Thứ bảy, ngày 20/04/2024

Tin tức trong ngành

Hội thảo “Nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu khoa học tại TTXVN”


(26/11/2021 17:54:23)

Ngày 25/11, Hội đồng Nghiên cứu phát triển Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) đã tổ chức hội thảo trực tuyến “Nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu khoa học tại TTXVN”, với sự tham dự của các thành viên Hội đồng, các chủ nhiệm, thư ký khoa học và thư ký hành chính của các đề tài nghiên cứu khoa học từ năm 2014 đến nay; đại diện Vụ kế hoạch - Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ; một số nhà khoa học, chuyên gia nghiên cứu. Cùng dự có Phó tổng giám đốc TTXVN Nguyễn Tuấn Hùng.

Phó trưởng Ban Kế hoạch - Tài Chính Nguyễn Tiến Dũng phát biểu tham luận tại hội thảo

Phát biểu tại hội thảo, Tổng giám đốc Vũ Việt Trang, Chủ tịch Hội đồng Nghiên cứu phát triển TTXVN nhấn mạnh, công tác nghiên cứu khoa học của TTXVN trong những năm qua đã đạt được những thành quả nhất định. Mặc dù không chuyên về nghiên cứu, nhưng bằng thực tiễn hoạt động báo chí sinh động, các đơn vị, cá nhân đã tham gia nghiên cứu với tinh thần trách nhiệm, đúc rút được nhiều bài học kinh nghiệm quý, đề xuất các giải pháp khả thi, đóng góp hiệu quả cho công tác nghiên cứu, định hướng phát triển của ngành nói riêng và báo chí, truyền thông nói chung. Cùng dự có Phó tổng giám đốc Nguyễn Tuấn Hùng.

Ngày 9/5/2013, Bộ Khoa học và Công nghệ đã có Quyết định số 1098/QĐ-BKHCN công nhận TTXVN là đầu mối kế hoạch khoa học và công nghệ. Từ năm 2014 đến nay, TTXVN đã triển khai 54 đề tài nghiên cứu khoa học, trong đó có 42 đề tài thuộc lĩnh vực khoa học xã hội; 12 đề tài thuộc lĩnh vực khoa học công nghệ. Nội dung nghiên cứu của các đề tài tập trung vào nâng cao chất lượng công tác thông tin, công tác quản lý, công tác đào tạo, bồi dưỡng để thực hiện tốt nhiệm vụ vai trò của cơ quan thông tấn quốc gia. Nhiều nội dung nghiên cứu do lãnh đạo ngành làm chủ nhiệm đề tài, có tính định hướng dài hạn như: TTXVN với công tác tuyên truyền về biển đảo trong thông tin đối ngoại bằng tiếng nước ngoài; Đổi mới cách tiếp cận và truyền tải thông tin đối với đồng bào dân tộc và miền núi trong thông tin của TTXVN; Nghiên cứu mô hình tổ chức và cơ chế hoạt động của các phân xã trọng điểm ở trong nước của TTXVN; Đánh giá nguồn lực và đề xuất giải pháp phát huy nguồn nhân lực phát triển TTXVN giai đoạn 2015-2025… Những đề tài thuộc lĩnh vực kỹ thuật, ứng dụng công nghệ trong việc nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm thông tin và nâng cao công tác quản lý của cơ quan thông tấn quốc gia như: Nghiên cứu giải pháp mã hóa và ứng dụng trong truyền tải thông tin có yêu cầu bảo mật cao tại TTXVN; Nghiên cứu và phát triển thử nghiệm hệ thống giám sát sử dụng tin của TTXVN trên mạng Internet; Vấn đề chuyển đổi số và giải pháp cho TTXVN… được giới chuyên môn đánh giá cao về tính ứng dụng và hiệu quả.

Tuy nhiên, công tác nghiên cứu khoa học của TTXVN vẫn tồn tại một số hạn chế như: các đề tài thường xuyên phải kéo dài thời gian; kỹ năng nghiên cứu khoa học chưa bài bản, nhiều thực tế nhưng thiếu lý luận; việc nghiên cứu thử nghiệm, mô phỏng để có thể chuyển giao, ứng dụng vào thực tiễn của các đề tài khoa học công nghệ còn hạn chế…
 
Tại hội thảo, lãnh đạo các đơn vị, các chủ nhiệm đề tài đã chia sẻ về các nội dung: kinh nghiệm tổ chức và viết đề tài (Ban Kế hoạch - Tài chính), tìm kiếm nguồn tư liệu phục vụ công tác nghiên cứu (Cơ quan khu vực miền Trung - Tây Nguyên), thuận lợi và khó khăn khi triển khai các đề tài phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ (Trung tâm Kỹ thuật Thông tấn), công tác phối hợp giữa các đơn vị và ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn (Ban biên tập tin Thế giới)… Bên cạnh đó, một số ý kiến nêu đề xuất: cần xây dựng quy trình nghiên cứu chặt chẽ từ khâu chọn vấn đề, triển khai, thu thập và xử lý dữ liệu thông tin; tăng cường phối hợp, hỗ trợ cung cấp nguồn tài liệu giữa các đơn vị; lựa chọn thư ký hành chính có kinh nghiệm… góp phần để công tác nghiên cứu khoa học hiệu quả hơn, các sản phẩm nghiên cứu ứng dụng vào thực tế nhiều hơn.

Trước đó, Hội đồng Nghiên cứu phát triển đã tổ chức khảo sát, lấy ý kiến các chủ nhiệm, thư ký khoa học của đề tài; trong đó, 61% là cán bộ cấp Ban, 39% là cấp Phòng. Khảo sát cho thấy, các đề tài gặp phải các khó khăn như: xây dựng nội dung và viết đề tài; xây dựng thuyết minh đề tài; sự phối hợp với các đơn vị trong ngành; phân bổ thời gian dành cho công tác nghiên cứu. Nhưng khó khăn lớn nhất là công tác lập kế hoạch và quản lý tài chính (chiếm 61% số phiếu khảo sát)./.

Nội san Thông tấn

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Triển khai các quy định mới của Trung ương và tập huấn nghiệp vụ công tác đảng năm 2021 (26/11/2021 17:06:55)

Công bố quyết định chuẩn y đồng chí Vũ Việt Trang làm Bí thư Đảng ủy TTXVN (25/11/2021 19:51:16)

Phát triển một số báo in và báo điện tử của TTXVN thành báo đối ngoại quốc gia 2022-2030 (25/11/2021 17:16:55)

Tổng giám đốc TTXVN Vũ Việt Trang tham dự Hội nghị cấp cao truyền thông thế giới lần thứ 4 (23/11/2021 10:09:30)

Nguyên Tổng giám đốc TTXVN Nguyễn Đức Lợi được trao Huân chương Độc lập hạng Ba (22/11/2021 11:46:38)

TTXVN đoạt hai giải Báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (15/11/2021 10:01:53)

Tăng cường hợp tác truyền thông với Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) (12/11/2021 14:46:45)

Báo VietnamPlus: Tiếp tục hành trình xoa dịu cơn khát cao nguyên đá (01/11/2021 16:07:43)

Giải Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội lần 14: “Tình yêu” đặc biệt trong mùa dịch (29/10/2021 11:33:35)

Giải báo chí TTXVN năm 2020: Chung vui cùng các tác giả đoạt giải (29/10/2021 10:42:17)