Thứ hai, ngày 08/07/2024

Trao đổi - Thảo luận

Từ một bài báo, nghĩ về công tác phóng viên ở nước ngoài


(06/03/2007 10:22:13)

Trên Tài liệu tham khảo đặc biệt số ra ngày 16/9/2006, tôi được đọc bài viết của một nhà báo Italia sau chuyến thăm Việt Nam, ông đi từ Bắc vào Nam, thăm viếng nhiều nơi, gặp gỡ nhiều người. Có điều, theo bài viết, ông không gặp một quan chức nào của Việt Nam để nghe đánh giá tình hình chung, nhưng thật đáng nể, ông đã có những quan sát tinh tế, nhận xét khá chính xác về một Việt Nam đổi mới, chứng tỏ sự hiểu biết sâu sắc về Việt Nam trong quá khứ và hiện tại của tác giả.

Ngay trong phần mở đầu, ông dẫn ra một câu nói của Bác Hồ đại ý: Sẵn sàng trải thảm đỏ để người Mỹ rút khỏi Việt Nam và sau này, khi chấm dứt chiến tranh sẽ mời các vị trở lại.

Để chứng minh lời nói ấy, tác giả đưa ra hàng loạt ví dụ cụ thể, từ Tổng thống Mỹ, các thương nhân, vua phần mềm Bill Gates đã đến Việt Nam vì sự cần thiết của cả hai bên. Chỉ sau ít phút đến Việt Nam, từ sân bay Nội Bài về trung tâm Hà Nội, ông đã có sự quan sát và phát hiện rất tinh tế: Hai bên đường không còn những khẩu hiệu chính trị, mà thay vào đấy là những quảng cáo các sản phẩm mang thương hiệu nước ngoài, từ bộ vi xử lý Intel đến mô-tô Harley... Rồi đường phố Hà Nội là một thứ hỗn độn màu sắc của nhiều phong cách. Tiếp tục đi sâu tìm hiểu, ông biết Hà Nội cổ có nhiều phố vốn là những phường nghề, phố nghề như Hàng Thiếc, Mã Mây. Nay thì những đường phố ấy lộn xộn bán những là lòng heo, đèn bằng đồng, nữ trang, diều giấy... Bên hồ Trúc Bạch, nơi người Hà Nội và người nước ngoài đến đây để thưởng ngoạn cảnh đẹp, để chơi, để ăn uống, nhưng ít ai như ông đã phát hiện một bức tường nhỏ, nép kín bên hồ nước và biết được đấy là tượng ghi chiến công của quân và dân Hà Nội bắn rơi máy bay và bắt sống viên phi công John McCain mà nay là Thượng nghị sĩ.

Viết về miền Nam, ông cũng chứng tỏ vốn hiểu biết khá sâu sắc về mảnh đất này như: Vì lý do kinh tế hay chính trị, trong lịch sử Việt Nam có nhiều cuộc di dân từ Bắc vào. Hay như, ông biết được Chợ Lớn là bối cảnh ra đời của tiểu thuyết "Người tình", một tác phẩm rất nổi tiếng của nữ văn sĩ Pháp M.Duras. Đi thăm các nơi, ông nhận thấy dấu tích chiến tranh đã mờ dần, ít người quan tâm: Địa đạo Củ Chi chỉ toàn khách nước ngoài, chẳng thấy mấy người Việt Nam. Dạo quanh Sài Gòn, ông nhận ngay ra sự chênh lệch giàu nghèo đã lên đến đỉnh cao: Đầu này là những ngôi biệt thự cả triệu đô, đầu kia là những bà già ngồi rửa những bao ni-lông cũ để sử dụng lại! Ông biết được vụ PMU18 động trời và các vụ tham nhũng lớn khác.

Tôi nói hơi dài về bài viết của một nhà báo người nước ngoài là muốn nói về phương thức tác nghiệp của một nhà báo có nghề. Theo giới thiệu, tác giả F.Rampini đã từng là Tổng biên tập tạp chí Cộng sản của Đảng Cộng sản Italia, hiện là phóng viên báo Cộng hòa tại Bắc Kinh. Như vậy, ông đã có thời gian dài làm phóng viên thực thụ ở trong nước, phương thức tác nghiệp của ông đã được rèn luyện nhiều năm trước khi ra nước ngoài . Ông vừa từ Bắc Kinh chân ướt chân ráo sang Việt Nam, nhưng với sự hiểu biết và khả năng quan sát, đánh giá, ông đã có bài viết mà ngay chúng ta cũng phải thừa nhận cơ bản là khá sâu sắc. Từ đây, tôi nghĩ đến phóng viên thường trú nước ngoài của ta. Tất nhiên, mọi sự so sánh đều khập khiễng, nhưng không phải không thể so sánh để thấy cái sự khập khiễng của chúng ta.

Phóng viên của chúng ta có mặt ở tất cả các "đầu mối thông tin" thế giới, nhưng không có nhiều những bài viết về một vấn đề nóng bỏng, một vấn đề kinh tế hay xã hội của nước sở tại - bài viết của sự quan sát, đánh giá của chính phóng viên. Chúng ta thiếu những bài viết về tình hình nước sở tại để giúp giải đáp một vấn đề trong nước đang được quan tâm. Ví dụ trong khủng hoảng tài chính Châu Á, các thị trường Châu Á có liên quan đến Việt Nam nhiều nhưng không có những bài viết của phóng viên dự báo cho kinh tế Việt Nam.

Những năm làm phóng viên trong nước và một nhiệm kì thường trú nước ngoài, được gặp nhiều phóng viên nước ngoài, tôi được biết, họ đều là những người đã từng làm phóng viên trong nước cả chục năm, không ít phóng viên giỏi, có phương thức tác nghiệp thành thạo. Còn ở ta thì khác. Một người tốt nghiệp ngoại ngữ về cơ quan, sau một lớp nghiệp vụ ngắn hạn, được bố trí ngay vào Ban Biên tập tin Thế giới để làm việc, để biên tập tin tức, bài vở của các báo nước ngoài thành tin tức, bài vở của ta. Và đó cũng là cách làm việc khi ra nước ngoài.

Đành rằng những tin tức khai thác trên phương tiện thông tin nước ngoài là cần thiết, có khi đó là những tin có giá trị chiến lược về an ninh, kinh tế hoặc chính trị. Khai thác báo chí nước sở tại là cần thiết, nhưng đó chỉ là một phần của công việc thường trú. Nếu coi đấy là việc chủ yếu hoặc duy nhất là không đúng, vì trong thời đại thông tin, ngồi ở Việt Nam cũng có thể khai thác không chậm trễ những tin của nước ngoài. Hãy nhìn vào các tờ báo của Việt Nam những năm gần đây thì rõ. Làm phóng viên ngoài nước biết ngoại ngữ là điều kiện cần nhưng chưa đủ. Một vài bạn trẻ trước khi đi nước ngoài cũng được gửi về các phân xã trong nước một thời gian ngắn để... có thực tế! nhưng những bạn này đi thường trú phân xã trong nước với tâm lí sẽ trở về Ban Biên tập tin Thế giới để đi nước ngoài. Cho nên, "Đi là đi vậy gọi là / Không phải công việc... mặn mà làm chi!"

Nhưng có người lo rằng, nếu qua mười năm (hay hơn nữa) để trở thành phóng viên trong nước giỏi, có kinh nghiệm thì sẽ bị mai một về ngoại ngữ. Tôi không phủ nhận ảnh hưởng của hoàn cảnh nhưng có "mai một" hay không còn do chính bản thân mình. Một người được đào tạo cơ bản về ngoại ngữ, vào thời nay vô tuyến, sách báo nước ngoài nhan nhản, làm sao có thể mai một được? Thứ nữa, có được vốn hiểu biết thực tế Việt Nam sau nhiều năm làm báo trong nước, thì mới có thể có những bài viết từ những vấn đề nước ngoài, liên hệ với tình hình Việt Nam, trả lời những vấn đề của Việt Nam mà bạn đọc mong muốn.

Một khía cạnh khác, người ta nói rằng, có thể học mười năm sẽ giỏi ngoại ngữ, nhưng học cả đời cũng chưa giỏi tiếng mẹ đẻ. Nếu là phóng viên trong nước thực thụ, sau mười năm viết không giỏi thì cũng có một vốn tiếng Việt đủ để từ đó bước sang một lĩnh vực khác, ví dụ dịch thuật văn học. Nhưng nếu chỉ giỏi ngoại ngữ không thôi, chắc rằng khó rẽ sang một lối khác khi có điều kiện.

Những gì trên đây, thực ra là từ những quan sát thực tế, là chút kinh nghiệm bản thân, coi như vấn đề nghiệp vụ, xin nêu lên để trao đổi chung, những mong trong một thời gian ngắn TTXVN sẽ có một đội ngũ phóng viên sắc sảo, có nghề đi thường trú nước ngoài.

Lê Sơn
Nguyên Tổng Biên tập báo Tin Tức, Nguyên Trưởng Phân xã TTXVN tại Bắc Kinh
Theo Nội san Thông tấn, số 1+2/2007

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Viết tin kinh tế - những lầm lẫn về số liệu và khái niệm (06/03/2007 10:18:40)

CLB Bạn đọc TT&VH giao lưu tại Hà Nội (15/01/2007 11:36:43)

Hội nghị giao ban thông tin các phân xã khu vực ĐBSCL tại Cần Thơ (15/01/2007 09:37:39)

Bình xét ảnh tốt 6 tháng cuối năm (15/01/2007 09:36:05)

Thông tin về di dân tái định cư (15/01/2007 09:29:17)

Tổng kết đợt thông tin về năm APEC Việt Nam 2006 (15/01/2007 09:24:50)

"Nghề báo - nghề nguy hiểm" (15/01/2007 09:03:02)

580 nhà báo bị thiệt mạng trong vòng 14 năm (15/01/2007 09:01:47)

Qỷãên lẳ½ thõ»i gian hiõ»‡u qỷãê (15/01/2007 08:51:14)

"Kim cẳồẳắng" sao láỨắi báỪỐ phÃễ (15/01/2007 08:40:06)