Thứ ba, ngày 02/07/2024

Tin trong ngành

Vượt bão COVID-19


(04/01/2023 07:54:19)

Năm 2021, tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trên thế giới và cả Việt Nam. Được phân công theo dõi ngành y tế, phóng viên Cao Thùy Giang, báo điện tử VietnamPlus (Thông tấn xã Việt Nam - TTXVN) đã có những tin, bài thời sự đáp ứng sự khẩn trương trong công tác phòng, chống dịch bệnh, cùng nhiều bài viết chuyên sâu phân tích, bình luận về chiến lược tổng thể phòng, chống COVID-19 của Việt Nam. Tác phẩm “Việt Nam - Cuộc đấu trí không khoan nhượng và những giải pháp đột phá để vượt bão COVID-19”, giải Nhì - Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại là một trong số đó.

Phóng viên Cao Thùy Giang (bìa phải), tác nghiệp trong đợt cao điểm phòng, chống dịch COVID-19 tại bệnh viện Nhi Trung ương, Hà Nội

1. Chùm bài Việt Nam - Cuộc đấu trí không khoan nhượng và những giải pháp đột phá để vượt bão COVID-19 gồm 5 bài MegaStory trong số hàng chục bài được xây dựng công phu với những phân tích, bình luận được thể hiện dưới hình thức đa phương tiện. Tác phẩm cho thấy, trong đợt dịch lần thứ 4 này, Việt Nam tiếp tục huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, từ những lưu ý, nhắc nhở của Chủ tịch nước, chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư, của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, của Ban chỉ đạo quốc gia cho đến sự vào cuộc mạnh mẽ của nhân dân. Trên cơ sở các quyết định, quy định, quy chế, căn cứ vào tình hình cụ thể, mỗi địa phương lại có cách chống dịch sát với tình hình, phù hợp với thực tiễn và mang lại hiệu quả.
 
Nhìn lại năm 2021, trong khó khăn, Việt Nam đã cho thấy những nỗ lực lớn trong việc khống chế, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh. Đó dường như một cuộc tổng tiến công toàn diện của toàn bộ hệ thống, với nhiều “đòn đánh” mạnh, khi dịch lây lan với tốc độ mạnh hơn, phạm vi rộng hơn, đỉnh dịch dài hơn và tấn công nhiều bệnh viện hơn, chủng virus phức tạp, lây lan nhanh hơn. Hàng loạt quyết sách đúng đắn đã được đưa ra để dịch bệnh tại Việt Nam từng bước được kiểm soát và đất nước mở cửa trở lại, hòa nhập với thế giới trong giai đoạn bình thường mới.
 
Tác phẩm đã phân tích những bài học thành công trong thực tế khi đợt dịch lần thứ 4 bùng phát tại Bắc Giang. Kinh nghiệm của Bắc Giang chính là hồi chuông cảnh tỉnh các địa phương có các khu công nghiệp tập trung, cần sẵn sàng chuẩn bị các kịch bản đối phó khi có dịch bệnh.
 
Với quan điểm không ai an toàn cho đến khi tất cả mọi người đều an toàn, tác phẩm đã cho thấy những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong việc tạo điều kiện cho mọi người dân được tiếp cận công bằng với vaccine COVID-19. Và đây là chiến lược cấp bách, cần được triển khai hiệu quả tại Việt Nam trong thời gian ngắn nhất. Nhờ thế, chiến lược khoác “áo giáp sắt” cho từng người dân Việt đã được Chính phủ quyết liệt thực thi.
 
Loạt bài cũng cho thấy sự nguy hiểm, tàn khốc của dịch COVID-19, đặc biệt ở đợt dịch thứ 4 này, khi có hàng nghìn người đã mãi mãi ra đi. Những mất mát ấy sẽ còn dai dẳng trong tâm trí của người ở lại và là nỗi ám ảnh khôn nguôi với các y bác sĩ, nhân viên y tế… Rất nhiều F0 dù được can thiệp kỹ thuật chuyên sâu nhất, hiện đại nhất, với sự tham gia của các bác sĩ giỏi nhất nhưng cũng đầu hàng trước virus SARS-CoV-2.
 
Tổng kết, rút những kinh nghiệm từ đợt dịch lần thứ 4, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh, sau hai năm chống dịch, chúng ta đã rút ra được nhiều kinh nghiệm; đã có những sự trả giá, có mặt còn hạn chế, song từ những kinh nghiệm đó, chúng ta dần thích ứng và hiểu rõ hơn về đại dịch này.
 
2. Hơn hai năm đối mặt với đại dịch COVID-19, với phóng viên nói chung và phóng viên y tế nói riêng, đây dường như là một trận đấu để rèn luyện, với những cung bậc cảm xúc khó có thể diễn tả: có sự khẩn trương, sự dẻo dai, bền bỉ và có cả những bài học để điều chỉnh.
 
Tôi không thể quên những ngày đầu khi dịch bệnh còn mới lạ và cảm giác run sợ, lo lắng làm thế nào để tác nghiệp trong vùng dịch hay khu điều trị mà không bị lây nhiễm. Cuộc chạy đua, thử lửa về tin tức và sức dẻo dai trong công việc được tiếp nối liên tục khi dịch bùng phát tại một số tỉnh và đỉnh điểm là ở TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội trong gần một năm sau đó. Giờ nhớ lại, tôi vẫn còn thảng thốt, giật mình, thậm chí “hãi hùng” vì những ngày tháng ăn cùng, ngủ cùng tin tức COVID-19 với áp lực căng thẳng; những buổi chờ trực thông tin, đang ngủ mà giật mình bật dậy vì sợ ngủ quên quá giờ làm bản tin...
 
Trong những ngày đỉnh điểm của dịch, mỗi ngày, Bộ Y tế và UBND TP. Hà Nội cung cấp đều đặn 6 bản tin. Tôi được giao theo dõi, cập nhật 3 bản tin của Hà Nội (6 giờ, 12 giờ và 18 giờ). Phóng viên y tế chúng tôi hay gọi vui là giờ “hoàng đạo”. Điện thoại của chúng tôi để chuông báo cho cả ba khung giờ, liên tục trong nhiều ngày. Oái ăm nhất là bản tin 18 giờ vì đó là thời điểm đón con và nấu cơm tối cho gia đình. Các bản tin nhiều khi không cố định mà sớm, muộn thất thường. Vì thế, lúc nào tôi cũng lăm lăm chiếc điện thoại bên mình. Có những hôm chờ bản tin đằng đẵng đến 14 giờ chiều hoặc 20 giờ tối mới có thông tin và mất từ 20 phút đến cả tiếng đồng hồ sau đó để biên tập, hoàn thiện bản tin theo yêu cầu của toà soạn.
 
Nhưng đó mới chỉ là một phần trong yêu cầu thông tin. Bên cạnh thông tin thời sự còn cần có những bài viết chuyên sâu phân tích, tổng hợp kịp thời về các giải pháp ứng phó, chiến lược của Việt Nam trong từng thời điểm. Ban ngày, tôi dành hết thời gian cho các bản tin thời sự, còn việc viết bài chuyên sâu sẽ thực hiện khi đêm muộn, trong sự tĩnh lặng của không gian xung quanh. Lúc đó, tôi mới có thời gian sắp xếp tư liệu, đào sâu suy nghĩ để có những phân tích, bình luận sâu. Cứ như vậy, tôi mải miết với vòng quay của công việc, quăng mình theo dòng chảy thông tin với việc ăn uống thất thường và thức đêm. Hậu quả, vào tháng 10/2021, tôi đã bị một đợt tiền đình đáng sợ, buộc tôi phải cân đối, điều chỉnh lại công việc của mình để cân bằng với thời gian nghỉ ngơi và chăm sóc bản thân.
 
Giờ nghĩ lại những ngày tháng ăn ngủ cùng tin tức COVID-19, tôi vẫn thấy thật “sợ”, lượng tin bài làm gấp ba, bốn lần so với bình thường. Và khi dịch bệnh được kiểm soát, cùng với việc giảm dần các bản tin cho đến khi dứt hẳn việc ra bản tin, hầu như ai cũng thở phào nhẹ nhõm.
 
Nhìn lại giai đoạn đã qua, dù có nhiều khó khăn, vất vả trong công việc, nhưng tôi luôn ý thức được vai trò của một phóng viên đồng hành để chuyển tải những quyết sách, chỉ đạo, những chiến lược tổng thể của Đảng, Nhà nước trong phòng, chống dịch đến công chúng trong nước và quốc tế. Đó cũng là động lực để tôi vượt qua những khó khăn thường ngày, tập trung cao độ cho công việc. Và tác phẩm “Việt Nam - Cuộc đấu trí không khoan nhượng và những giải pháp đột phá để vượt bão COVID-19” vinh dự được trao giải Nhì - Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ VIII là phần thưởng cho những nỗ lực đó./.

Một số hình ảnh về hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 do phóng viên TTXVN thực hiện:
 

 

 

 

 

Cao Thùy Giang - Báo điện tử VietnamPlus
Nội san Thông tấn số 12/2022

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Thông báo tuyển chọn tác phẩm tham gia Giải báo chí TTXVN năm 2022 (29/12/2022 11:16:58)

Argentina và kỳ World Cup viên mãn (29/12/2022 11:15:55)

Trung tâm Truyền hình Thông tấn được trao giải Nhất Giải báo chí tuyên truyền về an toàn giao thông  (28/12/2022 15:38:03)

Phát huy tính nhân văn của báo chí (28/12/2022 15:29:50)

Nâng cao hiệu quả công tác thông tin đối ngoại, tuyên truyền biển đảo (28/12/2022 15:26:25)

Giành giải Nhất Giải báo chí “Vì sức khỏe nhân dân” (27/12/2022 16:04:17)

Đồng chí Lê Minh Đức tái cử Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đoàn nhiệm kỳ 2022-2027 (27/12/2022 15:52:31)

Công bố 10 sự kiện nổi bật trong nước và thế giới năm 2022 do TTXVN bình chọn (26/12/2022 10:21:50)

Tặng quà bệnh nhi Đà Nẵng (23/12/2022 09:25:44)

TTXVN và Sư đoàn 304 phát huy truyền thống “Thủy chung - Trong sáng - Sắt son” (22/12/2022 08:42:51)