên có kinh nghiệm, trải qua chiến trường đi thường trú nước ngoài. Sau gần 3 năm học và dịch tiếng Anh ở tiểu ban Tin nhanh (BBT tin Thế giới), anh đã quyết định xin trở lại ban Trong nước để được làm phóng viên trực tiếp cầm bút viết tin tại cơ sở, như một "lính chiến".

Vào cuối năm 1982, anh được cơ quan điều đi phân xã, làm Trưởng phân xã Cao Bằng - một địa bàn nóng ở biên giới, cuộc sống, đi lại gặp không ít khó khăn, anh đã chủ động tạo mối quan hệ với tỉnh và đặt chỉ tiêu cho mình phải nhanh chóng đi các huyện để nắm địa bàn để tuyên truyền cho đúng. Chỉ trong thời gian ngắn, anh đã đi hết các huyện kể cả những huyện vùng xa, cách thị xã Cao Bằng 150 km (như các huyện Ba Bể, Bảo Lạc), huyện biên giới vừa xa, vừa khó khăn, vất vả nhất (Hạ Lang) và vùng cao biên giới quan khổ nhất (vùng Lục Khu - huyện Hà Quảng) - những nơi nhiều phóng viên phân xã và địa phương chưa từng đặt chân tới. Chính sự quan hệ tốt và đi sâu, đi sát cơ sở nên khi chiến sự xẩy ra, anh đã được lãnh đạo tỉnh Cao Bằng nhanh chóng thông báo cho biết tin tức và tạo điều kiện cho anh đến các điểm nóng kịp thời. Những bài viết "Trút lửa xuống đầu thù", "Bầu cử trong tầm đạn địch", "Huyện Hà Quảng vững vàng trong sản xuất và chiến đấu" đã tạo nên dấu ấn của anh về chiến tranh biên giới nhanh nhạy, kịp thời. Anh còn chụp được nhiều ảnh đăng báo và được Ban ảnh đánh giá là phóng viên tin chụp ảnh tốt.

Ba năm gắn bó với Cao Bằng, trừ năm đầu mới làm quen, trong hai năm 1983, 1984, anh đã đoạt hai giải A, một giải B giải báo chí của ngành với những bài viết có tính chất thời sự nóng hổi, với phương pháp viết mới và thể hiện đúng ý chí, bản lĩnh của người Việt Nam trong cuộc chiến bảo vệ biên giới. Với những cố gắng trên của anh em và anh em phân xã, năm 1985, phân xã đã được Chính phủ tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba. Sau 40 năm hoạt động (tính đến năm 1985), cơ quan ta mới có 4 phân xã được tặng Huân chương, thì Cao Bằng là một trong số đó. Phân xã và cá nhân anh còn được Uỷ ban nhân dân Cao bằng tặng bằng khen. Phần thưởng lớn nhất đối với anh lúc đó là anh em được cơ quan cử đi học trường Đảng Cao cấp Nguyễn Ai Quốc (cùng với 2 phóng viên khoá GP 10 khác) để bồi dưỡng cán bộ trẻ cho cơ quan. Chỉ riêng việc anh được trở lại Tổng xã sau 3 năm đi phân xã cũng đã là điều mới, mới sự ưu ái của cơ quan đối với anh, bởi trước đó, ai đi phân xã miền núi cũng thường phải kéo dai 5-6 năm, thậm chí, 10 năm mới được về!

Anh luôn nghĩ: mình là "người lính chiến", trực tiếp cầm bút, cầm máy hoạt động ở cơ sở chứ không nghĩ mình có khả năng làm công tác quản lý, nên, sau khi học xong, dù được ban lãnh đạo Ban Trong nước gợi ý bố trí anh làm phó phòng quản lý phân xã anh vẫn xin đi thường trú phân xã, và anh đã được trở lại miền Nam công tác (tại phân xã BR-VT). Chỉ một năm sau khi về phân xã, anh đã có bài điều tra chống tiêu cực đăng trên báo Tuần Tin Tức gây xôn xao du luận trong tỉnh lúc đó, bài "Cần xử lý nghiêm hành động sai trái của giám đốc ngân hàng công thương Vũng Tàu, Trần Minh Hải". Sau đó, anh có hàng loạt bài viết về Du lịch, chống tệ nạn xã hội, Đầu tư phát triển công thương nghiệpv..v Có những bài được nhiều người nhắc đến như "Thâý gì ở phố gà", "Em tên là Bèo", nhưng có lẽ, đáng kể nhất là chùm tin, bài về an toàn dầu khí. Tuy chỉ được giải A giải báo chí của cơ quan nhưng, chùm tin bài này của anh đã tạo sự quan tâm lớn của mọi người đối với công tác bảo vệ ngành sản xuất quan trọng (dầu khí) của đất nước. Ngay say khi bài báo đăng, Thủ tướng Chính phủ đã có công văn chỉ đạo và sau đó, tổ chức hội nghị các bộ, ngành và các tỉnh, thành ven biển khu vực Nam trung bộ và Nam bộ tại Vũng tàu để bàn cách giải quyết, ngăn chặn nguy cơ tai nạn, cháy nổ xẩy ra đối với các giàn khoan dầu khí.

Ngoài viết tin, bài theo các thể loại thông tấn thông thường, anh còn có đặc điểm viết khá tốt, khá nhiều thể loại chuyện quản lý, chuyện nông thôn, vấn đề hôm nay. Khi cơ quan ta chưa sử dụng thể loại này, anh đã viết bài cho báo Nhân dân như: "Có phải dân xã P.hướng không?" (báo Nhân dân đăng 21/1/1991), "Tấm gương tày liếp" (báo Nhân Dân đăng 9/4/1993). Các chuyện quản lý như "Đừng để mất bò mới lo làm chuồng" (viết về an toàn dầu khí) "Thà chậm mà chắc" (viết về các khu công nghiệp của tỉnh không chạy theo số lượng trong đầu tư, phủ kín mặt bằng); "Lấy độc trị độc" (viết về sự táo bạo của tỉnh trong phòng chống lấy nhiễm HIV), "Thủ tục phiền hà, hai nhà đều thiệt" (viết về thủ tục vay vốn phiền hà làm cho cả nhà đầu tư và Ngân hàng đều thiệt); "Dự án cáp treo bị ...treo" (viết về thực hiện dự án cáp treo chậm) "Tay đẹp, mặt xấu" "Du mà không khảo", "Mong có đồ giả"v.v...

Từ thực tế hoạt động nghiệp vụ trên, anh đã từng được Hội nhà báo tỉnh BR-VT mời đi giảng về tin tức cho lớp công tác viên báo chí do hội mở và được Đài Phát thanh truyền hình tỉnh tổ chức thu, phát trên đài truyền hình về trao đổi nghiệp vụ giữa anh với các nhà báo lão thành trong tỉnh nhân kỷ niệm 80 năm báo chí cách mạng Việt Nam (2005). Anh còn được Trung tâm bồi dưỡng nghiệp vụ thông tấn B2 mời giới thiệu kinh nghiệm cho các lớp đào phóng viên mới và bồi dưỡng nghiệp vụ trưởng phân xã khu vực B2. Tại phân xã, anh thường xuyên phải tiếp nhận phóng viên thực thụ, viết chắc. Khi phân xã được trang bị phương tiện mới, dù lớn tuổi, anh cũng chịu khó học hỏi và trở thành phóng viên đánh máy tính nhanh, sử dụng cả 10 ngón tay đánh máy, không cần nhìn vào bàn phím.

Trong những năm gần đây, phân xã BR-VT là một trong những phân xã được đánh giá cao trong khu vực Nam Bộ. Từ năm 1997 đến nay, Phân xã được Tổng giám đốc cơ quan tặng ba Bằng khen và UBND tỉnh tằng hai Bằng khen. Riêng anh đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở thời kỳ đổi mới (1998-2002) và 3 năm liền (2004-2006) đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua Ngành, chiến sĩ thi đua cơ sở; được Tổng giám đốc tặng Bằng khen về thành tích xuất sắc trong công tác đổi mới báo chí (giai đoạn 1985-2000). Dù còn hăng say nghề nghiệp nhưng khi nhận quyết định nghỉ hưu, anh vẫn vui vẻ, khoẻ nhẹ như "anh dân quê vừa cày xong thửa ruộng"!

Minh Đoàn
Theo Nội san Thông tấn, số 6/2007