Thứ sáu, ngày 26/04/2024

Tin tức trong ngành

Những người Sáu mươi - Sáu mốt


(26/01/2022 11:25:45)

Tết Nhâm Dần 2022 sẽ vắng bóng những người 60-61 (sinh năm 1960-1961) đến trực và đón Tết ở cơ quan. Họ đã hoàn thành nhiệm vụ và rời cương vị công tác ở Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN), chuyển sang một giai đoạn hoàn toàn mới của cuộc đời. Năm ngoái, cơ quan chia tay anh Nguyễn Hoài Dương, Đỗ Văn Hợp và Ngô Anh Văn. Năm nay đến anh Nguyễn Đức Lợi, Lê Quang Sơn, Trần Cẩm Bình, Nguyễn Thế Sơn, Nguyễn Phan Trường chia tay bạn bè, đồng nghiệp. Với các anh, mọi thứ thật trọn vẹn, từ nghĩa tình đến công việc, từ những điều các anh đã làm đến những thứ các anh để lại. Chỉ có duy nhất một điều, vẫn đang hẹn với anh Nguyễn Đức Lợi, cũng đã vài ba lần hẹn rồi mà chưa thực hiện được, là buổi gặp gỡ chia tay, cùng cạn với nhau ly rượu men lá.

Đồng chí Nguyễn Đức Lợi nhận chiếc áo đấu từ Bí thư Đoàn thanh niên TTXVN tại trận bóng đá giao lưu các thế hệ trên SVĐ Hàng Đẫy, tháng 4/2021
 
Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp không cho phép tổ chức gặp mặt đông người, nên rượu đã chắt đầy be rồi mà cứ phải hoãn đi hoãn lại. Thi thoảng, vẫn có người nói là thay mặt đơn vị nhắn tin: Anh đề nghị hoãn lại đi, để vãn dịch hãy tổ chức, vậy mới được đông người, để cho bọn em dự với chứ. Cứ bình dị thế thôi, nhưng cái tình của anh chị em trong ngành dành cho nguyên Tổng giám đốc và cả những người 60-61 nữa, trân quý, mặn mòi lắm lắm! Sau buổi giao ban mà anh Quang Sơn và Cẩm Bình nói lời chia tay đồng nghiệp, về ngồi đọc những dòng chia sẻ, cảm ơn, chào tạm biệt hai anh ở nhóm công tác trên Zalo, càng thấm cái tình bình dị trân quý đó, nó làm mình bất chợt thấy bâng khuâng…

Những người 60-61 và thêm cả 62 nữa,  là những người “già” nhất ở giai đoạn “cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0”, có một khoảng cách thời gian tương đối xa so với lớp cán bộ chủ lực hiện tại, là những người lớp 69-70. Tất nhiên, lớp 64-65-66 là không thể không nhắc tới, nhưng số lượng không nhiều, chỉ dăm ba người, nên đành… chịu thiệt. Có thể vì thế mà những người 60-61 được nhắc và được nhớ nhiều chăng? Có một lý do nữa, mang tính hành chính nên có người bảo đấy là lý do chủ đạo, là những người này đều ở những vị trí và giữ những chức vụ chủ chốt của ngành. Không phải là không có lý. Nhưng chức vụ chỉ là để công tác, chỉ là để thực thi nhiệm vụ. Cất hẳn nó đi trong tập hồ sơ cán bộ, chỉ chơi với nhau bằng con người, bằng cái tình cái nghĩa, thì vẫn chắc những người 60-61 sẽ luôn được nhắc, nhớ nhiều như thế.
 
Lớp người 60-61 đầu quân về TTXVN những năm 1983-1984, lúc chiến tranh đã qua đi, kể cả chiến tranh biên giới phía Tây Nam và phía Bắc. Nhưng đó lại là giai đoạn khó khăn, thiếu thốn, cực khổ bậc nhất của cả đất nước, cả dân tộc. Thanh niên mới ra trường, gầy nhom, đen nhẻm, ngơ ngác, lấy cơ quan là nhà, thiếu thốn đủ mọi bề. Ăn ngủ tại chỗ, bàn làm việc là giường, tạp chí là gối, báo là chăn. Tự nấu ăn bằng bếp dầu, bữa đực bữa cái, hãn hữu mới có bữa cơm gạo trắng với lạc rang muối, thêm bát canh cải xanh nấu xì dầu. Dăm bảy năm sau, may mắn người trước người sau lần lượt được phân một chỗ ở khu tập thể Mai Hương. Ngày đó, khu tập thể này còn tiêu điều, lụp xụp lắm, lại bị bủa vây bởi các cống mương nước thải lộ thiên đen ngòm, hôi thối. Vẫn í ới nhau suốt trong hoàn cảnh đó. Thế rồi, nhằm lúc hứng khởi, xúm nhau lại tự mua gạch mua vôi, tự phụ hồ, xây trát sửa lại chỗ ở cho đỡ dột nát và đỡ có mùi, phòng khi ông nào có bạn gái tới chơi. Khổ thế, nhưng vẫn sống tốt, vẫn làm việc tốt, vẫn tin và vẫn vui. Đội bóng đá thông tấn của ta bây giờ vừa đẹp vừa khỏe, hoành tráng đi đánh đông dẹp bắc, nhưng các em có biết ai đưa bóng đá về lại TTXVN không? Những người 60-61 đấy! Từ những lần rủ rê nhau chặn đoạn cuối phố Hàng Chuối để chơi bóng, lấy dép xếp gôn, đá vui chui háng, đến những trận đấu tự phát gà nhà đá nhau cực kỳ máu lửa trong sân bóng rổ Đại học Dược giữa những cái tên: Vi xử lý, Xí nghiệp In, Tin thế giới,  Liên quân cóp nhặt, mới hình thành nên các đội bóng và các giải bóng đá của TTXVN. Từ những chấn thương kinh hoàng vỡ đầu gối trên cái sân xi măng ấy mới có những hậu vệ Vi Quang Đạo, Trần Kim Cương, những tiền đạo Đức Lợi, Thế Sơn khét tiếng tới tận ngày nay. Ấy là chưa kể đến môn quần vợt và những hoạt động trên sân quần, lớp 60-61 cũng là những người tiên phong mở lối và thường xuyên có những cây vợt góp mặt trong nhóm Big Four, Big Five của quần vợt thông tấn.
 
Thể thao thì đã đành, âm nhạc của những người “già” cũng không hề kém cạnh. Ngón ghi ta của anh Nguyễn Hoài Dương, cùng với anh Ngô Hà Thái đã trở thành thương hiệu và là yêu cầu bắt buộc phải có mỗi khi TTXVN giao lưu với Sư đoàn 304 kết nghĩa. Mới đây thôi, ở Đà Nẵng, buổi tối liên hoan giao lưu của B1 đón đoàn công tác từ Tổng xã vào không thể thiếu món hát ca nội bộ. Chỉ có ba người thuộc lớp 60-61, được tăng cường thêm một người “mới toan về già” là anh Lê Quốc Minh, thế mà không hề e ngại, khảng khái nhận lời thách đấu của các cây văn nghệ trẻ của cả Đà Nẵng và Hà Nội. Trong khi những giọng ca trẻ còn đang bàn bạc bố trí đội hình bè trầm bè cao, lên giây, trơn phím hai cây ghi ta sành điệu, thì 3,5 người “già”, với đũa gõ bát làm phách nhịp, đã hào hùng hát vang một sê ri liên khúc, từ “Một con vịt xòe ra hai cái cánh” đến “Nhanh bước nhanh nhi đồng”, từ “Em đi đưa cơm cho mẹ em đi cày” đến “Em là mầm non của Đảng”. Đòn phủ đầu này khiến đội trẻ bất ngờ, lúng túng cố mãi cũng không gượng dậy nổi và cuối cùng tâm phục khẩu phục “không lại được với các chú rồi, thôi bây giờ mình hát chung”. Tất nhiên, giọng ca già hòa giọng ca trẻ vẫn bùng cháy sôi nổi, vẫn phách nhịp mượt mà không hề lộ khoảng cách. Lớp 60-61 được nhớ nhiều, có lẽ, cũng vì những điều đó.
 
Chúc mừng các đồng chí Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ TTXVN khóa XXV đã hoàn thành xuất sắc nhiệm kỳ 2015-2020

Gắn bó với nhau và gắn bó với TTXVN ngót 40 năm, lại giống nhau ở chỗ yêu ngành, yêu nghề tha thiết và rất chỉn chu trong công việc, nên bản thân những người 60-61 cũng rất quý mến nhau. Giữa họ vẫn có những khác biệt trong công tác, trong cách sống và trong nhận thức, nên không thiếu những tranh cãi, phản biện nhau, thậm chí là gay gắt. Nhưng lạ là những điều đó không hề làm họ ghét nhau, càng không có chuyện thù hằn, để bụng. Để đến tận bây giờ, sự thấu hiểu nhau, nể trọng nhau và tin tưởng nhau là điều đáng ghi nhớ nhất khi nói tới những người 60-61. Cũng có thể vì thế mà họ luôn được trân quý.
 
Một năm mới đến rồi, luôn vui khỏe, bình an, để tiếp tục giai đoạn mới nhé, các anh!
 

Đào Đức Huệ - Chánh văn phòng TTXVN
Nội san Thông tấn số Xuân 2022

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

AFF Cup... thời COVID (26/01/2022 11:19:07)

Kỷ niệm 70 năm thành lập Phân xã Bắc Kinh, Trung Quốc (1952-2022) : Những năm tháng khó quên (26/01/2022 10:13:16)

Thông báo tuyển chọn tác phẩm tham gia Giải báo chí TTXVN năm 2021  (26/01/2022 09:59:16)

Thăm và chúc Tết Nhâm Dần 2022 (25/01/2022 10:57:54)

Bồi đắp lý tưởng, bản lĩnh, năng lực cho đội ngũ nhà báo trẻ (25/01/2022 09:54:00)

Kỷ niệm 92 năm Ngày thành lập Đảng: TTXVN được trao 4 giải thưởng Giải Búa liềm vàng năm 2021  (22/01/2022 00:07:18)

TTXVN mở chuyên mục “Văn hóa soi đường” (18/01/2022 18:27:33)

Hai đơn vị của TTXVN nhận Bằng khen của Bộ Tài chính (17/01/2022 17:01:09)

Cuộc chiến chống dịch COVID-19: Tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch tại nơi làm việc (17/01/2022 12:25:43)

Phát động phong trào thi đua năm 2022 (17/01/2022 11:41:07)