Thứ bảy, ngày 27/04/2024

Tin tức trong ngành

Tăng cường sức mạnh của báo chí chính thống


(28/02/2020 16:00:48)

Ngày 19/11/2019, tại cuộc tọa đàm khoa học “Nhận diện quan điểm sai trái, thù địch trên lĩnh vực báo chí, truyền thông và định hướng, giải pháp đấu tranh, ngăn chặn” do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức, thay mặt Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN), Phó tổng giám đốc Lê Quốc Minh đã trình bày tham luận với tiêu đề “Hãy chỉnh đốn tư tưởng ngay trong căn nhà của mình!”. Nội san Thông tấn xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Giao ban báo chí đầu xuân Canh Tý 2020

1. Báo chí cách mạng Việt Nam có một lịch sử hào hùng với những đóng góp quan trọng trong sự nghiệp giải phóng dân tộc cũng như xây dựng đất nước. Không thể kể hết những thành tích của các cơ quan báo chí cũng như cá nhân nhiều nhà báo trên mọi mặt trận. Báo chí cũng khẳng định vai trò vô cùng quan trọng trong công tác phòng chống tham nhũng, phản biện xã hội, với hàng ngàn, hàng vạn sản phẩm mỗi năm ở các thể loại báo in, ảnh, phát thanh-truyền hình và báo điện tử gây tiếng vang, được dư luận đánh giá cao.

Tuy nhiên, khoảng một thập niên qua, đặc biệt là những năm gần đây, nhiều khi giở một trang báo in, bật một kênh truyền hình hay phát thanh, nhất là khi truy cập vào các báo điện tử, chắc hẳn nhiều người sẽ chia sẻ với suy nghĩ: Chúng ta đang đọc, đang xem cái gì thế này? Quay sang các trang mạng xã hội - những nền tảng ngày càng thu hút đông người sử dụng, thậm chí từng khiến họ xa rời báo chí chính thống thì nội dung hiện trên các newsfeed còn kinh hãi hơn. Tạo ra những nội dung đó cả trên báo chí chính thống lẫn trong các status, bình luận trên mạng xã hội không phải là lực lượng thù địch, mà là chính những nhà báo đang hoặc từng làm việc tại các cơ quan báo chí thuộc quyền quản lý của nhà nước Việt Nam. Không phải là tất cả các nhà báo, nhưng số lượng không nhỏ.

Thực tế cho thấy, phần nhiều chúng ta chỉ tập trung đối phó với những thế lực, những phần tử chống đối trong công cuộc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh ngăn chặn các quan điểm sai trái, thù địch trên các phương tiện thông tin ở nước ngoài, mà quên rằng cần chấn chỉnh chính những đơn vị báo chí chính thống, oái oăm thay thuộc quyền sở hữu và quản lý của chính chúng ta.

Nói đến báo chí, truyền thông ngày nay là bao gồm cả báo chí chính thống và các phương tiện truyền thông khác, trong đó có sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội. Nhưng nhìn đâu cũng thấy những thông tin sai lệch, thậm chí có cả tin đồn lẫn thông tin giả mạo (fake news) khiến độc giả vô cùng hoang mang. Chúng ta không khỏi lo lắng khi có quá nhiều thông tin xấu độc, bôi nhọ lãnh tụ-lãnh đạo, truyền bá thông tin sai trái về đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước do những đối tượng chống đối chế độ tung trên mạng xã hội hoặc đăng tải trên nhiều kênh thông tin của nước ngoài. Nhưng có lẽ, đáng lo không kém là những nội dung thiếu chính xác, đu bám trào lưu phê phán thiếu cơ sở, thiếu tinh thần xây dựng ngay trên những trang báo chính thống trong nước, hoặc do những nhà báo nhiều ảnh hưởng đang hoặc đã từng làm việc cho các cơ quan báo chí trong nước đăng tải trên các phương tiện truyền thông xã hội.
 
Phóng viên Sơn Bách, báo điện tử VietnamPlus, và Đỗ Bá Thành, Vnews, tại cuộc họp báo về tình trạng nước sạch bị ô nhiễm ở Thủ đô, tháng 10/2019

2. Theo báo cáo năm 2019 về mức độ tiêu dùng truyền thông của GlobalWebIndex, thời gian trung bình mỗi ngày mà người Việt Nam dành cho báo chí truyền thống là 2 giờ 34 phút, cho các nền tảng kỹ thuật số là 7 giờ 12 phút (mức trung bình của thế giới tương ứng là 3 giờ 33 phút và 6 giờ 45 phút). Tỷ lệ thời gian người Việt dành cho các nền tảng digital trong tổng thời gian dành cho truyền thông mỗi ngày chiếm 74%, cao nhất trong số 41 quốc gia được khảo sát.

Cụ thể, theo thống kê năm 2018, người Việt mỗi ngày dành 1 giờ 20 phút cho truyền hình, 30 phút cho phát thanh, 43 phút cho báo in và hơn 1 giờ đồng hồ cho máy chơi game. Người Việt khá “nghiện” điện thoại khi dành tới 3 giờ 15 phút cho smartphone trong khi dành 3 giờ 43 phút cho máy tính để bàn/máy tính bảng. Một người trưởng thành chỉ có 43 phút đọc báo in mỗi ngày nhưng dành tới 1 giờ 12 phút để đọc tin online. Ngoài ra, khi lên mạng, họ dành 1 giờ 7 phút để nghe nhạc, 2 giờ 33 phút cho mạng xã hội và 1 giờ 11 phút xem truyền hình streaming. So với năm 2014, thời lượng người Việt dành cho mạng xã hội đã tăng gần 30 phút mỗi ngày.

Theo một báo cáo khác của GlobalWebIndex, trong năm 2019, bất chấp việc suy giảm niềm tin đối với báo chí và những tranh cãi xung quanh vấn đề mức độ chính xác của thông tin và fake news, đòi hỏi về tin tức vẫn tương đối cao trên thế giới. Có 48% những người được hỏi ý kiến cho biết tin tức thời sự là mối quan tâm của họ và là một phần không thể tách rời trong cuộc sống. Những người quan tâm tới tin tức thường thuộc nhóm có độ tuổi cao hơn, điều kiện kinh tế khá hơn và học vấn cao hơn so với những người dùng Internet nói chung. Có đến 69% người Việt Nam tham gia khảo sát theo dõi một nguồn tin quốc tế, một tỷ lệ khá cao, chỉ đứng sau một số nước như: Philippines (85%), Thái Lan (76%), Indonesia và UAE (cùng 75%), Ấn Độ (72%), Nam Phi (70%) trong khi tỷ lệ này ở nhiều nước châu Âu như: Pháp, Đức, Đan Mạch, Nga, Bỉ chỉ từ 29 đến 34%. Đặc biệt, tỷ lệ ở Hà Lan chỉ là 26% và Nhật Bản là 24%.

Do mối lo ngại về tin giả, người dùng đang quay lưng với truyền thông xã hội và không coi đó như một nguồn tin đáng tin cậy. Báo cáo Edelman 2019 cho hay, niềm tin đối với báo chí truyền thống đã tăng lên mức cao là 65% trong khi với truyền thông xã hội tương đối thấp, chỉ là 43%. Người dùng đang quay trở lại với các cơ quan báo chí để tìm kiếm một bộ lọc an toàn cho những thông tin đáng tin cậy.

Báo cáo về thực thi tiêu chuẩn cộng đồng của Facebook cho biết, trong quý III/2019, mạng xã hội này phải xóa 30,3 triệu nội dung khiêu dâm người lớn; 11,6 triệu nội dung khiêu dâm trẻ em; 29,3 triệu nội dung bạo lực; 7 triệu nội dung kích động thù hận; 5,2 triệu nội dung tuyên truyền khủng bố. Facebook cũng đã xóa khoảng 5,4 tỷ tài khoản giả mạo trong năm nay.

Nêu lên những con số trên đây để thấy cách thức người Việt Nam tiêu dùng thời gian mỗi ngày cho truyền thông ra sao và báo chí chính thống vẫn có vai trò quan trọng như thế nào trong việc tuyên truyền chính sách và cung cấp thông tin, kiến thức cho người dùng. Dù nhiều người tuyên bố rằng họ chỉ theo dõi tin tức qua mạng xã hội nhưng thực tế là những người càng dựa vào mạng xã hội để nắm thông tin thì càng dễ vấp phải tin giả và ngay cả trên mạng xã hội thì lượng tin từ các cơ quan báo chí chính thống được chia sẻ vẫn chiếm một tỷ lệ đáng kể.
 
Phóng viên CNN đọc báo Việt Nam News trong đợt thông tin đặc biệt về cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ hai, tháng 2/2019

3. Chúng ta không phủ nhận rằng có nhiều chính sách của cơ quan chức năng chưa hoàn thiện, còn bất cập, có nhiều cán bộ nhà nước mắc sai phạm nghiêm trọng cần lên án và đưa ra công luận, có những doanh nghiệp và cá nhân lợi dụng kẽ hở của luật pháp để kiếm lợi bất minh. Nhưng, trong khi nhiều chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước đưa Việt Nam trở thành một trong những hình mẫu về phát triển, được nhiều lãnh đạo, giới doanh nhân và chuyên gia nước ngoài khen ngợi, thì không ít người dân trong nước luôn có cái nhìn tiêu cực. Cần thẳng thắn thừa nhận rằng, thực trạng đáng buồn này một phần chính là do báo chí. Chưa cần phải chịu sự tác động của các lực lượng thù địch, mà chính một bộ phận trong đội ngũ những người làm báo với thái độ nghiệp vụ thiếu chuyên nghiệp, chạy theo những lợi ích riêng, hoặc quy chụp vì thiếu thông tin, đã phần nào gây ảnh hưởng tâm lý tiêu cực đến đông đảo công chúng, làm giảm niềm tin của người dân đến chế độ.

Khoảng ba năm trước, khi tham gia chương trình Đối thoại Truyền thông Việt - Đức, các đồng nghiệp thuộc nhiều cơ quan báo chí của Đức đã chất vấn rằng có phải báo chí Việt Nam bị kiểm duyệt, có phải chỉ là công cụ tuyên truyền của chính phủ, có phải toàn màu hồng. Tôi đã trả lời rằng nếu họ đọc báo tiếng Việt thì e rằng sẽ thấy quá nhiều mảng tối. Điều mà chúng ta cần là báo chí phản ánh đúng bản chất của xã hội như nó vốn có, nghĩa là gồm cả những mặt chưa được lẫn những câu chuyện tích cực, nhưng với nhiều nhà báo thì “nơi nào có máu đổ thì nơi đó có tin”. Đặc biệt, trong thời buổi làm báo phải chạy theo thuật toán của Google, Facebook ngày càng xuất hiện quá nhiều thông tin vô bổ, nhảm nhí trên báo chí, nhất là báo điện tử và các trang thông tin điện tử.

Báo chí thế giới cũng chẳng khác gì. Có một khái niệm mới trong tiếng Anh là “infoxication” - tình trạng ngộ độc về thông tin. Cũng không sai nếu nói rằng chúng ta đang sống trong một xã hội bị ngộ độc về thông tin. Sự dư thừa thông tin khiến mỗi người chúng ta bị ngợp, bị ong đầu, bị chói mắt. Người dùng muốn nắm mọi thông tin, còn mỗi cơ quan báo chí lại chạy đua quyết liệt với nhau và với mạng xã hội, để không chỉ cung cấp tin tức nhanh nhất mà cả những thông tin kiếm được nhiều lượt truy cập nhất. Nỗi ám ảnh về lượng pageview, về SEO, về thang bậc trên Internet và việc báo chí đang tác nghiệp dựa theo thuật toán của các máy tìm kiếm cũng như mạng xã hội thực sự đang hủy hoại chất lượng của báo chí và mối quan hệ giữa các cơ quan báo chí với độc giả.

Tính chỉ trích trong báo chí đã đi quá xa. Tất nhiên, nhà báo cần đảm đương vai trò giám sát, nhưng việc có quá nhiều thông tin tiêu cực trên báo đài đang làm nản chí độc giả. Những người khoan dung thì sẽ có thái độ chờ xem, còn những người khác sẽ “ngắt kết nối” cả với các cơ quan báo chí lẫn với thực tế. Không hiếm người thậm chí thốt lên rằng họ không muốn đọc báo nữa vì quá sợ hãi. Nhưng báo chí Việt Nam có sự khác biệt lớn ở chỗ luôn đồng hành cùng sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là đội quân xung kích trên mặt trận tư tưởng văn hóa của Ðảng và Nhà nước.
 
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu tham quan trưng bày các tác phẩm ảnh báo chí đoạt giải tại Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại 2018

4. Nhìn nhận vai trò của báo chí cách mạng Việt Nam, tại Đại hội lần thứ 10 Hội Nhà báo Việt Nam, tháng 8/2015, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Trong các cuộc kháng chiến anh dũng chống xâm lược, bảo vệ Tổ quốc, báo chí nước ta đã trở thành một binh chủng quan trọng trên mặt trận tư tưởng; nhiều tác phẩm báo chí đã thực sự là ‘lời hịch cách mạng’, ‘tiếng gọi non sông’ thúc giục đồng bào cả nước cùng ra trận. Trong thời kỳ đổi mới, gần 30 năm qua, những người làm báo tiếp tục là đội quân chủ lực trong việc định hướng dư luận xã hội, tuyên truyền, cổ vũ, động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện thắng lợi đường lối đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo”.

Tại cuộc làm việc với Ban Thường vụ Hội Nhà báo Việt Nam tháng 6/2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng chỉ rõ: “Hơn lúc nào hết, báo chí phải thể hiện những giá trị cốt lõi của mình là cung cấp tin có kiểm chứng, đấu tranh chống lại tin xuyên tạc, tin giả, tin xấu, độc...”. Trong bài viết “Truyền thông xã hội đối với ổn định chính trị, xã hội ở Việt Nam”, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng từng nhấn mạnh vai trò quan trọng của báo chí, truyền thông trong việc gìn giữ “mối quan hệ máu thịt giữa Đảng và dân, củng cố lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng”, bởi đây chính là “nền tảng cho sự ổn định chính trị, xã hội của nước ta”. Biểu dương, tôn vinh cái tốt, đẩy lùi cái xấu, góp phần làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn, xã hội tiến bộ hơn, đó chính là sứ mệnh cao cả của báo chí cách mạng Việt Nam.

Không ít người có trách nhiệm đã đặt câu hỏi: “Tại sao báo chí ở Việt Nam thuộc sở hữu của nhà nước mà cơ quan chức năng lại không thể xử lý được tình trạng bát nháo hiện nay?”. Chính quyền ủng hộ và khuyến khích báo chí thực hiện hiệu quả chức năng giám sát và phản biện xã hội nhưng cũng phải quyết liệt xử lý sai phạm của các cơ quan báo chí và cá nhân các nhà báo theo đúng luật pháp. Cần phải quy trách nhiệm cho người đứng đầu các cơ quan báo chí, xử lý nghiêm cả Tổng biên tập khi có bất kỳ sai phạm nghiêm trọng nào của tờ báo hoặc cá nhân các nhà báo tại đơn vị đó. Cần mạnh dạn rút giấy phép hoạt động của những cơ quan báo chí vi phạm, tước thẻ và cấm hành nghề với những nhà báo vi phạm, nhất là vi phạm về vấn đề tư tưởng chính trị và đạo đức nghề báo.

Cũng cần nghiêm túc xem xét lại toàn bộ quy trình xét duyệt cấp phép hoặc bổ nhiệm lãnh đạo các cơ quan báo chí. Việc sắp xếp các cơ quan báo chí theo Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 là bước đi đúng hướng, nhưng cần hướng đến mục tiêu tập trung nguồn lực phát triển những cơ quan báo chí chất lượng cao chứ không đơn thuần là giảm về số lượng. Quy định tỷ lệ thông tin tiêu cực/tích cực trên báo chí chỉ là giải pháp tức thời, cần phải giúp cho các cơ quan báo chí đi theo cách làm báo mang tính xây dựng và mỗi nhà báo phải thực sự thông hiểu xu hướng báo chí này, để dù thể hiện trong tác phẩm báo chí hay lên mạng xã hội, họ đều hướng đến điều nhân văn, tốt đẹp.

Báo chí xây dựng không đơn giản là cung cấp những tin tức tích cực - những câu chuyện xúc cảm, mang tính giải trí, tạo cảm giác tươi đẹp về một số chủ đề giới hạn trong cuộc sống như “cứu được chú mèo sau 10 ngày mắc kẹt trên cây” hay “thanh niên nghèo trả lại tiền tỷ rơi trên phố”. Tin, bài theo quan điểm báo chí xây dựng đề cập đến cả những vấn đề quan trọng như biến đổi khí hậu, bình đẳng giới, tranh chấp thương mại… có điều nó được thực hiện theo cách thức khác. Bên cạnh 5 chữ W mà các nội dung báo chí phải trả lời: Điều gì xảy ra? Ở đâu? Khi nào? Tại sao? Liên quan đến ai? thì báo chí xây dựng đặt ra câu hỏi: Vậy bây giờ có thể làm gì để có được một xã hội tốt đẹp hơn?

Cũng là nhà báo, phải nêu lên những sai phạm trong nghề của các đồng nghiệp cũng chẳng vui vẻ gì, nhưng nếu không làm trong sạch chính đội ngũ của mình thì e rằng những bài viết trên báo hay các chương trình phát thanh và truyền hình sẽ chẳng còn ai tin nữa. Và khi đó, người dân sẽ quay sang các kênh thông tin mà chính quyền không kiểm soát được.

 

Nội san Thông tấn số 2/2020

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Thực hiện thông tin liên vùng tại khu vực Tây Nguyên (28/02/2020 15:58:40)

Nâng cao hiệu quả tuyên truyền của báo chí ngữ Khmer (28/02/2020 15:55:05)

Hoạt động thăm, chúc tết của lãnh đạo ngành (28/02/2020 14:23:58)

Khen thưởng thành tích tuyên truyền của các bộ, ngành (28/02/2020 14:16:13)

Hội nghị công chức, viên chức các CQTT phía Bắc (28/02/2020 14:12:00)

Khởi động Giải thưởng âm nhạc Cống hiến năm 2020 (28/02/2020 14:11:06)

Tích cực tuyên truyền chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế tới nhân dân (13/02/2020 17:52:00)

Tập huấn nghiệp vụ công tác tổ chức đại hội đảng các cấp (13/02/2020 16:06:15)

Tiếp đoàn đại biểu Đại sứ quán CHDCND Triều Tiên tại Việt Nam (11/02/2020 17:40:32)

90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (1930-2020): Đảng ủy TTXVN tổ chức lễ mít tinh kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng (03/02/2020 18:39:14)