Thứ hai, ngày 29/07/2024

Tin trong ngành

Phụ nữ thông tấn vượt khó làm nghề


(02/04/2015 15:25:20)

Ở cơ quan, các chị là những nhà báo can đảm chấp nhận những thử thách nghề nghiệp... Ở gia đình, các chị là những người vợ, người mẹ, người con ngoan, hết lòng chăm lo cho gia đình... Dù khó khăn, vất vả, dù chịu áp lực lớn, nhưng các thế hệ nữ cán bộ, phóng viên, biên tập viên (PV, BTV) của TTXVN vẫn nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đóng góp đáng kể vào sự phát triển của ngành...

Chiều ngày 19/3, Công đoàn cơ quan, Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ TTXVN cùng Liên Chi hội Nhà báo đã phối hợp tổ chức cuộc tọa đàm trực tuyến"Phụ nữ Thông tấn với nghề", nhằm tôn vinh những đóng góp của chị em trong công cuộc phát triển của TTXVN. Đây là một hoạt động ý nghĩa hướng tới kỷ niệm 70 năm thành lập TTXVN (15/9/1945-2015).

Phát biểu tại tọa đàm, bà Ngô Thị Kim Oanh, Phó Trưởng Ban Tổ chức cán bộ, Phó Ban thường trực Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ TTXVN, cho biết: Do đặc thù công tác của cơ quan báo chí, cán bộ, phóng viên nữ của TTXVN có những khó khăn nhất định, ảnh hưởng đến việc phân công công tác và thực hiện nhiệm vụ như làm ngoài giờ hành chính, trực đêm, làm ca, đi công tác thường xuyên... Bên cạnh đó, sự phát triển của báo chí hiện đại yêu cầu phụ nữ phải năng động, nhạy bén, biết sắp xếp khoa học, hài hòa giữa công việc ở cơ quan và chăm sóc gia đình. Trước những thách thức đó, các thế hệ nữ cán bộ, PV, BTV của TTXVN đã nỗ lực vượt qua khó khăn, để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đóng góp đáng kể vào sự phát triển của ngành.

Các đại biểu dự tọa đàm đã nghe nhiều ý kiến, chia sẻ về những khó khăn, vất vả của chị em phụ nữ làm việc ở TTXVN, lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng của chị em, cũng như những trao đổi về cơ chế, chính sách phù hợp với đặc thù của công việc...

Gắn bó với nghề báo, với TTXVN 24 năm, chị Nguyễn Thu Hà, Tổng biên tập báo Le Courrier du Vietnam chia sẻ: "Tôi từng đọc một bài báo, cho rằng nghề báo là nghề đầu tiên trong số những nghề nghiệp tàn phá nhan sắc và tuổi thanh xuân của chị em. Điều này cho thấy, phụ nữ làm báo, gắn bó với nghề báo là rất vất vả. Nhưng tôi cũng rất yêu nghề báo, bởi nghề đã cho tôi cơ hội được đi nhiều nơi, gặp nhiều người, từ những người lãnh đạo, quản lý cấp cao, cho đến những người công nhân lao động, những người lang thang cơ nhỡ... điều đó giúp tôi mở mang thêm hiểu biết về cuộc sống, có thêm nhiều kiến thức, giúp cho "sàng khôn" của tôi ngày càng rộng hơn". Chị Hà khẳng định, sự thành công của chị ngày hôm nay có sự hỗ trợ, đóng góp rất lớn của gia đình và đồng nghiệp: "Tôi thấy mình giống một người nghệ sỹ, một ngày đóng nhiều vai: Vừa là vợ, là mẹ, là con dâu, là nhà báo, là lãnh đạo... Rất may là tôi có một ê kíp làm việc tuyệt vời, có cấp trên ủng hộ, tạo điều kiện nên tôi có cơ hội để phát triển".

Chị Phạm Thị Mai Thương, Giám đốc Công ty In và Thương mại TTXVN, gắn bó với ngành hơn ba chục năm, đã phải trải qua những giai đoạn vô cùng khó khăn vất vả, tưởng chừng như không gượng được. Mặc dù vậy, chị vẫn gắn bó với cơ quan. "Tôi được các đồng nghiệp, được lãnh đạo TTXVN quan tâm, tôn trọng và chia sẻ mỗi khi gặp khó khăn, nên dù có nhiều cơ hội, nhưng tôi chưa từng có ý định rời TTXVN để đi làm chỗ khác, dù biết chắc mình ra ngoài làm sẽ giầu hơn, nhiều tiền hơn", chị Mai Thương tâm sự.

Là phóng viên trẻ xung phong đi thường trú tại địa phương, Mạnh Minh (CQTT Hải Dương) chia sẻ thật lòng: "Là phụ nữ ai cũng muốn mình được đẹp, được long lanh trong mắt mọi người, nhưng với nữ phóng viên thường trú thì điều này thật không dễ. Nhiều khi đi làm, tay cầm máy ảnh, vai vác máy quay, đằng sau đeo ba lô máy tính... hình ảnh không mấy nữ tính. Cho nên không tránh khỏi những lúc chúng tôi cảm thấy mình thiệt thòi so với những người phụ nữ khác. Đó là còn chưa kể nữ phóng viên lại hạn chế về sức khỏe hơn nam giới...". Dù vậy, Mạnh Minh tâm sự, việc đi thường trú giúp Minh học hỏi được nhiều điều trong cuộc sống và trong công việc: "Em sẽ vẫn tiếp tục bám trụ nghề, tiếp tục phấn đấu để hoàn thiện chuyên môn, nâng cao trình độ và tiếp tục gắn bó với TTXVN".
Cũng trong buổi tọa đàm, đại diện "phái mày râu" của TTXVN cũng đã phát biểu, ghi nhận những đóng góp của phụ nữ thông tấn đồng thời chia sẻ, khích lệ chị em tiếp tục nỗ lực, cố gắng. Ông Đỗ Văn Hợp, Trưởng Ban biên tập tin Đối ngoại, cho rằng, phụ nữ đã và đang trở thành lực lượng chủ lực ở những đơn vị có nhiệm vụ thông tin quan trọng của TTXVN. Ông Ngô Anh Văn, Giám đốc Cơ quan TTXVN khu vực miền Trung - Tây Nguyên, cũng nhận định, các chị em công tác ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên luôn nỗ lực, vượt khó để vừa hoàn thành nhiệm vụ được giao, vừa đảm nhiệm tốt vai trò của người vợ, người mẹ trong gia đình... Và đặc biệt là lời khẳng định của Phó Tổng giám đốc TTXVN Nguyễn Hoài Dương, Trưởng Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ TTXVN: Với trên 1.100 cán bộ nữ, đảm đương nhiều cương vị trên tất cả các lĩnh vực công tác, ở bất cứ cương vị nào, vị trí nào, đại đa số chị em phụ nữ ở TTXVN đã vượt qua khó khăn để hoàn thành được nhiệm vụ, kể cả việc đi công tác ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, xử lý thông tin đột xuất, bất thường.... Những công việc ấy, với nam giới đã vất vả, chị em càng phải nỗ lực rất nhiều. Trong thời gian tới, lãnh đạo TTXVN sẽ cố gắng tạo mọi điều kiện, hỗ trợ mọi mặt để các chị em "giỏi việc TTX, đảm việc nhà".
 

Đến dự tọa đàm, bà Trương Thị Mai, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội chia sẻ, bà rất trân trọng những phụ nữ làm nghề báo ở TTXVN. Áp lực rất lớn, yêu cầu rất cao, nhưng các chị vẫn yêu nghề, gắn bó với nghề. Đây là điều rất đáng quý và trong sự tiến bộ chung của phụ nữ Việt Nam, có sự đóng góp rất quan trọng của phụ nữ cơ quan TTXVN trong 70 năm qua.

Bà Trương Thị Mai cũng cho biết, bà rất ấn tượng với tỷ lệ 46,13% cán bộ, công nhân viên của TTXVN là nữ, con số nữ cán bộ các cấp cũng như tỷ lệ nữ trong quy hoạch cán bộ của TTXVN. Điều này cho thấy, lãnh đạo TTXVN đã dành sự ưu ái cho chị em, có sự bình đẳng trong phân công công việc và thu nhập, tạo nhiều cơ hội cho phụ nữ thông tấn phát triển. "Sự thay đổi cách nhìn nhận về phụ nữ, về vai trò của người phụ nữ đóng góp cho tiến bộ xã hội sẽ tạo cơ hội tốt hơn cho phụ nữ trong cuộc sống. Tất cả chúng ta đang cần nhiều hơn nữa sự thay đổi đó, để người phụ nữ có thêm cơ hội tìm được niềm vui trong công việc, có hạnh phúc trong gia đình".

Theo Nội san Thông tấn, số 3/2015

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Chuyến đi từ thiện đầy ý nghĩa (02/04/2015 15:20:09)

Thanh niên B2 với chiến dịch tình nguyện Xuân biên giới 2015 (02/04/2015 15:17:21)

Kỷ niệm 84 năm thành lập đoàn TNCS Hồ Chí Minh: Thi đua "Hai xung kích, một trách nhiệm" (02/04/2015 15:13:33)

Thi đua khen thưởng (13/02/2015 16:26:07)

Tổng hợp tin trong ngành (theo Nội san Thông tấn số 1+2/2015) (13/02/2015 16:23:42)

Kết nối yêu thương (13/02/2015 16:01:19)

Hội chợ gây Quỹ Nghĩa tình Đoàn viên lần thứ 2 (13/02/2015 15:57:56)

Nhà báo - anh là ai? (13/02/2015 15:37:39)

70 năm TTXVN: Sơ kết Cuộc vận động sáng tác ca khúc về TTXVN (13/02/2015 10:42:06)

Cơ quan Thường trú trọng điểm Yên Bái: Hợp lực để tăng sức mạnh (13/02/2015 10:23:01)