Thứ năm, ngày 16/05/2024

Tin tức trong ngành

Phóng viên Thông tấn và những câu chuyện Tết


(08/02/2021 10:33:37)

Xuân đang gõ cửa từng nhà, cùng với Tết nguyên đán, đồng bào các dân tộc Việt Nam ở khắp mọi miền Tổ quốc lại có những phong tục rất độc đáo để đón Tết truyền thống, mừng năm mới theo cách của riêng mình. Mỗi phong tục, với nét đặc trưng văn hoá riêng, góp phần tạo nên bản sắc văn hóa vô cùng đa dạng, phong phú trong bức tranh toàn cảnh Tết của Việt Nam.


Vui Tết cùng đồng bào Rơ Ngao
 

Phóng viên CQTT TTXVN tại Kon Tum Khoa Chương (bìa phải) thưởng thức đặc sản rượu ghè tại lễ cúng Nước Giọt của người Rơ Ngao, tháng 1/2021

Giữa tháng 10/2020, tôi nhận nhiệm vụ phóng viên thường trú của Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) tại Cơ quan thường trú (CQTT) Kon Tum. Là phóng viên mới, còn nhiều bỡ ngỡ với mảnh đất đầy nắng và gió này, tôi luôn khao khát được khám phá vẻ đẹp của thiên nhiên hùng vĩ và phong tục, tập quán của cộng đồng các dân tộc nơi đây. May mắn thay, vào ngày đầu tiên của năm mới 2021, tôi đã có cơ hội được trải nghiệm.
 
Khi nhận được thông báo của già làng A Thui (làng Kon Trang Long Loi, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum) về lễ cúng “Nước Giọt” diễn ra vào sáng sớm 1/1/2021, tôi liền báo cáo Trưởng CQTT Hoàng Cao Nguyên, chuẩn bị đồ nghề tác nghiệp và xuất phát ngay. Sau 30 phút di chuyển bằng xe máy, tôi có mặt tại nhà rông của làng. Mọi người lúc này đã tề tựu đông đủ và chuẩn bị những vật dụng cần thiết cho buổi lễ.
 
Theo truyền thuyết của người Rơ Ngao (một nhánh của dân tộc Ba Na, sống tập trung ở Kon Tum), Thần Nước là vị thần cung cấp nguồn nước chính phục vụ mùa màng và đời sống sinh hoạt, mang đến sức khỏe, sự bình an cho dân làng. Vì thế, người Rơ Ngao không đào giếng hoặc lấy nước tùy tiện từ bất kỳ đâu để sử dụng cho sinh hoạt. Thay vào đó, dân làng sẽ tìm những mạch nước từ trong núi chảy ra và sử dụng thân cây đâm sâu vào lòng núi để dẫn nguồn nước tinh khiết về sử dụng. Những điểm lấy nước đó gọi là Nước Giọt và người Rơ Ngao xem lễ cúng Nước Giọt là tết quan trọng nhất của cộng đồng dân tộc nơi đây.
 
Trong tiết trời se lạnh, tôi theo chân già làng A Thui và một số thanh niên đi vào rừng để lấy cây lồ ô về làm cây nêu trang trí tại bến nước. Người Rơ Ngao quan niệm rằng, cây nêu là nơi thần linh trú ngụ và là vật tượng trưng cho sự đoàn kết của cả cộng đồng. Cây nêu trang trí càng rực rỡ, lộng lẫy thì mùa màng sẽ càng thuận lợi, tươi tốt. Do đó, cây nêu được chọn phải thật hoàn hảo, không được mất ngọn và trong quá trình làm không được nhúng vào nước, không được bước qua.
 
Một tốp thanh niên khỏe mạnh khác được già làng phân công đi phát quang cỏ dại, dọn dẹp sạch sẽ đoạn đường dẫn vào điểm lấy nước. Phụ nữ trong làng thì dọp dẹp, trang trí lại nhà rông và chuẩn bị thức ăn, rượu ghè, gùi để đựng nước. Khi mọi thứ đã sẵn sàng, già làng A Thui khoác lên mình bộ quần áo thổ cẩm, đứng trước Nước Giọt và bắt đầu khấn vái mời thần linh về chứng giám, dự lễ cùng dân làng. Kết thúc nghi lễ, già làng hứng đầy nước vào chiếc gùi. Người dân sẽ lấy nước trong gùi châm vào ghè rượu và già làng là người đầu tiên được thưởng thức những giọt nước tinh khiết trong ghè rượu này.
 
Tiếp đó, người dân trong làng phấn khởi cùng nhau hứng nước mang về nhà, với niềm tin rằng, Thần Nước sẽ mang đến nguồn nước tinh khiết, giúp mọi người khỏe mạnh, mùa màng bội thu.
 
Sau phần lễ là phần hội. Từ xa, âm thanh rộn rã của tiếng cồng chiêng vang khắp núi rừng. Già làng A Thui cùng đội cồng chiêng, múa xoang đi quanh nhà rông để cảm ơn thần linh đã phù hộ cho dân làng, cầu một năm mới mưa thuận gió hòa và thật nhiều sức khỏe.
 
Dân làng tập trung quanh nhà rông, bày ra đủ các loại món ăn như măng xào, thịt nướng, lá mì xào… và đặc biệt không thể thiếu rượu ghè. Rượu ghè được làm từ những giọt nước tinh khiết lấy từ “Nước Giọt” cùng với gạo nếp và lá, rễ cây rừng tạo nên một loại rượu mang đậm hương vị đặc trưng của đại ngàn. Hàng trăm ghè rượu trang trí bắt mắt được bày ra trước nhà rông để cảm tạ Thần Nước.
 
Người Rơ Ngao rất hiếu khách. Chỉ vào dịp lễ hoặc có khách quý đến chơi, người dân nơi đây mới bày món rượu ghè để cùng nhau thưởng thức. Không ai bảo ai, mọi người thay phiên nhau mời rượu khách. Mỗi khi tôi đưa máy ảnh lên chụp là lập tức có người mời: “Đến đây rồi là phải uống rượu ghè, ăn miếng mồi trước, sau đó mới làm việc được”. Và khi được mời rượu, tôi phải cầm chén bằng tay phải hoặc cả hai tay, vì theo người Rơ Ngao, cầm bằng tay trái là thể hiện sự không tôn trọng.
 
Hôm ấy, mọi người cùng nhau thưởng thức rượu, ca hát và tâm tình. Ngà ngà say, những điệu múa xoang của thanh niên trai, gái trong làng càng thêm nhịp nhàng, uyển chuyển. Từ người già đến trẻ nhỏ đều chìm đắm vào những điệu múa xoang cùng nhịp cồng chiêng vang lên giữa núi rừng, tạo nên bầu không khí lễ hội tưng bừng, mang đậm bản sắc của người Rơ Ngao.
 
Được các đồng nghiệp đi trước dặn dò, nên trước khi đi tác nghiệp, tôi đã kịp ăn lót dạ và trong buổi lễ phải thật khéo léo để không bị uống quá nhiều. Vì rượu ghè ngọt lịm, dễ uống, khiến nhiều người chủ quan và cơn say ập đến lúc nào không hay. Điều quan trọng là vẫn phải giữ được sự tỉnh táo cần thiết để tác nghiệp, hoàn thành nhiệm vụ trong bầu không khí náo nhiệt này.
 
Khi đã vào lễ hội, rất khó để tìm nhân vật phỏng vấn vì mọi người đều hòa mình vào âm thanh nhộn nhịp của buổi lễ. Họ chỉ thực sự tin tưởng và sẵn sàng phối hợp khi thấy tôi cùng hòa niềm vui, bên chén rượu với họ. Ngồi cạnh tôi, cùng nâng chén rượu ghè, anh A Nớt, 47 tuổi, dần mở lòng, tâm sự về cuộc sống còn vất vả nhưng đoàn kết, đùm bọc, bảo ban nhau xóa bỏ những hủ tục lạc hậu của dân làng.
 
Năm 2020, mặc dù phải chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và nhiều đợt bão lũ, nhưng người dân vẫn rất phấn khởi vì mùa màng đã được thu hoạch hoàn tất. Toàn bộ số cà phê, củ mì (sắn) đều đã được thương lái thu mua, tuy lợi nhuận năm nay không cao nhưng là động lực để người dân hy vọng vào một năm mới khởi sắc và thành công hơn.
 
Người dân làng Kon Trang Long Loi luôn một lòng theo Đảng, chung tay cùng chính quyền địa phương xây dựng nông thôn mới, khu dân cư văn minh kiểu mẫu. Giờ đây, người dân đã biết canh tác cà phê, cao su để nâng cao thu nhập. Lớp trẻ cũng từ bỏ thói quen rượu chè và đi làm ăn xa. Đường làng, ngõ xóm đã trở nên khang trang, sạch đẹp. Tôi rời buôn làng khi tiếng cồng chiêng vẫn còn vang vọng, các chàng trai, cô gái vẫn còn say nồng trong men rượu cùng những điệu múa xoang và thầm cầu chúc một năm mới bình an, mùa màng bội thu sẽ đến với người dân nơi đây.
 
Đón Tết Kate với đồng bào Chăm
 
Phóng viên CQTT TTXVN tại Ninh Thuận Nguyễn Thành phỏng vấn người dân tại lễ hội Kate 2020, khu di tích quốc gia đặc biệt tháp Po Klong Garai, TP. Phan Rang - Tháp Chàm

Cứ đến tháng 7 lịch Chăm (tức tháng 10 dương lịch) hằng năm, người Chăm theo đạo Bà La Môn ở tỉnh Ninh Thuận lại nô nức chuẩn bị đón mừng lễ hội Kate - lễ hội lớn nhất trong năm. Đây chính là dịp để những người Chăm xa quê hương trở về sum họp bên người thân, gia đình.
 
 Thanh - anh bạn người dân tộc Chăm tôi quen khi mới về Ninh Thuận công tác, một buổi sớm, gọi điện thoại giọng đầy phấn khởi: “Khỏe không anh bạn phóng viên? Đầu tháng 10 mình về, ghé nhà chơi nhé, sẵn tham gia Kate cùng bà con trong làng!”. Thanh là luật sư, làm việc tại TP. Hồ Chí Minh, dù rất bận nhưng năm nào đến dịp Kate cũng thu xếp công việc để về thăm nhà và tham gia lễ hội. Mỗi năm, người Chăm tổ chức hàng chục lễ hội lớn nhỏ nhưng Kate vẫn là lớn nhất, vui nhất, được xem như Tết truyền thống.
 
Đến mùa Kate, ngôi làng như khoác lên một tấm áo mới, vui tươi hơn. Đường vào làng treo dày những khẩu hiệu chào mừng Kate bằng song ngữ Việt-Chăm. Người dân treo cờ Tổ quốc đỏ rực, quét dọn đường sá sạch đẹp, trang hoàng lại nhà cửa để đón mừng Kate.
 
Đúng hẹn, tôi đến chúc Tết Kate ở nhà Thanh. Bạn bè của Thanh từ TP. Hồ Chí Minh, các anh chị của Thanh đi làm ăn xa cũng kịp về nhà dùng bữa cơm truyền thống. Bữa tiệc khá tươm tất, người nhà Thanh giới thiệu những món ăn truyền thống được chế biến từ dê, gà, các loại rau củ, trái cây mà gia đình thu hoạch được.
 
Trong các món ăn ngày Tết Kate của người Chăm, không thể thiếu bánh tét. Bánh tét được làm từ gạo nếp, đậu phộng, đậu xanh và gói bằng lá chuối. Không chỉ dùng để cúng thần linh vào dịp lễ hội Kate, bánh tét được dùng trong rất nhiều lễ tế và cuộc sống đời thường. Ngoài bánh tét còn có bánh sakaya, bánh nòm ya và bánh ít. Những món bánh này luôn được nhắc đến như những món đặc trưng cho sự sáng tạo trong ẩm thực của người Chăm Ninh Thuận.
 
Trong bầu không khí ấm cúng, mọi người cùng nhau nâng ly chúc mừng một mùa Kate an lành, hạnh phúc. Những lời ca, tiếng hát, điệu nhảy ở làng Chăm kéo dài đến tận đêm khuya. Kate là dịp để mọi người gần gũi, gắn bó, đoàn kết và thương yêu nhau hơn. Đồng thời, cũng là dịp vui chơi, giải trí sau một năm lao động miệt mài. Kate giờ đây không chỉ là Tết truyền thống của đồng bào Chăm mà đã trở thành ngày hội của các dân tộc anh em khác ở Ninh Thuận.
 
Những lần tham dự Kate của đồng bào Chăm đã để lại trong tôi những ấn tượng khó quên. Kate là lễ hội quan trọng, gồm nhiều sự kiện, được tổ chức ở nhiều địa điểm khác nhau tại các địa phương. Trước khi lên đường, để đảm bảo kế hoạch làm việc được chủ động, tôi đã xây dựng kịch bản chi tiết, chuẩn bị sẵn sàng máy ảnh, máy quay, máy tính… sao cho gọn nhẹ nhất để dễ dàng tác nghiệp trong điều kiện lễ hội có nhiều người tham gia, không gian chật hẹp, nhiều âm thanh hỗn tạp. Để không bỏ lỡ những phần quan trọng nhất của lễ hội, trước đó, tôi đã tìm hiểu kỹ các thông tin từ Ban tổ chức lễ hội, những nhân vật quan trọng tham dự, các tiết mục sẽ diễn ra...
 
Tại lễ hội, tôi quan sát thật nhanh để lựa chọn vị trí tác nghiệp thuận lợi nhất. Trong quá trình tác nghiệp, tôi cố gắng ghi lại những hình ảnh ấn tượng, phản ánh được quy mô, không khí của lễ hội, những cảm xúc khác nhau trên gương mặt, hành động của người tham dự. Sự chân thành, cởi mở, tự tin trong giao tiếp chính là chìa khóa quan trọng để tôi và các đồng nghiệp tiếp cận các nhân vật, qua đó thu thập những thông tin cần thiết cho đề tài.
 
Chương trình dân vũ đặc sắc đón mừng lễ hội Kate 2020 tại khu di tích quốc gia đặc biệt tháp Po Klong Garai, TP. Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận

Ở một khía cạnh khác, sự chuẩn bị và đón Tết Kate tại một gia đình đồng bào Chăm luôn là chủ đề hấp dẫn để khai thác, truyền tải thông tin. Thông qua các mối quan hệ quen biết, tôi đã chọn một gia đình, đặt vấn đề với gia chủ, trao đổi những nội dung thực hiện. Với kinh nghiệm và vốn hiểu biết về văn hóa Chăm cùng kỹ năng quan sát khi tham dự các lễ hội, tôi đã ghi lại hoạt động của các thành viên trong gia đình khi tất bật chuẩn bị đón Tết, các món ăn truyền thống, nghi lễ cúng tế, những câu chuyện diễn ra, không khí quây quần bên mâm cơm gia đình trong ngày Tết Kate... Nhờ thế, tôi đã thực hiện được những tác phẩm có góc nhìn, chiều sâu văn hóa để truyền tải đến bạn đọc.
 
Với tôi, những lần tham dự Tết Kate không chỉ để tìm hiểu, thu thập thông tin phục vụ công việc mà còn là cơ hội để trải nghiệm, biết thêm về văn hóa, cuộc sống của đồng bào Chăm nói riêng và người dân Ninh Thuận nói chung, để hiểu thêm về vùng đất đầy nắng gió và giàu truyền thống ở duyên hải miền Trung này.

Khoa Chương - Nguyễn Thành
Nội san Thông tấn số Xuân 2021

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Cùng đất trời vào Xuân (08/02/2021 10:32:03)

Chuyện vui ở Ban Thế giới  (08/02/2021 10:24:52)

Đặc sắc "mâm" báo Tết (08/02/2021 10:20:04)

Triển khai nhiệm vụ công tác Đảng năm 2021  (03/02/2021 15:07:41)

Giải A Giải Búa liềm vàng năm 2020: Cả Ban vào cuộc, phóng viên đồng lòng (03/02/2021 15:04:42)

Bí thư Đảng ủy TTXVN Lê Quốc Minh được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII (01/02/2021 09:38:06)

Giành giải Nhất Giải báo chí du lịch TP. Hồ Chí Minh  (28/01/2021 10:09:53)

Mang Tết ấm đến học sinh nghèo vùng cao tỉnh Kon Tum (26/01/2021 16:03:48)

Tuổi trẻ TTXVN mang Xuân về xã đảo Thạnh An (26/01/2021 15:52:56)

Trao tặng Tủ sách Đinh Hữu Dư cho trường học mang tên nhà báo TTXVN Trần Kim Xuyến (25/01/2021 16:03:54)