Thứ năm, ngày 04/07/2024

Truyền thống

Kỷ niệm 15 năm ra báo Tin tức (17/6/1991 - 17/6/2006) 15 năm vì một thương hiệu tin tức


(26/09/2006 10:15:02)

Vậy là đã 15 năm kể từ ngày tờ báo Tin Tức (ngày ấy có tên là Tin Tức buổi chiều) ra mắt bạn đọc. 15 năm, tuổi đời Tin Tức không dài nếu đặt cạnh bề dày truyền thống của nhiều toà báo trong làng báo. Ra đời trong giai đoạn kinh tế xã hội đất nước có nhiều đổi mới, quãng thời gian "vắt qua hai thế kỷ" gắn với 4.500 kỳ Tin Tức ra sạp đã hội tụ nhiều cố gắng của những người làm báo Thông tấn xã Việt Nam nói chung và Tin Tức nói riêng. Cái được và chưa được cùng tồn tại và luôn làm người trong cuộc trăn trở khi nhìn lại.

Thế mạnh vẫn ở mức... tiềm năng

     Ngày Tin Tức ra số đầu tiên, cả nước mới có 5 tờ nhật báo: Nhân Dân, Quân  Đội Nhân dân, Hà Nội mới, Sài gòn giải phóng, Hải Phòng. Cộng cả Tin Tức là 6. Những ngày ấy, các tờ báo thuộc hàng bán chạy như hiện nay vẫn ra cách nhật. Và chỉ riêng điểm này, lợi thế cho Tin Tức buổi chiều đã quá nhiều. Bốn trang Tin Tức ngày ấy đầy ắp sự kiện trong và ngoài nước mà các báo khác không có, buộc những đọc giả không muốn lạc hậu với thời cuộc phải bỏ 800 đồng mỗi buổi chiều để có thông tin. Thời điểm đó chỉ với một êkíp gọn nhẹ bằng một phần tư quân số hiện tại, chủ yếu sử dụng những tin, bài chất lượng nhất của TTXVN, Tin Tức đã xây dựng được "thương hiệu". Đặc biệt , khi  có sự kiện lớn diễn ra trên thế giới, lượng độc giả càng lớn. Hình ảnh quen thuộc một thời của Tin chiều là cảnh ùn tắc xếp hàng chờ mua báo trước cổng cơ quan 5 Lý Thường Kiệt (Hà Nội), 120 Nguyễn Thị Minh Khai (TP HCM). Sự kiện "nước Mỹ bị tấn công ngày 11/9" là một minh chứng. Báo Tin Tức chớp thời điểm sự kiện diễn ra trong buổi sáng đưa ngay, tạo nên bước đột phá, nâng số phát hành lên mức kỷ lục.

     Tuy nhiên, trong thời cạnh tranh thông tin, khi xuất hiện hàng loạt tờ báo ra hàng ngày, lợi thế của Tin Tức suy giảm đáng kể. Hàng loạt tờ báo lớn "giành giật" thị trường báo chí bằng cách tăng trang, tăng kỳ, cải tiến nội dung, đổi mới makét... Không chỉ làng báo viết mà cả truyền hình, báo điện tử cũng thay đổi thực sự trong cách đưa tin. Mở trang web Tuổi Trẻ online, một ấn phẩm điện tử của báo Tuổi Trẻ, có thể thấy ngay một slo-gan đầy tự tin, thậm chí là thách thức: "Tuổi trẻ online - Tốc độ của thông tin". Với sự cạnh tranh quyết liệt, những lợi thế khách quan của Tin Tức cũng trở nên "lạc hậu". Nhiều "của độc" của Tin chiều trước đây, nay không còn. Ví như trong lĩnh vực thể thao quốc tế, trước đây có một bộ phận độc giả mua báo để xem kết quả các giải đấu Anh, Ý, Đức. Nay "thị phần" độc giả ấy gần như mất trắng khi Bóng đá, Thể thao hàng ngày, Thể thao Tp HCM, Thể thao ngày nay, Thể thao SGGP... đều đưa đậm, đưa hay hơn.

     Trong khi lợi thế của báo chiều suy giảm, những bất lợi của báo chiều lại lộ rõ. Vì ra buổi chiều nên thời gian "sống" của tờ báo ngắn, công tác phát hành không thể "phủ sóng" rộng (ngay tại Hà Nội vẫn chưa thể phủ kín, tại thành phố HCM, lượng báo phát hành còn ít hơn). Và cũng vì không đưa được báo xuống các tỉnh, nên sự hưởng ứng của các phân xã với Tin Tức cũng chỉ ở mức độ "phải chăng". Tin của các phân xã vẫn chủ yếu đưa về Tổng xã buổi chiều và tối. Đây là thời điểm lên trang của báo sáng và như vậy Tin chiều vẫn đói nguồn. Hiện Tin Tức đón được các sự kiện diễn ra buổi sáng chủ yếu vẫn là tin phản ánh hoạt động của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, trong khi những thông tin về các lĩnh vực khác rất ít. Lượng thông tin mang dấu ấn thực sự của Tin Tức gần như không có. Sự cạnh tranh ráo riết đặt Tin Tức vào thế "bị động" trong cuộc chơi. Ngay cả khi Tin Tức đã có những đổi mới nhất định, có nhiều cố gắng cải tiến cả về nội dung, hình thức nhưng so với yêu cầu vẫn chưa thể đáp ứng. Hãy hình dung, để vận hành được một tờ báo như Tuổi Trẻ là cả một độ ngũ phóng viên, biên tập cán bộ gần 200 người, làm việc chuyên nghiệp, không tính đến chi phí chỉ tính đến hiệu quả. Trong khi Tin Tức với đội ngũ cả phóng viên, biên tập, quản lý chỉ gồm 30 người; với trang thiết bị kỹ thuật, cơ chế tài chính, in ấn và cả diện tích làm việc... vẫn không thay đổi là mấy. Những ý tưởng mới không có cách thực hiện, hoặc chỉ là nhỏ lẻ, loé sáng rồi lại về đúng với xuất phát điểm. Trong bối cảnh như vậy, những lời trách cứ về hình thức: "trông giống như một bản tin", "lỗ chỏng gọng"... của các đồng nghiệp nghe không oan mà vẫn thấy "oan".

"Sân chơi" chung cần chung sức

     Tin Tức được xác định là một trong những ấn phẩm chủ lực của TTXVN, Qua các kỳ "hội nghị Diên Hồng" của toàn ngành, chỉ đạo của Đảng uỷ, Ban lãnh đạo cơ quan, ý kiến của các đồng nghiệp đều xác định Tin Tức là "sân chơi" chung, là "bộ mặt" nghiệp vụ của những người cầm bút, cầm máy ở TTXVN.

Phát hành báo Tin Tức tại TP.HCM. 
(Ảnh: TL.TTXVN)

Có thể nói, báo Tin Tức có đổi mới, phát triển được hay không, chất lượng hay dở đều có trách nhiệm chung của ngành. Theo thống kê của Ban biên tập, hiện "lao động" của phóng viên bản báo phát huy hết công sức cũng chỉ duy trì được "30% GDP" tức là 30% lượng tin bài của báo. Còn lại 70% là tin bài phải trông đợi vào nguồn của phóng viên các phân xã, phóng viên các ban biên tập. Giải pháp có nhiều nhưng không phải dễ áp dụng, thực hiện một sớm một chiều trong điều kiện hiện tại, chưa  kể từ lý thuyết đến thực tế vận dụng còn một khoảng cách khá xa.

Trước nhất, điều mà Ban Biên tập báo Tin Tức trăn trở là để tin tức của báo hấp dẫn, có tính cạnh tranh, cần có nhiều tin mới mà các báo chưa đề cập được. Vấn đề tin mới không chỉ là yếu tố thời gian, diễn ra buổi sáng đưa ngay mà là tin đưa sớm nhất về một vấn đề, là sự kiện vẫn diễn ra ai cũng biết nhưng bằng nhãn quan, bản lĩnh nghề nghiệp khi phóng viên TTXVN tiếp cận nắm bắt đưa được thì thành tin mới. Đây là chuyện không dễ bởi nó "vướng mắc" ở nhiều khâu từ chỉ đạo của các ban biên tập, đến trình độ phóng viên, cơ chế thưởng phạt ... Ví như khi các báo khác tung ra loạt tin bài tiêu cực tại PMU18, tin TTXVN có nhưng nhanh hay chậm, ai chịu trách nhiệm... cần phải định tính định lượng rõ, không vì thấy Tin Tức không có mà cho là 100% trách nhiệm thuộc về Tin Tức.

     Trăn trở thứ hai của Tin Tức là ngoài những thông tin chủ lực định hướng chính trị, Tin Tức phải tăng cường những tin bài mang tính xã hội. Bên cạnh đó, để thời gian sống của Tin Tức được lâu hơn, Ban biên tập cố gắng cải tiến, tạo ra tin bài theo hướng hôm sau đọc báo vẫn mới. Trong 3 mũi đột phá: Nâng chất lượng thông tin, quảng bá phát hành, tiếp thị quảng cáo thì hai khâu sau đang bỏ ngỏ...Với sự cố gắng cần mẫn và lòng yêu nghề của tạp thể cán bộ phóng viên báo Tin Tức, ở tuổi 15, những cố gắng đổi mới trong thời gian qua bước đầu được ghị nhận. Khi bài viết này lên trang, có thể một đồng nghiệp mới là Tin chiều Lao Động cũng đã ra sạp, và sau đó có thể sẽ thêm những tờ báo khác cũng theo đó làm báo chiều. Thêm bạn, đồng thời chấp nhận cuộc cạnh tranh để cung cấp thông tin đến độc giả, tập thể những người làm báo Tin Tức vẫn xác định quyết tâm đẩy mạnh những giải pháp để nâng cao chất lượng nội dung. Tuy nhiên muốn thành công, Tin Tức không thể chỉ riêng mình quyết định tất cả.

Những dấu mốc quan trọng

- Ngày 7/6/1991, Tổng Giám đốc TTXVN ra Quyết định số 147/QĐCB thành lập Ban Biên tập "Tin tức buổi chiều".

- Ngày 17/6/1991, số đầu tiên của Tin Tức buổi chiều chính thức ra mắt độc giả.

- Ra đời chỉ hơn 3 tháng, tirages của Tin Tức buổi chiều đã lên tới 12 vạn bản và có những ngày lên tới 17 vạn bản/ngày khi cuộic chính biến tháng 8/1991 ở Liên Xô cũ xảy ra.

- Ngày 13/11/1998, Tổng Giám đốc Hồ Tiến Nghị ra quyết định số 477/1998/QĐ/TTX hợp nhất Toà soạn Tuần Tin TứcTin tức buổi chiều thành báo có tên là Tin Tức gồm tờ ra hàng ngày (buổi chiều) và tờ cuối tuần.

- Năm 2001, sơ lượng phát hành báo Tin Tức hàng ngày đã tăng vọt lên 34 vạn bản/ngày khi sự kiện khủng bố 11/9 ở mỹ và cuộc chiến của Mỹ tại Ap-gani-xtan xảy ra.

Nguyễn Mạnh Chung
Tổng biên tập báo Tin Tức
(Theo Nội san Thông tấn, số 6-2006)