Thứ sáu, ngày 29/03/2024

Tin tức trong ngành

Chiếc điện thoại di động và bộ ảnh đoạt giải Nhất


(30/01/2019 17:07:08)

Tác phẩm “Dập lửa vụ cháy lớn” của PV Lê Minh Sơn, báo điện tử VietnamPlus được trao giải Nhất (bộ ảnh chụp bằng điện thoại di động), Giải ảnh báo chí Khoảnh Khắc Vàng năm 2018. Nội san Thông tấn giới thiệu những chia sẻ về “hành trình” đến với giải thưởng của anh.

Phó tổng giám đốc Lê Quốc Minh trao giải Nhất bộ ảnh chụp bằng điện thoại cho tác giả Lê Minh Sơn

Chiều 11/11/2018, ngọn lửa lớn bùng phát tại một kho chứa hàng rộng khoảng 1.000m2 phía sau Bến xe Nước Ngầm, Hà Nội. Nhận được tin báo từ đội cảnh sát phòng cháy chữa cháy quận Hoàng Mai, theo phản xạ, tôi lao nhanh đến hiện trường nơi xảy ra vụ cháy. Lúc đó, ngoài chiếc điện thoại di động là vật bất ly thân, tôi không mang thứ gì khác.
 
Tại hiện trường, hàng chục lính cứu hỏa đang nỗ lực khống chế, ngăn ngọn lửa không để cháy lan sang các kho hàng kế bên. Toàn bộ các PV mang theo máy ảnh đều bị lực lượng chức năng yêu cầu rời khỏi khu vực nguy hiểm. Nhiệm vụ quan trọng nhất với họ lúc đó là phải đảm bảo an toàn cho người và cơ sở vật chất. Tôi không mang theo máy ảnh hóa ra lại là một sự may mắn vì tôi có thể lọt vào bên trong hiện trường mà không gây ra sự chú ý.
 
Việc tiếp cận đám cháy để thực hiện được bộ ảnh này rất khó khăn khi ngọn lửa ngày càng lan rộng, tất cả hàng hóa trong kho bị đều bị cháy trụi, khói độc liên tục bốc ra ngoài. Không thể có mặt nạ phòng độc như lực lượng cứu hỏa, tôi lập tức lấy hai chiếc khẩu trang y tế đem theo người lồng vào nhau, đeo cẩn thận để hạn chế khói bụi.
 
Đã từng chứng kiến và làm tin về nhiều vụ cháy nên tôi hiểu việc chọn vị trí và cách thức tác nghiệp phù hợp là yếu tố quan trọng để đảm bảo an toàn tính mạng cũng như có được những thông tin, hình ảnh tốt nhất. Tôi chọn cách theo sát phía sau lực lượng phòng cháy chữa cháy vì tôi biết những khoảnh khắc đẹp nhất sẽ đến khi bám sát hiện trường và nhân vật.
 
Khoảnh khắc người lính cứu hỏa phun nước làm mát mặt sau nửa tiếng chiến đấu với giặc lửa

Trong bộ ảnh này, bức ảnh nhiều cảm xúc nhất với tôi là hình ảnh người lính cứu hỏa phun nước vào mặt để làm mát sau gần nửa tiếng chiến đấu với giặc lửa. Mặc dù đã đeo mặt nạ phòng độc và mặc áo chống lửa nhưng với nhiệt độ đám cháy lên tới hàng trăm độ C cùng với khói độc bốc ra từ những vật liệu bị cháy, có thể khiến những người lính cứu hỏa gặp tai nạn bất cứ lúc nào. Thế mà, rất nhanh sau khi phun vội nước vào mặt, người lính cứu hỏa đó lại khẩn trương quay lại với công việc, vì đám cháy vẫn chưa được khống chế.
 
Sau khi chụp ảnh hiện trường, ghi nhận thông tin ban đầu, tôi lập tức gửi ngay về tòa soạn. Mặc dù chất lượng ảnh không cao nhưng nhờ sự tiện dụng và khả năng kết nối nhanh chóng nên tòa soạn có thể xử lý thông tin kịp thời. Một tiếng đồng hồ sau khi xảy ra vụ cháy, những thông tin và hình ảnh đầu tiên do tôi chụp đã nhanh chóng được báo điện tử VietnamPlus đăng tải và được nhiều báo khác sử dụng.
 
Kinh nghiệm từ việc thực hiện bộ ảnh này cho thấy, để có những bức ảnh ấn tượng, trong những trường hợp ngặt nghèo, PV không nhất thiết cứ phải sử dụng máy ảnh chuyên nghiệp. Điều quan trọng chính là khả năng xử lý tình huống trong những hoàn cảnh khác nhau. Có khi chỉ với một chiếc điện thoại thông minh có chức năng chụp ảnh, PV có thể làm được rất nhiều việc có ý nghĩa. Và mỗi chiếc điện thoại chính là một tòa soạn di động, có thể đáp ứng được yêu cầu sản xuất những sản phẩm báo chí có chất lượng, có thể chụp ảnh và xử lý thông tin, hình ảnh đồng thời cũng có thể đăng tải tin, bài một cách nhanh nhất.
 
Tôi tin rằng trong tương lai, cùng với công nghệ phát triển, những bức ảnh báo chí được chụp bằng điện thoại di động sẽ ngày càng phát huy được chất lượng và hiệu quả. Và chiếc điện thoại di động sẽ là người bạn đồng hành tin cậy của mỗi PV trong quá trình tác nghiệp.
 
 
 
 
 
 

Nội san thông tấn số Xuân 2019