Thứ năm, ngày 25/04/2024

Tin tức trong ngành

Chuyên nghiệp trong từng sản phẩm


(31/12/2020 16:37:41)

Tính đến hết tháng 10/2020, Trung tâm Truyền hình Thông tấn (VNews) đã nhận được 8.032 tin, bài của các cơ quan thường trú trong nước (CQTTTN), trong đó có 467 tin, bài không sử dụng được, chiếm gần 6%. Nhìn chung, sản phẩm của các CQTTTN đã nhanh hơn, cập nhật và thể hiện hình ảnh tốt hơn, song vẫn còn một số hạn chế có thể khắc phục được nếu phóng viên chú ý hơn.

Trưởng CQTT tại Thái Nguyên Hoàng Thảo Nguyên dẫn hiện trường tại một công ty may khẩu trang, đúng dịp cao điểm phòng chống dịch COVID-19, tháng 3/2020

Xuất hiện nhiều sản phẩm tốt
 
So với năm 2019, số lượng tin, bài của các CQTTTN năm 2020 tăng nhiều hơn, trong khi lượng tin không sử dụng ít hơn. Điều này cho thấy, các CQTT đã dần lựa chọn đúng dạng thức tin, bài, đúng định hướng sử dụng của VNews.
 
Rất nhiều thông tin do VNews đặt hàng, đặc biệt là các vụ tai nạn, thiên tai xảy ra ở vùng sâu, vùng xa, được các CQTTTN thực hiện nhanh, dứt khoát, ngay lập tức để kịp xử lý, phát sóng trong các bản tin sớm nhất. Các CQTT cũng đã kinh nghiệm hơn khi xử lý tin nóng, với hình ngắn hoặc một vài tấm ảnh kèm theo thông báo là có thể biên tập, phát sóng ngay.
 
Trong năm vừa qua, xuất hiện nhiều gương mặt mới hiện diện trên các sản phẩm của VNews, đặc biệt trong những tin nóng, có tính hiện trường cao như thiên tai, lũ lụt, tai nạn, cần độ xác thực từ phóng viên hiện trường, mang tới sự phong phú, đa dạng cho thông tin trong nước. Có thể kể đến: Xuân Tiến (Điện Biên), Võ Dung (Quảng Bình), Phước Ngọc (Quảng Ngãi), Đỗ Trưởng (Thừa Thiên-Huế), Nguyễn Thành (Ninh Thuận), Xuân Triệu (Phú Yên), Quốc Hùng (Lâm Đồng) hay Tuấn Anh (Đắk Lắk)…
 
Việc đòi hỏi các phóng viên thường trú “3 trong 1” của Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) phải sản xuất được các phóng sự truyền hình hay, xuất sắc là điều không dễ, bởi các anh chị còn phải thực hiện các loại hình thông tin khác. Mặc dù vậy, năm 2020 đã xuất hiện nhiều sản phẩm với nội dung tinh gọn, ngôn ngữ phóng sự và hình ảnh tốt.
 
Đặc biệt, qua hai tuyến thông tin lớn là phòng chống dịch COVID-19 và mưa lũ miền Trung, với đặc thù là sự nguy hiểm và tính thời sự cao, nhưng với lòng yêu nghề, sự nhiệt tình, xông xáo, phóng viên các CQTTTN đã thâm nhập hiện trường, phản ánh đa dạng, kịp thời thông tin nóng, đáp ứng lòng mong mỏi của công chúng.
 
Khắc phục những lỗi thường gặp
 
Tuy nhiên, trong một số tác phẩm của các CQTTTN vẫn tồn tại những nhược điểm rất cụ thể.
 
Thứ nhất, vẫn còn ảnh hưởng bởi sự dài dòng của ngôn ngữ báo viết. Tin của VNews chỉ dài tối đa 1 phút (tương đương 240 từ), thông thường là 30-40 giây (120-160 từ). Các tin hiện trường, tin có vấn đề trích tiếng thì tối đa là 1 phút 30 giây (320 từ). Phóng sự, bài phản ánh dài tối đa 3 phút (720 từ). Thế nhưng, vẫn còn không ít tin dài lê thê, ngôn ngữ kể lể, tả cảnh, tả vật không cần thiết. Có những phóng sự kỷ lục lên tới hơn 2.000 từ khiến bộ phận biên tập hết sức lúng túng vì không đủ thời gian cắt gọt, mà cắt cũng rất khó trúng ý đồ của tác giả.
 
Nhiều tin an ninh trật tự yêu cầu ngắn gọn, trong khoảng 30-50 giây nhưng lại bị kể lể dài dòng, nào là tuổi, nơi sống, nào là tình tiết phạm tội… Vì thế, biên tập phải lược hết, chỉ nêu sự việc lớn, đối tượng chính hay mức xử phạt cuối.
 
Sẽ hiệu quả nếu CQTT gửi sản phẩm đã được tinh luyện hơn, phần text thừa chỉ ở mức gấp rưỡi so với yêu cầu của VNews. Ví dụ, với tin phát sóng 30 giây (120 từ), thì tin gốc tối đa là 180-200 từ.
 
Thứ hai, tin ngoại giao, hội thảo, lễ lạt còn chung chung. Một hội thảo có rất nhiều vấn đề, phóng viên cần nêu vấn đề chính, nổi cộm nhất được dư luận quan tâm, đồng thời có hình tư liệu để làm phong phú thông tin, tránh chỉ thấy đầu người và ghế.
 
Thứ ba, một số talk truyền hình không sử dụng được vì thiếu hình ảnh cần thiết. Một talk truyền hình nhất định phải có đủ các cảnh: phóng viên hỏi-cảm ơn cuối, nhân vật trả lời, trám gần, trám xa, nếu muốn hay hơn có thể bổ sung một số góc trám (qua vai nhân vật hướng về phóng viên lắng nghe, hoặc qua vai phóng viên và nhân vật đang nói). Tuy nhiên, một số talk gửi về chỉ có cảnh nhân vật trả lời nên không sử dụng được.
 
Thứ tư là lỗi âm thanh, phổ biến như: phỏng vấn set nhầm kênh tiếng khi quay hoặc khi dựng; địa điểm phỏng vấn có tiếng hiện trường quá ồn; phóng sự, phản ánh nhưng không hề có tiếng xông (tiếng nền của clip).
 
Thứ năm là lỗi hình ảnh, phổ biến như: rung, lắc, sai màu, mất nét, sáng tối không đều, thiếu logic hình ảnh, không có cảnh chuyển, sai trục…
 
Thứ sáu là chưa đăng ký đề tài phản ánh, phóng sự với VNews, dẫn đến một đề tài có nhiều CQTT cùng thực hiện và gửi về. Bên cạnh đó, nhiều tác phẩm có đề tài hay, hấp dẫn nhưng lại thiếu một chút hình ảnh nên chưa đạt được ý đồ cao nhất. Vì vậy, rất mong các anh chị gửi đăng ký đề tài về địa chỉ email bientapcqtt@vnews.gov.vn hoặc đăng ký qua group Đầu bếp VNews để các biên tập viên có thể cùng trao đổi, tìm hướng đi phù hợp cho các đề tài hoặc để xem đề tài có phù hợp với VNews hay không. 
 
Thứ bảy là dẫn hiện trường còn đơn điệu. VNews rất hoan nghênh các phóng viên xuất hiện trên màn hình và dẫn hiện trường. Tuy nhiên, khi dẫn hiện trường, phóng viên cần lưu ý: trang phục phù hợp với bối cảnh và nội dung dẫn; nhất thiết phải có logo VNews và logo phải chuẩn; thông tin dẫn hiện trường không được lặp lại thông tin lời bình. Câu thường hay sử dụng đối với đoạn dẫn đầu của phóng sự là: “Thưa quý vị và các bạn, tôi đang đứng ở địa điểm X, như các bạn đã thấy ở đây có rất nhiều vấn đề ABC…”, mô típ này bị lặp lại và thừa.
 
Trưởng CQTT tại Thừa Thiên Huế Đỗ Trưởng (cầm mic) phỏng vấn Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng về công tác chuẩn bị ứng phó với cơn bão số 5 tại cảng cá Thuận An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế, tháng 9/2020

Khi đứng dẫn, phóng viên chọn vị trí, góc máy quay thể hiện được hiện trường mà không cần mô tả trong câu nói, để khán giả đọc hình ảnh. Ví dụ, khi dẫn hiện trường một vụ khai thác gỗ trái phép trong rừng, cần quay cận cảnh bàn tay phóng viên đang đo gang đường kính của một gốc cây bị lâm tặc cưa xẻ. Đường kính của cây thể hiện sinh động độ tuổi, thời gian trồng rừng và lâm sản quý bị triệt hạ như thế nào. Mở rộng ống kính ra cảnh toàn để biết có bao nhiêu thân cây như thế, khúc gỗ như thế nằm la liệt…
 
Dẫn hiện trường có thể ở đầu, giữa hoặc cuối phóng sự, tùy theo kết cấu và nội dung dẫn. Dẫn ở đầu phóng sự để giới thiệu bối cảnh và tình huống; cuối phóng sự để đưa ra kết luận hoặc những dự đoán tiếp theo; giữa thường là thông tin then chốt, gây bất ngờ, tạo kịch tính cho phóng sự (rất ít phóng viên thể hiện hoặc đầu tư đoạn dẫn này).
 
Để có một phóng sự chất lượng
 
Một bài phản ánh hoặc phóng sự trên VNews rất ngắn, chỉ từ 2,5-3 phút. Phóng viên chỉ cần ghi đủ các cụm hình và phỏng vấn 3-4 người là có thể dựng bài. Tuy nhiên, để một bài phản ánh, phóng sự hay thì trước hết, phóng viên phải có câu chuyện để kể với khán giả, phản ánh được không khí diễn ra, giúp khán giả đồng cảm với nhân vật trong câu chuyện.
 
Tuy nhiên, có nhiều phóng sự, bài phản ánh chưa giúp khán giả hình dung được không gian sống, công việc của các nhân vật khiến cho nhân vật chưa gắn chặt với câu chuyện, giống như họ đang nói về người khác, trình bày bức xúc thay người khác.
 
Về kết cấu của một phóng sự, bắt đầu là lời bình tiếp nối là phỏng vấn, rồi lời bình, phỏng vấn và kết thúc là lời bình. Vai trò của lời bình là móc nối các câu phỏng vấn với nhau để các nhân vật kể câu chuyện hoàn chỉnh của họ. Do đó, trong lời bình, không nên dùng tính từ mô tả, không bày tỏ bức xúc thay nhân vật mà cần đi trực tiếp vào câu chuyện một cách giản dị.
 
Về hình ảnh, phóng viên có thể sử dụng điện thoại để quay hình, quan trọng là hình ảnh không được rung lắc, nghiêng ngả, trừ trường hợp thật đặc biệt phải dùng lại tư liệu thời sự, tin hiện trường, thiên tai, bão lũ.
 
Về câu hình (gồm đại cảnh, toàn cảnh rộng, toàn cảnh, trung cảnh, cận cảnh và đặc tả), bài phản ánh và phóng sự cần có đại cảnh làng xóm, khu phố, ngọn núi, bờ sông hoặc nơi câu chuyện diễn ra, nhân vật sinh sống và làm việc. Đây không phải là nguyên tắc nhưng nó tạo nên cái duyên và sự hấp dẫn cho câu chuyện. VNews hiện đang thiếu những hình ảnh này.
 
Phóng viên Bùi Đức Hiếu, CQTT tại Quảng Ninh, ghi hình tại Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XV, tháng 9/2020

Có hai logic cơ bản nhất cần lưu ý trong câu hình, đoạn cảnh, đó là logic thời gian và hành động. Logic thời gian đòi hỏi hình ảnh phải tuân thủ theo thời gian thực, từ sáng tới tối, trong một không gian nhất định. Logic hành động đòi hỏi hình ảnh phải mô tả đúng quá trình hành động diễn ra. Người ta thường lợi dụng logic hành động để chuyển cảnh tạo nên sự sống động cho câu hình. Hiện các CQTT rất ít sử dụng cảnh cận và đặc tả. Cần sử dụng nhiều cỡ cảnh để tạo sự hấp dẫn cho phóng sự.
 
Nhiều bài phản ánh, phóng sự gửi về còn quá dài, vượt quá thời lượng yêu cầu, nội dung câu chuyện không hấp dẫn. Việc chọn đề tài cũng là vấn đề cần lưu ý. Nếu định kể câu chuyện gì trên truyền hình, bạn hãy đặt câu hỏi, khi kể câu chuyện này cho bạn bè ở tỉnh khác, họ có quan tâm không? Và kể câu chuyện đó bằng những hình ảnh gì? Tin chắc rằng, khi trả lời tốt những câu hỏi đó, bạn sẽ có một phóng sự hấp dẫn./.

Lê Minh Đức
Nội san Thông tấn số 12/2020

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Kinh nghiệm đưa tin phá rừng (31/12/2020 16:36:22)

Những kỷ vật vượt thời gian (31/12/2020 16:34:15)

Hội nghị Trưởng cơ quan thường trú trong nước: Đổi mới tư duy và phương thức tác nghiệp (31/12/2020 16:32:27)

Thông báo Tuyển chọn tác phẩm tham gia Giải báo chí TTXVN năm 2020 (31/12/2020 16:30:08)

Tập huấn nghiệp vụ bảo vệ và lái xe an toàn (31/12/2020 16:06:22)

Bồi dưỡng lãnh đạo, quản lý cấp phòng (31/12/2020 16:05:24)

“Vượt bão” - Chương trình truyền hình đặc biệt mừng Tết dương lịch trên kênh VNews  (28/12/2020 16:41:39)

Giành nhiều giải thưởng báo chí về môi trường (28/12/2020 12:04:01)

Kênh Factcheckvn của TTXVN là kênh thông tin có tác động xã hội trên TikTok (28/12/2020 10:47:17)

“Lịch 2021 tương tác” của TTXVN kết nối với nội dung báo chí (28/12/2020 10:20:00)