Thứ bảy, ngày 27/04/2024

Tin tức trong ngành

Kỷ niệm 75 năm Ngày Bác Hồ ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến (19/12/1946-19/12/2021): 75 năm vang vọng lời hiệu triệu


(05/01/2022 14:28:29)

Cách đây 75 năm, đúng 20 giờ ngày 19/12/1946, từ Đài phát sóng Bạch Mai, Việt Nam Thông tấn xã Việt Nam (VNTTX) đã phát đi toàn quốc và toàn thế giới tin: Súng đã nổ ở thủ đô Hà Nội, thực dân Pháp đã bội ước, gây lại cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam và Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Hồ Chủ tịch: “Thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ một lần nữa”.

Ngay khi Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Hồ Chủ tịch được phát đi, những loạt đại bác của ta từ pháo đài Láng bắn thẳng vào các mục tiêu của Pháp trong thành phố, chính thức mở đầu cuộc kháng chiến chống Pháp. Ảnh: Nguyễn Bá Khoản - Tư liệu TTXVN

1. Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam mới đã lập Bộ Tuyên truyền trong đó có Nha Thông tin Việt Nam (tiền thân của Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) và Đài Tiếng nói Việt Nam). Nha Thông tin đã tiếp quản Phòng thu tin ở số 6 phố Pierre Pasquier (nay là số 6 Điện Biên Phủ) thuộc Sở Tuyên truyền báo chí Pháp và Đài phát sóng Bạch Mai. Ngày 23/8/1945 là ngày làm việc đầu tiên của TTXVN bằng việc thu và khai thác tin của AFP ở Sài Gòn và Paris, nhận ngang các đài của quân đội Pháp chuyển tin về Pháp, đài Sài Gòn GZR liên lạc hai chiều với Paris... Bắt đầu từ đó, mỗi ngày, đài thu 25.000 từ tin phục vụ Trung ương, Bác Hồ và công tác tuyên truyền. Chính Chủ tịch Hồ Chí Minh là người khai sinh đặt tên cho hãng thông tấn nước nhà.
 
Ngày 15/9/1945, đúng 13 ngày sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc “Tuyên ngôn độc lập” tại Quảng trường Ba Đình khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, từ Đài phát sóng Bạch Mai, VNTTX phát đi toàn thế giới và trong nước danh sách Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân Chủ Cộng hòa và toàn văn bản “Tuyên ngôn độc lập” lịch sử bằng ba thứ tiếng Việt, Pháp, Anh thông báo với thế giới sự ra đời của nước Việt Nam mới. Đó chính là bản tin phát đầu tiên của TTXVN.
 
Nha Thông tin đóng trụ sở ở 71 Trần Hưng Đạo, do bác sỹ Nguyễn Tấn Gi Trọng làm Giám đốc và đồng chí Trần Kim Xuyến làm Phó giám đốc. Phòng thu tin lúc đầu ở phố Pierre Pasquier. Khi quân Tưởng Giới Thạch vào Việt Nam, một số máy móc được chuyển ra phố Nguyễn Trường Tộ. Đầu năm 1946, chuyển về đặt ngay trong trụ sở của Nha thông tin. Bản tin trên giấy đầu tiên được đánh máy phát cho các báo bằng tiếng Pháp ra đời đầu năm 1946 là tin về cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội khóa I nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do đồng chí Lê Chân (tức Nguyễn Huy Điển) và đồng chí Nguyễn Tư Huyên phụ trách.
 
Lúc đó, VNTTX mới có một số ít cán bộ nghiệp vụ, còn số đông là anh em công nhân, sinh viên, học sinh, công chức được Đảng giác ngộ, lấy tinh thần cách mạng hăng say làm việc thay cho sự hiểu biết chuyên môn để cung cấp thông tin cho lãnh đạo, cho các báo đài, các trung tâm tuyên truyền ở các tỉnh, thành. Ngày 1/8/1946 bản tin đối ngoại in bằng tiếng Anh của VNTTX ra đời do đồng chí Trần Văn Chương phụ trách. Sau bản tin tiếng Pháp, bản tiếng Anh đã làm tăng thêm kênh thông tin đối ngoại của nước ta.
 
2. Ngày 18-19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trì Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng mở rộng, quyết định phát động cuộc kháng chiến trên phạm vi cả nước, đề ra đường lối cơ bản của cuộc kháng chiến và thông qua Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến do Người soạn thảo.
 
Đúng 20 giờ ngày 19/12/1946, từ Đài phát sóng Bạch Mai, VNTTX đã phát đi toàn quốc và toàn thế giới tin: Súng đã nổ ở thủ đô Hà Nội, thực dân Pháp đã bội ước, gây lại cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam và Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Hồ Chủ tịch, với câu nói bất hủ: “Thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ một lần nữa”.
 
Ngay khi Lời hiệu triệu toàn quốc kháng chiến của Bác Hồ được phát ra, quân và dân Hà Nội đã nổ súng mở đầu cuộc kháng chiến, đồng thời mau chóng triển khai thế trận chiến tranh nhân dân, toàn dân đánh giặc, thực hiện hàng trăm trận đánh, làm tiêu hao nhiều sinh lực địch, giam chân chúng dài ngày trong thành phố, tạo điều kiện để cả nước bước vào chiến tranh, triển khai thế trận lâu dài. Sáu mươi ngày đêm khói lửa của quân và dân Hà Nội trở thành bản hùng ca với tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, với hình ảnh chiến sỹ ôm bom ba càng sẵn sàng lao vào xe tăng địch.
 
Sáu mươi ngày đêm chiến đấu bảo vệ Hà Nội, giam quân giặc Pháp, lực lượng của ta bí mật đào đắp công sự, đào giao thông hào, tạo chướng ngại vật, hình thành các chiến lũy ở các cửa ô và trên đường phố để ngăn cản cơ giới địch; đục lỗ bắn, đục tường thông nhà ở các dãy phố để cơ động chiến đấu.
 
Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, Phó giám đốc Nha Thông tin Trần Kim Xuyến cùng các phóng viên, kỹ thuật viên VNTTX tổ chức di chuyển toàn bộ cơ sở vật chất kỹ thuật, tài liệu quan trọng của Nha Thông tin sơ tán ra hậu phương, để tiếp tục phục vụ công tác lãnh đạo và chỉ đạo của Đảng và Bác Hồ. Ngay trong đêm 19/12, bộ phận kỹ thuật của VNTTX đã tháo dỡ máy móc và chuyển về chùa Trầm (Chương Mỹ, Hà Nội ngày nay), đồng thời cho nổ mìn phá Đài phát sóng Bạch Mai để không lọt vào tay giặc.
 
Lời kêu gọi đồng bào cả nước đứng lên chống giặc Pháp xâm lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: Tư liệu TTXVN

3. Ở chùa Trầm, các kỹ thuật viên đã nhanh chóng lắp đặt máy móc để kịp thu tin nước ngoài. Không có điện vì thiếu xăng chạy máy nổ, các đồng chí Lê Bá Tâm, Đặng Văn Công (tức Tiến), Nguyễn Văn Tâm (tức Lộc), Lê Ngọc Hoan, Nguyễn Đình Thái, Trần Văn Lịch đã dùng ắc quy thay điện, bảo đảm thu tin liên tục.
 
Ngày 3/3/1947, phát hiện đài phát sóng của ta ở chùa Trầm, thực dân Pháp huy động quân giới ào ạt tấn công, đồng chí Trần Kim Xuyến đạp xe đi các nơi để chỉ huy việc sơ tán tài liệu. Khi vừa hoàn thành nhiệm vụ thì ông bị trúng đạn của quân Pháp, hy sinh tại khu vực Đầm Sen, xã Ngọc Sơn (nay là thị trấn Chúc Sơn), huyện Chương Mỹ (Hà Nội).
 
Đảng viên Trần Kim Xuyến là đại biểu Quốc hội khóa I, Đổng lý Văn phòng Bộ Tuyên truyền trước đây, Phó giám đốc Nha Thông tin, người phụ trách đầu tiên của TTXVN, cũng là nhà báo đầu tiên của Việt Nam hy sinh trong kháng chiến.
 
Ngay đêm 3/3/1947, VNTTX cùng với Đài Tiếng nói Việt Nam phá vòng vây địch rút về phía Sơn Tây, qua Thạch Thất, lên Phú Thọ. Mười lăm ngày sau, VNTTX rời đồn điền Phú Hộ, Phú Thọ, lên Bắc Kạn (chiến khu Việt Bắc).
 
Chiến tranh đã lùi xa gần nửa thế kỷ. Lời hiệu triệu, kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Bác Hồ năm nào như vẫn còn vang vọng. Suốt 75 năm qua, tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” đã trở thành ngọn cờ xung kích, đưa đất nước Việt Nam giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác. Và ngày hôm nay, tinh thần bất diệt ấy lại trỗi dậy, khơi gợi tinh thần đoàn kết, tự hào dân tộc, chung sức chung lòng của mọi tầng lớp nhân dân đối mặt và vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách của dịch COVID-19, quyết tâm xây dựng đất nước Việt Nam cường thịnh, phồn vinh và hạnh phúc./.
 
(Theo cuốn “55 năm TTXVN”)

Nội san Thông tấn số 12/2021

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Ký ức Hà Nội 1972 (05/01/2022 14:24:34)

5 năm thực hiện Nghị quyết số 01-NQ/ĐU của Đảng ủy TTXVN về “Nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác thông tin đối ngoại”: Chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động (05/01/2022 14:23:51)

Đại hội toàn quốc Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 (31/12/2021 17:04:53)

TTXVN và Đại sứ quán Liên bang Nga thúc đẩy hợp tác truyền thông (28/12/2021 18:46:26)

Tăng cường phối hợp công tác với Ban Kinh tế Trung ương (28/12/2021 15:07:36)

Công bố 10 sự kiện nổi bật trong nước và thế giới do TTXVN bình chọn (27/12/2021 11:12:55)

Kỷ niệm 77 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944-22/12/2021): Nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa (22/12/2021 21:30:27)

Phim tài liệu của báo Việt Nam News giành giải Nhất tại LHP phim ngắn của Mỹ (22/12/2021 17:40:03)

Đảng ủy TTXVN ra Nghị quyết về nhiệm vụ thông tin chiến lược trong tình hình mới (21/12/2021 14:17:28)

Thi tìm hiểu pháp luật theo hình thức trực tuyến (20/12/2021 17:10:17)