Thứ bảy, ngày 02/11/2024

Tin trong ngành

40 năm cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc: Kinh nghiệm quý từ chiến dịch thông tin đặc biệt


(01/02/2019 14:52:18)

Tháng 5/1979, tại hội nghị tổng kết công tác thông tin phục vụ cuộc chiến đấu chống quân xâm lược trên tuyến biên giới phía Bắc, do cơ quan tổ chức, nhà báo Nguyễn Văn Lâm (Quế Lâm), Trưởng phân xã Hoàng Liên Sơn, đã báo cáo về tình hình chiến sự ác liệt, tinh thần và công tác tổ chức thông tin của PV, điện báo, lái xe trong hoàn cảnh chiến sự ác liệt. Nội san Thông tấn xin lược trích giới thiệu đến bạn đọc.

Phó tổng giám đốc Phạm Dân (thứ hai bên phải) làm việc với Phân xã 
Lạng Sơn ở mặt trận biên giới phía Bắc, năm 1979

“Chiến thuật bóng đá”
 
Phân xã Hoàng Liên Sơn được Bộ biên tập quyết định thành lập tháng 8/1977, gồm hai PV tin và một điện báo viên.
 
Tỉnh Hoàng Liên Sơn đất rộng, người thưa, được sáp nhập từ ba tỉnh: Lào Cai, Yên Bái, Nghĩa Lộ. Một tỉnh miền núi lớn, địa hình hiểm trở, đi lại khó khăn, phương tiện lại thiếu thốn nên lúc đầu Phân xã hoạt động gặp nhiều trở ngại.
 
Ngày 17/2/1979, chiến tranh nổ ra ở 6 tỉnh biên giới phía Bắc. Riêng tỉnh Hoàng Liên Sơn, địch dùng đến gần ba quân đoàn (gồm hai quân đoàn và một số sư đoàn độc lập) với gần 15 vạn quân ồ ạt đánh vào tất cả các huyện, thị biên giới dài trên 200km với mức độ và quy mô ác liệt chưa từng có ở một tỉnh biên giới vốn xưa kia là vùng hậu phương sâu nhất của nước ta.
 
TTXVN hoàn toàn không bất ngờ, lúng túng về sự kiện này, ít nhất là việc bố trí lực lượng PV tin, ảnh ở tỉnh biên giới Hoàng Liên Sơn. Tỉnh lỵ đã di chuyển về Yên Bái, Tổng xã chỉ đạo Phân xã di chuyển cùng nhưng vẫn bố trí PV thường trực ở thị xã Lào Cai. Mỗi khi ở biên giới có việc lớn xảy ra, chúng tôi lại tăng cường PV lên làm việc.
 
Anh em gọi đùa đây là “chiến thuật bóng đá”. Dịp tết vừa qua, Phân xã bố trí đồng chí Trịnh Duy Hoàng (PV) và Nguyễn Ngọc Thạch (điện báo viên) nghỉ phép vì có việc cần thiết. Tổng xã điều động đồng chí Kim Hùng (PV ảnh), Đào Hòa Bình (điện báo) lên trực ở thị xã Lào Cai cùng đồng chí Nguyễn Văn Nhạ. Đây là “chốt” lực lượng tại chỗ của cơ quan ta ở sát biên giới, chỉ cách Trung Quốc 1km đường chim bay. Tổ PV này tuy chỉ có ba người nhưng hoàn chỉnh vì có cả tin, ảnh, điện đài.
 
Khi chiến tranh xảy ra, cả nhóm đã bình tĩnh và triển khai công tác ngay. Sau khi báo cáo tình hình về Tổng xã, hai đồng chí Kim Hùng, Nguyễn Văn Nhạ đã vượt qua cầu Cốc Lếu, bất chấp nguy hiểm xuống xã Vạn Hòa, ga Phố Mới là nơi địch gây tội ác ngay từ phút đầu tiên để chụp ảnh, lấy tài liệu viết tin.
 
Sau đó ba đồng chí đã bình tĩnh tháo máy vô tuyến điện để di chuyển theo phương án chung, với tinh thần bằng mọi cách phải bảo vệ máy an toàn. Chiếc máy vô tuyến điện đó chúng tôi đã dùng suốt chiến dịch, đến nay vẫn rất tốt, không hề xây xát. Sau này, khi về thăm lại nơi làm việc cũ ở thị xã Lào Cai, chúng tôi thấy vị trí đặt máy của ta bị trúng ba phát đại bác của địch. Tinh thần làm việc tận tụy, quên mình, dũng cảm của các đồng chí Kim Hùng, Nguyễn Văn Nhạ, Đào Hòa Bình trong ngày 17/2 và những ngày sau đó rất đáng hoan nghênh.
 
PV Sỹ Châu (ngoài cùng bên phải) lấy tin tại mặt trận biên giới phía Bắc, năm 1979

Rõ việc, rõ người
 
Ngày 17/2, tôi dự cuộc họp Hội đồng nhân dân tỉnh ở thị xã Yên Bái. Khi chiến tranh nổ ra, tôi bị mất liên lạc với anh em ở thị xã Lào Cai. Tôi tìm mọi cách để nắm tình hình qua cấp ủy, gọi điện thoại báo cáo về Tổng xã xin xe, đồng thời viết tường thuật về trận giáng trả quân xâm lược ở toàn tuyến biên giới. Tôi lại đề xuất với đoàn chủ tịch cuộc họp Hội đồng nhân dân ra tuyên bố về vấn đề này để đưa tin… Cũng trong ngày hôm đó, đồng chí Thạch, Hoàng dù đang nghỉ phép nhưng nghe tin có chiến tranh đã tìm mọi cách quay trở lại ngay Phân xã để nhận công tác.
 
Chiều 18/2, tất cả chúng tôi có mặt. Ngày hôm sau 19/2, chúng tôi lên Phố Lu (bộ chỉ huy tiền phương đang ở đây). Lúc này, chúng tôi có thêm các đồng chí: Phùng Triệu, Chí (lái xe), cả thảy là 6 người (đồng chí Thạch được phân công trực ở Yên Bái và thay mặt Phân xã liên lạc với cấp ủy). Gặp nhau ở Phố Lu, anh em chúng tôi rất mừng vì tất cả đều an toàn. Phố Lu lúc này là hậu cứ trực tiếp của thị xã Lào Cai, là trung tâm phía bắc để cấp ủy và bộ chỉ huy quân sự thống nhất tỉnh chỉ đạo các hướng, các mũi Bát Xát, Mường Khương, Sa Pa, Bắc Hà, Si Ma Cai. Ở đây, anh em PV có thể được gặp gỡ nhiều điển hình, tha hồ khai thác.
 
Chúng tôi nhanh chóng thống nhất với nhau cách làm việc: Đồng chí Nhạ phụ trách toàn bộ phía Tây sông Hồng (phần thị xã Lào Cai, Cam Đường, Sa Pa, Bát Xát), đồng chí Hoàng phụ trách phía Đông sông Hồng (gồm mặt trận đường 7, Mường Khương, Bắc Hà, Si Ma Cai). Tôi hằng ngày đi giao ban với cấp ủy để nắm tình hình, đầu mối tin tức, đồng thời trực tiếp ra trận, xuống các đơn vị. Đồng chí Thạch ngoài nhiệm vụ điện báo viên còn kiêm việc hậu cần, chăm lo đời sống cho anh em.
 
Một nhiệm vụ khác mà tất cả anh em đều phải làm đó là quay máy vô tuyến điện, việc này mất khá nhiều thời gian. Anh em PV ảnh sau này có thêm Đỗ Hảo, Đình Trân cũng tích cực tỏa đi các hướng để thực hiện các nhiệm vụ của Bộ biên tập và Ban biên tập Ảnh giao.
Trong một tháng đó, chúng tôi viết được gần 100 tin, bài, báo cáo các loại. Anh em phải di chuyển địa điểm hàng chục lần, làm việc liên tục, không nghỉ chủ nhật, không kể đêm hôm. Đồng chí điện báo viên có ngày phải chuyển gần một vạn chữ về Tổng xã. Có lần, nơi chúng tôi đặt máy, pháo ta và pháo địch “đấu khẩu” nhau rất nguy hiểm. Nhưng dù trong hoàn cảnh nào, anh em đều vững vàng, phấn khởi, lạc quan cách mạng. Không ai tỏ ra hoang mang, dao động hoặc thoái thác nhiệm vụ.

 
Cộng đồng trách nhiệm
 
Chủ đề tuyên truyền suốt chiến dịch mà chúng tôi đã làm là nêu cao gương chiến đấu bảo vệ Tổ quốc của quân ta, tố cáo kịp thời tội ác của bọn xâm lược. Nhân vật trong các bài viết, bức ảnh của chúng tôi là bộ đội địa phương, dân quân, tự vệ, đồng bào các dân tộc - lực lượng chủ yếu đánh trả bọn xâm lược vừa qua.
 
Phương thức làm việc là nắm chắc đầu mối, đi sát mặt trận, đi sát cơ sở, bảo đảm mỗi tin, bài phải nhanh, đúng, hay. PV phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về tính chân thật trong mỗi tin, bài mình viết.
 
Do tình hình rất khẩn trương, công việc quá nhiều, Trưởng phân xã vừa làm nhiệm vụ PV, vừa lo tất cả các công việc sự vụ như ăn, ở, báo cáo, cầu nối giữa lãnh đạo địa phương và Phân xã… nên không thể đọc tất cả tin, bài của anh em. Vì thế, chúng tôi phải quy trách nhiệm cho từng PV để vừa đảm bảo công việc thông suốt, vừa thể hiện sự tin tưởng ở các đồng chí của chúng ta. Chúng tôi cũng nhất trí với nhau: Dưới mỗi tin, dù là ai viết, khi phát ra đều ký một cái tên chung của cơ quan là TTXVN. Cái sai của một người sẽ dẫn đến cái sai của nhiều người. Do đó, phải hết sức thận trọng.
 
Trong mỗi tin, bài anh em đều phải mắt thấy, tai nghe. Cái nào chỉ nghe mà không thấy, thì người nói cho mình nghe phải có cương vị, có trách nhiệm. Riêng trong tin tố cáo tội ác, chúng tôi đều thực hiện viết tập thể (ví dụ tin về Phố Lu, thị xã Cam Đường, thị xã Lào Cai…). Anh em PV khi tiếp cận vào những địa điểm đó, phân công nhau tỏa đi các ngả để quan sát, ghi chép, sau đó về tập hợp tư liệu và viết chung. Chúng tôi đặt cho mình ý thức trách nhiệm: Luôn luôn kiểm tra sự việc, bảo đảm tính chính xác cho đến khi tin phát đi. Mặt khác, chúng tôi cũng cho rằng, Phân xã trưởng phải liên đới chịu trách nhiệm đối với tin của PV khi phát đi. Làm như vậy vừa bảo đảm tính bao quát rộng vừa chính xác.
 
PV Minh Lộc và Đình Trân (thứ ba và thứ tư từ trái sang) trên chốt tiền tiêu Thanh Thủy, Vị Xuyên, Hà Giang, năm 1979

Bám sát bộ đội
 
Khi ta đánh buộc địch phải rút, Phân xã đã chủ động bám sát để kịp thời viết tin tố cáo. Lúc này không thể dựa vào cấp ủy để có được sự giúp đỡ về nơi ăn, ở, chúng tôi độc lập tác chiến, đi đến đâu thì bám vào các đơn vị bộ đội ở đó mà sống và làm việc. Chúng tôi đã ở với các đơn vị bộ binh, thông tin, pháo binh, tự vệ xí nghiệp mộc xẻ, Đảng ủy xã Nam Cường… Ở đâu chúng tôi cũng được các đồng chí thương yêu, đùm bọc, giúp đỡ, kể cả việc cho chiến sỹ đi bảo vệ. Nhờ sát cơ sở, sát thực tế, anh em PV Phân xã đã phát hiện nhiều điển hình tốt và đều có tin hay. Đó là tiểu đoàn 30 pháo binh, trung đoàn 54, tự vệ khu phố Duyên Hải, khu Lào Cai; các cá nhân Bùi Nguyên Khiết, Quách Văn Rạng, Tráng A Lùng, Đặng Hồng Quân, Vũ Thị Chiên… Điều phấn khởi là nhiều tấm gương Phân xã cổ vũ sau này đều được tỉnh xác nhận, có đến 7 hay 8 trường hợp được đề nghị Nhà nước xét tuyên dương Anh hùng. Một điểm khích lệ nữa, Phân xã chúng tôi không mắc sai phạm nghiêm trọng nào về tính chân thật.
 
Ngày 19/2, tại Phố Lu, chúng tôi nhận được điện của Tổng giám đốc Đào Tùng, trong đó có câu: “Căn cứ vào những hoạt động sôi nổi, nỗ lực của toàn thể Phân xã, Bộ biên tập ghi công và tỏ lời khen ngợi tất cả các đồng chí, đặc biệt là ba đồng chí Kim Hùng, Nguyễn Văn Nhạ và Đào Hòa Bình”.
 
Trong báo cáo chính trị đọc tại Đại hội liên hoan mừng chiến thắng của tỉnh Hoàng Liên Sơn, đồng chí Hà Thiết Hùng, Phó bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá: Phân xã TTXVN tại Hoàng Liên Sơn tích cực hoạt động, luôn luôn bám sát chiến trường, phát hiện được nhiều điển hình, viết được nhiều tin, bài hay, chụp được nhiều ảnh tốt, cổ vũ quân và dân Hoàng Liên Sơn đánh thắng quân xâm lược.
 
Tại buổi tiếp đồng chí phụ trách Phân xã ngày 8/4/1979, đồng chí Dương Việt Tiến, Bí thư tỉnh ủy Hoàng Liên Sơn đã biểu dương Phân xã vì nhiều lần báo cáo giúp tỉnh ủy nắm tình hình, giải quyết một số việc quan trọng, kịp thời.
 
Tại hội nghị biên giới vừa qua, Phân xã Hoàng Liên Sơn được Bộ biên tập và Ban thi đua cơ quan đề nghị lên Chính phủ xét thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba.
 

Nguyễn Văn Lâm
Nội san thông tấn số Xuân 2019