Thứ bảy, ngày 20/04/2024

Tin tức trong ngành

Kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng Quảng Trị (1/5/1972-1/5/2022): Làm báo tại chiến trường Quảng Trị


(01/06/2022 10:12:09)

Nhân kỷ niệm 50 năm giải phóng Quảng Trị, Nội san Thông tấn xin giới thiệu bài viết của nguyên Phó tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) Trương Đức Anh về những ngày đỏ lửa của chiến dịch Xuân - Hè 1972 tại chiến trường Quảng Trị ác liệt, với những phương thức tác nghiệp độc đáo dọc đường bám theo bộ đội chủ lực truy kích địch. Ở đó, bất chấp mọi hiểm nguy, giữa mưa bom bão đạn, dũng cảm và kiên cường như những người lính thực thụ, các phóng viên TTXVN đã hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Bữa cơm của các phóng viên TTXVN Trương Đức Anh (người đeo kính), Đoàn Ty (thứ ba từ phải sang) và đồng nghiệp tại chiến trường Quảng Trị, năm 1972

1. Chuẩn bị đợt hai của chiến dịch giải phóng Quảng Trị, tôi và anh Vũ Tạo, phóng viên Thông tấn Quân sự ở phòng ảnh Thời sự, Ban biên tập Ảnh TTXVN được phân công đi cùng Sư đoàn 304. Khi đó, cấp trên cũng cử một mũi phóng viên do anh Đoàn Tý và anh Vũ Tín theo đoàn công tác của Bộ chỉ huy chiến dịch. Một mũi khác gồm hai phóng viên ảnh Lương Nghĩa Dũng và Hồng Thụ theo pháo binh và lực lượng xe tăng, xe thiết giáp. Các mũi khác của Phân xã Thông tấn xã Giải phóng (TTXGP) Quảng Trị, Phân xã đặc khu Vĩnh Linh và lực lượng tăng cường do anh Lam Thanh phụ trách, mãi sau này, lúc giải phóng Quảng Trị gặp nhau tôi mới biết.
 
Lần đầu tiên, tôi và anh Vũ Tạo được cử về Sư đoàn 304 (còn gọi là đoàn C) - đơn vị kết nghĩa với TTXVN, đi sâu vào các căn cứ của địch để chuẩn bị cho giờ G ngày N của đợt hai chiến dịch giải phóng Quảng Trị. Ngoài chúng tôi còn có phóng viên Mạnh Tiến, báo Quân đội Nhân dân và Hoa Đình Đạt, Phạm Doanh của xưởng phim Quân đội.
 
Với chiếc ba lô nặng trĩu, ruột tượng gạo thắt lưng, lỉnh kỉnh súng ngắn, dao găm, mặt nạ phòng độc, lựu đạn, vai khóa chiếc sắc cốt đựng tài liệu, chúng tôi vượt núi băng rừng, trèo đèo lội suối, lúc nắng, lúc mưa, đêm thì gió rét, muỗi đốt, ngày thì nắng gắt, trên trời máy bay địch quần đảo, dưới đất pháo bầy nổ ầm ầm. Có khi vừa qua một khu đồi được ít phút, ngoảnh lại đã thấy bom tọa độ và pháo bầy rơi xuống.
 
Đi theo các chiến sĩ Sư đoàn 304 kết nghĩa đánh trận này, với chúng tôi là một dịp may hiếm có. Các anh Vũ Tạo, Đoàn Tý, Lương Nghĩa Dũng và Hồng Thụ là phóng viên ảnh của Thông tấn Quân sự biệt phái sang TTXVN đã tham gia nhiều mặt trận, trải qua nhiều thử thách, gian khổ, nên đã quen với trận mạc. Còn tôi, lần đầu vào mặt trận, lại theo bộ đội hành quân nên gặp không ít khó khăn. Các anh phải hướng dẫn tôi từ cách rút dép, buộc võng, đào hầm đến cách buộc phao bơi vượt sông.
 
Các “chiến sĩ Thông tấn” (từ trái sang): Xuân Lâm, Mai Hưởng, Trương Đại Chiến, Lam Thanh, Trúc Thông và Phạm Tài Nguyên tại Phân xã B Vĩnh Linh, năm 1972

2. Thế rồi chúng tôi cũng đến căn cứ Ái Tử cùng với Sở chỉ huy tiền phương, đào hầm giấu mình trong một đồi cây lúp xúp. Đêm xuống, nhìn rõ đèn điện trong căn cứ Ái Tử, đèn pha của địch quét qua quét lại, soi rõ hàng rào dây thép gai bùng nhùng và những tháp canh cao lêu nghêu. Pháo và súng liên thanh của địch chốc chốc lại bắn từng chập như mưa rào. Nhưng chưa đến giờ G nên phải chịu trận để giữ bí mật tuyệt đối. Sau đó, trận địa lại chìm vào yên lặng, cái tĩnh lặng trước cơn giông, tôi nghe rõ tiếng đập rất mạnh của con tim hồi hộp và căng thẳng. Đúng giờ G, pháo ta gầm lên trút lửa xuống căn cứ Ái Tử, địch hoảng hốt cuống cuồng bắn như vãi đạn. Lúc này, khắp mặt trận Quảng Trị, bộ đội ta đã đồng loạt nổ súng tấn công.
 
Sau những loạt pháo cối, tên lửa DKB phủ đầu phá tung hàng rào dây thép gai, bộ đội ta từ các hướng đồng loạt xông lên. Chúng tôi cùng hai chiến sĩ vệ binh bám theo bộ đội. Với tất cả các giác quan, tôi cố gắng ghi lại không khí, diễn biến trận đánh. Mắt tôi cận thị tới gần 3 diop, đeo chiếc kính buộc dây chun bám theo bộ đội. Vội vã, cuống cuồng, khi thì chạy, lúc lại nằm xuống theo tiếng hô, có lúc ngã lại vùng dậy để chạy cho kịp mũi tiến công, chỉ sợ bị rớt lại phía sau. Trên đường hành quân, để theo kịp đơn vị, tôi đã để lại màn và 4 bánh lương khô, phim tháo bỏ hết hộp giấy, bẻ gãy cán bàn chải đánh răng để di chuyển được nhanh hơn. Lửa cháy đỏ rực trời, bị đánh bất ngờ, quân địch bỏ chạy về phía đường 1, rút lui sâu vào phía Nam, một số cởi bỏ quần áo lính trà trộn với dân thường.
 
Tiến vào sân bay Ái Tử, chúng tôi thấy những chiếc máy bay còn gắn nguyên những quả rocket. Những chiếc xe tăng M48, xe bọc thép M113, xe jeep, xe tải, khẩu pháo 175 ly (vua chiến trường), 105 ly nguyên vẹn, có khẩu đạn đã lên nòng, súng, đạn, quần áo của địch quăng bừa bãi. Xác giặc ngổn ngang, chốc chốc lại có từng đoàn tù binh bị dẫn qua trước mặt. Anh Vũ Tạo khuyên tôi chọn lấy một khẩu carbine và vài băng đạn, thêm hai quả lựu đạn mỏ vịt để tự vệ khi cần.
 
Sau khi tác nghiệp ở Ái Tử, chúng tôi được du kích dẫn đường, vượt sông Thạch Hãn vào thị xã Quảng Trị. Vừa đặt chân lên bờ, đã thấy một chiếc xe M113 cắm cờ ngụy bị bộ đội ta truy kích, vội vã tháo chạy trên đường Lý Thái Tổ ngoặt qua đường Trần Hưng Đạo. Tôi cũng truy đuổi theo, đang mải mê thì bất ngờ gặp các anh Lam Thanh, Lê Minh Trường, Xuân Lâm, Hồng Khanh (báo Nhân Dân) và Thanh Phong (Phân xã Quảng Trị). Mừng vui khôn tả, anh em ôm lấy nhau tíu tít hỏi han. Lúc này tôi mới biết đoàn các anh được Tổng xã cử vào, cũng vượt sông Bến Hải tăng cường cho chiến dịch theo cánh quân từ hướng Đông đánh thẳng vào thị xã Quảng Trị. Quả thật, đội quân Thông tấn tập trung ở chiến dịch này rất hùng hậu.
 
Phóng viên Lương Nghĩa Dũng trên đồi 365 mặt trận Quảng Trị, năm 1971

3. Lúc này, thị xã Quảng Trị đã được giải phóng, nhưng bọn ác ôn, điệp ngầm, thám báo không chịu ra hàng, vẫn còn lẩn khuất, bắn tỉa, ném lựu đạn vào nơi ta đóng quân. Chưa kể bom đạn từ máy bay và tàu chiến của địch, vì cay cú thất bại, có thể trút xuống bất cứ lúc nào. Vì vậy, chiến sự vẫn đang hết sức ác liệt. Tôi nhớ, khi cùng anh Vũ Tạo trên đường vào thôn Tri Bưu thì một tràng AR15 cày trước mặt. Chúng tôi nấp vội vào bức tường rào. Các chiến sĩ của ta lùng sục bắt được tên vừa bắn, đến khi xem mặt tù binh thì hóa ra là một mụ trong đội quân Thiên Nga, Phượng Hoàng của địch chạy không kịp.
 
Đêm đến, chúng tôi ngủ trong hầm và thay nhau gác. Đang nằm thì bom tọa độ đánh sập luôn căn nhà có căn hầm chúng tôi đang ở. Chiếc ba lô của anh Đoàn Tý chắn cửa hầm bị mấy mảnh bom cắm vào, máy ảnh thì bị một mảnh găm vào vỏ ngoài làm móp thân máy. Chiếc mũ của anh Đoàn Tý chụp lên ba lô cũng bị mảnh bom găm be bét.
 
Vừa bám theo đơn vị, tôi vừa tranh thủ khai thác tài liệu và viết tin, bài. Việc khai thác tài liệu để viết cũng rất độc đáo. Khi theo bộ đội tấn công vào căn cứ địch, phóng viên không thể ghi chép được, chỉ “ghi” bằng tai và mắt. Lúc về, ngồi trong hầm, người đã mệt rã rời, chỉ mong nhắm mắt vào ngủ, nhưng phải ghi lại ngay những gì mình đã chứng kiến vào sổ tay và viết thành bài. Dừng lại ở đâu là vội ghi chép và viết ở đấy. Những gì cần viết ngay thì viết hối hả, còn những tư liệu cần thời gian sắp xếp lại cho hợp lý thì về căn cứ mới viết.
 
Chỉ có chiếc đèn dầu hoặc cây nến, kê giấy trên ba lô mà viết, viết ngay mà không cần nháp. Lúc nghe cán bộ, chiến sĩ kể về các chiến công của họ, về đồng đội, tay ghi vào sổ, một tai nghe, còn tai kia hình như đã “ngủ” rồi. Bài viết xong phải đưa vệ binh mang ra Cứ để điện về Hà Nội, với đủ thể loại: tường thuật, ghi nhanh, tổng hợp, ghi chép, chân dung, nhật ký, thư chiến trường và cả tin người tốt - việc tốt.
 
Khi viết tôi không nghĩ ngợi lâu sẽ viết thể loại gì, cốt sao cho bài viết chuyển tải được những điều mình muốn gửi gắm ra hậu phương, cho bạn đọc hiểu về cuộc chiến đấu ác liệt đang diễn ra ở chiến trường. Bài viết đăng ở đâu, phát lúc nào, thậm chí trên đường về Cứ, giao liên làm thất lạc cũng không chừng. Chỉ đến khi cán bộ chính trị của đơn vị thông báo là bài đã phát trên Đài phát thanh Giải phóng, Đài tiếng nói Việt Nam thì chúng tôi mới biết điểm đến của những “đứa con tinh thần” của mình. Cũng có khi tin, bài được đăng trên báo Tiền tuyến - cơ quan của quân giải phóng Trị Thiên. Sau này, khi tôi trở về cứ, anh Vũ Thuộc có tặng tôi chiếc bút máy Trường Sơn và ít tiền ngụy với mấy gói thuốc lào gọi là chút nhuận bút của báo.
 
Việc khai thác tư liệu luôn là vấn đề khó. Viết về cái mình đã chứng kiến, về những người còn sống thì dễ. Nhưng viết về những trận chiến đấu đã qua, đặc biệt những trận bộ đội chiến đấu anh dũng, kiên cường nhưng các chiến sĩ đều hy sinh thì việc lấy tư liệu rất khó, việc xác minh tư liệu lại càng khó hơn. Có khi vừa nghe kể, ghi chép, vừa phải nhờ vẽ sơ đồ trận đánh, các mũi tiến quân, ta ở đâu, địch ở đâu để dễ hình dung viết bài. Ngay cả trận đánh mình tham dự thì cũng chỉ theo được một hướng, muốn nắm tình hình diễn biến chung phải khai thác từ các đồng chí chỉ huy. Dù không ai thúc ép song mọi người đều hiểu, phải viết thật nhanh để còn chuyển về Bắc và kịp hành quân cùng đơn vị.
 
Viết những dòng này, tôi không khỏi bâng khuâng khi sống lại trong không khí những ngày hào hùng ấy, nhưng lòng không khỏi bùi ngùi nhớ tới các chiến sĩ đã hy sinh để Quảng Trị được giải phóng - tỉnh đầu tiên của miền Nam thân yêu thoát khỏi sự kìm kẹp của địch. Trong số những người đã ngã xuống có phóng viên Lương Nghĩa Dũng. Anh hy sinh trên đường theo đơn vị xe tăng truy kích địch và được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học và nghệ thuật. Anh Vũ Tín bị thương, mất một chân. Cũng tại chiến trường này, trong những năm chiến tranh trước đó, các cán bộ của TTXVN như: Phạm Vũ Bình, Phan Ngọc Tuân, Bùi Văn Trình, Vũ Văn Ngọc đã ngã xuống vì sự nghiệp Thông tấn./.

(Tư liệu Nội san Thông tấn)

Trương Đức Anh - Nguyên Phó tổng giám đốc TTXVN
Nội san Thông tấn số 5/2022

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Kỷ niệm 132 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2022): Một ngày theo chân Bác  (01/06/2022 10:10:49)

Các CQTT hoạt động hiệu quả, tạo sức mạnh cho toàn ngành (01/06/2022 09:15:50)

Hướng tới Đại hội Đoàn thanh niên TTXVN nhiệm kỳ 2022-2027: Đã có 22/25 chi đoàn và đoàn cơ sở tổ chức đại hội  (01/06/2022 09:12:33)

Hội cựu chiến binh TTXVN viếng Nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên (30/05/2022 16:33:42)

Liên chi hội nhà báo nhận Bằng khen của Hội Nhà báo Việt Nam (26/05/2022 13:03:38)

Hãng thông tấn Campuchia học tập kinh nghiệm tổ chức thông tin SEA Games 31 của TTXVN (24/05/2022 14:36:47)

SEA Games 31: Hãng thông tấn Malaysia đánh giá tích cực về trang SEA Games 31 của TTXVN  (18/05/2022 15:35:36)

Phóng viên TTXVN tại SEA Games 31 (17/05/2022 11:41:38)

SEA Games 31: Khai mạc trưng bày ảnh “Khát vọng chiến thắng” (10/05/2022 15:40:26)

Hướng tới Đại hội Đoàn thanh niên TTXVN (nhiệm kỳ 2022-2027): Tuổi trẻ các CQTT khu vực phía Bắc phát huy tính chủ động và sáng tạo trong chuyên môn (09/05/2022 09:57:06)