Thứ năm, ngày 25/04/2024

Tin tức trong ngành

Kinh nghiệm đưa tin phá rừng


(31/12/2020 16:36:22)

Trong hai năm qua, phóng viên Cơ quan thường trú (CQTT) Thông tấn xã Việt Nam tại Lâm Đồng đã thực hiện hàng loạt tin, bài điều tra về các vụ phá rừng, trong đó, nổi bật là loạt tin bài về hàng ngàn cây thông bị đầu độc ở huyện Lâm Hà, tháng 5/2019; hàng trăm cây thông cổ thụ bị đốn hạ trong rừng đầu nguồn ở huyện Lạc Dương, đầu năm 2020 và mới đây là vụ rừng bạch tùng cổ thụ hàng trăm năm tuổi bị đốn hạ tan hoang ở xã Đạ Đờn. Qua những vụ việc trên, chúng tôi đã đúc rút một số kinh nghiệm trong công tác triển khai như sau:

Phóng viên Chu Quốc Hùng (bên phải) tại hiện trường, tháng 11/2020

Thứ nhất, đối với những vụ việc phức tạp, nguy hiểm, CQTT cần cử hai phóng viên đi làm để bảo vệ, hỗ trợ nhau, không đi một mình dù là đi cùng các cơ quan báo chí khác. Trong nhóm, nhất thiết phải có một phóng viên nhiều kinh nghiệm, bởi nếu thiếu kinh nghiệm sẽ khó có khả năng làm rõ được vấn đề, nêu bật được mức độ vụ việc, khi tiếp xúc với cơ quan chức năng không khai thác hết được thông tin…
 
Thứ hai, nên phối hợp với phóng viên các đơn vị bạn, đi đông người để bảo vệ lẫn nhau bởi hiện trường các vụ phá rừng thường ở nơi vắng vẻ, cách xa khu dân cư, nếu là khu vực rừng tự nhiên, nguyên sinh thì còn không có sóng điện thoại.
 
Còn nhớ, khi tìm hiểu vụ đầu độc hàng ngàn cây thông tại xã Tân Thanh, chúng tôi đã cảm nhận rõ sự nguy hiểm bởi chỉ có hai phóng viên CQTT Lâm Đồng tại hiện trường. Tiếng động cơ của chiếc flycam đã đánh động đám lâm tặc gần đó. Người dẫn đường cho chúng tôi hoảng sợ, đã hò hét, thúc ép chúng tôi chạy khỏi khu vực khi đám lâm tặc bắt đầu chạy tới. Sau này, chúng tôi mới biết, đó là đám xã hội đen, có tiền án giết người và rất nguy hiểm.
 
Hay như khi tiếp cận hiện trường vụ rừng bạch tùng cổ thụ hàng trăm tuổi bị khai thác trái phép, lúc bắt đầu quay ra, chúng tôi phát hiện hai phóng viên bị mất liên lạc. Sau một hồi tìm kiếm mới biết, họ bị tụt xuống khu vực vùng lõm trong rừng nguyên sinh, không có sóng điện thoại. Mấy anh em bị một phen hoảng hồn.
 
Thứ ba, trước khi đi điều tra, không nên tiết lộ thông tin với chính quyền địa phương và cơ quan chức năng. Điều này có vẻ vô lý, tại sao không phối hợp để cùng thực hiện cho an toàn, hiệu quả? Một điều đau xót, chúng ta phải thừa nhận, lâm tặc có thể là bất cứ ai, ngang nhiên kết bè kết đảng phá rừng lấy đất, thu về hàng tỷ đồng bất chính. Vì thế, nếu thông báo, có thể phóng viên sẽ bị cản trở, thu dọn hiện trường hoặc bị đánh lạc hướng…
 
Với các đơn vị thông tin trong ngành, chúng tôi mong muốn, các ban biên tập tăng tốc độ xử lý tin, bài về các vụ phá rừng nói riêng, tin, bài thời sự nói chung. Bởi khi thực hiện các vụ việc nguy hiểm, chúng tôi đi theo nhóm cùng một số cơ quan báo chí khác. Cùng đi vào hiện trường quay phim, chụp ảnh, cùng viết bài nhưng do khâu biên tập chậm dẫn đến việc nhiều báo phát tin trước chúng ta vài tiếng, thậm chí nửa ngày. Ví dụ, bài viết “Làng biệt thự ngang nhiên xây dựng trên đất rừng có chủ” của CQTT Lâm Đồng đăng sau 24 tiếng kể từ lúc gửi về, đã chậm một nhịp so với các báo khác. Khi Thủ tướng Chính phủ và UBND tỉnh dẫn nguồn để xử lý vụ việc đã dẫn các báo khác chứ không phải theo Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN), khiến cho vị thế của TTXVN bị giảm một cách rất “oan ức”.
 
Đối với tuyến tin, bài phòng chống phá rừng, nên chăng, đặc cách bỏ qua một số khâu kiểm duyệt truyền thống. Yêu cầu phải có ý kiến của chính quyền địa phương, cơ quan chức năng về vụ việc trong những trường hợp này là không hợp lý, bởi họ có thể né tránh không trả lời, không gặp phóng viên. Đề nghị cho chúng tôi đưa tin hiện trường trước đã, phản ánh mức độ thiệt hại, ước lượng số cây bị chặt hạ, diện tích rừng bị phá, thuộc loại rừng gì, ở đâu... Còn phát ngôn của chính quyền địa phương, cơ quan chức năng triển khai sau thì tin mới nhanh được.
 
Và cuối cùng, quá trình tác nghiệp các vụ việc này tốn rất nhiều công sức, nguy hiểm nên cần có cơ chế chấm điểm cao hơn so với các tin, bài khác để khuyến khích phóng viên tham gia, theo đuổi vụ việc./.
 

Chu Quốc Hùng - Trưởng CQTT tại Lâm Đồng
Nội san Thông tấn số 12/2020

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Những kỷ vật vượt thời gian (31/12/2020 16:34:15)

Hội nghị Trưởng cơ quan thường trú trong nước: Đổi mới tư duy và phương thức tác nghiệp (31/12/2020 16:32:27)

Thông báo Tuyển chọn tác phẩm tham gia Giải báo chí TTXVN năm 2020 (31/12/2020 16:30:08)

Tập huấn nghiệp vụ bảo vệ và lái xe an toàn (31/12/2020 16:06:22)

Bồi dưỡng lãnh đạo, quản lý cấp phòng (31/12/2020 16:05:24)

“Vượt bão” - Chương trình truyền hình đặc biệt mừng Tết dương lịch trên kênh VNews  (28/12/2020 16:41:39)

Giành nhiều giải thưởng báo chí về môi trường (28/12/2020 12:04:01)

Kênh Factcheckvn của TTXVN là kênh thông tin có tác động xã hội trên TikTok (28/12/2020 10:47:17)

“Lịch 2021 tương tác” của TTXVN kết nối với nội dung báo chí (28/12/2020 10:20:00)

Kỷ niệm 76 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944- 22/12/2020): Giao lưu với Học viện Phòng không-Không quân  (22/12/2020 11:30:21)