Thứ hai, ngày 29/04/2024

Người tốt việc tốt

Kỷ niệm ngày Quốc tế lao động 1-5:

Khiếu Minh Đồng, "Người quản gia" tận tụy của Thể Thao & Văn Hóa


(14/05/2007 15:25:28)

Lời tự sự của anh về quãng đời nghề nghiệp 26 năm qua cũng chính là con đường phát triển của Thể Thao&Văn Hóa, một thương hiệu mạnh của Thông tấn xã Việt nam. TT&VH là "gia đình" thứ hai của anh. Ở đó, ngày ngày, anh lo nhiều công việc hậu tuyến, bảo đảm cho cỗ máy tòa soạn chạy trơn tru và liên tục phát triển.

Kể cũng lạ và hiếm thấy. Trước khi tờ Thể Thao&Văn hóa ra đời, thông tin thể thao của TTXVN đã có một “bàn thắng” đẹp. Đó là bản tin nhanh España 82 TTXVN ra nhận Giải bóng đá quốc tế tại Tây Ban Nha năm 1982. Bản tin “của hiếm” lúc đó bán chạy như tôm tươi. Bạn đọc đứng đặc kín trước Tổng xã số 5 Lý Thường Kiệt, chầu chực mua báo. Nhiều người còn định xông cả vào trong phòng Phát hành để chất vấn vì sao có ít báo bán thế!”, anh Đồng cười, hồi tưởng lại.
Anh Đồng “bén duyên” với TT&VH ngay từ ngày đầu thành lập, năm 1982. Trước đó anh làm ở Tiểu ban Tư liệu của Ban BBT Thế giới. Có thể nói sự ra đời của TT&VH là một quyết định sáng suốt của TTXVN. Xuất hiện vào thời điểm thuận lợi và phát triển đúng hướng, TT&VH đáp ứng được nhu cầu thông tin của bạn đọc thời kỳ đổi mới.

Anh Khiếu Minh Đồng (thứ ba từ trái sang) và tập thể toà soạn báo Thể Thao&Văn Hoá. (Ảnh: CTV).
Thực ra lúc đó, tuần tin Văn Hóa Thể Thao Quốc tế - tiền thân của TT&VH - chỉ là một bản tin 16 trang. Đất nước ta vừa ra khỏi chiến tranh được 7 năm, đời sống vật chất cũng như văn hóa tinh thần vô cùng thiếu thốn. Dễ dàng tưởng tượng thông tin về một giải bóng đá tầm cỡ như Cúp bóng đá thế giới tổ chức ở Tây Ban Nha - 1982 được dân ta đón nhận nồng nhiệt như thế nào.

TT&VH lúc đó đã làm gì có phóng viên - biên tập và cộng tác viên nhiều như bây giờ đâu”, anh Đồng nhớ lại. “Tất cả tin, bài đều trông cả vào lực lượng của Ban BTT Thế giới. Cũng may là lúc đó chúng tôi “ngồi” cùng nhau ở tầng 2 số 5 Lý Thường Kiệt nên qua lại lấy bài vở khá thuận tiện”.
Anh cho biết, phương tiện làm việc của TT&VH lúc đó chỉ có vài chiếc máy chữ Optima kềnh càng. In ấn thô sơ, xếp chữ chì. Làm việc mệt mà vui. Độc giả cũng dễ tính. Không ai kêu ca phàn nàn gì. Bây giờ thông tin quá nhanh, độc giả có nhiều sự lựa chọn nên sinh ra khó chiều hơn chứ hồi đó có được một tờ bản tin España trong tay là cả một niềm vui lớn với họ rồi.
Sau sự kiện đáng nhớ đó, bản tin Văn Hóa Thể Thao Quốc tế tiếp tục phát triển. “Bọn tôi chỉ mong đội bóng Liên Xô (cũ) thắng và vào sâu trong các giải lớn. Đội Liên Xô có thắng thì họ mới phát truyền hình trực tiếp các trận đấu. Ở Giải España 1982, đội Ý vố địch. Đội Liên Xô dừng chân ở vòng 2, thua Ba Lan do hệ số bàn thắng - thua”, anh Đồng nhớ từng chi tiết.
 
Buồn vui riêng trong buồn vui chung
Tuy nhiên, những “mốc vàng son” như España 82 không nhiều. Thời buổi thông tin “trăm hoa đua nở”, công tác phát hành dần trở nên khó khăn hơn. “Suốt những năm 1986-1993, chúng tôi phải đích thân đi phát hành lưu động. Mỗi mối bỏ một ít. Chịu khó đi nhiều thì mới bán được nhiều báo cho tòa soạn, một phần cũng là để cải thiện đời sống gia đình”, anh kể. Cũng theo lời anh, trời nắng thì không sao, chẳng may gặp phải hôm trời mưa đường trơn, cái xe đạp cà khổ mất thăng bằng đổ vật ra, kéo theo cả chồng báo cao quá đầu người xuống đường. Người bẩn và đau thì không sợ mà nhìn chồng báo, công sức của bao con người, lấm lem bùn đất thật xót xa. Chủ sạp chê không lấy cho thì chết. Giao được báo đã vất vả mà đi thu tiền về cũng cực chẳng kém. Đại lý bán báo bỏ tiền lớn, thu tiền lẻ nên hay dây dưa, phải đi lại nhiều lần, vừa “cương” vừa “nhu” mới thu được tiền.
Bây giờ, TT&VH một tuần ra 3 kỳ (thứ Ba, thứ Sáu, thứ Bảy) không kể tạp chí Thể thao Văn hóa & Đàn Ông. Tòa soạn có một lực lượng cộng tác viên đông đảo, nhiều người là những cây bút “cứng”, nhưng biên chế chính thức cũng chỉ hơn chục người. Theo anh Đồng, một bộ máy hiệu quả phải thực sự gọn nhẹ, sắp xếp hợp lý. Không chỉ có phát hành, anh Đồng còn kiêm nhiệm nhiều việc khác liên quan đến tài chính, quảng cáo, trị sự, quản lý cơ sở vật chất - trang thiết bị, nhuận bút… “Không phải tôi thích “ôm” việc đâu mà do ít người nên ai cũng phải kiêm nhiệm, anh giải thích. Về sau công việc trở thành thói quen rồi thì cứ thế mà làm thôi, riết rồi “nghiện” việc tự lúc nào cũng không hay. Việc nhiều, chẳng còn khái niệm làm việc “trong giờ” hay “ngoài giờ” nữa. Ở tòa soạn ai ai cũng bận. Không làm thì ai làm? Mình lại là đảng viên nữa”. Đi sớm, về muộn, thứ bảy, chủ nhật cũng đều làm tuốt. Phải tìm tòi, tự học. Bất cứ việc gì cũng phải học. “Tôi học được nhiều kinh nghiệm quản lý sổ sách ở các đồng chí bên Tài vụ cơ quan lắm. Học thày không tày học bạn. Nhiều khi chỉ nói chuyện vui với nhau vài câu mà học lỏm được nhiều thứ ra phết”, anh cười. “Làm quảng cáo cũng thế. Nào có ai dạy cho mình về marketing đâu! Khách hàng đến, họ yêu cầu phải làm thế này, thế kia. Mình nghe rồi “phác” ra theo ý đồ của họ. Cả hai bên cùng chấp nhận là được”.
Bây giờ anh Đồng “nhàn” hơn. Công việc đã được chia sẻ nhiều. Hiện giờ anh theo dõi việc in báo là chính. Mỗi tuần 3 buổi. ăn cơm tối với vợ xong, chừng 8h30 anh xuống Nhà in Hạ Đình, cách nhà hơn chục cây số. Những ai làm báo “thị trường” mới hiểu được việc in ấn quan trọng như thế nào, nhất là đối với quảng cáo.
Anh Đồng hiểu tường tận từng khâu in báo. “Có hôm màu báo nhòe nhoẹt, chữ lem nhem ai nhìn thấy cũng vừa buồn vừa tức. Nhưng tôi biết đó là lỗi của ông Trời. Do thời tiết ẩm nên giấy hút mực không đều chứ không phải lỗi do công nhân. Mình phải hiểu như vậy thì mới thông cảm được khó khăn cho Nhà in, mới công tác lâu dài được với nhau”, anh bảo.
Anh thường rời Nhà in vào lúc quá nửa đêm nếu mọi việc suôn sẻ. Còn nếu trục trặc thì phải muộn hơn. Để TT&VH đến tay độc giả sáng sớm hôm sau, báo phải in xong lúc 2h sáng. Thế mới biết người làm báo vất vả đến mức nào.
Anh Đồng sinh năm Tý, năm nay 59 tuổi đời, 33 tuổi Đảng. Tốt nghiệp khoa tiếng Pháp Đại học Ngoại Ngữ. Đang học dở thì đi bộ đội 5 năm, phục vụ các chiến trường B2, Đường 9, Nam Lào. Kết nạp Đảng trong quân đội. Sau xuất ngũ năm 1975 anh về trường đại học học tiếp. Hai năm sau về TTXVN. “Tuy không được theo đuổi chuyên môn tiếng Pháp đã được đào tạo, nhưng tôi cảm thầy may mắn và hạnh phúc được làm nhiều công tác khác nhau, trong một môi trường nhân văn. TT&VH là một tập thể đoàn kết, đum bọc nhau”, anh tâm sự.
Theo anh, làm báo trong kinh tế thị trường mà vẫn bảo đảm được tính nghiêm túc, định hướng chính trị là một điều vô cùng khó khăn. “Tôi mong TT&VH có thêm các ấn phẩm mới và thương hiệu TT&VH ngày càng lớn mạnh. Nếu tin tức của TT&VH nói riêng và của TTXVN nói chung có hiệu quả kinh tế thì điều đó cũng có nghĩa là có hiệu quả lớn về chính trị”. Đó là ước mong của người đã 26 năm gắn bó với TT&VH.
 
Anh Ngô Hà Thái, Tổng biên tập báo TT&VH:
Có thể nói anh Đồng là người đảm nhận nhiều đầu công việc nhất ở tòa soạn báo chúng tôi, nhưng anh cũng là người ít nói nhất. Anh ít nói đến nỗi nhiều người cứ tưởng anh vắng mặt nhưng thực ra anh luôn làm việc một cách âm thầm lặng lẽ. Anh là người cần mẫn, biết tổ chức, chăm học hỏi và rút kinh nghiệm. Nhân vô thập toàn, nhưng anh Đồng hầu như không bao giờ để ai chê trách điều gì. Đối với lớp người đi sau, anh Đồng là một tấm gương về sự tận tụy vơí công việc”.
 
Anh Vi Quang Đạo, Phó Tổng biên tập báo TT&VH:
Mỗi tòa soạn báo là một dây chuyền sản xuất mà mỗi công đoạn là một mắt xích mà không thể nói khâu nào kém quan trọng hơn khâu nào. Anh Đồng là người có thâm niên lâu nhất ở tòa soạn báo chúng tôi hiện nay. Anh đã đảm nhiệm nhiều công việc khác nhau và việc gì cũng hoàn thành chu đáo. Chúng tôi đánh giá cao tinh thần trách nhiệm và lòng yêu nghề của anh”.

Minh Cầm
Theo Nội san Thông tấn, số 4/2007