Thứ hai, ngày 08/07/2024

Trao đổi - Thảo luận

"Nghề báo - nghề nguy hiểm"


(15/01/2007 09:03:02)

Trong tháng 10 vừa qua, Nhà xuất bản Thông tấn ra mắt bạn đọc cuốn "Nghề báo - nghề nguy hiểm" do biên tập viên Trần Tiến Duẩn công tác tại Trung tâm Dữ kiện Tư liệu biên soạn.

Vốn là "dân" báo chí, hiện đang là học viên cao học báo chí trường KHXH&NV, từ rất lâu Trần Tiến Duẩn đã nhận thấy trong các sách viết về báo chí ở Việt Nam hầu như chưa có cuốn nào viết một cách hệ thống về sự nguy hiểm của nhà báo. Trong khi đó thời gian qua, dư luận xã hội rất bức xúc trước những nhà báo bị hành hung. Với cương vị một người làm công tác biên soạn tư liệu, được tiếp xúc với kho tư liệu đồ sộ của một cơ quan báo chí lớn, anh có ý tưởng cung cấp cho độc giả những tư liệu về sự gian khổ, nguy hiểm trong nghề. Anh muốn chia sẻ với người đọc những thông tin chính xác, cụ thề về người thật, việc thật đang từng ngày từng giờ đối mặt với hiểm nguy nghề nghiệp; muốn rằng qua cuốn sách, độc giả có thể cảm nhận được: Nghề báo thực sự là vinh dự, nhưng vô cùng nguy hiểm, gian nan.

Để biên soạn cuốn sách, Trần Tiến Duẩn đã dày công thu thập, chắt lọc thông tin từ hàng chục cuốn sách viết về nghề báo, hàng nghìn trang tư liệu, bài báo, tài liệu hội thảo báo chí. Đồng thời, anh nhận được sự ủng hộ to lớn của Trung tâm Dữ kiện - Tư liệu, NXB Thông tấn, sự cộng tác tích cực của các đồng nghiệp như chị Hồ Thắm, anh Trịnh Lê Nam. Đặc biệt nhà báo Đoàn Tử Diễn đã truyền cho tác giả nhiều kinh nghiệm quý trong viết sách, cách hệ thống hóa vấn đề. Vì vậy, tuy cuốn sách là hệ thống tư liệu khá đầy đủ chứng minh sự gian khổ, nguy hiểm của nhà báo trong quá trình tác nghiệp, nhưng cách trình bày của tác giả không quá khô khan. Các chi tiết, dẫn chứng được chọn lọc và sử dụng khá đắt, sinh động giúp độc giả cảm nhận được các nhà báo đã chịu sự đe dọa về sức khoẻ, tính mạng như thế nào để có những thông tin nóng hổi về mọi lĩnh vực, từ mọi ngóc ngách của thế giới cũng như ở Việt Nam. Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay diễn ra nhiều xung đột, có nhiều loại tội phạm nguy hiểm, đội ngũ phóng viên có thể bị khủng bố, bắt cóc, sát hại dã man.

Ngoài hệ thống tư liệu khá phong phú chứng minh sự gian khổ, nguy hiểm của nhà báo trong quá trình tác nghiệp ở khắp nơi trên thế giới, Trần Tiến Duẩn còn được tiếp xúc với số "chị" nhà báo, được nghe tâm sự về cảm giác chông chênh, "đi trên dây" trong quá trình làm báo. Chính vì vậy sách đã dành một phần không nhỏ để nói về những thử thách gian nan ngày càng nhiều đối với nhà báo nữ. Họ là những người "chân yếu tay mềm" được các đồng nghiệp nam thán phục khi vượt qua vô số rào cản vô hình về gia đình, giới tính để dấn thân vào "nghiệp" báo chí. Với những bài điều tra sốt dẻo, Verolica Guezin, phóng viên tờ Sunday Business Poitoi chuyên theo dõi điều tra tội phạm đã trở thành phóng viên được yêu thích tại Ireland, nhưng chị thường xuyên bị khủng bố, uy hiếp bằng bạo lực. Trong một lần dừng xe trước đèn đỏ, chị bị kẻ lạ mặt bắn 4 viên đạn vào ngực, làm chị chết ngay tại chỗ. Hay như vụ hành hung nhà báo Thu Trang (phóng viên báo Gia đình và Xã hội), khi chị đang ghi hình một công nhân bị chết trên tầng 6 tòa nhà Vincom City Tower-VTC Hà Nội.

Sau những câu chuyện người thật việc thật diễn ra khắp nơi trên thế giới, tác giả đã thống kê được những tổn thất to lớn của đội ngũ các nhà báo trên thế giới từ sau chiến tranh Thế giới thứ nhất đến nay, với lời tổng kết: "Quả thực, nghề báo vẫn là một trong những nghề có độ nguy hiểm chết người cao, điều đó chứng minh vị trí, vai trò của báo giới trong cuộc sống hiện tại đầy biến động của chúng ta".

204 trang đầy ắp con số, sự kiện, những câu chuyện người thật việc thật được trình bày ngắn gọn, cuốn sách đem đến cho chúng ta một góc nhìn sinh động và hết sức đặc thù về nghề báo - một nghề vẻ vang nhưng vô cùng nguy hiểm.

Sách gồm ba chương:

Chương I: "Nguy hiểm nghề báo trên thế giới". Trong chương này, tác giả đã thống kê những vụ nguy hiểm của nhà báo trong quá trình tác nghiệp.

Chương II: "Vinh quang và thách thức trong nghề báo nước ta". Hoạt động gian khổ, hiểm nguy của báo chí nước ta trước cách mạng và trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ được tác giả trình bày một cách cụ thể.

Trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng hiện nay, sách đã đề cập những vụ điển hình mà báo chí góp phần phanh phui, đưa ra ánh sáng công luận: Vụ nước hoa Thanh Hương, Vụ Tamexco, vụ Epco-Minh Phụng, vụ Thuỷ cung Thăng Long, vụ Mai Văn Huy, vụ Trịnh Nguyên Thuỷ sản xuất ma tuý, vụ PMU18... Những phản ánh, điều tra của báo chí được nhân dân hoan nghênh, tin tưởng. Song, đằng sau những vinh quang đó là một áp lực rất lớn được cụ thể hóa qua những vụ hành hung, đe doạ nhà báo.

Quí giá hơn, cuốn sách chỉ ra những cạm bẫy để nhà báo có đủ tỉnh táo, dũng khí trước hiện thực phức tạp, không bị uốn cong ngòi bút, bóp méo khuôn hình và sai lạc giọng điệu.

Chương III: "Những chế tài và giải pháp để bảo vệ nhà báo". Cuốn sách đưa ra sáu nguyên nhân dẫn đến nạn bạo hành nhà báo, từ đó nêu ra các giải pháp bảo vệ nhà báo trên thế giới và những chế tài, giải pháp cụ thể để bảo vệ nhà báo ở Việt Nam.

Có thể nói, cuốn sách không chỉ là tài liệu tham khảo bổ ích cho những người trong nghề, sinh viên báo chí mà còn hấp dẫn với bất cứ ai quan tâm, muốn tìm hiều về nghề báo.

 

 

 

Thục Hiền
Theo Nội san Thông tấn, số 12/2006

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

580 nhà báo bị thiệt mạng trong vòng 14 năm (15/01/2007 09:01:47)

Qỷãên lẳ½ thõ»i gian hiõ»‡u qỷãê (15/01/2007 08:51:14)

"Kim cẳồẳắng" sao láỨắi báỪỐ phÃễ (15/01/2007 08:40:06)

Hãy đem cuộc sống vào ảnh báo chí (15/01/2007 08:38:47)

Tây Nguyên qua một bài viết được giải cao (15/01/2007 08:36:54)

Đúng và Hay (15/01/2007 08:19:50)

Ra mắt câu lạc bộ bạn đọc của báo Thể thao & Văn hóa (13/12/2006 14:17:17)

Tuyên bố của Liên đoàn báo chí quốc tế (IFJ) về quy tắc ứng xử của nhà báo (13/12/2006 11:01:25)

Lẫn lộn chức năng - Viết về pháp luật mà sai luật  (13/12/2006 10:52:58)

Nhanh, đúng, trúngâẠẩ nhưng còn chưa hay (13/12/2006 10:44:51)