Thứ sáu, ngày 26/04/2024

Tin tức trong ngành

Thông tin về dịch COVID-19: Thích nghi để hoàn thành nhiệm vụ


(29/04/2020 10:41:11)

Kết thúc 4 tuần phong tỏa đầu tiên, nước Pháp bước vào tháng phong tỏa tiếp theo, dự kiến sẽ kết thúc vào ngày 11/5. Cuộc sống của người dân Pháp đã thay đổi rất nhiều trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19. Và cuộc sống của các phóng viên Thông tấn xã Việt Nam thường trú tại Paris cũng vậy.

Phóng viên Vũ Mai Linh Hương dẫn hiện trường tại Paris, tháng 4/2020

Ba bài phát biểu trên truyền hình trong vòng một tháng. Chưa bao giờ một vị Tổng thống Pháp gửi thông điệp đến người dân nhiều như vậy trong một khoảng thời gian ngắn như thế. Trước cuộc khủng hoảng y tế nghiêm trọng gây ra bởi đại dịch COVID-19, Tổng thống Emmanuel Macron đã giải thích chi tiết tình hình thực tại; động viên, khuyến khích người dân; đưa ra các biện pháp và các quyết định quan trọng. Cũng chưa bao giờ sự xuất hiện của Tổng thống Pháp được mong chờ đến vậy. Mỗi bài phát biểu đều phá vỡ kỷ lục về lượng khán giả theo dõi, lần sau cao hơn lần trước, với những con số lần lượt là 25 triệu, 35 triệu và 36,7 triệu người xem. Con số cuối cùng chiếm đến 94,4% lượng người xem truyền hình trong khung 20 giờ đến 20 giờ 30 phút.

Thứ Năm, ngày 12/3: đóng cửa trường học

Trước ống kính máy quay, Tổng thống Macron không biểu lộ sự lo lắng. Vị nguyên thủ quốc gia không muốn gây hoảng loạn cho người dân Pháp trước tình hình dịch bệnh đang gia tăng ở mọi nơi trên thế giới. Ngày hôm trước, Bộ trưởng Y tế Olivier Véran đã tuyên bố 48 trường hợp tử vong và 2.281 người nhiễm. Một tuần trước đó, cả nước mới chỉ có 4 người chết và 257 người nhiễm... Tình huống khẩn cấp bắt đầu. “Tôi yêu cầu từ tối nay, tất cả những người trên 70 tuổi, những người mắc bệnh mãn tính hoặc rối loạn hô hấp, người khuyết tật, ở trong nhà càng nhiều càng tốt”, ông Macron đề nghị.

Tiếng sét đầu tiên đã nổ ba phút sau đó là thông báo mới, các nhà trẻ, trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông và đại học sẽ đóng cửa. Đối với người lao động, ông Macron yêu cầu làm việc từ xa nếu có thể. Cuộc sống thường nhật của hàng triệu gia đình đột ngột thay đổi.

Theo ghi nhận của nhóm phóng viên chúng tôi, các cửa hàng thực phẩm và siêu thị đông nghịt trong ngày cuối tuần sau đó. Người lớn không đến công sở và trẻ con không đến trường, có nghĩa là nhu cầu thực phẩm tăng đột biến trong mỗi gia đình. Sự lo lắng tiếp tục tăng lên cùng với những tin đồn lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội về khả năng phong tỏa toàn quốc giống nước láng giềng Italy. Hình ảnh những chiếc xe bọc thép của quân đội di chuyển ở ngoại ô Paris được chia sẻ nhanh chóng giống như trong thời chiến. Tuy nhiên, sau đó, quân đội đã lên tiếng bác bỏ tin đồn được huy động để kiểm soát việc đi lại của người dân, mà đây chỉ là hành quân thường lệ.

Thời gian này, CQTT Paris nhận được một thông tin đáng lo ngại. Một người bạn chung mới gặp gần đây được xác nhận dương tính với COVID-19. Các biện pháp phòng bị được lên kế hoạch cụ thể, để các gia đình có thể chủ động xử lý nếu như ai đó xuất hiện triệu chứng nghi ngờ. Không khí khá căng thẳng, song không có sự bi quan…

Thứ Hai, ngày 16/3: đang trong cuộc chiến

Bốn ngày trôi qua, Tổng thống Macron xuất hiện trở lại trên truyền hình. Trước đó, rất nhiều người dân Pháp vẫn tụ tập bên ngoài để tận hưởng cái nắng ấm áp đầu tiên của mùa xuân. Họ chưa nhận thức được nguy cơ gây tử vong của chủng virus Corona mới này. Vài giờ trước đó, Thủ tướng Edouard Philippe đã tuyên bố đóng cửa tất cả các cơ sở không thiết yếu đối với cuộc sống hằng ngày.

Phát biểu từ Điện Élysée tối 16/3, Tổng thống Emmanuel Macron đã tuyên bố: “Tôi quyết định tăng cường hơn nữa các biện pháp hạn chế đi lại và tiếp xúc. Từ trưa mai và trong ít nhất 15 ngày, người dân sẽ phải giảm di chuyển một cách tối đa”. Ông nhấn mạnh rằng, Pháp đang đối mặt với làn sóng nhiễm bệnh đầu tiên. Từ ngày 17/3, việc tụ tập, gặp gỡ bạn bè trong công viên, trên đường phố bị cấm.  

Toàn nước Pháp như sống chậm lại. Đường phố vắng tanh, các địa điểm du lịch nổi tiếng không một bóng người. Người dân tuân thủ nghiêm túc các yêu cầu cách ly của chính phủ, một phần vì ý thức cao, một phần vì e ngại khoản tiền phạt lên tới 135 Euro. Tuy vậy, các mạng lưới tình nguyện vẫn được duy trì, nhằm giúp đỡ những gia đình nghèo, những người cao tuổi hoặc đi lại khó khăn trong việc cung cấp thực phẩm và thuốc men. Các trường học đóng cửa, song không có nghĩa học sinh và sinh viên phải nghỉ học. Các lớp học trực tuyến hoạt động hết công suất trên nền tảng Internet mà Bộ Giáo dục đã nhanh chóng hoàn thiện.

Sự nhẹ nhõm trở lại với chúng tôi khi sức khỏe của các gia đình vẫn tốt vài tuần sau cuộc gặp gỡ với người bạn chung đã nhiễm virus SARS-CoV-2. Tuy nhiên, các biện pháp đảm bảo vệ sinh và giữ khoảng cách tiếp xúc luôn được thực hiện nghiêm túc, sau thông tin một cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Paris nhiễm bệnh, sốt cao nhưng không được nhập viện mà phải tự điều trị tại nhà. Các phóng viên thực hiện đầy đủ các yêu cầu thông tin, từ tin, bài viết đến truyền hình. Phỏng vấn qua điện thoại, nhờ người được phỏng vấn tự quay hình… Bên cạnh đó, với tư cách là một cơ quan bên cạnh Đại sứ quán, CQTT Paris cũng tham gia tư vấn, động viên các du học sinh Việt Nam ở lại Pháp trong khi dịch bệnh vẫn diễn biến khó lường.  

Thứ Hai, ngày 13/4: thành công chưa đến!

Sau bốn tuần ở nhà, người dân Pháp sốt ruột chờ ngày dỡ bỏ lệnh phong tỏa. Số ca tử vong hằng ngày vì COVID-19 vẫn ở mức hàng trăm người, tuy số bệnh nhân nặng phải đưa vào diện hồi sức tích cực đang giảm nhẹ. Trước sự mong đợi của người dân, Tổng thống Macron thể hiện sự rõ ràng trong bài phát biểu thứ ba vào tối 13/4 trên truyền hình. Rất nhanh chóng, ông tuyên bố: “Lệnh phong tỏa nghiêm ngặt nhất vẫn phải tiếp tục cho đến thứ Hai, ngày 11/5”.

Nghĩa là các biện pháp hạn chế di chuyển và tiếp xúc chỉ có thể được dỡ bỏ nếu người dân Pháp thể hiện trách nhiệm, tôn trọng các quy định và sự lây lan của virus thực sự chậm lại. Từ ngày 11/5, các trường học từ nhà trẻ đến trung học, sẽ dần mở cửa trở lại tùy tình hình trong từng khu vực. Tuy nhiên, trường đại học và những nơi tập trung đông người như nhà hàng, rạp chiếu phim, nhà hát, bảo tàng vẫn tiếp tục đóng cửa. Các lễ hội tiếp tục bị hoãn ít nhất đến giữa tháng 7. Tạm thời chưa xác định thời hạn mở cửa biên giới với các nước ngoài châu Âu.

Khi nào cuộc sống bình thường trở lại? Ở thời điểm hiện tại, không có câu trả lời dứt khoát cho điều này. Và người dân Pháp tiếp tục chờ đợi bài phát biểu tiếp theo của ông Macron. Còn chúng tôi, những phóng viên TTXVN thường trú tại Paris cũng phải thích nghi để hoàn thành nhiệm vụ, bảo vệ bản thân, bảo vệ gia đình trong bối cảnh dịch bệnh gia tăng./.

Vũ Mai Linh Hương - Trưởng CQTT tại Paris (Pháp)
Nội san Thông tấn số 4/2020

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Thông tin về dịch COVID-19: Khi bộ máy “phòng bị” được kích hoạt  (29/04/2020 10:40:20)

Thông tin về dịch COVID-19: 90 ngày xông pha vào các điểm nóng (29/04/2020 10:38:17)

Tiến tới Đại hội Liên chi hội Nhà báo TTXVN nhiệm kỳ 2020-2025: Thay đổi để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới (29/04/2020 10:28:10)

Tiến tới Đại hội Đảng bộ TTXVN nhiệm kỳ 2020-2025: Đã có 37/45 chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở tổ chức đại hội (29/04/2020 10:22:56)

Thêm một cuốn sách về chủ đề biển đảo (29/04/2020 10:21:15)

Tiếp nhận vật tư y tế phòng chống dịch COVID-19 (24/04/2020 12:35:29)

Kỷ niệm 45 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2020): Những khoảnh khắc lịch sử do phóng viên TTXVN thực hiện (22/04/2020 16:40:31)

Kỷ niệm 45 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2020): Phóng viên TTXVN theo các cánh quân ra trận (22/04/2020 16:11:55)

Ra mắt bài hát chống tin giả bằng 15 ngôn ngữ (10/04/2020 18:09:58)

Thư của Tổng giám đốc gửi tập thể người làm báo TTXVN trong cuộc chiến chống COVID-19 (10/04/2020 17:58:50)