Thứ năm, ngày 04/07/2024

Sổ tay phóng viên

Đồng hành cùng người dân vùng lũ


(04/01/2010 11:55:18)

Cơn bão số 11 và trận lũ lớn lịch sử trong vòng 40 năm tiếp theo đođã nhấn chìm hàng ngàn ngôi nhà và cô lập nhiều địa phương trong tỉnh. Những ngày đó, các phóng viên phân xã Bình Định đã không quản gian nan vất vả, bất chấp hiểm nguy để tác nghiệp, cung cấp tin, ảnh thời sự về công tác cứu nạn, cứu trợ và khắc phục hậu quả bão lũ.

            Trực chiến trong đêm bão đến

            Ngày 31/10, đang ở Cơ quan đại diện tại Đà Nẵng để làm việc về công tác phát hành năm 2010, kết hợp giải quyết vài việc cá nhân, nghe tin bão sắp đổ bộ vào từ Bình Định đến Khánh Hoà, tôi liền thuê ngay tắc-xi trở về Bình Định. Một giờ sáng hôm sau, tôi có mặt tại phân xã để lên phương án đưa tin về bão số 11.

            Đúng như dự báo, 15 giờ ngày 2/11, bão số 11 đổ bộ vào phía Nam tỉnh Bình Định. Trực tại cơ quan, anh em thu gọn đồ đạc và tài liệu, máy móc để vào nơi khô ráo vì lúc này mưa và gió lớn đã thổi hắt vào khe cửa các phòng làm việc. 21 giờ, thấy gió mưa đang vít các ngọn cây xuống tận mặt đường phía trước trụ sở phân xã, tôi lấy ngay máy ảnh và chọn một góc thuận lợi để ghi lại hình ảnh đó. Sau khoảng 30 phút phát ảnh ra Tổng xã, vào mạng xem, thật vui khi thấy những bức ảnh của mình đã được Ban Biên tập - Sản xuất ảnh phát lên. Suốt đêm đó tôi không ngủ để canh chừng diễn biến của bão.

 

            Cả ngày lót dạ một gói mì tôm

            5 giờ sáng ngày 3/11, sau khi vội vàng lót dạ một gói mì tôm, tôi đội mưa đi đến Ban Chỉ huy phòng chống bão lụt tỉnh tại số nhà 83 Lê Hồng Phong, Quy Nhơn. Sau đó tôi cùng anh Phan Trọng Hổ, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tỉnh, đi về cầu sông Ngang, phường Đống Đa, nơi có rất nhiều người dân đang bị mắc kẹt trong mưa bão. Lũ rất lớn đã chia cắt và cô lập toàn bộ thành phố Quy Nhơn và nhiều huyện khác, hàng nghìn người dân đang lâm nạn. Tỉnh Bình Định không đủ phương tiện ứng cứu nên đề nghị Trung ương và Bộ Quốc phòng giúp trực thăng, xe tăng và xe lội nước khẩn cấp để cứu dân. Lần theo tuyến đường sắt chạy từ trung tâm thành phố ra ga Diêu Trì- khoảng 15 km, nhiều nơi đường tàu đã bị ngập từ vài ba phân đến nửa mét nước, tôi vừa nắm thông tin vừa xách máy ảnh chạy tới chạy lui. Mải mê tác nghiệp quên cả đói, đến chiều tối tôi mới trở về phân xã, lại ngồi ngay vào bàn máy làm tin và phát ảnh. Mọi việc xong xuôi, tôi mới yên tâm ăn cơm tối. Ngày hôm sau (4/11), báo Nhân Dân đã đăng tấm ảnh tôi chụp thanh niên xung kích phường Đống Đa cứu dân trong lũ (qua khai thác mạng dịch vụ của TTX) trên trang Nhất của báo.

            Cũng thật bất ngờ và thú vị, ngày 12/11, tôi nhận được bức thư cảm ơn của Ban Thư ký biên tập báo Nhân Dân, đánh giá đây là một bức ảnh có chất lượng tốt và gửi kèm 200.000 đồng tiền nhuận ảnh.

 

            Tác nghiệp trên máy bay trực thăng

            Anh Nguyễn Đức Thi, Phó Văn phòng UBND tỉnh cho biết: Ngày 4/11, lãnh đạo tỉnh sẽ đi cứu trợ và thị sát vùng đang bị lũ cô lập ở phía Đông tỉnh bằng máy bay trực thăng. Lập tức, 5 giờ sáng tôi đã có mặt tại Bộ chỉ huy quân sự tỉnh để ra sân bay Phù Cát (chỉ có tôi cùng 3 phóng viên của Đài truyền hình tỉnh, báo Thanh Niên và báo Phòng không Không quân được ưu tiên đi chuyến bay đặc biệt này).

            Nhanh chóng, tôi chọn ngồi ở vị trí sát cánh cửa máy bay. Tôi vừa quan sát, vừa bấm máy ghi lại những hình ảnh phi công làm nhiệm vụ rải hàng hoá cứu trợ cùng cảnh tượng nhiều nơi ở phía đông Tuy Phước bị chìm trong biển nước mênh mông. Sau chuyến bay, tôi theo xe Bí thư tỉnh uỷ về phường Nhơn Phú, tiếp tục đi cứu trợ, rồi về Bệnh viện lao tại phường Nhơn Bình...

            Một niềm vui mới lại đến, khoảng 9 giờ sáng hôm sau (5/11), Tổng biên tập báo Tin Tức Lê Duy Truyền điện thoại thông báo, bức ảnh tôi chụp trên máy bay về sự cô lập của người dân vùng lũ phía đông Tuy Phước được đăng trang Nhất số báo hôm đó. Trưởng phân xã Kon Tum, Đoàn Hữu Trung và Nguyễn Thanh Long, phóng viên ảnh PX Quảng Ngãi, cũng điện vào chúc mừng. Cùng ngày 5/11, báo Nhân Dân cũng đăng bức ảnh đó ở trang Nhất và kèm ảnh Bí thư tỉnh uỷ Vũ Hoàng Hà đang cứu trợ tại phường Nhơn Phú. Báo Nông thôn ngày nay cũng đăng trang Nhất một ảnh tôi chụp về công tác cứu trợ. Liên tục những ngày sau đó, tin và ảnh của phóng viên PX Bình Định còn được báo Nhân Dân và một số báo khác sử dụng khá nhiều.

 

            Xe riêng cho phóng viên TTX

            Sáng 6/11, Văn phòng tỉnh uỷ Bình Định thông báo 12 giờ chiều cùng ngày, đoàn công tác của Tổng bí thư Nông Đức Mạnh sẽ vào thăm và chỉ đạo việc khắc phục bão lụt. Kinh nghiệm cho biết mỗi lần lãnh đạo cấp cao vào, nếu không có xe mà đi nhờ các xe khác thì rất khó chủ động trong công việc, nhất là đối với phóng viên ảnh. Vì vậy, tôi chủ động đề xuất và đồng chí Chánh Văn phòng tỉnh uỷ Nguyễn Văn Chánh đã bố trí một xe riêng cho phóng viên TTXVN. Khi máy bay Tổng Bí thư hạ cánh tại sân bay Phù Cát, tôi đã đề nghị công an được ưu tiên vào đón các đ/c Đỗ Cường, Xuân Tuân và một phóng viên báo Nhân Dân để đi theo đoàn suốt thời gian Tổng bí thư thăm và làm việc tại Bình Định một cách thuận lợi và nhanh chóng. Việc phối hợp tác nghiệp giữa phóng viên Trung ương và địa phương lần này rất ngắn nhưng cũng để lại cho mỗi chúng tôi những cảm xúc khó quên.

 

            Kinh nghiệm rút ra: duy trì quan hệ tốt

            Từng công tác lâu năm ở dải đất Đà Nẵng - Quảng Nam - Quảng Ngãi - Bình Định, nơi hàng năm có nhiều trận bão lụt xẩy ra và hậu quả thường rất nặng, theo tôi, phóng viên muốn làm tốt công tác thông tin thì điều trước tiên phải tạo được mối quan hệ thật tốt với lãnh đạo tỉnh, các ngành và chính quyền địa phương. Khi quan hệ tốt thì vừa nắm chắc được lịch công tác của tỉnh, cần phương tiện đi tác nghiệp sẽ được đáp ứng kịp thời. Thứ hai, duy trì quan hệ thường xuyên và có mặt kịp thời tại trụ sở Ban chỉ huy phòng chống bão lụt tỉnh- cơ quan phát ngôn chính thức về những sự kiện bão lụt. Quan hệ tốt với lãnh đạo huyện uỷ và UBND các huyện, thành, thị để khi có tình huống khẩn cấp liên lạc lấy thông tin thêm (nhất là khi lũ lụt cô lập không thể xuống địa bàn được). Thứ ba, phải có tinh thần trách nhiệm cao, không ngại gian khổ, hiểm nguy. Thứ tư, Trưởng phân xã phải chủ động xây dựng và vạch phương án tác nghiệp cụ thể cho các phóng viên và bản thân. Cuối cùng và quan trọng nhất là thu thập thông tin, hình ảnh nhanh, trúng, phát về Tổng xã kịp thời và ban biên tập xử lý nhanh, chất lượng, có vậy mới mang tính cạnh tranh cao.

            Vận dụng những kinh nghiệm đã có cộng với sự nỗ lực nên trong đợt thông tin về bão lụt vừa qua, PX Bình Định đã thực hiện khoảng 20 tin, bài và 30 chủ đề ảnh. Riêng Trưởng phân xã có 15 tin, bài và 22 chủ đề ảnh thời sự. Ngày 11/11, Tổng Giám đốc Trần Mai Hưởng đã ký quyết định biểu dương và khen thưởng đột xuất 3 phân xã Phú Yên, Bình Định và Khánh Hoà. Đó là tình cảm và nguồn động viên hết sức kịp thời, tăng thêm sức mạnh cho những phóng viên phân xã chúng tôi hoàn thành ngày càng tốt hơn nhiệm vụ được giao.

 

Viết Ý (Trưởng phân xã Bình Định)
Theo Nội san Thông tấn, số 12-2009