Thứ bảy, ngày 27/04/2024

Tin tức trong ngành

"Chuyền tay" rèn nghề ở Ban tin Thế giới


(04/12/2019 16:45:24)

Đa dạng các hình thức đào tạo tại chỗ phù hợp với đặc thù của đơn vị không chỉ mang lại hiệu quả trong công tác chuyên môn, mà còn tiết kiệm thời gian, kinh phí, khơi nguồn cảm hứng sáng tạo cho các phóng viên, biên tập viên. Nội san Thông tấn giới thiệu những kinh nghiệm của Ban biên tập tin Thế giới.

Trao đổi, rút kinh nghiệm trên từng tin, bài cụ thể

Với vai trò là ban tin nguồn cung cấp thông tin quốc tế đối nội, đội ngũ biên tập viên của Ban biên tập tin Thế giới chủ yếu tốt nghiệp các trường đại học ngoại ngữ, ngoại giao… nhiều bạn tốt nghiệp đại học, cao học ở nước ngoài, có trình độ tiếng Anh, tiếng Trung, tiếng Italy, Arab… rất tốt. 
 
Trẻ trung, năng động, nhiệt huyết, các biên tập viên trẻ là lực lượng chủ chốt trong các phòng chuyên môn của ban. Có ưu thế nổi trội về ngoại ngữ, song các biên tập viên khi mới vào làm việc đều không ít lần bị “vấp”. Khi dịch thì chẳng sai nhưng hiệu đính phê bình “viết như văn Tây, không thuần Việt”. Lúc lại bị nhận xét: Đưa tin như thế chẳng khác gì biến mình thành “loa phóng thanh của phương Tây” vì dịch nguyên si morat…
 
Qua từng tin, bài
 
Câu chuyện đào tạo tại chỗ của Ban biên tập tin Thế giới bắt đầu từ những vướng mắc như vậy của biên tập viên mới vào nghề, vốn phần lớn chưa được trang bị đầy đủ kiến thức về nghiệp vụ báo chí, chưa hiểu nhiều về các vấn đề chính trị, xã hội… Không chỉ dừng lại ở chuyên môn, đào tạo ở đây còn để nâng cao sự nhạy bén và bản lĩnh chính trị cho các bạn trẻ, để rèn luyện những kỹ năng cần thiết, từ việc sử dụng tiếng Việt sao cho chuẩn xác, biên dịch thế nào để sát nội dung mà vẫn thoát ý, dễ hiểu; đặt tít hấp dẫn mà vẫn mang tính đặc thù của tin thông tấn… cho tới cách tạo những điểm nhấn cho từng tin, bài.
 
Ban biên tập tin Thế giới có 7 phòng với đặc thù công việc khác nhau, hình thành những yêu cầu đào tạo riêng biệt. Đơn cử như phòng Media, chuyên làm tin truyền hình, có yêu cầu rèn giọng đọc. Vì thế, công tác đào tạo tại chỗ ở Ban cũng có nhiều hình thức đa dạng, thiết thực, bám sát yêu cầu công việc, tổ chức theo hướng tạo điều kiện tốt nhất để các biên tập viên trẻ vừa học vừa thực hành trực tiếp.
 
Đào tạo qua công việc, qua từng sản phẩm tin, bài cụ thể để biên tập viên trẻ học hỏi, rút kinh nghiệm là hình thức phổ biến, diễn ra hằng ngày, hằng giờ tại Ban. Mỗi biên tập viên mới vào nghề đều được các hiệu đính hoặc biên tập viên lâu năm trực tiếp kèm cặp, hướng dẫn, với tinh thần “vừa tận tình vừa nghiêm khắc”. Cứ thế, mỗi biên tập viên trẻ dần tích lũy và trưởng thành, để rồi nhiều năm sau, lại trở thành người truyền kiến thức và kinh nghiệm giúp đào tạo những thế hệ kế tiếp của Ban.
 
Trao đổi chuyên đề
 
Tổ chức định kỳ các buổi nói chuyện, tọa đàm là một cách bổ sung kiến thức khá hiệu quả. Khách mời có thể là các chuyên gia, các nhà báo nhiều kinh nghiệm… chia sẻ về những vấn đề quốc tế hay kinh nghiệm làm tin thông tấn… Qua những buổi trao đổi trực tiếp, các biên tập viên trẻ không chỉ có thêm kiến thức sâu mà còn được giải đáp những thắc mắc, định hướng thông tin.
 
Hình thức tổ chức các buổi trao đổi chuyên đề quốc tế theo kiểu thi thuyết trình về một vấn đề thời sự nóng là cách làm sáng tạo thu hút đông đảo các bạn trẻ tham gia. Đây là hoạt động phối hợp giữa Chi hội nhà báo và Chi đoàn thanh niên của Ban được tổ chức hằng quý, cũng có khi thường xuyên hơn nếu có vấn đề thời sự phát sinh, mục đích là để các biên tập viên trẻ có điều kiện rèn nghề.
 
Mỗi buổi thi gồm 2 - 3 đội tham gia, với một cố vấn là hiệu đính. Để có khoảng 20 phút trình bày trước đám đông, mỗi nhóm chia nhau nghiên cứu, tự xây dựng kịch bản, chọn hình thức trình bày, đưa ra lý lẽ để bảo vệ quan điểm của mình. Như vấn đề Brexit, có hai đội tham gia, một chủ trương Anh rời EU, đội kia muốn Anh ở lại, kết hợp video, chiếu phim, diễn hoạt cảnh… để thuyết phục ban giám khảo và hội đồng chuyên môn là các hiệu đính lâu năm. Khó hơn nữa là đội này còn phải trả lời câu hỏi chất vấn của đội kia và câu hỏi bất ngờ của khán giả. Những hình thức đào tạo sinh động như vậy không chỉ giúp biên tập viên hiểu sâu hơn các vấn đề mà còn tạo điều kiện để các bạn trau dồi kỹ năng thuyết trình trước đám đông hay làm việc nhóm.
 
Chuyên mục “Sổ tay Biên tập viên” trên Group Facebook của Ban biên tập tin Thế giới

Sổ tay biên tập viên
 
Một kênh đào tạo nữa cũng đang phát huy hiệu quả là tận dụng ưu thế của mạng xã hội. “Sổ tay biên tập viên” trên trang Facebook của thanh niên Ban biên tập tin Thế giới, cũng là một công trình phối hợp giữa Chi hội nhà báo và Chi đoàn thanh niên. Được xây dựng theo hình thức “cẩm nang”, những thông tin ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, với nhiều hình ảnh và đồ họa về một vấn đề quốc tế đang thu hút sự quan tâm của dư luận, được đưa ra, cung cấp cho các biên tập viên những điểm cơ bản nhất của vấn đề, như: Kịch bản nào cho việc luận tội đương kim Tổng thống Mỹ, những cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều, gian nan cuộc chiến chống IS… Không chỉ là nơi cung cấp và tiếp nhận thông tin, “Sổ tay biên tập viên” đã trở thành diễn đàn để các biên tập viên tương tác và chia sẻ ý kiến.
 
Bồi dưỡng cây bút giỏi
 
Một trong những hoạt động đã gặt hái thành quả là bồi dưỡng những cây bút viết bài phân tích, bình luận. Trước yêu cầu phải tăng lượng bài phân tích, bình luận hằng ngày trên bản tin phổ biến, vấn đề đào tạo đội ngũ cây bút có khả năng đánh giá, nhận định, dự báo tình hình, có thể “phản ứng nhanh” khi xảy ra các vấn đề quốc tế nóng… trở nên cấp thiết, nhất là khi thế hệ những “cây đa, cây đề” về bình luận quốc tế của Ban lần lượt nghỉ công tác.
 
Kế hoạch phát hiện và bồi dưỡng những cây bút bình luận quốc tế được đặc biệt chú trọng và triển khai khá bài bản. Ngoài đào tạo kiểu “chuyền tay”, Ban đã mời nguyên Tổng giám đốc Nguyễn Quốc Uy hướng dẫn cho nhóm cây bút trẻ của Ban. Vừa trao đổi lý thuyết, vừa chia sẻ kinh nghiệm, vừa trực tiếp chữa bài tập cho các bạn, kể cả khi “lớp học” đã bế giảng, nhà báo Nguyễn Quốc Uy vẫn dành thời gian theo dõi từng bước tiến của “học trò”. Cứ mỗi quý Ban lại tập hợp những bài viết bình luận của các biên tập viên để ông xem, góp ý kiến. Hơn 400 bài phân tích, bình luận quốc tế đăng tải trên chuyên mục “Theo dòng thời sự”“Tiêu điểm trong ngày” năm 2018, tăng hơn gấp đôi so với 182 bài của năm 2017.
 
Con số ấn tượng này là một minh chứng rõ rệt cho hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng các cây bút của Ban biên tập tin Thế giới trong những năm vừa qua.

Lại Thanh Mai
Nội san Thông tấn số 11/2019

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Chúc mừng Ngày nhà giáo Việt Nam 20/11 (04/12/2019 16:42:08)

Trường Thông tấn trong rừng (04/12/2019 16:41:28)

Hồi ức đẹp về những người thầy Việt Nam (04/12/2019 16:38:32)

Hội nghị tập huấn chuyên đề nâng cao chất lượng thông tin xây dựng Đảng: Đảm bảo thông tin chính thống, trung thực (04/12/2019 16:36:00)

Tiếp Tổng Bí thư Đảng phong trào cánh tả thống nhất Cộng hòa Dominicana (03/12/2019 16:52:48)

Hoạt động kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập Quân đội (03/12/2019 11:33:46)

Đóng góp tích cực cho Năm đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Lào (03/12/2019 11:28:26)

Khám sức khỏe định kỳ cho công chức, viên chức và người lao động (03/12/2019 11:23:59)

Đoàn cán bộ quản lý báo chí của Lào thăm TTXVN (29/11/2019 15:28:59)

Tiếp đoàn Hội nhà báo Hàn Quốc (28/11/2019 15:04:24)