Chủ nhật, ngày 28/07/2024

Tin trong ngành

Thầy giáo vụ đầu tiên


(08/12/2015 10:34:28)

Người cán bộ tiền khởi nghĩa, người thầy giáo vụ đầu tiên của TTXVN là ông Trần Quang Liêm, sinh năm 1914. Cách đây 10 năm, trong dịp về thăm ông tại nhà riêng ở quận Kiến An, Hải Phòng, chúng tôi đã được nghe ông kể lại những kỷ niệm về khóa phóng viên đầu tiên của VNTTX tổ chức tại phố Văn Miếu, Hà Nội, cách đây đã 60 năm.

Thầy giáo vụ đầu tiên của TTXVN Trần Quang Liêm (bên trái) gặp lại người học trò Khóa I của mình là ông Nguyễn Văn Trường, nguyên Trưởng ban biên tập tin Trong nước, tháng 11/2005

 

Với giọng chậm rãi, vừa kể ông Trần Quang Liêm vừa hồi tưởng lại những ngày đầu được giao quản lý lớp học đầu tiên, khởi đầu sự nghiệp đào tạo của VNTTX.

 "... Tôi quen biết anh Đào Tùng từ đầu thời kỳ kháng chiến chống Pháp khi hai người cùng tham gia Lớp Trưởng ty Văn hóa Thông tin các tỉnh thuộc Liên khu Việt Bắc. Sau đó, tôi chuyển lên Sở Văn hóa Thông tin Liên khu, làm công tác thông tin tuyên truyền, bám sát các chiến dịch quân sự như: Chiến dịch Biên giới năm 1950, chiến dịch Hoàng Hoa Thám 1951 và cuối cùng là chiến dịch Điện Biên phủ. Sau chiến thắng Điện Biên phủ, Hiệp định Geneve được ký kết, trong một dịp về Hà Nội, tôi gặp lại anh Đào Tùng và được anh đưa về công tác ở Việt Nam Thông tấn xã (VNTTX).

Ở thời điểm ấy, các cơ quan báo chí rất thiếu cán bộ, phóng viên. Sau Tết nguyên đán Ất Mùi, tháng 2/1955, Thông tấn xã quyết định mở lớp đào tạo phóng viên để tạo nguồn cán bộ. Với chủ trương tổ chức tốt khóa đào tạo đầu tiên này, Giám đốc VNTTX Hoàng Tuấn lúc ấy đã mời một chuyên gia nước ngoài làm cố vấn cho lớp học. Nhiều đồng chí lãnh đạo cấp cao ở Trung ương đã đến giảng bài, nói chuyện về kinh nghiệm làm báo. Ban phụ trách lớp học có ba người: ông Đào Tùng, Phó Giám đốc VNTTX phụ trách chung; ông Nguyễn Thân, cán bộ giáo vụ, giỏi ngoại ngữ nên giữ việc quan hệ với cố vấn và tôi là giáo vụ trực tiếp quản lý lớp, tổ chức thực hiện chương trình, thời gian học tập của lớp...

Ba tháng đầu năm 1955, tôi được phân công đi các nơi, vào cả Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh... để tuyển sinh. Đối tượng chủ yếu là cán bộ trẻ của các cơ quan tuyên huấn, ngành văn hóa thông tin và một số là học sinh dự bị đại học. Cuối tháng 3/1955, hơn 50 học viên của lớp đã có mặt đông đủ ở Hà Nội. Lớp học khai giảng đầu tháng 5/1955 và kết thúc vào cuối tháng 11/1955. Công việc tổ chức điều hành lớp khá thuận lợi và thông suốt. Giảng viên nhiệt tình. Các học viên nghiêm túc trong học tập, tu dưỡng và rèn luyện. Hầu hết học viên sau đó đều về nhận công tác ở Thông tấn xã và Đài Tiếng nói Việt Nam, chỉ vài người về các cơ quan báo chí khác...".      

Sau thành công của khóa học này, VNTTX tổ chức thêm một số khóa học mới, đúc rút được nhiều kinh nghiệm trong công tác đào tạo như: xác định đối tượng tuyển sinh; xây dựng giáo trình cơ bản về nghiệp vụ; nội dung, thời gian học tập; kết hợp giữa đào tạo phóng viên tin và phóng viên ảnh, giữa phóng viên trong nước và phóng viên quốc tế... Nhờ vậy, trong những năm sau này, Thông tấn xã hoàn toàn tự đảm bảo được nguồn lực về cán bộ, phóng viên, đáp ứng, nhu cầu phát triển và chi viện cho các chiến trường, góp phần vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc.

Sau khi hoàn thành tốt vai trò là thầy giáo vụ của khóa phóng viên đầu tiên, ông Trần Quang Liêm lại là người đi đầu thực hiện chủ trương cử phóng viên thường trú ở các tỉnh của VNTTX, với việc xung phong đi thường trú ở Hải Phòng, tháng 10/1956. Tháng 7/1957, ông về Hà Nội, tham gia Ban giáo vụ lớp đào tạo phóng viên báo chí của Ban Tuyên huấn Trung ương do đồng chí Tố Hữu chỉ đạo, nhằm cung cấp phóng viên cho các cơ quan báo chí ở Trung ương và các tỉnh miền Bắc. Đầu năm 1958, ông chuyển về báo Hải Phòng; năm 1977 là Tổng biên tập báo Hải Phòng.

Sau gần 36 năm tham gia công tác thông tin báo chí, về nghỉ hưu nhưng ông không nghỉ viết. Suốt những năm sau đó, nhà báo lão thành Trần Quang Liêm đã chắt lọc từ cuộc đời làm báo của mình viết và biên soạn một số cuốn sách quý như: "Kinh nghiệm làm báo của tôi", "Cuộc đời và suy ngẫm", "Danh ngôn thế giới", "Trầm hương và một vụ hái lượm"...

Theo Nội san Thông tấn, số 11/2015

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Học + (07/12/2015 10:42:57)

Tổng hợp tin trong ngành (theo Nội san Thông tấn số 10/2015) (05/11/2015 14:22:54)

Xây dựng Tổ hợp truyền thông đa phương tiện với nền tảng kỹ thuật - công nghệ thông tin mạnh & hiện đại (04/11/2015 15:13:04)

Sôi nổi hoạt động chào mừng ngày vui của ngành thông tấn (03/11/2015 14:32:29)

Kỷ niệm 55 năm Ngày thành lập Thông tấn xã Giải phóng (03/11/2015 10:32:12)

Tổng hợp tin trong ngành (theo Nội san Thông tấn số 9/2015) (12/10/2015 15:40:16)

Tự hào là người kỹ thuật thông tấn (12/10/2015 14:42:51)

Tay máy suốt cuộc chiến đi cùng tuổi trẻ (12/10/2015 14:38:34)

Việt Nam News - Nhớ những chuyến đi (12/10/2015 10:55:24)

Ôn lại một thời "gian lao mà anh dũng" (09/10/2015 15:52:00)