Thứ sáu, ngày 26/04/2024

Phóng viên đi, phóng viên viết

Tác nghiệp nơi nắng gió Phan Rang


(01/10/2019 10:17:43)

Phóng viên Nguyễn Thành trong một chuyến công tác 

Dù cách Lâm Đồng quê tôi chưa đầy trăm cây số nhưng tất cả những gì tôi biết về thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận trước đây chủ yếu là qua tài liệu, sách, báo. Gần ba năm trước, cơ duyên đã đưa tôi đến vùng đất đầy nắng và gió này để nhận nhiệm vụ phóng viên Cơ quan thường trú Thông tấn xã Việt Nam tại Ninh Thuận (CQTT Ninh Thuận) .

Lần đầu tiên chạy xe máy trên cung đường ven biển, gió rít liên hồi khiến tôi cảm thấy khô da mặt. Về tới Phan Rang thì trời đã chập choạng tối. Sau khi xem bản đồ trên Google Maps, tôi chạy xe đến quán ăn được khá nhiều bạn trẻ check in trên mạng để nạp năng lượng. Ăn uống xong, tôi quyết định chạy xe một vòng thăm thành phố. Đêm ở phố thị Phan Rang không tấp nập, huyên náo như những thành phố khác, người dân ở đây đi ngủ khá sớm. Sau khi chạy vài tuyến đường, tôi ghé vào quán cà phê ven biển, bắt đầu lên kế hoạch cho công việc sắp tới.

Giống như các phóng viên mới chuyển đến địa phương khác công tác, phải bắt đầu học, tìm hiểu mọi thứ vì tất cả đều mới mẻ, công việc đầu tiên của tôi là dành thời gian xem bản đồ tỉnh Ninh Thuận để biết đường, xem tin tức trên báo tỉnh để nắm bắt tình hình địa phương và làm quen với phóng viên báo địa phương.

Nhớ lại đợt tác nghiệp đầu tháng 11/2017, khi cơn bão số 12 quét qua tỉnh Ninh Thuận. Mưa lớn, gió giật mạnh làm nhiều nhà dân, công trình bị tốc mái, hoa màu, cây cối tại nhiều khu vực bị hư hại. Qua các nguồn tin tôi được biết, rạng sáng 4/11, huyện Thuận Bắc là nơi bị tàn phá khốc liệt nhất. Ngay lập tức, chúng tôi chuẩn bị máy ảnh, máy quay và đồ dùng cần thiết chạy xe về Thuận Bắc khi trời đang mưa xối xả. Sau gần một tiếng đồng hồ vừa đi vừa hỏi đường, chúng tôi vào tới thôn Động Thông, xã Phước Chiến. Đây là địa bàn sinh sống của đồng bào dân tộc Raglai, nhà cửa của bà con khá đơn sơ nên gió giật cấp 7, 8 là tốc mái.

Trên đường vào thôn, chúng tôi gặp ông Trưởng thôn Ka Giá Thuyền cùng một số anh em dân quân đi hỗ trợ các gia đình có nhà bị tốc mái, hư hỏng. Trước cảnh hoang tàn của căn nhà chưa đầy 20m2 của anh Pi Năng Huyền, chúng tôi không khỏi xót xa. Rạng sáng 4/11, khi cả nhà anh đang ngủ say, gió giật mạnh liên hồi cuốn phăng mái tôn. Không chỉ nhà anh Pi Năng Huyền bị thiệt hại, nhiều nhà dân trong thôn cũng ở trong hoàn cảnh tương tự. Chúng tôi bấm máy quay lại những hình ảnh chân thực nhất thiệt hại do bão gây ra đối với đồng bào thôn Động Thông.

Tôi nhớ mãi hình ảnh bà cụ dân tộc Raglai, không nói được tiếng phổ thông, thấy chúng tôi quần áo ướt sũng đang lau máy ảnh, bà cười hiền lành và ra dấu gọi chúng tôi ngồi xuống bếp lửa hơ tay chân cho đỡ lạnh… Đến 13 giờ cùng ngày, toàn bộ tin tức về cơn bão số 12 đã được chúng tôi tập hợp đầy đủ để gửi về Tổng xã, kịp phát trên kênh Vnews và các báo của ngành.

Ở xứ nắng gió bào mòn cả sỏi đá thì hạn hán cũng thường xuyên xảy ra. Và nước là từ mà người dân Ninh Thuận nhắc đến nhiều nhất mỗi khi mùa hạn đến. Cứ đầu năm, tỉnh Ninh Thuận lại thiếu nước sản xuất, hạn hán xảy ra cục bộ; nhiều hồ thủy lợi ở dưới mực nước chết; ao hồ trơ đáy, nứt nẻ; ruộng đồng khô hạn; việc thiếu thức ăn và nước uống khiến hàng trăm con cừu bị suy kiệt rồi chết dần. Thậm chí, năm ngoái, Lễ hội Nho và Vang Ninh Thuận dự kiến tổ chức tháng 10 cũng phải dừng vì tỉnh tập trung ứng phó với hạn hán trên địa bàn.

Còn nhớ, ngay khi bắt đầu “mùa hạn” năm 2018, chúng tôi đã có mặt tại những điểm nóng nhất về tình trạng thiếu nước trên địa bàn tỉnh để ghi nhận tình hình sản xuất, cách ứng phó với khô hạn của chính quyền và người dân địa phương. Từ những bản tin đầu tiên về hạn hán của CQTT, PV các báo ở tỉnh cũng đã có những tin, bài phản ánh tình trạng khô hạn mà Ninh Thuận đang phải đối mặt. Hàng trăm tin, bài về hạn hán ở Ninh Thuận đã được phóng viên chuyển về Tổng xã và được nhiều báo trong và ngoài ngành đăng tải.

Đối với tôi, mỗi lần đi tác nghiệp để ghi nhận sự khốc liệt của thiên nhiên, dù cố gắng đến mấy cũng chỉ phản ánh được phần nào khó khăn, vất vả mà người dân phải chịu đựng. Nghề báo không chỉ đi tìm hiểu, thu thập thông tin để viết bài mà mỗi chuyến đi còn mang lại những trải nghiệm về cuộc sống của những con người mới, vùng đất mới chất chứa tình người trong đó.

Nguyễn Thành
Nội san Thông tấn số 9/2019