Chủ nhật, ngày 28/07/2024

Tin trong ngành

Điện báo viên chuyên trách


(08/04/2016 09:08:06)

Từ nhiều năm nay, TTXVN có một nhiệm vụ quan trọng là cử phóng viên tin, ảnh chuyên trách đi tháp tùng các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước trong các chuyến công tác trong và ngoài nước. Nhưng vào những năm 1976 - 1980 có một trường hợp ngoại lệ, khi trong đoàn cán bộ đi tháp tùng lãnh đạo cấp cao có thêm một điện báo viên thuộc Cục kỹ thuật Thông tấn (nay là Trung tâm Kỹ thuật Thông tấn), với nhiệm vụ chuyển tin, bài của các phóng viên chuyên trách về Tổng xã, đồng thời cung cấp thông tin từ Tổng xã cho đoàn công tác được nhanh chóng và chính xác.

Ông Nguyễn Duy Nhị (người ngồi ngoài cùng, bên phải) chụp ảnh cùng Tổng Bí thư Lê Duẩn trong chuyến thăm và làm việc tại tỉnh Nghệ Tính năm 1976

Năm 1976, tôi vinh dự được Tổng giám đốc Đào Tùng cử đi làm nhiệm vụ đặc biệt đó. Người mà tôi đi theo phục vụ đầu tiên là Tổng Bí thư Lê Duẩn trong thời gian 5 năm (1976-1980) và người thứ hai là Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng.

Mỗi chuyến đi thăm và làm việc của Tổng Bí thư Lê Duẩn tại các địa phương, khi nhận nhiệm vụ, tôi đều chuẩn bị kỹ càng. "Đồ nghề" mang theo thường có: Một đài thu tín hiệu morse bán dẫn mác 81 của Trung Quốc; máy đánh chữ Optima (CHDC Đức); máy ghi âm Ba Lan; tem gạo khoảng 5 kg (tùy thuộc chuyến đi, có thể nhiều hơn); 5 - 6 cuộn giấy 5 pli, loại giấy bên dưới có phết carbon để in sang trang sau; hai tá pin Con thỏ, loại UM1 để cấp điện cho máy thu bán dẫn...

Nhắc đến máy đánh chữ chắc nhiều người ngạc nhiên vì trước nay, các điện báo viên chỉ viết bằng tay. Để đáp ứng yêu cầu công việc, tôi đã tập nghe tín hiệu, chia các ký tự bằng các ngón tay trên máy đánh chữ và tập đánh máy có đủ dấu tiếng Việt. Nhờ được các bậc "tiền bối" trong phòng Điện vụ - Kỹ thuật chỉ dạy trước đó, cùng với thâm niên gần 6 năm đi thường trú phân xã TTXVN tại Miến Điện, với nhiệm vụ chuyên thu tin bằng máy đánh chữ, tôi đã tích lũy được một số kỹ năng cần thiết. Sau này, trong các chuyến tháp tùng lãnh đạo cấp cao, tôi đã đáp ứng được yêu cầu của đoàn là cung cấp kịp thời Bản tin nhanh đặc biệt cho Tổng Bí thư (TBT) và bản tin cho 4 cán bộ cao cấp khác trong đoàn.

Buổi chiều trước khi lên đường công tác, theo quy định của Văn phòng TBT, tôi cùng anh Văn Bảo, phóng viên ảnh chuyên trách, mang "đồ đạc" lên số 4 Nguyễn Cảnh Chân để Ban bảo vệ kiểm tra, đóng gói. Sáng hôm sau, chúng tôi lên tập trung tại sân sau nhà riêng của TBT. Đúng giờ, xe đến đưa chúng tôi sang sân bay Gia Lâm. Đoàn tháp tùng TBT rất gọn nhẹ, bao gồm các đồng chí thư ký TBT, trợ lý kinh tế; thư ký văn phòng, ban bảo vệ, nhân viên phục vụ... Phía nhà báo gồm: Văn Bảo, Nguyễn Duy Nhị (TTXVN), Nguyễn Văn Dũng, quay phim, Nguyễn Thăng, viết kịch bản nội dung, Văn Dùng, ánh sáng (Đài truyền hình Việt Nam).

Chuyến đi mà tôi nhớ nhất là chuyến thăm và làm việc của TBT tại Tây Nguyên một năm sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Đầu tháng 5/1976, đoàn công tác đáp máy bay TU.134 do Liên Xô sản xuất từ sân bay Gia Lâm (Hà Nội) đến sân bay Tân Sơn Nhất (TP. Hồ Chí Minh). Phó Tổng biên tập Đỗ Phượng, lúc đó cũng được cử đi chuyên trách đưa tin. Anh gặp và đưa cho tôi tiền Sài Gòn để chi tiêu.

Hàng ngày, tôi có nhiệm vụ nhận ba bản tin nhanh đặc biệt của cơ quan phát đi từ Tổng xã, lần lượt vào lúc: 9giờ; 15giờ và 21giờ30, rồi trực tiếp đưa tận tay TBT và 4 cán bộ cao cấp trong đoàn. Trường hợp đang trên đường đi công tác, đến giờ, tôi vẫn phải lên máy nhận đủ tin. Khi đi cơ sở, tôi luôn được bố trí ngồi ở đầu xe và kê thêm một chiếc ghế nhỏ để có thể đặt được máy chữ nửa trên ghế, nửa trên đùi, thuận tiện cho việc thu tin trong lúc xe đang di chuyển rung lắc.

Sau hai ngày ở TP. Hồ Chí Minh đoàn lên đường đi thăm và làm việc tại các tỉnh miền Trung - Tây nguyên. Mới giải phóng chưa đầy năm nên các tỉnh này còn nhiều toán phỉ Fulro hoạt động. Công tác bảo vệ TBT vì thế cũng cẩn trọng hơn bao giờ hết. Đoàn chia thành hai nhóm: Nhóm thứ nhất đi bằng ô tô, theo đường bộ từ Sài Gòn qua các tỉnh, thành phía Nam Trung Bộ, đến Đắk Lắk. Trên đường đi, các cán bộ, chiến sĩ trong ban bảo vệ được lệnh đạn lên nòng, sẵn sàng chiến đấu. Nhóm thứ hai xuất phát sau một ngày bằng máy bay Yat40, trong đó có TBT. Nhóm thứ nhất nghỉ một ngày qua đêm tại Đắk Lắk, sáng hôm sau tập trung ra sân bay Đắk Lắk đón và đưa TBT về nhà khách Tỉnh ủy.

Sớm hôm sau, đoàn lên đường đi Pleiku bằng đường bộ, hơn trăm cây số đến thị xã Pleiku tuyệt đối an toàn. Kết thúc chuyến đi, về tới Sài Gòn, chúng tôi ở Nhà khách Trung ương- T68. Trong thời gian này, anh Đỗ Phượng viết bài xong, đưa TBT trực tiếp xem và duyệt. Sau đó tôi được giao mang bài sang Cơ quan đại diện TTXVN tại 116 - 118, Nguyễn Thị Minh Khai để chuyển về Tổng xã phát ngay cho các báo, đài Trung ương và địa phương kịp in số báo ngày hôm sau. Ba chân bốn cẳng, đi bộ từ phố Lý Chính Thắng (Nhà khách T68) qua nhiều tuyến phố, vừa đi vừa hỏi người dân, cuối cùng cũng đến được Cơ quan đại diện TTXVN, để kịp phát tin về chuyến thăm của TBT. 

Theo Nội san Thông tấn, số 3/2016

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Một Việt kiều Nauy trao tặng 500 phim tư liệu quý cho TTXVN  (07/04/2016 14:48:39)

Tổng hợp tin trong ngành (Theo Nội san Thông tấn số 3/2016 - P1) (07/04/2016 10:45:02)

Chung tay nâng tầm thương hiệu TTXVN (07/04/2016 10:25:44)

Sức trẻ Thông tấn - Tiên phong đột phá (06/04/2016 15:38:47)

Tổng hợp tin trong ngành (theo Nội san Thông tấn số 1+2/2016) (26/02/2016 14:46:47)

Hội chợ gây Quỹ nghĩa tình đoàn viên năm 2015: Tinh thần thanh niên đoàn kết (25/02/2016 16:20:19)

Nơi "kể" sử ngành thông tấn (25/02/2016 16:05:32)

“Mâm cỗ” báo Tết thịnh soạn đón xuân  (25/02/2016 14:58:21)

Cảm xúc đầu xuân (25/02/2016 14:36:24)

TTXGP tham gia Tổng tấn công Tết Mậu Thân 1968  (25/02/2016 14:30:04)