Thứ bảy, ngày 27/04/2024

Tin tức trong ngành

Kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11: Mười đêm trắng


(02/12/2021 17:18:00)

Thủa nhỏ, khi đọc tiểu thuyết “Đêm trắng” của đại văn hào Dostoievski, điều mà tôi ấn tượng nhất không phải là những cuộc trò chuyện thi vị, trong sáng giữa “người mơ mộng” và Nachenka hay những “đêm trắng” huyền ảo của thành Saint Petersburg, mà lại là… khả năng thức khuya bền bỉ và liên tục của hai nhân vật chính.

Sau này, trải qua thời sinh viên và đi làm công tác phóng viên thường trú, tôi cũng thức đêm khá thường xuyên, nhưng hiếm khi tới hai đêm liên tục. Vì thế, mỗi khi nhớ về tác phẩm kinh điển trên, tôi vẫn thường cho rằng, khả năng đáng nể đó có lẽ là một sự cường điệu văn học, cho dù không thể phủ nhận động cơ đặc biệt của hai nhân vật chính. Thế nhưng, ở đời không ai học được chữ “ngờ”. Và điều mà tôi không ngờ là chính bản thân đã có một trải nghiệm “trường kỳ” hơn cả cuốn tiểu thuyết đó.

Tháng 10/2021, sau khi trải qua lớp bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí khá ngọt ngào, với một khóa học gốc 8 tuần được tinh gọn thành 8 ngày học trực tuyến và một bài thu hoạch khá “hợp tình, hợp lý”, chúng tôi hồ hởi bước vào lớp học bồi dưỡng phóng viên, biên tập viên hạng III. Với các phóng viên thường trú ngoài nước, ai cũng hiểu đây là cơ hội hiếm có mà Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) đã nỗ lực tạo ra để chúng tôi hoàn thiện hồ sơ nghiệp vụ của mình. Thế nhưng, khi nhận được lịch học, cả nhóm phóng viên thường trú tại châu Mỹ (6/16 phóng viên thường trú ngoài nước tham dự khóa học này) choáng váng vì tất cả 10 buổi học đều diễn ra vào buổi chiều theo giờ Việt Nam, tức là vào đêm khuya tới sáng sớm tại châu Mỹ.
 

Các học viên CQTT tại La Habana (Cuba) làm bài thi online

Tất nhiên, chúng tôi không có lựa chọn nào khác ngoài việc xốc lại tinh thần với lời động viên: “chỉ vài buổi thức đêm thôi mà” và bước vào lịch học kỳ lạ, thậm chí còn nặng hơn cả thời sinh viên.

Nhưng cũng phải thú thực, chưa khi nào các phóng viên thường trú tại khu vực Mỹ Latinh lại trao đổi thường xuyên và rôm rả như vậy. Thay vì những lời hỏi thăm, trao đổi tình hình khu vực như trước đây, những đồng nghiệp có thâm niên, quen biết cả từ trước khi vào cơ quan, giờ đây có dịp chia sẻ mỗi ngày từ những mẹo chống buồn ngủ, cách thức ghi âm hay lưu giữ các bài giảng để khỏi mất nội dung khi tâm trí đang trong tình trạng “lơ mơ”, tới những điểm mới, lạ trong các bài giảng, mức độ lôi cuốn của các giảng viên, hay cả nỗi lo lắng phải viết tay bài thi khi mà cả hàng chục năm chỉ quen gõ bàn phím…

Cùng với đó là nhiều mẩu chuyện ngộ nghĩnh chỉ diễn ra trong các lớp học online “xuyên lục địa”, như những lần vừa học vừa làm bị “hiện nguyên hình” vì quên tắt mic, rồi cả thầy giáo cũng vô tình quát mắng con vào nhầm mic của lớp học, hay một bạn thường trú tại châu Âu bị thầy gọi mãi mà vẫn không bật được camera chỉ vì loay hoay chưa kịp mặc áo “đẹp”...

Kỷ niệm đáng nhớ nhất với tôi là trong buổi học về kinh nghiệm phỏng vấn do một nữ nhà báo VTV làm giảng viên. Khi cô giáo yêu cầu cả lớp bật camera để tăng cường giao lưu (dù ai cũng là hiểu đây là một hình thức điểm danh) tới mấy lần mà tôi vẫn không thể bật, đơn giản vì khi đó Cuba đang nửa đêm, lại đúng lúc bị cắt điện luân phiên, còn tôi và vợ tôi (cùng là học viên của lớp) ngồi cạnh nhau trong cảnh tối mò.

Sau những buổi học đêm, ban ngày, chúng tôi lại tiếp tục với vòng quay của công việc và cuộc sống thường nhật: viết tin, họp báo, ghi hình, đưa đón con đi học, mua sắm, gặp gỡ mọi người… Cái vòng quay chẳng bao giờ dừng lại, chờ đợi cho chúng tôi được ngủ bù sau những đêm học hành vất vả. Những ngày sau đó, chúng tôi không thèm gì hơn một giấc ngủ sâu. Có lần, sau cuộc phỏng vấn với một học giả chuyên về chủ nghĩa Marx-Lenin của Cuba, với nội dung khá hóc búa và phải mất tới ba tháng chờ đợi, món quà xa xỉ mà tôi tự thưởng cho mình là một giấc ngủ bù 30 phút ngay trên ô tô, trước khi lên phòng làm việc để kịp bóc băng và làm những công việc khác. Bên cạnh những mệt nhọc, hẳn mỗi học viên, dù ít dù nhiều, đều tìm thấy trong khóa học này những điều bổ ích cho chuyên môn của mình, vì dù cơ bản, nhưng các nội dung trong khóa học khá toàn diện, bao gồm cả lý thuyết lẫn thực tiễn.

Tại một đất nước mà người dân luôn mỉm cười và bình thản đối diện vô số những khó khăn thường nhật, mà có lẽ nếu phải liệt kê, họ cũng chẳng biết bắt đầu từ đâu, mong muốn của tôi trong bài viết này đơn giản chỉ là kể lại một kỷ niệm đáng nhớ và hiếm khi có được với nhiều đồng nghiệp trong cơ quan. Đó lại là một dấu ấn nữa trong nhiệm kỳ vốn đã đầy ắp những trải nghiệm khó quên cả từ góc độ nghề nghiệp tới góc độ cá nhân tại Cuba - “quê hương thứ hai” của tôi. Quan trọng hơn, đó thực sự là một trải nghiệm hữu ích./.
 
 

Vũ Lê Hà - Trưởng CQTT tại La Habana (Cuba)
Nội san thông tấn số 11/2021

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11: Học viên F0 (02/12/2021 17:15:19)

Cuộc thi Phóng viên trẻ Pháp ngữ lần thứ 6 - năm 2021 Phụ nữ Pháp ngữ, Phụ nữ kiên cường (02/12/2021 17:14:13)

Khám sức khỏe định kỳ cho công chức, viên chức và người lao động (02/12/2021 17:08:55)

Công tác tổ chức, nhân sự  (02/12/2021 17:08:23)

Ban chỉ đạo Trung ương về quản lý biên chế làm việc Ban thường vụ Đảng ủy TTXVN (30/11/2021 09:49:58)

Đưa Tủ sách Đinh Hữu Dư đến với học sinh vùng cao Thái Nguyên (29/11/2021 15:20:35)

Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ VII: TTXVN giành giải Đặc biệt (28/11/2021 23:01:16)

Hội thảo “Nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu khoa học tại TTXVN” (26/11/2021 17:54:23)

Triển khai các quy định mới của Trung ương và tập huấn nghiệp vụ công tác đảng năm 2021 (26/11/2021 17:06:55)

Công bố quyết định chuẩn y đồng chí Vũ Việt Trang làm Bí thư Đảng ủy TTXVN (25/11/2021 19:51:16)