Thứ bảy, ngày 20/04/2024

Công tác thông tin

Thành công của sự phối hợp nhóm


(12/05/2011 09:41:25)

Là phóng viên theo dõi lĩnh vực giáo dục, có dịp đi, gặp và trò chuyện cùng thầy cô giáo, tôi được nghe nhiều sẻ chia, trăn trở với nghề của họ. Tôi không thể quên hình ảnh thầy Hiệu trưởng Nguyễn Văn Hiện của trường Trung học phổ thông Trung Văn (Từ Liêm, Hà Nội) ngồi trầm tư, mắt buồn rười rượi vì thầy đã cố hết sức mà học trò vẫn không chịu học; hình ảnh cô giáo ở trường tiểu học Bình Nguyên (huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình) 5 năm liền dạy miễn phí cho cậu học trò bị chứng động kinh, và cái dáng gầy gò, đen đúa, đầy lam lũ của cô giáo Y Thách giữa núi rừng Tây Nguyên, sáng sáng mang bầu, bí, khoai, sắn ra chợ đổi lấy gạo về nấu cháo cho học trò.

Nhóm phóng viên báo điện tử VietnamPlus vừa đoạt giải A Giải báo chí TTXVN 2010 với chùm bài 'Lái đò thời @: Tròng trành thuyền chở chữ tâm'. Từ trái qua: Tác giả Phạm Mai, Hồng Kiều và Sơn Bách

            Dịp 20/11, cả nước tri ân những người thầy với mong muốn mang đến một cái nhìn khác về nghề giáo so với những cái nhìn khắt khe, những thông tin không mấy tốt đẹp về giáo dục nói chung và thầy cô nói riêng tràn lan trên các phương tiện truyền thông đại chúng, tôi quyết định triển khai một loạt bài về giáo dục.

            Để có hiệu quả và tính thống nhất, tôi đã bàn bạc với phụ trách phòng và vạch ra đề cương, hướng tới những người thầy gắn với các đối tượng học trò đặc biệt và ở nhiều vùng miền khác nhau của cả nước. Họ sẽ đại diện cho nhà giáo ở nhiều nơi và do đó, có tính khái quát cao hơn.

            Chùm bài ban đầu được mở với một bài viết ngắn, mang tính tản mạn về tình thầy trò xưa và nay nhiều hơn là luận. Nhưng khi gửi lãnh đạo phòng, chị phụ trách đã gặp gỡ, trao đổi, yêu cầu phóng viên viết lại theo hướng có vấn đề, tính thời sự cao hơn. Chính sự đòi hỏi cao ấy đã giúp chúng tôi phát huy được bản thân mình nhiều hơn. Tôi cặm cụi viết lại bài với tít "Lái đò thời @: Tròng trành thuyền chở chữ tâm". Để mang lại tính thời sự cho bài viết theo đúng yêu cầu của tòa soạn, tôi mở đầu bằng sự kiện đang rất được dư luận lúc đó quan tâm là việc cô giáo ở Hải Phòng trách mắng học sinh, bị các em ghi âm và tung lên mạng.

            Bài viết sau khi đăng tải đã được nhiều báo như Tiền phong, Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh, Phụ nữ Việt Nam... đăng lại.

            Bài viết "Công nghệ 3D thu phục học trò hư", ban đầu, tôi chỉ định viết sâu về nhân vật thầy hiệu trưởng vì ngay từ lần gặp đầu tiên, năm 2008, tôi đã rất cảm động trước nhiệt huyết mà thầy dành cho trường. Khi đó, tôi đi lấy tư liệu viết bài cho đề tài học sinh khối 12 ôn thi tốt nghiệp trung học phổ thông, nhưng đến trường Trung học phổ thông Trung Văn mới biết đây là ngôi trường vừa thành lập và mới tuyển sinh khóa đầu tiên, chỉ có học trò lớp 10. Tự trách mình không tìm hiểu kỹ thông tin trước khi đến, nhưng bù lại, thay vì hỏi về học sinh ôn thi, tôi trò chuyện cùng thầy về những gian nan của ngôi trường mới, về lứa học sinh đầu tiên, những buồn vui của nghề khi học trò của thầy toàn đối tượng cá biệt. Và thế là khi triển khai bài viết về thầy dạy trò hư, lập tức tôi nghĩ tới thầy Hiện.

            Với đề tài giáo viên vùng núi, để có bài báo hay, phóng viên Hồng Kiều đã về tận Cao Bằng, vào bản gặp gỡ giáo viên cắm bản để tìm hiểu đời sống, tâm tư, tình cảm của họ. Cái khó là chủ đề giáo viên "cõng chữ" lên non đã được viết rất nhiều, những gian khó, vất vả vì thiếu thốn đủ bề, từ trường lớp đến nước uống, những câu chuyện xúc động vì sự hy sinh tuổi thanh xuân của thầy cô cắm bảnÂ…đều đã được các báo đề cập, do vậy, để tìm được một khía cạnh mới thật không đơn giản.

            Tìm hiểu rất nhiều nhân vật, Kiều mới phát hiện ra một khía cạnh đặc biệt qua câu chuyện của cô giáo Mã Thị Thoa, một cô giáo người Tày dạy học sinh người Dao. Cô Thoa đã 6 lần chuyển công tác, từ điểm trường cách nhà gần 200 km trở về điểm trường cách nhà 50 km (cũng chỉ có thể về với gia đình vào cuối tuần). Trong suốt 12 năm cô Thoa đi làm xa nhà, một tay chồng cô tần tảo chăm sóc các con mà không một lời than trách. Cô giáo ấy đã hy sinh cả tình mẫu tử thiêng liêng để gieo tương lai, mầm chữ nơi những học trò nghèo vùng khó.

            Cũng vì đề tài được triển khai ở nhiều nơi, gắn với nhiều đối tượng thầy - trò khác nhau nên nhóm phóng viên đã bàn bạc triển khai phương thức làm việc theo nhóm, phân công các đề tài cụ thể cho từng phóng viên, trên cơ sở phát huy ý tưởng, khả năng sáng tạo của mỗi người.

            Tìm được góc nhìn mới từ một đề tài đã cũ cũng là trăn trở của phóng viên Sơn Bách khi được giao viết về người thầy của những học trò khuyết tật, vì giống như viết về giáo viên vùng cao, đây cũng là một đề tài được "cày xới" đã nhiều. Nhưng khi đến với căn phòng nhỏ của lớp thêu tại Trung tâm dạy nghề cho thanh niên khuyết tật Trường Trung học tư thục Kinh tế - du lịch Hoa Sữa phường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai, Hà Nội, giữa không khí yên ắng, nhìn những con người cặm cụi bên bàn thêu, và nghe tâm sự, sẻ chia của người thầy cũng bị khuyết tật- cô giáo Nghiêm Thị Thủy, Bách đã nhận ra rằng, cái khó của những người thầy khi dạy học sinh khuyết tật không phải ở những khiếm khuyết trên thân thể mà là nơi tâm hồn với những mặc cảm, tự ty, khắc kỷ. Và người giáo viên nhỏ bé Nghiêm Thị Thủy 20 năm qua đã cặm cụi hàn gắn những vết thương lòng ấy cho biết bao thế hệ học trò, mang đến cho các em niềm tin vào chính bản thân mình và vào cuộc sống. Bài viết, do đó đã có một cách tiếp cận hoàn toàn mới, vừa chân thực, vừa sâu sắc và giàu giá trị nhân văn.

            Khi chúng tôi thực hiện loạt bài này cũng là lúc đồng bào miền Trung phải gồng mình chống chọi với cơn lũ dữ. Trong hoàn cảnh khó khăn ấy, tình thầy trò lại được tỏa sáng hơn bao giờ hết. Để cho chùm bài vừa phong phú về nhân vật, đối tượng, lại đa dạng vùng miền và có tính thời sự cao, chúng tôi đã đề nghị được đi vùng lũ viết về người giáo viên.

            Vào tận nơi, chứng kiến tận mắt mới thấy không thể cầm lòng trước tình thương, sự sẻ chia đùm bọc hết mình của thầy cô xứ Nghệ với học trò nghèo trong hoạn nạn. Họ sẵn sàng bỏ mặc nhà mình cho lũ cuốn để lao đến trường cất sách vở cho học sinh, gom góp đồng lương ít ỏi để mua gạo nấu cháo cho các em ăn. Và khi nhìn đám học trò ăn ngấu nghiến đến hạt cơm cuối cùng trong bát, giữa cái hoang tàn của ngôi trường vừa bị lũ dữ tràn qua lấm lem, bết bê bùn đất, họ lặng lẽ quay đi để giấu giọt nước mắt không thể cầm lòng đã lăn dài trên má. Từ tâm lũ, phóng viên Sơn Bách gửi về tòa soạn bài viết "Thầy cô vùng lũ nhịn miệng nuôi trò qua cơn đói". Cùng ăn, cùng sống và cùng sẻ chia với đồng bào, cùng vượt qua biển nước mênh mông để đến với từng mái trường, bài viết của phóng viên vì thế đã mang lại sự đồng cảm lớn lao nơi bạn đọc.

            Loạt bài được Hội đồng Giải báo chí TTXVN năm 2010 trao giải A thể loại chuyên luận, bình luận xã luận thực sự là một vinh dự lớn cho chúng tôi, những phóng viên trẻ cả về tuổi đời và tuổi nghề của báo điện tử VietnamPlus. Thành công của tác phẩm "Lái đò thời @: Tròng trành thuyền chở chữ tâm" là thành công của sự phối hợp nhóm, phối hợp giữa phóng viên và lãnh đạo tòa soạn.

Phạm Mai
Theo Nội san Thông tấn, số 4/2011

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

"TáỪổ hào ViáỪẬt Nam" - TáỪổ hào giành hai giáỨặi nháỨầt áỨặnh bÃắo chÃễ  (12/05/2011 09:34:09)

Danh sách các tác giả đoạt giải Giải báo chí TTXVN năm 2010 (11/05/2011 17:00:46)

Hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng & đa dạng hóa thông tin thông tấn (11/05/2011 16:58:34)

Kỷ niệm 61 năm Ngày thành lập Hội Nhà báo Việt Nam 21/4 và Trao tặng Giải báo chí TTXVN 2010 (11/05/2011 16:51:37)

Chi hội nhà báo Trung tâm Truyền hình thông tấn tổ chức trao đổi nghiệp vụ (15/04/2011 13:04:18)

Liên Chi hội nhà báo bàn các chương trình công tác và khởi động Giải báo chí TTXVN 2011 (07/03/2011 15:05:29)

TTXVN đoạt 5 giải, Giải báo chí toàn quốc về 1000 năm Thăng Long - Hà Nội (08/11/2010 10:41:22)

Giải ảnh báo chí Khoảnh Khắc Vàng 03 (08/11/2010 10:36:54)

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX Hội Nhà báo Việt Nam thành công tốt đẹp (24/09/2010 14:14:46)

TTXVN đoạt 4 giải C, 4 giải khuyến khích (06/07/2010 13:38:23)