Thứ sáu, ngày 29/03/2024

Tin tức trong ngành

Bản nghèo trên đỉnh núi


(04/05/2021 14:22:18)

Gần mười năm làm phóng viên Thông tấn xã Việt Nam thường trú tại tỉnh Tuyên Quang, tôi được phân công theo dõi mảng văn hóa-xã hội và một số huyện vùng cao của tỉnh. Nhờ đó, tôi đã có cơ hội được trải nghiệm, tìm hiểu về con người, cuộc sống, phong tục tập quán của đồng bào các dân tộc nơi đây.

Phóng viên Quang Cường (bìa phải) trò chuyện với một gia đình người Mông xã Kim Quan, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang, tháng 3/2021

Những chuyến công tác ở các xã đặc biệt khó khăn của huyện Hàm Yên, Chiêm Hóa, Lâm Bình (Tuyên Quang) để lại cho tôi rất nhiều kỷ niệm và cảm xúc khó quên.
 
Tháng 11/2017, tôi được phân công viết bài tôn vinh các thầy, cô giáo cắm bản dạy chữ cho trẻ em đồng bào dân tộc tại điểm trường Thài Khao, xã Yên Lâm, huyện Hàm Yên - nơi có 100% đồng bào dân tộc sinh sống và được người dân địa phương gọi vui là “bản ba không” (không điện, không sóng điện thoại và không chợ).
 
Tôi hào hứng chuẩn bị đầy đủ hành trang, máy ảnh, máy quay, đi xe máy lên bản Thài Khao. Sau hơn ba tiếng đồng hồ vượt qua những cung đường đèo dốc, tôi đã có mặt tại trung tâm xã Yên Lâm, lúc đó cũng đã gần 10 giờ sáng. Nghỉ chân ở quán nước ven đường, tôi được người dân mách nước: “Nhà báo lên Thài Khao thì phải chuẩn bị đồ ăn từ dưới này nhé. Trên đấy không có quán ăn, không có chợ đâu”. Uống vội chén nước trà, mua vài gói mì tôm cùng một ít đồ ăn, tôi lại vội vã lên đường cho kịp giờ.
 
Từ trung tâm xã Yên Lâm, vượt qua gần 20km đường dốc núi, xe “bò” lên đỉnh núi rồi lại “lao” xuống dốc gập ghềnh sỏi đá cùng những con suối nhỏ. Trong hai tiếng đồng hồ, người và xe cứ bồng bềnh trong làn sương mù dày đặc, tạo nên một cảm giác rất phiêu và thú vị. Từ xa, bản Thài Khao mờ ảo hiện ra thật yên bình.
 
Bản Thài Khao nằm trên đỉnh núi, lưa thưa mấy nóc nhà, bình thường đã vắng vẻ, buổi trưa còn vắng vẻ hơn. Trước mắt tôi là dãy phòng học sơn màu vàng, lợp mái tôn đỏ, nổi bật giữa điệp trùng xanh mướt của rừng núi bao la. Vì không có sóng điện thoại nên tôi không thể liên hệ trước được với các thầy, cô giáo ở đây.
 
Đang cảm thấy chán nản vì sự vắng vẻ thì thấp thoáng có người dân đi làm nương về. Sau cái gật đầu chào hỏi, anh thông báo với tôi: “Hôm nay các thầy cô đi giúp dân dựng nhà ở bên kia suối, không có ai ở đây đâu”. Tôi vội vàng hỏi thăm địa chỉ nơi các thầy, cô giáo đang giúp dân dựng nhà rồi nhanh chóng tìm đường đến đó để thực hiện bài viết của mình.
 
Gặp gỡ, trò chuyện với các thầy, cô giáo cắm bản, tôi thực sự cảm phục lòng nhiệt huyết, yêu nghề của họ dành cho các em học sinh nơi đây. Để đảm bảo cuộc sống, các thầy, cô giáo tại điểm trường đã tự trồng rau, nuôi gà, xuống suối bắt cá làm thức ăn... Bản nghèo không điện, các thầy cô góp tiền mua mô tơ làm thủy điện mini chạy cái đèn, cái quạt cho học sinh; kêu gọi các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nhà trường quyên góp chăn, màn, quần, áo, đồ ăn… giúp các em tiếp tục tới trường. Ở điểm trường xa nhất và khó khăn nhất của xã Yên Lâm, tôi gặp những người thầy gắn bó với lớp, với trường như thế.
 
Thế nhưng, khó khăn nhất vẫn là đường giao thông. Toàn bộ tuyến đường dài gần 15km từ trường trung tâm vào đến điểm trường đều là đường đất. Vào những ngày mưa lớn, muốn đến được điểm trường chỉ còn cách đi bộ vì đường lầy lội, trơn trượt, nhiều điểm bị chia cắt bởi nước lũ.
 
Mặc dù khó khăn, thiếu thốn là vậy, nhưng hơn 20 năm nay, với lòng nhiệt huyết, yêu nghề, thầy Nguyễn Trọng Tài và các đồng nghiệp của mình vẫn một lòng gắn bó với núi rừng, với học trò để dạy chữ, truyền đạt kiến thức giúp các em trưởng thành. Chính nhiệt huyết nghề và tình thương yêu dành cho con trẻ là động lực để các thầy, cô giáo cắm bản quyết tâm gắn bó, từng bước khắc phục khó khăn để dạy tốt, học tốt.
 
Gần 10 năm làm phóng viên thường trú, mỗi chuyến đi cơ sở, dù có vất vả, nhưng được trải nghiệm, cảm nhận sự hy sinh, cống hiến, tình cảm giữa con người với nhau, chứng kiến sự đổi thay của quê hương, đất nước... đã giúp tôi thêm trưởng thành, thêm gắn bó với nghề hơn./.
 

Quang Cường
Nội san Thông tấn số 4/2021

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Giới thiệu kỹ năng chụp ảnh tại Bệnh viện Xanh Pôn (04/05/2021 14:21:22)

“Hãy tỉnh táo và luôn nghi ngờ” để loại trừ tin giả (04/05/2021 14:20:31)

Làm căn cước công dân gắn chip cho cán bộ, phóng viên (04/05/2021 11:27:56)

Tầm soát ung thư cho nữ công chức, viên chức (04/05/2021 11:26:57)

Tiếp đoàn công tác Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật  (27/04/2021 19:02:05)

Kỷ niệm 71 năm thành lập Hội Nhà báo Việt Nam (21/4/1950-21/4/2021): Thăm và làm việc tại tỉnh Thái Nguyên (23/04/2021 15:33:15)

Trao tặng Tủ sách Đinh Hữu Dư cho các điểm trường khó khăn tại Gia Lai (20/04/2021 08:04:02)

Hội nghị sơ kết hoạt động của công đoàn TTXVN (16/04/2021 17:56:15)

Trao đổi về tối ưu hóa công cụ tìm kiếm cho các trang web (15/04/2021 18:18:32)

Sôi nổi trận bóng đá giao lưu các thế hệ TTXVN (14/04/2021 14:27:32)