Chủ nhật, ngày 28/04/2024

Tin tức trong ngành

Nắm vững đường lối, bám sát phong trào


(02/07/2021 11:16:45)

Cách đây 40 năm, ngày 13/1/1981, Ban Bí thư đã ra Chỉ thị số 100-CT/TW về “cải tiến công tác khoán, mở rộng khoán sản phẩm đến nhóm lao động và người lao động trong hợp tác xã nông nghiệp” (gọi tắt là Chỉ thị 100), qua đó, làm thay đổi căn bản kinh tế nông nghiệp của Việt Nam. Cùng với rất nhiều bỡ ngỡ và thận trọng của các địa phương, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) thời kỳ đó đã đi tiên phong trong công tác tuyên truyền về khoán sản phẩm nông nghiệp, với tư duy và phương thức tác nghiệp có nhiều đổi mới. Nội san Thông tấn xin trích giới thiệu bài viết của nhà báo Trần Tích (1942-2007), nguyên Tổng biên tập Bản tin ảnh Dân tộc và Miền núi về những ngày đầu tham gia tuyến thông tin quan trọng này.

Phóng viên Trần Tích (thứ hai bên phải) tháp tùng Bí thư thứ nhất Lê Duẩn dự hội nghị nông nghiệp tại Thái Bình, ngày 4/8/1974

Chuyện xảy ra vào những tháng đầu năm 1981. Lúc ấy, miền Bắc đang mở đầu phong trào khoán sản phẩm trong nông nghiệp, bùng lên ở Hải Phòng, rồi lan nhanh khắp các vùng, từ đồng bằng lên trung du, vào tận trong khu bốn, khu năm… Ấy thế mà, vẫn còn một số tỉnh do dự, chần chừ chưa mạnh dạn tiếp thu hình thức khoán mới hoặc cứ lặng lẽ làm chứ chưa muốn thông tin, tuyên truyền. Đó là khó khăn thực tế của một số phân xã.

Trước tình hình này, anh em Phân xã Hà Nam Ninh (các cơ quan thường trú Hà Nam, Nam Định và Ninh Bình hiện nay) đã kiên trì theo dõi tình hình, bám sát cơ sở, liên hệ với các ngành ở địa phương, tìm một phương án thích hợp để đưa tin về vấn đề này. Đồng chí Trưởng phân xã Lê Văn Hy và các phóng viên Văn Nghĩa, Hồng Giang, Hồng Thịnh, Thanh Phương đã nắm chắc được tình hình thực tế ở địa phương. Thời điểm ấy, Hà Nam Ninh đã có những hợp tác xã khoán sản phẩm sớm và đang có hàng chục hợp tác xã khoán sản phẩm thí điểm đạt kết quả… Nhưng tỉnh còn dè dặt, chưa cho tuyên truyền, thậm chí còn yêu cầu các ngành không được cung cấp tài liệu về khoán sản phẩm cho phóng viên báo Trung ương. Vậy, làm thế nào để cổ vũ phong trào khoán sản phẩm đang diễn ra ở một địa phương mà lãnh đạo còn dè dặt, thận trọng?

Phân xã đã phân tích các mối quan hệ của tình hình thực tế và nhất trí thực hiện một kế hoạch tuyên truyền linh hoạt từ cơ sở lên huyện, rồi lên tỉnh. Đồng chí Trưởng phân xã viết về một hợp tác xã, các phóng viên khác cũng chia nhau đi cơ sở, về huyện đưa tin khoán sản phẩm. Một số tin, bài về khoán sản phẩm trong nông nghiệp ở Hà Nam Ninh được phát lên. Khi nhận được bản tin, ngồi đọc, anh em trong Phân xã vừa mừng, vừa lo. Mừng vì Phân xã đã góp được những nốt nhạc vào bản hợp xướng ngợi ca phong trào khoán sản phẩm. Lo vì không hiểu tỉnh sẽ phản ứng thế nào.
 
Tin “Hà Nam Ninh: 323 hợp tác xã thực hiện khoán sản phẩm cây lúa đến người lao động” của phóng viên Phan Thanh Phương phát trên bản tin Trong nước của TTXVN, ngày 1/2/1981

Không thể dừng lại đây, phải tuyên truyền mạnh hơn nữa. Trung ương đã có Chỉ thị số 100, thực tế ở địa phương đã chứng minh rõ: khoán sản phẩm rất phù hợp với tình hình nông nghiệp hiện nay. Chính lúc ấy, phóng viên Phan Thanh Phương đã nhận trước Phân xã đưa một tin tổng hợp về khoán sản phẩm mới của toàn tỉnh. Phương sang Tỉnh ủy lấy tài liệu thì không ai cung cấp. Phương đến UBND tỉnh nắm tình hình thì không thu được thông tin gì. Phương sang hỏi ý kiến Ban Nông nghiệp Tỉnh ủy thì được trả lời: “Vấn đề này khoan đã, địa phương chưa muốn tuyên truyền”. Cuối cùng, Phương đến Ty nông nghiệp, một đồng chí tiếp và cung cấp tình hình nhưng với điều kiện khi viết tin không được nói rõ nguồn tin (tức là phải bí mật với lãnh đạo tỉnh về tên người và cơ quan cung cấp tài liệu). Phương đã nhận lời và xin chịu trách nhiệm hoàn toàn trước tỉnh về việc làm của mình.

Lấy được tài liệu, Phương rất mừng và miệt mài ngồi viết tin: “Hà Nam Ninh: 323 hợp tác xã thực hiện khoán sản phẩm cây lúa đến người lao động”. Viết xong ngày 23/1/1981, Phương gửi ngay về Tổng xã và cứ thấp thỏm đêm ngày hướng về Hà Nội chờ mong. Năm ngày rồi một tuần trôi qua, vẫn không thấy bản tin đăng, Phương cứ ngầm trách các anh ở Tổng xã. Mãi đến ngày 1/2/1981, tức là gần hai tuần sau, tin mới được dùng và ngày hôm sau, báo Nhân Dân đã đăng trang nhất.

Thấy tin của mình được đài đọc, báo đăng, Phương rất mừng vì điều đó có nghĩa là các anh chị ở Tổng xã đã ủng hộ Phân xã. Phương cũng đề nghị các báo và đài địa phương dùng tin này. Lúc đầu còn phân vân nhưng hai tuần sau, các báo và đài địa phương đã đồng loạt phát và đăng tin tổng hợp về khoán sản phẩm toàn tỉnh của Phương.

Tác dụng của tin tổng hợp ấy thế nào và tuyến tin về khoán sản phẩm của Phân xã Hà Nam Ninh có những cố gắng, hạn chế gì, có lẽ các đồng chí ở Phân xã Hà Nam Ninh hiểu rõ hơn. Có điều, từ đó đến nay, Tỉnh ủy và UBND tỉnh Hà Nam Ninh ngày càng gắn bó với Phân xã. Các đồng chí lãnh đạo huyện khi lên tỉnh họp thế nào cũng tìm đến gặp phóng viên TTXVN.
 
Ngày mùa trên sân kho hợp tác xã Nhân Khang, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam Ninh, năm 1982

Kể câu chuyện trên, chúng tôi chỉ muốn nói, hiệu quả và tác dụng của một cái tin bắt nguồn từ sự kiên trì nắm đường lối, bám sát thực tiễn phong trào và phong cách làm việc nghiêm túc, đúng đắn của phóng viên, dù rất thầm lặng. Riêng về sản xuất nông nghiệp hiện nay, nếu như không có những việc làm bình thường, thầm lặng mà dũng cảm ấy thì làm sao ngành báo chí thông tấn lại được các đồng chí Phạm Văn Đồng, Võ Chí Công khen ngợi tại hội nghị sơ kết khoán sản phẩm vừa qua ở Hà Nam Ninh: ngành báo chí và các cơ quan ngôn luận đã mạnh dạn đi đầu cổ vũ phong trào khoán sản phẩm./.

(Tư liệu Nội san Thông tấn)
Nội san Thông tấn số 6/2021

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Giải báo chí TTXVN năm 2020: Làm mới những đề tài không mới  (02/07/2021 11:15:16)

Kỷ niệm 96 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2021): Chúc mừng ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (02/07/2021 10:24:56)

Cách tôi chọn để cống hiến cho Việt Nam News (02/07/2021 10:14:55)

Chúng tôi đến tâm dịch Bắc Giang (02/07/2021 09:58:10)

Chạy đua với thời gian (02/07/2021 09:53:43)

Vòng loại giải vô địch bóng đá thế giới 2022: Tự hào bóng đá Việt Nam (02/07/2021 09:45:37)

TTXVN nghiên cứu, học tập Nghị quyết Đại hội XIII Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương (30/06/2021 17:36:09)

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith và Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tham quan trưng bày ảnh của TTXVN (30/06/2021 17:15:11)

Tiêm vaccine phòng dịch COVID-19 đợt 2  (25/06/2021 11:15:49)

Lời cảm ơn của TTXVN nhân kỷ niệm 96 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (23/06/2021 17:34:53)