Chủ nhật, ngày 01/09/2024

Tin trong ngành

Sáng mãi nghĩa tình đồng đội


(04/10/2016 11:21:20)

Cứ đều đặn đến dịp 27/7, ông Hứa Kiểm lại bắt xe từ Nam Định lên Hà Nội thăm gia đình liệt sĩ Lương Nghĩa Dũng, người bạn cùng tổ Nhiếp ảnh - Phòng Thông tấn quân sự năm xưa. Đón ông tại căn nhà nhỏ trên phố Bà Triệu, quận Hà Đông là nhà báo Lương Xuân Trường, con trai liệt sỹ Lương Nghĩa Dũng. Gặp nhau lần nào cũng vậy, hai chú cháu chuyện trò hàn huyên không dứt.

Ông Hứa Kiểm và nhà báo Lương Xuân Trường (con trai nhà báo liệt sỹ Lương Nghĩa Dũng ) xúc động mỗi lần gặp mặt

Tại đó, tôi may mắn được chứng kiến câu chuyện đời, chuyện nghề của nhà báo Hứa Kiểm và phần nào hình dung được những khó khăn gian khổ, ác liệt của những người phóng viên chiến trường năm xưa. Qua lời kể rành rọt của ông, nhiều câu chuyện về nhà báo Lương Nghĩa Dũng được tái hiện sống động đến từng chi tiết. Trong đó có câu chuyện ba lần may mắn thoát chết khi đang tác nghiệp ngay trong năm đầu tiên vào chiến trường 1966.
Lần thứ nhất, hai ông qua Lệ Thủy, Quảng Bình vào đến huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị, tác nghiệp ngay sát trận địa pháo phòng không 57 ly. Do trực chiến nên các chiến sĩ ăn cơm tại chỗ, hai nhà báo được ưu tiên về nhà bếp. Hôm đó, cơm canh vừa dọn lên thì có báo động, hai ông buông vội bát cơm, vớ máy ảnh, xông ra trận địa pháo. Chạy được chừng 40m thì bom nổ dồn ngay phía sau, đất đá văng rào rào tứ phía, không khí ngột ngạt, lồng ngực như bị nén lại. Cả hai khom người ôm máy ảnh nhằm hướng có tiếng hô khẩu lệnh “bắn” lao tới bấm máy. Lần đó, hai ông cũng chụp được kha khá. Hết đợt bom quay trở lại nhà bếp, cả hai bàng hoàng, căn bếp tan hoang chỉ còn là hố bom sâu hoắm, đất đá ngổn ngang. Đồng chí anh nuôi đã hy sinh.
Lần thứ hai, là khi hai ông trở ra Bắc, gần ga Quán Hành tại Nghi Lộc, Nghệ An là điểm thường xuyên bị đánh bom tọa độ. Đường bị bom cày xới, ngổn ngang, hai bên là dãy cây cổ thụ nham nhở, thân ứa nhựa, bị bom tuốt hết lá, hàng đàn quạ đen bu trên ngọn. Một buổi trưa im ắng đến rợn người. Hai ông vác xe đạp giục nhau đi mải miết. Bỗng ầm ầm, máy bay ập đến rất nhanh. Bom nổ, bùn đất dưới ao văng lên, đổ xuống như trút. Hết đợt bom, ông Hứa Kiểm nhỏm dậy, lờ mờ trước mặt là bụi tre to đùng, xung quanh cá bắn lên mặt đường nhiều vô kể. Chỉ cần lệch đi một chút, bụi tre bị hất từ dưới bờ ao có thể đè lên một trong hai người. Hôm đó may mắn thoát chết, hai ông lại được cải thiện một bữa cá nướng thịnh soạn.
Phóng viên Lương Nghĩa Dũng đang vá săm xe đạp trên đường tác nghiệp (Quảng Bình – 1968)

Và lần thứ ba là ở cầu Phú Lương (Hải Dương). Lần này ông Hứa Kiểm được tổ trưởng Văn Bảo chở bằng xe “con thỏ” xuống tác nghiệp gần trận địa pháo phòng không. Chọn mãi mới được vị trí chụp ảnh ưng ý, có thể lấy được toàn cảnh cầu Phú Lương là trên nóc chuồng gà của đơn vị. Phục ở đó hơn một tuần không thấy có động tĩnh gì, ông mới trở ra. Khi đó, phóng viên Lương Nghĩa Dũng được cử xuống thay thế. Vừa ra khỏi thị xã Hải Dương được khoảng 15km thì máy bay bất ngờ đánh phá cầu Phú Lương. Ông trao đổi nhanh với tổ trưởng Văn Bảo và hai người quyết định tác nghiệp tại chỗ, không quay lại trận địa vì sẽ lỡ mất thời cơ bấm máy.
Về đến Tổng xã tại Hà Nội đã thấy rất đông người, ai cũng căng thẳng. Tin từ Cục tác chiến báo về, một phóng viên ảnh hy sinh tại cầu Phú Lương. Một quả bom xuyên qua hầm sát chuồng gà- nơi nhà báo Lương Nghĩa Dũng đang tác nghiệp - hất tung chuồng gà kèm theo cả người phóng viên.
Đồng chí Lê Châu lúc đó là Trưởng ban Ảnh thông báo: Lương Nghĩa Dũng hy sinh rồi, hai cậu quay trở lại trận địa ngay, xem có gì còn hỗ trợ và tiếp tục ứng trực, cơ quan sẽ đưa ô tô xuống đưa anh Dũng về sau. Xuống tới nơi, trận địa im ắng lắm, các chiến sỹ đang tập trung lau vũ khí, khí tài. Từ xa phía cuối lán, ông Kiểm thấy một người gầy gầy đang ăn cơm rất giống Lương Nghĩa Dũng. Chạy đến nơi, hai ông ôm chầm lấy nhau mừng mừng tủi tủi. Hóa ra, khi bom nổ có thể một phần do chuồng gà được đóng chắc chắn bằng ván dầy nên đã cản bớt tác động của vụ nổ, Lương Nghĩa Dũng chỉ bị hất lên cao rồi rơi xuống, may mắn không hề hấn gì.
Người ta thường nói quá tam ba bận, nhưng sau này không biết bao nhiêu lần hai ông tiếp tục cận kề với cái chết. Một ngày đầu tháng 5/1972, trong khi đang trị bệnh sốt rét ác tính tại viện quân y ở tuyến sau, ông Hứa Kiểm nhận được tin người đồng đội thân thiết Lương Nghĩa Dũng đã hy sinh trên đường vào Quảng Trị.
Kể tới đó, ông Hứa Kiểm ngừng lại hồi lâu, lau vội giọt nước mắt trực trào ra, run run đứng dậy qua bàn thờ thắp nén nhang cho người bạn của mình…
Nhà báo Lương Nghĩa Dũng hy sinh khi mới 37 tuổi, để lại phía sau bao dự định còn dang dở. Khi ấy con trai cả của ông là Lương Xuân Trường còn đang học mẫu giáo. Sau khi ông hy sinh, ông Hứa Kiểm và các đồng đội là các nhà báo: Vũ Tạo, Chu Chí Thành, Văn Bảo… đã luôn ở bên động viên, giúp đỡ gia đình, trở thành những người thầy, truyền tiếp lửa nghề cho cậu con trai Lương Xuân Trường.
Hiện nay, Lương Xuân Trường đã trở thành một phóng viên dày dạn kinh nghiệm, tiếp tục nối nghiệp cha. Mỗi lần xem lại những bộ ảnh của cha, anh không chỉ tự hào về ông mà càng thêm trân trọng nghĩa tình thủy chung của những người đồng đội của cha đã luôn động viên, ân cần chỉ dạy, dẫn dắt anh vào nghề.
Rạng sáng 1/5/1972, trong lúc hành quân vào thị xã Quảng Trị, nhà báo Lương Nghĩa Dũng đã hy sinh trên một cồn cát trắng ở xã Hải Trường, huyện Hải Lăng. Ngót 6 năm lăn lộn làm phóng viên chiến trường, gia tài ông để lại là hàng ngàn kiểu phim, bức ảnh chân thực đẫm mồ hôi, nước mắt và máu của cả người trong ảnh cũng như người cầm máy. Tác phẩm ảnh “Đấu pháo ở Dốc Miếu” của ông được trao tặng Giải thưởng Nhà nước năm 2007. Khi xem bức ảnh, các chuyên gia đã vô cùng khâm phục sự gan dạ đến liều mình của người nghệ sĩ bấm máy. Toàn bộ những bức ảnh của ông chụp từ đầu năm 1966 đến năm 1972 hiện đang được lưu giữ tại kho tư liệu ảnh của TTXVN.
 

Theo Nội san Thông tấn, số 7/2016

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Kỷ niệm 69 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7/1947 - 27/7/2016): (04/10/2016 11:02:20)

Khẳng định thương hiệu trong làng xuất bản (04/10/2016 10:52:38)

11 cá nhân TTXVN nhận kỷ niệm chương Vì sự nghiệp thể thao (31/08/2016 20:01:20)

TTXVN tặng quà nạn nhân chất độc da cam tỉnh Quảng Trị  (26/08/2016 09:03:05)

Trưởng Ban Tuyên giáo đánh giá cao định hướng phát triển của TTXVN (19/07/2016 16:25:30)

TTXVN và Cục Quan hệ Công chúng Thái Lan tăng hợp tác truyền thông (19/07/2016 16:19:43)

Thư cảm ơn của TTXVN nhân ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (19/07/2016 16:19:35)

Tăng cường hợp tác truyền thông giữa TTXVN và tỉnh Bắc Giang (19/07/2016 16:19:25)

Trao đổi nghiệp vụ giúp thắt chặt tình đoàn kết giữa TTXVN và KPL (19/07/2016 16:19:18)

Đoàn công tác của TTXVN và Thông tấn xã Lào làm việc tại Nghệ An (19/07/2016 16:19:06)