Thứ năm, ngày 25/04/2024

Mở cửa thư viện

Sách mới


(29/08/2008 09:31:10)

            * Chính phủ Việt Nam - Từ 1945 đến nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII (2007-2011)

 

            "Chính phủ Việt Nam - Từ 1945 đến nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII (2007 - 2011)" là một cuốn tư liệu quý về Nhà nước và Chính phủ Việt Nam do Nxb Thông tấn vừa ấn hành.

            Bìa cứng, khổ 19x27cm, dày 657 trang, do TTXVN, Văn phòng Chính phủ và Nxb Chính trị quốc gia phối hợp biên soạn, cuốn sách ghi lại một cách hệ thống các tư liệu và mốc lịch sử quan trọng về sự ra đời, phát triển của Nhà nước và Chính phủ cách mạng Việt Nam từ nửa cuối thế kỷ XX đến hôm nay.

            Trước đây, cuốn "Chính phủ Việt Nam 1945 - 1998" xuất bản năm 1998, cũng do TTXVN, Văn phòng Chính phủ và Nxb Chính trị quốc gia hợp tác biên soạn, là cuốn tư liệu đầu tiên về đề tài này và được Thủ tướng Phạm Văn Đồng chấp bút trong lời đề tựa. Với những thông tin, tư liệu chuẩn xác, cuốn sách tái hiện một cách chân thực, sinh động về mặt cơ cấu, tổ chức bộ máy cũng như bước đi, thành tựu và những bài học kinh nghiệm của Chính phủ Việt Nam trong chỉ đạo chiến tranh nhân dân, hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ cũng như trong hoạt động quản lý, điều hành nền kinh tế và xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng, qua các giai đoạn kháng chiến kiến quốc, đấu tranh thống nhất đất nước, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, đặc biệt là những năm đổi mới. Các năm 2000 và 2003 sau đó, cuốn sách được bổ sung và tái bản dưới hình thức song ngữ Việt - Anh, mang tên "Chính phủ Việt Nam 1945 - 2000" và "Chính phủ Việt Nam 1945 - 2003".

            Năm 2008, thể theo yêu cầu bạn đọc, Nxb Thông tấn đã chỉnh lý, bổ sung, cập nhật tư liệu và tái bản cuốn sách với tựa đề "Chính phủ Việt Nam - Từ 1945 đến nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII (2007 - 2011)" nhằm ghi tiếp những trang sử mới của đất nước bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa và toàn cầu hóa. Cuốn sách đặc biệt hữu ích đối với những người làm báo trong việc nghiên cứu, tìm hiểu khái quát về quá trình ra đời, tổ chức hoạt động của bộ máy chính quyền nhân dân qua các giai đoạn lịch sử với bản chất là một nhà nước của dân, do dân và vì dân.

            Cuốn sách gồm bốn phần:

            Phần thứ nhất: Chính phủ Việt Nam - những chính sách và thành tựu. Phần thứ hai: Chính phủ Việt Nam qua các thời kỳ, từ 1945 đến nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII (2007 - 2011). Phần thứ ba: - Tiểu sử tóm tắt những người đứng đầu Chính phủ, sau Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ 1945 đến nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII (2007 - 2011); - Chân dung các thành viên Chính phủ và Thủ trưởng các cơ quan trực thuộc Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII (2007 - 2011). Phần thứ tư: - Sơ đồ cơ cấu tổ chức Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; - Các đơn vị hành chính ở Việt Nam (1946 - 2008); - Tư liệu 64 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (đến tháng 2/2008).

 

            * Ghi nhận từ các khóa đào tạo trong khuôn khổ dự án Pháp - Việt

 

            "...Mỗi con người đứng cô đơn trên trái đất

            Lòng mang theo một tia nắng mặt trời..."

            Không hiểu sao tôi thường nghĩ tới hai câu thơ này mỗi lần tiếp cận với đối tượng để viết bài "phóng sự chân dung" - theo cách gọi tên thể loại này. Con người nào cũng có những "bí mật" riêng của mình. Cái khó của những người viết chân dung là tìm ra và thể hiện được nét riêng, nét tiêu biểu trong ngoại hình, số phận và tính cách của nhân vật ấy. Lấy ra được dù chỉ là một "tia nắng" trong con người và số phận của họ cũng đã là một sự thành công".

             Trên đây là một đoạn trong bài viết của Phạm Thùy Hương, phóng viên báo Tin Tức, có tên "Chân dung - thiên phóng sự về một con người" đăng trong cuốn "Ghi nhận từ các khóa đào tạo trong khuôn khổ dự án Pháp - Việt" xuất bản năm 2007, do Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí của Hội nhà báo Việt Nam thực hiện với sự tài trợ của Đại sứ quán Pháp. Phạm Thùy Hương đã chia sẻ những suy nghĩ và kỹ năng làm phóng sự chân dung đúc kết trong quá trình làm báo và tham gia khóa học trên. Bản thân chị cũng là trợ giảng cho nhiều lớp đào tạo tương tự. 

            Cuốn sách gồm 18 bài viết, cung cấp một cái nhìn khái quát về báo in của Pháp, về tờ Ouest-France - tờ báo ngày lớn nhất nước Pháp với lượng in hơn 80 vạn bản/ngày. Nhưng điều đáng đọc hơn cả trong cuốn sách này đối với những người làm công tác thông tấn, là những cách tiếp cận mới về thể loại phóng sự (phóng sự chân dung, phóng sự ngắn, kinh nghiệm làm phóng sự) của những người tham gia dự án "Hỗ trợ hoạt động Trung tâm BDNVBC của Hội nhà báo Việt Nam" - gọi tắt là Dự án FSP - được chính phủ Việt Nam và chính phủ Cộng hòa Pháp ký năm 2002. Quá trình thực hiện dự án, một số cán bộ quản lý, giảng viên báo chí và hội viên Hội nhà báo Việt Nam đã đến Pháp tham quan, tiếp xúc với một số cơ quan báo chí nước này, tham dự các khóa học tại Đại học báo chí Lille, tham gia các khóa đào tạo tổ chức tại Việt Nam với các giảng viên là các nhà báo Pháp và trợ giảng là các nhà báo Việt Nam. Họ ghi nhận những điều mắt thấy, tai nghe về những vấn đề về quản lý báo in, phát thanh, truyền hình, báo mạng ở Pháp cũng như các kỹ năng, kỹ thuật làm báo hiện đại, cách thức tổ chức một khóa bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí. Nhiều người trong số này đã tham gia công tác đào tạo phóng viên cho TTXVN.

Theo Nội san Thông tấn, số 8/2008