Thứ hai, ngày 08/07/2024

Trao đổi - Thảo luận

Vụ tiêu cực ở xã Phú Xuân, huyện Phú Vang, Thừa Thiên - Huế:

Nhanh, đúng, trúngâẠẩ nhưng còn chưa hay


(13/12/2006 10:44:51)

Giải Báo chí TTXVN 2006 vừa trao giải A thể loại tin bài trong nước cho loạt tin bài "Viết về vụ tiêu cực ở xã Phú Xuân, huyện Phú Vang, Thừa Thiên - Huế" của tác giả Nguyễn Văn Cảnh lúc đó là phóng viên phân xã TTXVN tại Thừa Thiên - Huế (nay là Trưởng phân xã Ninh Bình). Tác phẩm đã được cả Ban Sơ khảo và Chung khảo Giải Báo chí TTXVN thống nhất đánh giá cao. Nhìn chung, loạt tin bài trên đã bảo đảm được 3 tiêu chuẩn: Nhanh, đúng, trúng theo phương châm nâng cao chất lượng thông tin của ngành; đồng thời đã tạo được độ rung xã hội và có hiệu quả thiết thực trong thực tế.

          Thứ nhất, nói về "nhanh": Ngày 14/6/2006, báo Tin Tức buổi chiều đăng bài "Chuyện ở Phú Xuân (Thừa thiên - Huế): Dân vạn đò khổ vì quan tham" của phóng viên Nguyễn Văn Cảnh. Sau đó một loạt báo lên tiếng về vấn đề này nhưng nhiều báo cũng vẫn sử dụng bài của TTX. Như vậy, bài của phóng viên Nguyễn Văn Cảnh là bài báo đầu tiên phanh phui vụ tiêu cực trên. Chính yếu tố "nhanh" này đã làm nên giá trị của bài báo: TTXVN gần như độc quyền trong thông tin về vụ việc này; Lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã căn cứ vào thông tin của TTXVN để chỉ đạo kiểm tra, xử lý vụ việc.

            Sở dĩ chúng tôi đề cao yếu tố này vì trong thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay, chính tính thời sự (nhanh, kịp thời) làm nên giá trị thông tin. Mặt khác, thời gian dài vừa qua, không ít vấn đề, sự kiện, tin tức của TTX không nhanh được hơn các báo, nếu không muốn nói là nhiều vấn đề, sự kiện đi sau các báo. Vì vậy, từ thông tin trong vụ việc nói trên, chúng ta có thể rút ra một điều: Tin tức của TTXVN về những vấn đề xã hội hoàn toàn có thể đi trước các báo và chính yếu tố "nhanh" quyết định khả năng cạnh tranh và uy tín về thông tin.

            Từ yếu tố nhanh, loạt tin, bài của Nguyễn Văn Cảnh đã góp phần định hướng thông tin, giúp cho việc chỉ đạo và xử lý vụ tiêu cực trên vừa kịp thời, vừa đúng mức, không bị kẻ xấu lợi dụng kích động làm phức tạp vấn đề.

            Thứ hai là nói về "đúng": Đi đôi với "nhanh" phải là "đúng"; nếu không thông tin không những không có tác dụng mà thậm chí còn phản tác dụng, gây tác hại đối với xã hội, làm giảm uy tín của phóng viên nói riêng và của cơ quan nói chung.

            Loạt tin bài của Nguyễn Văn Cảnh viết về một vụ tiêu cực cụ thể không những nêu bật được bản chất vụ việc mà còn chính xác ở các chi tiết, con số. Chẳng hạn, việc thu tiền của dân vạn đò thôn Lê Bình được ông chủ tịch xã Phú Xuân giải thích là để dành một phần "đầu tư xây dựng trường học, làm đường giao thông" cho thôn khác, tác giả đã "chộp" ngay chi tiết này để nêu lên sự vô lý: "Như vậy, 20 hộ vạn đò nghèo kiết xác này lại đang phải "nai lưng" gánh chuyện ăn học, đi lai cho toàn xã(?)".

            Tuy nhiên, tác giả không "đao to búa lớn", thổi phồng sự việc hay suy diễn chủ quan, chụp mũ; cũng không có giọng "cay độc", vơ đũa cả nắm, nói cho sướng miệng, mà từ cách đặt vấn đề đến cách diễn đạt đều tỏ ra đúng mực. Do đó, bài báo mang tính khách quan và tính xây dựng cao. Đây là điều rất cần thiết đối với báo chí, đặc biệt là khi viết về tiêu cực.

            Thứ ba là nói về "trúng": Đây là điểm mà mọi người đều rất dễ nhận ra bởi cuộc đấu tranh chống tham nhũng đã được đưa vào chương trình hành động của Đảng và Nhà nước. Quy mô, mức độ vụ việc không lớn nhưng loạt bài của Nguyễn Văn Cảnh đã khui trúng vào điểm yếu của bộ máy quản lý nhà nước: bộ máy chính quyền và cán bộ cấp cơ sở. Đây là cấp trực tiếp với dân, gần dân nhất, nên hiệu lực quản lý của nhà nước và uy tín của chính quyền phụ thuộc không nhỏ vào đội ngũ cấp cơ sở này. Chính vì thế, đây cũng là nơi dễ gây nên những điểm nóng về xã hội, là nguyên nhân của nhiều vụ khiếu kiện đông người, kéo dài, thậm chí là làm cho nhiều vụ việc trở nên bùng nhùng, khó có thể giải quyết dứt điểm, gây bức xúc trong dư luận và đe dọa sự ổn định, kể cả về xã hội và chính trị.

            Chính vì thế, mặc dù vụ việc không lớn nhưng đã thu hút sự quan tâm của đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng, thu hút sự quan tâm của các phương tiện thông tin đại chúng và dư luận xã hội. Vụ việc được giải quyết kịp thời, thỏa đáng đã tạo được lòng tin không những cho bà con vạn đò thôn Lê Bình, xã Phú Xuân mà còn cho đông đảo quần chúng. Chính điều đó đã nâng cao giá trị và ý nghĩa của bài báo.

            Như vậy, so với yêu cầu "nhanh, đúng, trúng, hay" mà toàn ngành đang phấn đấu, loạt tin bài của tác giả Nguyễn Văn Cảnh đã đáp ứng tương đối tốt 3 yêu cầu "nhanh, đúng, trúng..."; duy còn tiêu chuẩn "hay" thì bài báo thực sự chưa được như ý muốn.

            Trong bài viết này, chúng tôi không muốn đề cập cách phân bố các bài trong một vệt tin bài, kết cấu của từng bài hay đi sâu vào câu chữ mà chỉ muốn nói về một vấn đề, đó là chất phóng sự trong loạt tin bài này không nhiều. Đây là vụ việc có người thật, việc thật, trong một khu vực hẹp, vụ việc đang xảy ra nên tác giả hoàn toàn có thể gặp gỡ, tìm hiểu, điều tra, phỏng vấn, thậm chí tranh luận. Trên thực tế, tác giả có đến địa bàn, có xuất hiện trong bài nhưng rất tiếc, sự xuất hiện của phóng viên không nhiều mà trong các tin bài chủ yếu thể hiện theo cách "kể" chứ không phải "tả" những gì đang diễn ra. Vì thế, bài báo trở nên khô khan, không gợi được cảm xúc ở người đọc, chính điều đó làm cho bài báo thiếu tính hấp dẫn và làm giảm hiệu quả.

            Trong trường hợp này, phóng viên hoàn toàn có thể làm cho không khí "nóng" lên bằng cách dẫn dắt câu chuyện, sự việc theo quá trình điều tra của mình. Phóng viên cũng hoàn toàn có thể làm cho câu chuyện sống động hơn bằng cách tả lại các cuộc gặp gỡ với các đối tượng, thuật lại các cuộc đối thoại, để cho các nhân vật lên tiếng thay bằng cách kể một cách sơ lược và khái quát vấn đề.

            Thực ra, đây là nhược điểm chung của không ít phóng viên trong cơ quan ta; kể cả phóng viên trong nước và ngoài nước. Trong rất nhiều trường hợp, chúng tôi được biết phóng viên có đến hiện trường nơi xảy ra sự kiện nhưng trong bài viết hoàn toàn hoặc ít thấy sự hiện diện của phóng viên. Điều đó chẳng khác gì phóng viên ngồi nhà rồi nghe người khác kể lại để viết hoặc viết từ báo cáo, kết luận điều tra, làm cho bài báo khô khan, tẻ nhạt và giảm sức thuyết phục, không lôi cuốn được người đọc. Trong trường hợp như thế, phóng viên đã không biết tận dụng và phát huy lợi thế về sự có mặt của mình tại hiện trường để làm cho bài viết sống động và tăng tính thời sự, tính chân thật của bài viết.

            Trong trường hợp này, nếu phóng viên biết phối hợp giữa phương pháp kể và tả, giữa trần thuật và các đoạn đối thoại, thể hiện sự việc bằng sự có mặt của mình làm cho bạn đọc trực tiếp tiếp xúc với sự việc và nhân vật thì hiệu quả của bài báo còn tăng hơn nhiều.

            Nhưng dù sao, đây cũng là một trong không nhiều bài báo trong ngành có tính phát hiện, phản ánh nhanh, đúng, trúng, theo đuổi sự việc đến cùng và tạo được ảnh hưởng xã hội cũng như có tác dụng, kết quả cụ thể. Vì vậy, loạt tin bài trên hoàn toàn xứng đáng với giải thưởng được trao.

 

            Cuối năm 2005, xã Phú Xuân có chủ trương cấp đất đưa 21 hộ dân vạn đò thôn Lê Bình lên bờ. Đáng lẽ những hộ dân này ngoài việc được cấp đất còn được hỗ trợ định canh định cư 4,5 triệu đồng/hộ; thế nhưng các quan tham ở xã lại bắt dân phải nộp tiền đất và ăn chặn cả tiền hỗ trợ của bà con. Sau khi báo Tin Tức số ra chiều 14/6/2006 đăng bài đầu tiên của Nguyễn Văn Cảnh phanh phui vụ tiêu cực trên, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đã có ý kiến chỉ đạo Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế xem xét xử lý vấn đề báo nêu. Kết quả, Huyện ủy và UBND huyện Phú Vang đã xem xét, xử lý kỷ luật nghiêm khắc các tổ chức và cá nhân sai phạm. 

Thùy Dương
Theo Nội san Thông tấn, số 11/2006

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Việc áp dụng cách làm tin hiện đại còn "vấp" nhiều chỗ (13/12/2006 10:30:06)

Đổi mới theo hướng hiện đại là yêu cầu tất yếu mang tính sống còn (13/12/2006 10:28:59)

Điều quan trọng nhất là thông tin phải nhanh và chính xác (13/12/2006 10:27:04)

Phải chuyển biến ở cả phóng viên phân xã và khâu biên tập (13/12/2006 10:24:39)

Tiếp tục đổi mới thông tin trong nước - Một yêu cầu cấp bách hiện nay (13/12/2006 10:22:57)

Nâng cao hiệu quả báo Tin tức (17/11/2006 09:18:30)

Thông tấn xã Việt Nam đoạt một giải khuyến khích và một giải tập thể về đề tài gia đình (08/11/2006 09:43:53)

Không được nói không với độc giả (08/11/2006 09:30:45)

Để tuyến tin trong nước trở nên hấp dẫn (07/11/2006 14:58:02)

Một số đề nghị đối với các phân xã về công tác nghiệp vụ (07/11/2006 10:48:42)