Thứ hai, ngày 08/07/2024

Trao đổi - Thảo luận

Hồng Công - một địa bàn đặc biệt


(01/08/2007 09:57:47)

Ngày 1/7/2007, Chính quyền Khu hành chính đặc biệt Hồng Công (HKSAR) tổ chức kỷ niệm long trọng 10 năm ngày "Hồng Công trở về với Trung Quốc", Phân xã Hồng công cũng tròn 11 tuổi. Về "tuổi tác", so với các Phân xã khác, Phân xã Hồng Công hiện mới chỉ là một "cậu bé" nhưng có cống hiến không nhỏ về thông tin cho Tổng xã. Sự ra đời của Phân xã cũng có những tình tiết đặc biệt tại địa bàn đặc biệt này.

Thành lập Phân xã và "Con số 1 đặc biệt"

Về tuổi tác, Phân xã Hồng Công lớn hơn "Khu hành chính đặc biệt Hồng Công" (gọi tắt là HKSAR) một tuổi. Vì vậy, chúng tôi thường hay nói vui với nhau về một con số dễ nhớ- "Con số 1 đặc biệt".

Ngày 12/12/1995, Tổng Giám đốc Đỗ Phượng đã gọi hai đồng chí là Nguyễn Thế Quỳnh, lúc đó là Phó giám đốc Trung tâm hợp tác Thông tấn Quốc tế (VNA8) và Kiều Tỉnh, cán bộ biên tập Ban Biên tập tin Thế giới tới giao nhiệm vụ tiến hành khảo sát địa bàn Hồng Công trong 10 ngày (từ 21- 31/12/1995) để chuẩn bị cho việc thành lập Phân xã. Trong buổi trao quyết định, Tổng Giám đốc nói đại ý như sau: Từ lâu nay, chúng ta vẫn muốn thành lập một Phân xã tại Hồng Công bởi địa bàn này rất quan trọng, nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã từng hoạt động tại đây thời kỳ tiền khởi nghĩa. Từ trước tới nay, chúng ta thông qua báo chí Hồng Công thu được nhiều thông tin có giá trị. Hiện nay, Trung Quốc sắp xác lập chủ quyền vào ngày 1/7/1997, Hồng Công sẽ có biến đổi quan trọng, thông tin về phản ứng của các nước trước sự kiện này sẽ rất khác nhau. Bởi vậy, TTX phải nhanh chóng lập một Phân xã tại đây trước khi Hồng Công trở về Trung Quốc. Một trong những nguyên nhân mà trước đây chúng ta chưa thành lập được Phân xã là do tình hình tài chính quá eo hẹp vì Hồng Công vô cùng đắt đỏ, nhưng nay vấn đề này đã được giải quyết. Tổng giám đốc cũng lưu ý do tình hình lúc này rất tế nhị nên chú ý công tác bảo mật.

Chúng tôi lên đường mang theo bức thư của Tổng Giám đốc Đỗ Phượng gửi cơ quan báo chí chính quyền Hồng Công (The Hong Kong Government Information Services) đề ngày 19/12/1995. Thời gian 10 ngày đã ngắn ngủi, lại đúng lúc Hồng Công có nhiều ngày nghỉ lễ cuối năm, nên thời gian làm việc thực sự chỉ có 5 ngày. Bởi vậy, chúng tôi đã phải tận dụng mọi cơ hội để gặp gỡ các cơ quan hữu quan, trước tiên là Tổng lãnh sự quán Việt Nam để tìm hiểu tình hình, tiếp đó là cơ quan của Chính quyền Hồng Công và các bạn đồng nghiệp tại Hồng Công như: Reuter, AFP, Tạp chí kinh tế Viễn Đông cùng một số phóng viên từng quen biết. Khi đi qua cơ quan di trú Hồng Công (Immigration Department), chúng tôi nhìn thấy tấm biển ghi rõ: "Các nước thuộc khối Liên Xô, Việt Nam, Cu Ba là đối tượng xem xét nghiêm ngặt khi cấp Visa". Trái hẳn với dự đoán, các quan chức quản lý báo chí Hồng Công khi tiếp chúng tôi rất niềm nở và bày tỏ hoan nghênh TTXVN lập Phân xã Hồng Công. Tuy nhiên, ông Eric Lau, Trưởng ban quản lý thông tin báo chí, và ông Josef Cheung, Chánh văn phòng quản lý báo chí nước ngoài của Chính quyền Hồng Công, nói: Việc thành lập Phân xã cơ quan thông tấn quốc gia phải được Hội đồng lập pháp Hồng Công xem xét và phê duyệt trong thời gian nửa tháng.

Lúc 15 giờ 19 phút ngày 16/1/1996, Tổng xã nhận được bản FAX số 02-96 TLSQ của Tổng lãnh sự quán của ta ở Hồng Công có đề hai chữ "Hỏa tốc", thông báo Chính quyền Hồng Công đã chấp thuận đề nghị thành lập Phân xã Hồng Công, trong đó kèm theo Quyết định số (57) in NR 2/102 ngày 6/1/1996 do ông Eric Lau, Trưởng ban quản lý thông tin báo chí, ký cho phép thành lập Phân xã. Ngay sau đó, mọi công tác chuẩn bị, nhất là những công tác liên quan tới vấn đề nhân sự, quy chế hoạt động, công tác tài chính, mua sắm trang thiết bị, chuẩn bị thủ tục làm visa... được tiến hành khẩn trương. Bởi vì, như trên đã nói, việc cấp visa cho Việt Nam khi đó được Chính quyền xem xét nghiêm ngặt và phải chờ 3 tháng.

Nhà báo Kiều Tỉnh trong buổi trao đổi nghiệp vụ với các nhà báo nước ngoài. (Ảnh: CTV).

Ba đồng chí đầu tiên được cử sang Phân xã Hồng Công khi đó là: Đ/c Kiều Tỉnh, Trưởng Phân xã; hai phóng viên Lương Ích Kiên và Trần Quốc Chiểu.

Ngày 11/4/1996, đồng chí Kiều Tỉnh và Lương Ích Kiên bay sang Hồng Công làm công tác chuẩn bị và ổn định nơi làm việc. Hai tuần sau, phóng viên Trần Quốc Chiểu cũng tới Hồng Công. Bởi vậy, có thể coi ngày 11/4/1996 chính thức là ngày "Thành lập Phân xã Hồng Công". Như vậy, Tổng xã đã đạt được mục tiêu thành lập Phân xã trước một năm khi Trung Quốc thu hồi chủ quyền vào năm 1997. Phân xã ra đời trong bối cảnh như vậy, nên mới có "Con số 1 đặc biệt" như đã nói ở trên.

Một thực tế khi tới Hồng Công công tác mà tôi cảm nhận thấy là hai chính quyền song song tồn tại. Đó là chính quyền Anh về mặt chính thức và Chính quyền của Trung Quốc với tên gọi vỏ bọc bên ngoài là "Tân Hoa Xã" nhưng có quyền lực rất lớn ở Hồng Công. Khi được cử sang làm "Toàn quyền cuối cùng", Chris Patten đưa ra nhiều cải cách chính trị và kinh tế mà hậu quả đã gây cho Trung Quốc không ít khó khăn khi tiếp nhận chủ quyền. Bởi vậy, người đứng đầu cơ quan Tân Hoa Xã khi đó là ông Chu Nam (nguyên Thứ trưởng Bộ ngoại giao Trung Quốc) có mâu thuẫn sâu sắc với toàn quyền Patten.

Chính vì vậy mà việc khai trương Phân xã Hồng Công cũng rất đặc biệt. Khoảng bốn tháng sau khi Phân xã đã ổn định và đi vào làm việc, Tổng Giám đốc Đỗ Phượng mới sang tổ chức Lễ khai trương Phân xã. Đây là một bài toán đặt ra cho Phân xã, bởi vì không thể chỉ mời đại diện của Chính quyền mà bỏ qua Tân Hoa Xã. Nếu cùng một lúc mời đại diện của Chính quyền Anh ở Hồng Công và đại diện của Tân Hoa Xã tới dự là không ổn vì mâu thuẫn hai bên rất gay gắt, chẳng những làm không khí buổi ra mắt kém vui, mà có thể không đại diện của bên nào tới dự. Bởi vậy, tôi điện về Tổng xã xin tổ chức ra mắt làm hai lần: Lần thứ nhất với Chính quyền Anh ở Hồng Công và hôm sau tổ chức ra mắt riêng với Tân Hoa Xã (tức Chính quyền Trung Quốc tại Hồng Công). Được Tổng xã cho phép, Phân xã đã tổ chức theo kế hoạch trên. Tổng giám đốc Đỗ Phượng đều được cả hai bên đón tiếp nồng nhiệt, thậm chí Phân xã còn được cả hai "tài trợ" cho buổi liên hoan chiêu đãi.

 

Hồng Công - một địa bàn đặc biệt

Hồng Công thực sự là một địa bàn đặc biệt về mọi mặt như về địa lý, chính trị, kinh tế, tài chính, thông tin đại chúng, báo chí, giao thông vận tải và liên lạc viễn thông. Về tổ chức bộ máy hành chính, Hồng Công luôn được giao quyền tự trị rất cao kể từ thời nước Anh cho tới hiện nay. Môi trường chính trị đa nguyên với hơn 10 đảng phái chính trị có chủ trương và xu thế chính trị khác nhau. Thông tin đại chúng đa chiều và đa dạng.

Một thành phố rộng trên 1000 km2 với 6,9 triệu dân nhưng lại có địa vị chính trị, kinh tế, tài chính rất lớn trên thế giới. Bởi vậy, Hồng Công được coi là chiếc "Hàn thử biểu" về tình hình nội bộ Trung Quốc, chiếc "Hàn thử  biểu" về tình hình tài chính tiền tệ quốc tế, chiếc "Hàn thử  biểu" về quan hệ Trung Quốc - Đài Loan, thậm chí là chiếc "Hàn thử  biểu" về quan hệ các nước lớn, nhất là quan hệ Trung - Mỹ. Những thông tin được báo chí Hồng Công tiết lộ thường là những dự báo tương đối chính xác về diễn biến quan hệ giữa các nước lớn. Bởi vậy đây là một địa bàn đặc biệt và cũng là một môi trường rất tốt cho công tác thông tin và báo chí.

Kể từ khi thu hồi chủ quyền năm 1997, Hồng Công được hưởng quyền tự trị cao 50 năm trong khuôn khổ phương châm "Một nước hai chế độ". Dư luận các nước đều cho rằng thời gian 50 năm tới hoặc lâu hơn nữa, Hồng Công vẫn là một địa bàn đặc biệt và nhạy cảm. Hồng Công vẫn là "Trung tâm thông tin" của khu vực và thế giới.

Đến hôm nay, Phân xã Hồng Công đã tròn 11 tuổi, tuy trẻ về tuổi đời nhưng Phân xã đã cung cấp lượng thông tin lớn về Tổng xã. Bình quân hàng tháng, phân xã phát từ 150 - 250 tin, bài; tháng cao điểm có thể tới 400 tin, bài phản ánh những động thái nhạy cảm về tình hình chính trị, kinh tế, tài chính của Trung Quốc, khu vực và các nước.

Tuy nhiên, địa bàn Hồng Công cũng có nhiều thách thức đặt ra đối với phóng viên khi tới công tác, trước tiên về ngôn ngữ. Hiện Hồng Công lấy tiếng Trung và tiếng Anh làm ngôn ngữ chính thức, nhưng thực tế là sử dụng ba thứ ngữ khác nhau. Trong các trường hợp chính thức, tiếng phổ thông (Mandarin Chinese) và tiếng Anh được sử dụng, trong các trường hợp giao dịch thông thường, kể cả các cuộc họp báo lớn của quan chức địa phương thì dùng tiếng Quảng Đông và tiếng Anh. Tuy chữ viết giống nhau, nhưng phát âm tiếng Quảng Đông khác hẳn với tiếng phổ thông và tiếng Bắc Kinh. Bởi vậy, nếu phóng viên tới Hồng Công mà chỉ biết một thứ ngữ thì hạn chế rất nhiều. Hồng Công là "Trung tâm tài chính tiền tệ", "Trung tâm buôn bán", vì vậy đòi hỏi phóng viên cần có những kiến thức cơ bản về kinh tế, tài chính, nhất là lĩnh vực chứng khoán. Ngoài ra, sinh hoạt đắt đỏ vẫn luôn là yếu tố ràng buộc các hoạt động của Phân xã.

Bởi vậy, có thể nói rằng Hồng Công là "địa bàn đặc biệt", đòi hỏi các phóng viên tới địa bàn này công tác cũng cần được bồi dưỡng nghiệp vụ đặc biệt hơn các nơi khác.

 

Báo chí Truyền thông Hồng Công

- 46 tờ báo hàng ngày và 799 tạp chí địa phương với hai ngữ chủ yếu là Trung văn và Anh văn.

- 13 đài truyền hình và 13 đài phát thanh, gồm 100 kênh truyền hình vệ tinh và 200 kênh truyền các loại khác bằng các thứ ngữ khác nhau.

- 94 cơ quan báo chí, hãng thông tấn và truyền hình nước ngoài; trên 100 cơ quan Tổng lãnh sự quán

- 3,8 triệu đường thoại cố định và 8,2 triệu điện thoại di động, 80% gia đình có máy tính cá nhân và nối mạng Internet, trong đó có gần 1.5 triệu trang Web giải rộng, có gần 500.000 đường FAX đi các nơi, 13 mạng lưới thông tin viễn thông.

 

Hồng Công

- Diện tích lục địa 1104 km2 với 235 đảo và bãi, trong đó đảo Hồng Công rộng 81 km2.

- Dân số: 6,9 triệu người

- GDP năm 2006 đạt 189 tỉ USD, đứng thứ 33 trên thế giới, GDP bình quân đầu người là 27.564 USD/người.

- 520.000 công ty, xí nghiệp bản xứ và nước ngoài.

- Trên 30 tỉ USD đầu tư trực tiếp nước ngoài mỗi năm.

- Có 521 Ngân hàng, công ty tài chính, trong đó có 80 Ngân hàng lớn trên thế giới.

- Thị trường chứng khoán của Hồng Công đứng hàng đầu Châu Á với chỉ số Hang Seng hiện trên 20.800 điểm.

Kiều Tỉnh
Theo Nội san Thông tấn, số 7/2007

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

QuýãƯt tẳđm tẳểm hặồõỪƠng ẵỔi mõỪƠi (01/08/2007 09:56:34)

"HÃặy yÃếu ngháỪẮ gáỨốn bÃỠ váỪỈi nghiáỪẬp" (17/07/2007 10:13:45)

Hoạt động nhân ngày báo chí Cách mạng Việt nam 21/6 (16/07/2007 09:54:58)

Sơ kết khóa đào tạo cây bút viết bình luận (16/07/2007 09:54:01)

Thông tấn xã Việt Nam đoạt hai giải (16/07/2007 09:53:19)

Nâng cao chất lượng bản tin phoni (16/07/2007 09:52:21)

Nâng cao chất lượng báo chí trong thời đại kỹ thuật số (16/07/2007 09:43:47)

Những kỷ lục báo chí thế giới (13/07/2007 15:55:31)

Thomson - Reuters bắt tay sáp nhập (13/07/2007 15:54:42)

Làm phóng viên Thông tấn xã sướng thật! (13/07/2007 15:47:48)