Chủ nhật, ngày 28/07/2024

Tin trong ngành

Nhà báo Minh Lộc và ký ức "đêm Ba Đình" rực lửa


(02/01/2013 15:57:33)

Thuộc lớp phóng viên ảnh của TTXVN những năm đầu thập kỷ 60 thế kỷ trước, nghệ sĩ nhiếp ảnh Minh Lộc mang trong mình khí chất người lính- phóng viên chiến trường. Những ngày không thể nào quên tháng 12/1972 ở Hà Nội, ông đã xông xáo khắp nơi và chụp được rất nhiều bức ảnh quý giá. Phóng viên Nội san Thông tấn đã có cuộc trò chuyện với ông trong những ngày kỷ niệm 40 năm “Ðiện Biên Phủ trên không”.

 

Bức ảnh "Ga Hàng Cỏ bị máy bay F.111 đánh bom chiều 24/12/1972" của tác giả Minh Lộc

Dù gần 40 năm đã trôi qua nhưng ký ức về những giây phút bấm máy trong lửa đạn vẫn ăn sâu vào tiềm thức của nhà báo lão thành Minh Lộc, người có giọng nói sang sảng đầy khí phách của dân Nam bộ.

Ngày 24/12/1972, có lẽ là thời khắc đáng nhớ nhất trong sự nghiệp làm báo của ông. Ông bồi hồi nhớ lại:

"Lúc đó người dân Hà Nội chuẩn bị đón Noel, không khí cuối năm rất rộn ràng, cánh phóng viên chúng tôi cũng chung tâm trạng lâng lâng, muốn tụ họp gia đình. Khoảng 15 giờ, tôi đang trực ở công sự, trên nóc tòa nhà TTXVN tại số 20 Trần Hưng Đạo thì bất ngờ nghe nhiều tiếng nổ lớn. Hướng tầm nhìn về phía ga Hàng Cỏ, tôi thấy những cột khói bốc lên. Nghĩ bụng có chuyện, tôi lập tức phóng xe đạp đến đó. Quả thật, một góc nhà ga đã bị bom đánh tan hoang. Lúc này, các nhân viên y tế cũng kịp đến ứng cứu, hiện trường bị phong tỏa, PV không được vào bên trong. Tôi chụp một loạt hình bên ngoài rồi chạy về cơ quan.

Chiều tối hôm đó, chúng tôi được nghe thông tin địch sẽ không cho nhân dân thủ đô đón Noel bằng cách đánh phá ác liệt. Tất cả anh em trong cơ quan đều nhận được lệnh sẵn sàng trực chiến. Tôi được lãnh đạo phân công lên Ba Đình, túc trực ở trận địa dân quân tại đây.

20 giờ, tôi đeo máy ảnh, đạp xe hướng về phía Ba Đình. Khoảng 21 giờ, chúng tôi nghe tiếng máy bay từ xa, rồi trên bầu trời xuất hiện những chấm sáng nhỏ, sau đó là những hồi còi báo động liên tục, tiếng loa cảnh báo, giục giã "Đồng bào chú ý... máy bay Mỹ cách thủ đô 30km... 20km ...10km...". Ngay sau đó, bầu trời Hà Nội đỏ rực, các trận địa pháo của chúng ta đều nhằm mục tiêu máy bay địch. Chưa bao giờ tôi chứng kiến cảnh tượng như thế: Trên nền không gian đen kịt, những ánh chớp giật, xé ngang bầu trời.

Phóng viên VNTTX trên chốt, 12/1972

Bất ngờ một chiếc B52 bị trúng đạn pháo của ta và rơi ngay sát trận địa Ba Đình. Tất cả đồng thanh hô vang "B52 bị bắn rơi!". Rất nhanh, tôi leo lên xe của ông giám đốc xe ca Ba Đình chạy về hướng máy bay rơi. Lúc đó, người dân kéo đến rất đông, tôi chớp được hình ảnh cánh của chiếc B52 vẫn còn cháy đỏ rực trên bờ tường căn nhà đường Hoàng Hoa Thám. Hai bên đường Hoàng Hoa Thám dày đặc bom của chiếc B52 bị rơi xuống văng ra, nhưng rất may là chúng chưa được tháo ngòi nên không vấn đề gì. Một số quả bom khác cũng rơi trúng nóc nhà nhưng không phát nổ.

Một phần xác chiếc B52 rơi tại hồ Hữu Tiệp trong vườn hoa Ngọc Hà. Mấy ngày sau, tôi trở lại hồ, thấy một cô gái đang múc nước tưới hoa bên cạnh xác B52, khung cảnh rất yên bình, dường như vẫn chưa hề xảy ra chuyện gì đối với Hà Nội. Tôi liền bấm máy và có được bức ảnh tâm đắc. Bức ảnh này được rất nhiều báo trong nước và quốc tế sử dụng.

Ngày 25/12, Mỹ tạm thời ngưng ném bom, nhưng đến những ngày 26, 27 và 28/12, cảnh đau thương, mất mát hoang tàn lại tái diễn bởi sự tàn khốc của chiến tranh.

 

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Minh Lộc tên thật là Nguyễn Hữu Lộc, sinh năm 1937 tại Cao Lãnh, Đồng Tháp. Từ năm 1975 đến nay ông đã tổ chức được 48 cuộc triển lãm ảnh cá nhân. Ông từng đoạt nhiều giải thưởng quốc tế về ảnh. Năm 1995, nghệ sĩ nhiếp ảnh Minh Lộc được sách Kỷ lục Việt Nam công nhận là người chụp ảnh Sếu đầu đỏ nhiều nhất. Ông và người thầy của mình là nhà nhiếp ảnh Võ An Ninh được công nhận là công dân danh dự của Sapa, Lào Cai.

Mười hai ngày đêm "Điện Biện Phủ trên không", chứng kiến những khoảnh khắc bom đạn ác liệt tại Ba Đình, Đông Anh, Hà Tây, ga Hàng Cỏ, đêm "mưa bom" ở Khâm Thiên... có lẽ là khoảng thời gian đáng nhớ nhất trong cuộc đời làm phóng viên ảnh TTXVN của tôi. Hồi ấy, dù chiến tranh có ác liệt, hiểm nguy, bom đạn rình rập, một số phóng viên đã ngã xuống dưới mưa bom bão đạn, nhưng không vì thế mà chúng tôi nhụt ý chí. Cũng như những chiến sĩ, chúng tôi không nghĩ đến cái chết, ống kính máy ảnh luôn sẵn sàng".

Suốt cuộc trò chuyện với nghệ sĩ Minh Lộc, ngập tràn trong tôi là cảm xúc về một nhà báo - thời trai trẻ, lộc cộc trên chiếc xe đạp cùng chiếc máy ảnh "bất ly thân", dũng cảm xông xáo tác nghiệp trong những khoảnh khắc ác liệt nhất của Hà Nội những ngày cuối năm 1972. Nhiều tác phẩm ảnh báo chí của ông sống mãi với thời gian.     

 

Sĩ Dũng
Theo Nội san Thông tấn, số 12/2012

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Những ngày chiến thắng pháo đài bay  (02/01/2013 15:48:10)

Chi hội Nhà báo Ban Biên tập Ảnh đi giao lưu thực tế tại Bắc Ninh (05/12/2012 16:47:00)

Hội Cựu chiến binh tặng quà nạn nhân da cam (05/12/2012 16:42:26)

Bồi dưỡng Trưởng phân xã năm 2012 (05/12/2012 16:39:53)

Kỷ niệm 95 năm Cách mạng Tháng Mười Nga (05/12/2012 16:36:26)

Thực hiện Nghị quyết 01 của Đảng ủy TTXVN: Bàn biện pháp nâng tầm hoạt động của hệ thống phân xã trong nước. (05/12/2012 16:33:23)

Nâng cao hiệu quả công tác thông tin đối ngoại (05/12/2012 16:27:30)

TTXVN và EVN hợp tác truyền thông  (05/12/2012 16:25:07)

Giao ban cấp ủy quý III: Tập trung làm tốt công tác kiểm điểm, tự phê bình và phê bình trong toàn Đảng bộ  (05/12/2012 16:21:54)

Tổng Bí thư Đảng lao động Mêhico thăm TTXVN  (05/12/2012 16:17:46)