Chủ nhật, ngày 07/07/2024

Trao đổi - Thảo luận

Cùng lao vào cuộc


(14/04/2008 15:46:26)

- Đồng nghiệp này, nghe nói tình hình phát hành các ấn phẩm báo chí của ta có vẻ không được sáng sủa cho lắm thì phải?

            - Còn nghe gì nữa, cánh làm công tác phát hành đang buồn nẫu ruột ra đây.

            - Ôi dào, buồn thì giải quyết được gì, phải "vắt óc" nghĩ cách vượt qua khó khăn mà vươn tới chứ.

            - Khổ lắm, hô hào mãi rồi nhưng tình hình đâu mấy biến chuyển. Đồng nghiệp thế nào chứ tôi cứ có cảm giác ở "nhà ta" ai chỉ biết việc người ấy. Đội phóng viên cứ tác nghiệp, viết tin, chụp ảnh, chẳng cần để tâm tìm hiểu xem tin, ảnh đó sẽ... đi đâu về đâu. Các tòa soạn thì luôn thường trực ý nghĩ: Báo của mình nhìn chung là ổn, tiara giảm chẳng qua là do công tác phát hành có vấn đề!

            - Ấy chết, chớ có sốt ruột mà nghĩ oan cho người ta, mình thấy từng tờ báo đều có chiến lược... nghiên cứu thị trường kỹ lắm.

            - Lý thuyết vậy thôi ông ơi. Việc phát hành (mà gọi nôm na là bán tin, bán báo) đành rằng cơ quan đã có một bộ phận chuyên trách là Phòng phát hành nhưng vẫn phải xác định đấy là công việc chung của toàn ngành, nghĩa là mọi thành viên trong nhà Thông tấn đều phải xúm tay chung lòng dốc sức vào mà làm.

            - Phòng phát hành dạo này cũng nghĩ ra nhiều "chiêu" mới: Nào là đưa cán bộ có kinh nghiệm xuống "cắm" ở một số tòa soạn; lập các tổ xung kích đi đến các địa phương để vừa nghiên cứu vừa tìm cơ hội tiếp cận thị trường, gây dựng địa chỉ phát hành; tổ chức lực lượng đưa báo đến tận khách hàng trên địa bàn Hà Nội...

            - Nhưng, phát hành đang trong tình trạng người nhiều việc ít thì phải?

            - Thì trừ những trường hợp không thạo việc, còn phát hành đang gắng sức giảm tối đa kiểu ngồi đợi người đến mua báo mà phải lặn lội đi tìm người để bán báo. Trước mắt, họ đang cùng một số phân xã tiếp cận thị trường. Cứ tỉnh nào gây dựng được từ 20 địa chỉ trở lên, cách trung tâm tỉnh lỵ trong vòng bán kính 20 kilômét là phát hành cho người đưa báo, tài liệu tham khảo đến tận nơi trong ngày.

            Nhưng ngặt một nỗi có lẽ do phải "chạy định mức" nên cánh phân xã chưa thật sự nhiệt tình cho lắm. Trong khi công tác phát hành ngoài uy tín, chất lượng tờ báo còn cần cả kinh nghiệm và sự nỗ lực của người đi tiếp thị. Qua tìm hiểu đồng nghiệp biết rằng một số phân xã khu vực miền Trung sở dĩ phát hành tốt là do Trưởng xã và phóng viên nhiệt tình, kiên trì làm công tác tiếp thị và quảng bá cho các ấn phẩm của ngành cộng với sự hậu thuẫn đắc lực của Văn phòng đại diện Đà Nẵng nên mới thu được kết quả khả quan. Các phân xã phía Bắc, phía Nam phần vì chưa có kinh nghiệm, phần vì tâm lý e ngại: Mình là nhà báo Trung ương mà lại phải đi chào mời để bán báo thì còn ra cái thể thống gì nên sự vào cuộc có phần khó khăn hơn.

            - Nhưng sao phân xã Hải Phòng trước bán báo chạy thế, mỗi số Thể thao&Văn hóa vài nghìn tờ, vậy mà nay lại trở về... mo?

            - Thì không chăm chút tới, nó chết là phải.

            - Phàm ở đời muốn làm tốt việc gì thì phải tận tâm tận lực, vậy nên phải coi phát hành là việc chung, cả nhà xúm vào mà làm, nhất là từ 2/4, báo Tin tức chuyển sang ra buổi sáng thì chắc chắn phải phấn đấu quyết liệt ở tất cả các khâu mới mong có chỗ... trên sạp báo.

            - Đồng nghiệp thiển nghĩ, căn cứ vào tình hình từng địa bàn, Tổng Giám đốc cứ giao trách nhiệm và định mức phát hành cho phân xã, kèm theo là chế độ hỗ trợ cũng như thưởng -phạt rõ ràng. Những đơn vị, cá nhân trong cơ quan tham gia công tác phát hành có hiệu quả cũng được hưởng các chính sách cụ thể. Từng phóng viên, ban biên tập, tòa soạn cũng phải cân nhắc nên viết, nên phát tin, ảnh như thế nào cho hợp lý, chỉ bán cái bạn đọc cần..v.v.

            - Cũng là một cách hay nhưng trước hết cứ phải xắn tay vào việc đã, phát hành liên quan đến bát cơm của cả nhà đấy, cùng lao vào cuộc thôi kẻo nước đến chân rồi!

Đức Linh
Theo Nội san Thông tấn, số 3-2008