Thứ sáu, ngày 26/04/2024

Tin tức trong ngành

75 năm Thông tấn xã Việt Nam: Đường về Thông tấn


(06/10/2020 10:24:24)

Năm 1965, cả nước tập trung thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng và bảo vệ miền Bắc; đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Bám sát nhiệm vụ chính trị của đất nước, Việt Nam Thông tấn xã (VNTTX) vừa xây dựng, phát triển, vừa tham gia chiến đấu, từng bước đi lên chính quy, hiện đại. Thông tấn xã Giải phóng (TTXGP) “cần cù dũng cảm, tự lực cánh sinh, khắc phục khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ”. Nội san Thông tấn xin giới thiệu bài viết của nhà báo Trần Ấm (1940-2011), người từng tham gia lớp phóng viên Thông tấn năm 1965 ngay khi vừa rời giảng đường đại học, để cùng hơn 50 cán bộ, phóng viên, điện báo viên VNTTX chi viện cho các đơn vị và chiến trường miền Nam.

Giám đốc VNTTX Hoàng Tuấn phát biểu khai giảng lớp phóng viên Thông tấn năm 1965

Con đường về Thông tấn
 
Những ngày đầu tháng 5/1965, trong không khí cả nước sục sôi khí thế chống Mỹ cứu nước, phong trào miền Bắc chi viện người và của cho miền Nam được phát động rầm rộ. Chúng tôi đang trong giai đoạn kết thúc cuộc đời sinh viên ở các trường đại học Tổng hợp, Sư phạm, Ngoại giao... Anh Châu, cán bộ tổ chức Trung ương, cùng chị Sáu, anh Bích, cán bộ tổ chức của VNTTX về làm việc với Ban giám hiệu các trường để trực tiếp chọn người, với mục tiêu bồi dưỡng nghiệp vụ làm báo, chi viện cho chiến trường miền Nam.
 
Trong vòng một tuần, chúng tôi kết thúc sớm khóa luận tốt nghiệp và vui vẻ chấp hành lệnh điều động của tổ chức. Xe của VNTTX đón chúng tôi và đưa đến lớp học tại thôn Cấn Thượng, xã Cấn Hữu, huyện Quốc Oai, tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội). Từ đây, chúng tôi bắt đầu bước vào nghề mới - nghề thông tấn báo chí.
 
Lớp học đặt tại đình Cấn Thượng còn học viên ở nhà dân. Phụ trách lớp là anh Châu Quỳ và anh Trúc; tài vụ là anh Thọ, cấp dưỡng là anh Luân. Tham gia công tác giảng dạy nghiệp vụ báo chí, trong ngành có các anh Hoàng Tuấn, Lê Chân, Lê Bá thuyên; ngoài ngành có các anh Quang Đạm, Hoàng Tùng (báo Nhân Dân), Lưu Quý Kỳ, Trần Minh Tước (Vụ báo chí Ban Tuyên huấn Trung ương), Trần Lâm (Tổng biên tập Đài Tiếng nói Việt Nam)... Chúng tôi được nghe giảng trên lớp sau đó tham gia thảo luận tổ. Kỷ luật lớp học rất nghiêm ngặt, suốt ba tháng không ai được phép về thăm gia đình hoặc về Hà Nội (trừ trường hợp thật đặc biệt). Hết ba tháng học lý thuyết, chúng tôi được chia làm hai nhóm: tin và ảnh. Phóng viên ảnh tiếp tục ở lại Cấn Thượng học thêm 45 ngày nữa còn phóng viên tin về Tổng xã thực tập.
 
Tại Tổng xã số 5 Lý Thường Kiệt, nhóm phóng viên tin chúng tôi được chia làm ba tốp: tin trong nước, tin đối ngoại và tin thế giới. Các anh Hoàng Hòe, Đàm, Mến, Lương thực tập tại Ban tin Thế giới. Tốp chúng tôi gồm Trần Ấm, Nguyễn Văn Tường, Lê Đình Phụng về thực tập tại tổ tin tiếng Pháp (AVI) thuộc Ban tin Đối ngoại. Tổ tin tiếng Pháp hồi đó có ba người gồm anh Tô Chương, anh Đức và chị Trình (vợ anh Trần Thanh Xuân).
 
Trong thời gian thực tập ở Tổng xã, chúng tôi được dự lễ kỷ niệm 20 năm thành lập VNTTX. Chúng tôi không khỏi xúc động khi được gặp lớp đàn anh đi trước trong kháng chiến chống Pháp - những tấm gương sáng cho chúng tôi noi theo. Đặc biệt, cuộc gặp gỡ với các anh Đinh Chương, Lê Bá Thuyên, những phóng viên từng tham gia mặt trận Điện Biên Phủ, đã để lại cho chúng tôi nhiều ấn tượng đẹp về hình ảnh những phóng viên chiến trường bản lĩnh, can trường và tài giỏi.
 
Sau lễ kỷ niệm, chúng tôi kết thúc đợt thực tập và chuyển sang học về nhiệm vụ cách mạng miền Nam và tập đeo gạch đá rèn luyện sức khỏe để vượt Trường Sơn.
 
Kết thúc khóa học, rời Hà Nội, chúng tôi lên đường làm nhiệm vụ, hành quân trên đường Trường Sơn đầy gian khổ với tấm chứng minh thư “đi ông cụ” (tức đi vào Trung ương cục miền Nam ở miền Đông Nam Bộ). Ròng rã ba tháng trời có lẻ, mỗi ngày bình quân đi 10 tiếng liên tục. Hành trang không thể thiếu là chiếc ba lô cóc với bộ tăng, võng, bình toong, hăng-gô, gói muối tinh và gói mắm kem.
 
Những ngày đầu có sức khỏe, tinh thần chiến đấu cao, lòng phơi phới hướng về miền Nam ruột thịt, chúng tôi đi liền hai, ba trạm mỗi ngày để mau tới đích. Nhưng sang tháng thứ hai, thứ ba, sức yếu dần, sốt rét rừng bắt đầu thâm nhập. Một số anh em bị rớt lại một vài chặng, nhưng không có ai hy sinh. Đầu năm 1966, chúng tôi về tới TTXGP, lúc đó đóng ở Tây Ninh, vùng giáp biên giới với Campuchia, nơi thượng nguồn sông Vàm Cỏ Đông. Về tới cơ quan chưa đầy một tuần, chúng tôi lần lượt được phân công đi các mặt trận ở miền Đông Nam Bộ. Một tổ phóng viên xuống Sư đoàn 9 địa bàn hoạt động là trục đường 13 vùng Bình Long-Tây Ninh. Một tổ bám theo Sư đoàn 5 hoạt động ở vùng Bà Rịa-Long Khánh và vùng rừng Sác, Lòng Tàu.
 
Những con đường đi săn tin
 
Nghề Thông tấn vốn cực nhọc, với phóng viên chiến trường còn nhọc nhằn hơn nhiều. Thời điểm Mỹ ngụy chuẩn bị phản công chiến lược “tìm diệt” cũng là lúc Ban lãnh đạo TTXGP phân công chúng tôi đi theo các sư đoàn để đưa tin. Tại Sư đoàn 9, tổ chúng tôi có 4 phóng viên do anh Nguyễn Văn Đàm làm tổ trưởng; tôi, anh Trọng Linh, anh Nguyễn Đặng - phóng viên ảnh là tổ viên (anh Trọng Linh sau này là Phó giám đốc Nhà xuất bản An Giang, anh Nguyễn Đặng sau là Phó tổng thư ký Hội nghệ sỹ nhiếp ảnh Trung ương, Phó tổng biên tập báo Sài Gòn Giải phóng). Ngoài ra còn một kíp điện đài 5 người. Đường đến Sư đoàn 9 vô cùng vất vả, phải theo các trạm giao liên vượt sông Sài Gòn đến vùng Mã Đà. Chúng tôi vừa tới nơi thì đơn vị đã hành quân về vùng Dầu Tiếng, Bời Lời (Tây Ninh). Quay về vùng Dầu Tiếng, Bời Lời thì hay tin Sư đoàn lại vừa di chuyển tránh bom B52. Tìm lòng vòng cả một tuần lễ mới đến được sở chỉ huy của Sư đoàn.
 
Công việc đầu tiên của chúng tôi là đào công sự, đi gùi gạo, gùi nước, nghĩa là phải làm những việc cần thiết để tồn tại trước. Có tồn tại được mới nghĩ đến chuyện hành nghề, mà có hành nghề được hay không còn phụ thuộc vào các trận đánh của bộ đội.
 
Chúng tôi đến Sư đoàn 9 đúng lúc đang “ém quân” (tự giấu mình), trong khi Sư đoàn “Anh cả đỏ” của Mỹ cứ lồng lộn tìm quân giải phóng. Bám sát hoạt động của bộ đội để đưa tin, mà bộ đội lại không đánh thì thật sốt ruột! Hết ngày này sang ngày khác, chúng tôi chỉ đào công sự, gùi gạo, xuống các đơn vị thâm nhập làm quen với cuộc đời người lính. Dần dần, chúng tôi còn kiêm thêm nhiệm vụ tải đạn ra tuyến trước, tải thương binh về tuyến sau.
 
Cũng chính trong cuộc sống hóa thân chiến sỹ ấy đã giúp cho phóng viên có được những tin, bài, phóng sự gần với người lính hơn, được anh em yêu quý. Làm phóng viên mặt trận, lại ở mặt trận miền Đông Nam Bộ quả là gian lao, vất vả. Bù lại là niềm vui được gắn bó với những chiến công của các chiến sỹ miền Đông bằng những tin, bài nóng hổi. Từ các chiến dịch đường 13, các trận càn Hòn đá vàng, Hòn đá bạc, Tucson, Junction City đến Dầu Tiếng, Tây Ninh, Chơn Thành, Lộc Ninh, chiến công nối tiếp chiến công, tin bài nối tiếp tin bài.
 
Nhà báo Trần Ấm (thứ tư bên phải) cùng các đồng nghiệp tại căn cứ TTXGP trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ

Cuối năm 1967, chúng tôi được phân công triển khai theo hướng khác. Hơn mười phóng viên, dưới sự chỉ huy trực tiếp của Giám đốc TTXGP Vũ Linh, theo các cánh quân tiến về Sài Gòn trong tổng tiến công Xuân Mậu Thân 1968. Chiến tranh mở rộng sang Campuchia, chúng tôi lại có mặt trên các mặt trận Suông-Chúp, Kampong Cham-Takeo-Căng Đan... Rồi chiến dịch đường 13, Lộc Ninh-Chơn Thành. Trong khi đó, ở chiến trường Bình Trị Thiên, khu V, các anh Nghiêm Sĩ Thái, Hồ Hải Học theo chân lớp đàn anh Nguyễn Đình Thuyên, Võ Thế Ái, Vũ Đảo đi các chiến dịch đường 9-Khe Sanh, Đắc Tô-Tân Cảnh, Quảng Đà-Quảng Tín, tạo nên tuyến tin liên hoàn của TTXGP trong thời kỳ chống Mỹ.
 
Khi Hiệp định Paris được ký kết, Tổng xã tăng cường lớp phóng viên GP10, chúng tôi tiếp tục viết về những chiến công của quân và dân ta cho đến ngày toàn thắng.
 
Một lớp người hy sinh và cống hiến
 
Anh em chúng tôi về VNTTX khi vừa rời giảng đường đại học. Trải qua cuộc đời cầm bút, cầm súng chiến đấu cho sự nghiệp Thông tấn, chúng tôi dần trưởng thành và cũng chịu không ít mất mát, hy sinh.
 
Trong cuộc tổng tiến công Xuân Mậu Thân 1968, nhiều phóng viên đã hy sinh: anh Tuân (Bình Trị Thiên); Nhường (khu V); Tròn, Liệt, Cước, Phụng, Quy, Bang ở mặt trận Sài Gòn và đồng bằng sông Cửu Long.  Anh Đức Hoằng, Trưởng phân xã Lộc Ninh, hy sinh vì bom Mỹ, ngay khi vừa có Hiệp định Paris, trở thành một trong những liệt sỹ cuối cùng của TTXGP.
 
Chúng tôi chưa thể yên tâm khi chưa trả lời được thân nhân của các anh Nhường, Quy, Phụng, Tròn, Bang, Liệt, Châu... câu hỏi về phần mộ của các anh. Điều này khiến chúng tôi càng thêm luyến tiếc, bùi ngùi và nhớ thương. Trong sự phát triển của TTXVN hôm nay có sự đóng góp của các anh. Chúng tôi luôn đau đáu nhớ về các anh, về một lớp người đã cống hiến, đã hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, cho những dòng tin Thông tấn chảy mãi.

(Tư liệu Nội san Thông tấn)
 
 

Trần Ấm
Nội san Thông tấn số 9/2020

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

75 năm Thông tấn xã Việt Nam: Từ tư duy tĩnh “chuyên tích lũy” đến tư duy động trong xử lý thông tin (06/10/2020 10:20:44)

Tác nghiệp an toàn tại điểm nóng thiên tai (06/10/2020 10:18:51)

75 năm Thông tấn xã Việt Nam: CQKV phía Nam tổ chức về nguồn (06/10/2020 10:17:17)

75 năm Thông tấn xã Việt Nam: Đổi mới tư duy và sáng tạo cho báo in (06/10/2020 08:35:01)

Có tin không làm là không chịu được (06/10/2020 08:12:35)

Trao Giải thưởng thiếu nhi Dế Mèn lần 1 năm 2020 (29/09/2020 17:56:48)

Đẩy mạnh phối hợp truyền thông giữa tỉnh Phú Thọ và TTXVN (23/09/2020 09:08:03)

Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm Phó tổng giám đốc TTXVN (21/09/2020 10:50:05)

75 năm Thông tấn xã Việt Nam: Dâng hương tưởng niệm các nhà báo-liệt sỹ TTXVN (15/09/2020 11:16:19)

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: TTXVN cần tiếp tục giữ vững vị thế là một trung tâm thông tin tin cậy của Đảng, Nhà nước (13/09/2020 14:41:09)