Thứ hai, ngày 08/07/2024

Trao đổi - Thảo luận

Tâm sự nghề nghiệp

Đồng nghiệp ơi, thương lấy chúng tôi cùng!


(18/04/2007 15:55:42)

Ở ban ảnh chúng tôi không ít những giai thoại cười ra nước mắt, thậm chí cười ra mồ hôi lạnh về chuyện "sáng tác" chú thích ảnh của đồng nghiệp các tòa soạn. Trong bài viết này xin được kể ra đây ba câu chuyện về cái kinh nghiệm ấy của bản thân, mong sao tâm sự này thấu đến tai các nhà sử dụng ảnh, nguyện cầu rằng: Các anh, các chị ơi, các đồng nghiệp ơi thương lấy chúng tôi cùng!

CHUYỆN BỨC ẢNH "ĐIỂM TÁI ĐỊNH CƯ HUỔI LUÔNG"

            Trước hết nói về bài viết. Bài viết "Rối bời tái định cư thuỷ điện Sơn La" của anh Chu Quốc Hùng, phân xã Lai Châu hồi tháng 3/2006 viết về sự chậm trễ, vướng mắc trong công tác xây dựng các điểm tái định cư (TĐC) và thực hiện di dân TĐC phục vụ xây dựng công trình thuỷ điện Sơn La ở tỉnh Lai Châu. Đây là một bài viết "đụng chạm". Sự đụng chạm hết sức nghiêm túc về những vướng mắc trong cơ chế, sự phối hợp giữa các cấp các ngành trong tỉnh Lai Châu. Dĩ nhiên bài báo ấy được nhiều người quan tâm. Sẽ không có gì đáng nói nếu không có bức ảnh của "cái thằng tôi" đi kèm. Bức ảnh của tôi được các biên tập viên báo Tin Tức chọn cho bài viết ấy lại là bức ảnh mở đường đến tận Nậm Hăn, một trong những xã xa xôi nhất, khó khăn nhất của tình Lai Châu. Khổ lắm! Tôi cùng anh Hùng cùng đi làm, ảnh chụp điểm TĐC Huổi Luông tôi có chụp và đã phát lên mạng. Trên mạng có đến mấy cái nhưng không hiểu sao các bác ấy không thích mà lại thích cái ảnh con đường. Con đường là con đường, đã thành hình hài rồi, nhầm lẫn làm sao được, mà các bác lại con chua thêm một cái câu bình chua chát nữa. Bài viết của anh Hùng người ta phải chịu, không thích cũng phải chịu vì nó đúng. Còn cái ảnh của tôi, một cán bộ lãnh đạo Ban tuyên giáo Tỉnh uỷ tỉnh Lai Châu có chất vấn tôi tại sao đưa cái ảnh mở đường đến tận Nậm Hăn như thế. Thanh minh mãi về cái sự nhầm thì ông lại "đá" thêm: "Hay cái đường Nậm Hăn nó có vấn đề nên cậu đá khéo nó" . Hôm ấy gọi điện về toà soạn hỏi, thực lòng cũng muốn xin các bác ấy một cái đính chính, các bác ấy hứa sẽ rút kinh nghiệm. Thôi! Cũng đành... mình phận yếu!

 

CHUYỆN BỨC ẢNH "TẠI SAO TỶ LỆ BÉ GÁI..."

            Xin được nói đôi lời về xuất xứ của bức ảnh. Bức ảnh này tôi chụp sáng mồng 7 Tết - Đinh Hợi (23/2/2007), tại hội xuân của người Mông ở xã Tủa Thàng huyện Tủa Chùa (Điện Biên) được Ban Biên tập - Sản xuất ảnh báo chí phát ngày 25/2/2007 trong chùm ảnh "Ngày hội xuân của người Mông ở Tủa Chùa"  với chú thích cụ thể "Niềm vui của trẻ em người Mông trong ngày hội xuân". Nhưng bức ảnh 4 cháu bé trai và gái tươi cười trong ngày hội xuân được báo Tin Tức dùng minh hoạ cho bài viết "Chống phân biệt đối xử với phụ nữ - chuyện chưa có hồi kết" cùng chú thích cụ thể "Tại sao tỷ lệ bé gái đến trường thấp hơn bé trai? Đó là một câu hỏi mà Uỷ ban CEDAW đặt ra với VN" trong số báo phát hành chiều 7/3/2007. Vấn đề mà bài báo đặt ra thật hay, là một phóng viên đi công tác nhiều ở vùng cao tôi rất thú vị với đề tài này, nhất là đối với trẻ em là con em các dân tộc ít người.

            Tuy nhiên ở đây cũng có một số vấn đề cần phải lưu ý: Đó là trong những năm gần đây ngay ở những bản xa xôi nhất chúng ta cũng đã cơ bản xóa được bản trắng về giáo dục. Ngay ở những huyện cức kỳ khó khăn như huyện Mường Tè (Lai Châu), huyện Mường Nhé (Điện Biên) ngành Giáo dục cũng đang phấn đấu xoá bản trắng của hệ Mầm non trong một hai năm tới và cũng ở đây đang tiến tới hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học ở cấp huyện. Đã nói đến phổ cập đương nhiên không có sự phân biệt trẻ trai hay gái. Ở các cấp học cao hơn, tỉ lệ học sinh nữ ngày càng thấp, đặc biệt ở trường PTTH các huyện vùng cao. Tôi đưa vấn đề này ra vì trong ảnh là những em bé có độ tuổi từ 9 đến 11 mà tôi biết chắc chắn đang là học sinh tiểu học của trường tiểu học xã Tủa Thàng huyện Tủa Chùa. Khi dùng bức ảnh này minh hoạ cho bài viết liệu biên tập viên của tờ báo có biết điều này không, có nghĩ đến điều này không? Và rõ ràng người đọc có quyền và có thể hiểu rằng đây là vấn nạn ở Việt Nam ngay ở bậc tiểu học?

            Có lẽ biên tập viên đã không tìm kỹ trên mạng ảnh vì những bức ảnh thể hiện sự mất cân đối nam nữ ở cấp học cao không phải là không có. Xin ví dụ như ảnh chụp một lớp 9 ở trường phổ thông Dân tộc nội trú huyện Tủa Chùa (cũng vấn là Tủa Chùa) có thể thấy ngay cả lớp học chỉ có 4 em học sinh nữ, hay một lớp 10 ở trường THCS xã Co Mạ, huyện Thuận Châu (Sơn La), cả lớp học cũng chỉ có 5 em gái. Tôi tin rằng sự minh họa đó chính xác hơn, thuyết phục hơn việc lấy hình ảnh những em bé vui chơi trong ngày hội để minh họa cho bài viết này. Và biên tập viên dùng ảnh có bao giờ nghĩ đến việc tờ báo này khi đến tay các nhà quản lý giáo dục hay các cháu học sinh có mặt trong ảnh - có thể lắm chứ thông qua bưu điện văn hóa xã, họ sẽ nghĩ gì.

            Khi tôi mang thắc mắc này hỏi lãnh đạo toà soạn báo Tin Tức và đề nghị toà soạn giúp đính chính cho, ngay số báo hôm sau ngày 8/3 trong mục "Nói lại cho rõ" Toà soạn đã khẳng định "Đó là bức ảnh có tính chất minh họa, không có ý quy kết". Vâng. Tôi rất muốn song không thể nói được từ cám ơn dù tòa soạn đã hạ cố "Nói lại cho rõ" bởi lòng vẫn thấy buồn tê tái. Cũng may trong số báo ngày 8/3/2007 tôi lại có vinh dự có một bức ảnh đăng trang nhất.

 

CHUYỆN BỨC ẢNH: HƯỚNG DẪN NGƯỜI DÂN SỬ DỤNG BÓNG ĐÈN TIẾT KIỆM ĐIỆN.

            Tôi lại có cái vinh dự có một bức ảnh được báo Tin Tức chọn đăng ngay trên trang nhất, bức ảnh chú thích "Hướng dẫn người dân sử dụng bóng đèn tiết kiệm điện" minh hoạ cho bài viết "Thực hiện các biện pháp tiết kiệm điện kết quả chưa cao". Là tác giả bức ảnh tôi cũng xin được mạn phép "nói lại cho rõ" một chút về bức ảnh này.

            Tôi chụp bức ảnh này nhân dịp đóng điện về xã Tả Sìn Thàng ở huyện Tủa Chùa tỉnh Điện Biên. Nói ngoài lề một chút để các bạn đồng nghiệp có thêm thông tin: Từ bưu điện Bờ Hồ là km số 0 theo quốc lộ 6 đến 389 là đỉnh đeo Pha Đin, ranh giới giữa tỉnh Sơn La và Điện Biên, từ đó đi thêm 20 km đến huyện Tuần Giáo (Điện Biên), đi tiếp 25 km đến lối rẽ đi huyện Tủa Chùa, đi tiếp theo lối rẽ 18 km đến huyện lỵ huyện Tủa Chùa, từ đó đi tiếp 50 km đến được xã Tả Sìn Thàng (đến Tủa Thàng cũng cỡ như vậy). Nếu đi bằng xe máy từ Hà Nội đến Tả Sìn Thàng mất gần 3 ngày, với nhiều đoạn vách đá cheo leo trên bờ vực thẳm (đôi bờ là hai bờ) theo nghĩa đen chứ không phải theo nghĩa ví von đâu ạ. Đó là vùng đất khô, không sông suối, người dân chưa biết đến điện. Do vậy, ngày đóng điện cũng là ngày mà tuyệt đại đa số người dân trong xã mới được biết đến điện.

            Ngoài việc đóng điện, cán bộ ngành còn có thêm nhiệm vụ hướng dẫn người dân cách sử dụng thiết bị điện. Thiết bị điện ở đây cũng chỉ là một bóng điện cho mỗi nhà và cách sử dụng là đóng mở công tắc, cách ngắt cầu dao khi thấy có gì đó bất ổn. Khái niệm tiết kiệm điện chưa hình thành trong họ, bởi họ còn nghèo lắm, nghèo đến mức coi dùng điện là xa xỉ.

            Khi viết bài này tôi có gọi điện lại cho đồng chí Trưởng Chi nhánh điện Tủa Chùa và được biết rằng: Đến thời điểm này hơn 200 hộ khách hàng của xã Tả Sìn Thàng mỗi tháng dùng khoảng hơn 3 triệu tiền điện (gồm cả trường học, uỷ ban, trạm y tế...), các hộ dân vẫn chỉ ở mức 1 bóng đèn/hộ, tiền điện phổ biết ở mức 5 đến 10 ngàn đồng/tháng. Thực tình người ta mong dân dùng thêm một tí cho bõ công thu, vả lại đầu tư hàng chục tỉ đồng đưa điện về cho dân mà dân dùng vậy cũng buồn lắm chứ. Xét ở góc độ rất nghiêm túc, tiêu thụ điện năng cũng là một thông số biểu thị cho sự phát triển, sự tiêu dùng quá thấp đâu phải là điều hay.

            Bức ảnh tôi chụp được trong hoàn cảnh như thế, khi anh cán bộ ngành điện đi hướng dẫn dân cách đóng mở mạch điện cho một hộ gia đình người Mông. Bóng đèn bật, tắt trong sự vui mừng pha trộn một chút ngỡ ngàng của mọi người. Cũng xin nói là bóng đèn ở đây là bóng đèn tròn hoạt động theo nguyên lý đốt nóng - toả sáng, loại bóng đèn này trước đây, bây giờ và sau này không bao giờ là bóng đèn tiết kiệm điện cả tuy nhiên nó có một ưu điểm là rẻ và dễ sử dụng. Bức ảnh này cũng như một số bức ảnh tương tự trong nội dung này đã được tôi đặt tên và được phát mạng với tên "Điện về Tả Sìn Thàng"

            Những người công nhân ngành điện và nhiều người khác khi xem bức ảnh này kèm theo đoạn chú thích mới tôi tin họ sẽ không nghĩ rằng tôi cá ác ý gì nhưng chắc chắn một điều họ sẽ cười tôi lắm lắm, cái cười theo kiểu "đúng là nhà báo nói lấy được".

 

THAY CHO LỜI KẾT

            Tôi chắc những đồng nghiệp ở báo Tin Tức không thú vị gì khi đọc những dòng này, mong các bạn thông cảm cho. Có thể trong con mắt các bạn, ảnh chỉ dùng để minh hoạ, trang trí cho tờ báo. Tôi không có ý định thay đổi cách nghĩ của các bạn, song chỉ xin rằng hãy cẩn thận một chút khi dùng ảnh, dù chỉ là để minh họa hay trang trí cho vui mắt. Có người - chắc rất yêu nghề ảnh - nói rằng "đằng sau mỗi bức ảnh nhỏ là cả một câu chuyện lớn", tôi không dám nói đến những câu chuyện lớn song chắc chắn một điều, mỗi bức ành đều có xuất xứ, lai lịch, một vấn đề mà xã hội cần biết, cần quan tâm đến và trong đó chứa đựng không ít mồ hôi của chúng tôi. Xin hãy để cho chúng tôi niềm vui, sự tự hào khi nhìn thấy ảnh của mình trên báo.

Xùn Trường
Theo Nội san Thông tấn, số 3/2007

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

"ChÃỨng tÃƠi khÃƠng sáỪỔng tháỪŨ ẳắ, thÃễch hẳồáỪỲng tháỪầ" (18/04/2007 15:05:53)

Phóng viên TTXVN giành giải nhất cuộc thi viết về nhân vật tiêu biểu 2006 trên VTV.VN (08/03/2007 09:58:39)

TTXVN đoạt một giải cá nhân báo chí viết về tài chính (08/03/2007 09:56:11)

Cả hai phóng viên phân xã Lâm Đồng đều đoạt giải báo chí (08/03/2007 09:55:26)

"Thời trai trẻ" Cuốn hồi ký của một tấm lòng đầy ân tình (08/03/2007 09:13:27)

Từ một bài báo, nghĩ về công tác phóng viên ở nước ngoài (06/03/2007 10:22:13)

Viết tin kinh tế - những lầm lẫn về số liệu và khái niệm (06/03/2007 10:18:40)

CLB Bạn đọc TT&VH giao lưu tại Hà Nội (15/01/2007 11:36:43)

Hội nghị giao ban thông tin các phân xã khu vực ĐBSCL tại Cần Thơ (15/01/2007 09:37:39)

Bình xét ảnh tốt 6 tháng cuối năm (15/01/2007 09:36:05)