Chủ nhật, ngày 28/07/2024

Tin trong ngành

Nhớ mãi GP10!


(07/02/2013 09:09:33)

Lớp GP10, mà tôi vinh dự được làm lớp trưởng, được tổ chức tại Hạ Hiệp, Đan Phượng, Sơn Tây (nay thuộc Hà Nội). Học xong, chúng tôi được đưa đi bồi dưỡng và rèn luyện thể lực ở Hòa Bình.

Biên tập tin, ảnh tại Cứ

Kết thúc đợt bồi dưỡng và rèn luyện thể lực, các PV GP10 được biên chế thành 5 chi đi vào các mặt trận với các phiên hiệu riêng (ví dụ, chi 7 - chi PV tin đi vào chiến trường miền Đông và miền Tây Nam bộ (B2) có phiên hiệu là đoàn A264). Chỉ có một số rất ít ở lại miền Bắc theo yêu cầu của ngành. Trong 5 đoàn PV VNTTX chi viện cho TTXGP thì một đoàn đi Bình Trị Thiên, một đoàn đi các tỉnh miền Trung Trung bộ, ba đoàn (hai đoàn PV tin, một đoàn PV ảnh) đi vào chiến trường miền Đông và miền Tây Nam Bộ.

Ngày 16/3/1973, các đoàn từ Hòa Bình về ga Hàng Cỏ (Hà Nội) rồi ngay chiều tối cùng ngày rời ga vào Nam. Anh chị em các tỉnh gửi vội những lá thư chia tay, tạm biệt gia đình, người thân, bạn bè. Một số người có gia đình ở Hà Nội đã "bí mật" thông báo để người thân kịp ra ga chia tay trước lúc đi vào chiến trường. Có cả những cuộc chia tay với giọt nước mắt giấu trong khăn tay của những đôi yêu nhau. Ngày ấy, họ không dám ôm hôn nhau trước mặt mọi người mà chỉ lặng lẽ cầm tay nhau hơi lâu một chút và hẹn ngày chiến thắng trở về.

16/3/1973 là mốc thời gian không thể nào quên đối với các học viên GP10. Nó mở đầu cho chuyến hành quân dài ngày vào chiến trường đầy gian khổ mà khó ai trong chúng tôi hình dung hết được.

Ròng rã hành quân hơn hai tháng bằng xe ô tô, đi bộ "xẻ dọc Trường Sơn..." từ Quảng Bình băng rừng, lội suối, vượt sông sang đất bạn Lào, Campuchia, các đoàn lần lượt tập kết về căn cứ của TTXGP từ Bình Trị Thiên đến miền Đông, miền Tây Nam bộ. Trên đường hành quân, xảy ra những mất mát đau lòng. Chiếc xe chở đoàn PV đi Trung Trung bộ bị đổ ngay ở thành phố Vinh (Nghệ An) khi cua ở ngã tư làm một số PV bị thương, phải quay ra Hà Nội chữa trị và ở lại Tổng xã làm việc. Chiếc xe chở đoàn PV tin (đoàn A264) đi B2 bị đổ ở thị trấn Attapeu (Lào) cách trạm giao liên 79 vài cây số trên biên giới Lào- Campuchia trong ngày cuối cùng của cung đường giao liên cơ giới, 2/4/1973. Tai nạn làm Phạm Thị Kim Oanh và Trần Viết Thuyên cùng ông Lâm Văn Bang (cán bộ miền Nam tập kết) hy sinh; hầu hết PV, cán bộ đi trên xe bị thương. Bảy PV may mắn bị thương nhẹ, nghỉ ngơi ít ngày là đủ sức khỏe đi tiếp vào chiến trường. Số PV bị thương nặng phải quay ngược trở lại trạm giao liên 78 để chữa trị rồi mới lên đường, tiếp tục cuộc hành quân còn dang dở.

Phơi phới sức trẻ trên đường ra chiến trường

Được đào tạo và bồi dưỡng tốt về các mặt chính trị, tư tưởng, nghiệp vụ, lại có nhiệt huyết của tuổi trẻ, các PV tin, ảnh lớp GP10 ở khắp các chiến trường đã kịp thời thích nghi. Những dòng tin, bài viết, tấm ảnh phản ánh những chiến công vang dội của quân và dân khắp các vùng miền ở miền Nam của lớp PV TTXGP mới nhập cuộc đã nhanh chóng được chuyển ra Tổng xã.

Ở Bình Trị Thiên và miền Trung Trung bộ khói lửa, những PV Trần Kim Quy, Triệu Thị Thùy, Hà Mùi, Cao Trọng Nghiệp, Lê Thị Kim Thoa, Cao Tân Hòa... đã bám trụ kiên cường, lăn lộn, xông xáo nơi khó khăn gian khổ để phản ánh kịp thời khí thế cách mạng của quân và dân miền Trung. Ở miền Đông và Tây Nam bộ, Vũ Xuân Bân, Nguyễn Anh Tuấn, Vũ Xuân Hoạt, Phạm Nhật Nam, Lê Cương, Kim Sơn, Quang Minh, Văn Khánh, Bạch Yến, Thanh Liêm, Nguyễn Sỹ Thủy, Hoàng Đình Chiến, Lý Văn Tích, Đỗ Minh Hưng, Phạm Độ, Lê Văn Thơn, Nguyễn Đăng Chiến... đi sâu xuống địa bàn, bám dân, đột ấp, lội đồng, vượt kênh rạch trong đêm để có những tác phẩm báo chí đa dạng, phong phú trong những tháng năm quân dân miền Nam hừng hực khí thế tiến công.

Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, các PV tin, ảnh lớp GP10 đã cùng các cánh quân tiến vào giải phóng các thị xã, thành phố trên khắp các tỉnh, từ Bình Trị Thiên đến Cà Mau và thành phố Sài Gòn. Họ đã góp phần cùng các thế hệ PV đàn anh của VNTTX và TTXGP ghi lại giờ phút lịch sử thiêng liêng của dân tộc bằng những dòng tin, bài viết, bức ảnh sinh động.

Sau giải phóng, anh chị em tỏa đi khắp nơi, còn hơn 100 người tiếp tục sự nghiệp Thông tấn. Dù công tác ở Tổng xã hay ở các cơ quan đại diện, các phân xã trong nước và ngoài nước, các PV lớp GP10 đều phát huy những phẩm chất được tôi luyện trong chiến tranh, gó p phần cùng các thế hệ cán bộ, PV, nhân viên TTXVN tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của ngành. Nhiều người thuộc lớp PV GP10 trở thành trụ cột ở một số ban biên tập, đơn vị của TTXVN trong nhiều năm.

Điều vui mừng và rất đáng tự hào là tuyệt đại đa số các anh, các chị dù ở đâu, vị trí nào đều mang theo những kỷ niệm không thể nào quên một thời ở GP10 với lòng tự hào và trân trọng. 

Lý Văn Tích: Nguyên Giám đốc CQđd TTXVN tại TP. Hồ Chí Minh
Theo Nội san Thông tấn, số 1+2/2013