Thứ sáu, ngày 26/04/2024

Tạo bước đột phá mới

Tiếp tục đổi mới thông tin trong nước - Một yêu cầu cấp bách hiện nay


(13/12/2006 10:22:57)

LTS: Tiếp tục Diễn đàn "Tạo bước đột phá trong công tác thông tin", trong số này, NSTT đã có buổi trò chuyện với đ/c Trần Mai Hưởng, Phó Tổng Giám đốc TTXVN về những yêu cầu đổi mới thông tin trong nước.

            - Đồng chí có thể đánh giá thông tin trong nước của TTXVN trong bối cảnh thông tin hiện nay?

            - Đ/c Trần Mai Hưởng:

Hiện nay, thông tin trong nước của TTXVN đang đứng trước những thách thức rất lớn.

            Thứ nhất quá trình đổi mới, mở cửa và hội nhập đi vào chiều sâu, xã hội đang có những bước chuyển biến rất nhanh. Ở thời kỳ nào, trên cơ sở giữ vững định hướng, báo chí cũng có nhiệm vụ là phải tìm ra cái mới và phản ánh một cách trung thực, chính xác. Tuy nhiên, tình hình hiện nay đã khác trước rất nhiều. Việc nhìn ra và sớm khẳng định những nhân tố mới trong cuộc sống đang thay đổi và vô cùng phong phú hiện nay khó hơn trước nhiều!

            Thứ hai báo chí đang ở trong thời kỳ cạnh tranh vô cùng gay gắt. Những ưu thế "độc quyền" về nguồn tin của TTXVN gần như không còn. Từ lúc nước ta chỉ có khoảng chục tờ báo với vài tờ báo hàng ngày, đến nay con số mới nhất đã là 620 cơ quan báo chí với gần 800 ấn phẩm. Đây là thách thức rất lớn đối với chúng ta.

            Thứ ba sự tiến bộ của khoa học công nghệ, trong đó có loại hình thông tin điện tử trực tuyến ngày càng phát triển mạnh. Khoảng cách trong thông tin hầu như không còn tồn tại. Trong cuốn "Thế giới phẳng", Thomas Friedman đề cập đến mười nhân tố làm phẳng thế giới, trong đó có một hình thức thông tin rất mới, đó là thông tin qua mạng toàn cầu. Từng cá nhân tham gia vào quá trình truyền thông một cách trực tiếp mà không qua một cơ quan báo chí nào. Hơn 10 triệu người dùng Internet ở nước ta (con số này đang tăng lên từng ngày) là đối tượng đó. Thomas Friedman đã gọi đó là "quyền lực thứ năm" để so sánh với báo chí vốn được phương Tây coi là "quyền lực thứ tư".

- Đứng trước những thách thức lớn như vậy, theo đồng chí, thông tin trong nước của TTXVN đã đáp ứng được yêu cầu thông tin trong tình hình hiện nay chưa?

            - Đồng chí Trần Mai Hưởng:

            Trước hết, cần phải khẳng định thông tin trong nước là tuyến tin có vị trí rất quan trọng, có thể nói là nền tảng của TTXVN. Trong tất cả các thể loại thông tin mà TTXVN cung cấp cho các báo, đài, thông tin trong nước luôn giữ vị trí hàng đầu. Không có một cơ quan báo chí nào ở Việt Nam hiện nay có hệ thống phân xã ở tất cả 64 tỉnh thành, phản ánh thông tin phong phú về mọi mặt đời sống trên cả nước. Tuy nhiên, thông tin trong nước của chúng ta hiện nay, dù đã có những chuyển biến tích cực trong thời gian gần đây, vẫn chưa được như chúng ta mong muốn.

            Để nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh, ngoài tính kịp thời, chính xác, khả năng định hướng dư luận, thông tin còn phải có sức hấp dẫn đối với người đọc như chúng ta vẫn nói là "nhanh, đúng, trúng, hay". Nhiều tin trong nước của chúng ta hiện nay chưa đáp ứng được tiêu chí này. Theo tôi, thông tin giống như một loại "hàng hóa" đặc biệt. Để "bán" được nhiều thì phải nắm bắt rất rõ nhu cầu của khách hàng, xem người ta có cần, thích đọc không? Dù thông tin của chúng ta đúng nhưng không hay thì người ta cũng không thích đọc. Bạn đọc ở đây không thể nói chung chung mà mỗi tờ báo, bản tin phải xác định được độc giả của riêng mình. Đối tượng sử dụng thông tin có rất nhiều loại: Báo in (báo ngày, báo tuần), đài phát thanh, đài truyền hình, báo điện tử,... với mức độ yêu cầu nhanh chậm khác nhau, nội dung, thể loại thông tin cũng khác nhau. Vì vậy, chúng ta cũng cần phải tổ chức dịch vụ cung cấp thông tin nhằm đáp ứng đúng yêu cầu của từng đối tượng khách hàng.

            Thông tin trong nước hiện nay hiệu quả chưa cao. Tin tức được làm ra là để tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước và cũng là để phục vụ nhu cầu thông tin của bạn đọc. Đến khi có người đọc tin thì lúc đó nhiệm vụ của người làm tin mới hoàn thành. Còn nếu tin đó chỉ mới được biên tập và nằm trên bản tin thì quá trình sản xuất thông tin đó vẫn chưa thực sự hoàn thành. Hiện nay, chúng ta mới chỉ dừng lại ở việc ban biên tập dùng tin và phát trên bản tin là coi như đã hoàn thành nhiêm vụ. Nhưng tin đó được dùng như thế nào, hiệu quả của nó đến đâu thì dường như chúng ta không đo được. Như tôi đã nói, tin là "hàng hóa" và "hàng hóa" đó phải được trao đổi trên cở sở có giá trị và giá trị sử dụng, phải làm sao không chỉ có tin hay mà còn phải có hiệu quả kinh tế. TTXVN là cơ quan phục vụ nhiệm vụ chính trị của Đảng, Nhà nước nhưng nếu tin tốt, tin hay ta vẫn có thể thu dịch vụ cao. Ví dụ: Một khách hàng của TTXVN là tờ báo hàng ngày có doanh thu bán báo và quảng cáo hàng đầu ở trong nước. Nếu TTXVN làm tốt việc cung cấp tin cho tờ báo đó nghĩa là đã góp phần tạo hiệu quả doanh thu rất lớn cho họ. Như vậy, rõ ràng là chúng ta cần phải tính để có thể cung cấp cho từng đối tượng khách hàng và mỗi khách hàng có thể thu những mức phí khác nhau. Cung cấp tin cho một tờ báo tuần của tỉnh có chỉ số phát hành khoảng một nghìn bản sẽ khác với cung cấp tin cho một tờ báo ngày với số phát hành hàng trăm nghìn bản, khác với việc cung cấp tin cho một trang điện tử hàng ngày có hàng triệu người đọc. Chúng ta không thể đứng ngoài quy luật sản xuất và cung cầu "hàng hóa" đặc biệt này. Chất lượng thông tin và hiệu quả xuất bản phải gắn với nhau.

            - Theo đồng chí, cần phải làm gì để thông tin trong nước của TTXVN tạo được bước đổt phá ?

            - Đ/c Trần Mai Hưởng:

            Theo tôi, trước hết, chúng ta nên xác định được những tiêu chí cụ thể cho sự "đột phá". Ví dụ: Lượng tin của TTXVN cần chiếm bao nhiêu phần trăm trên các phương tiện thông tin đại chúng của nước nhà? Và trong một ngày, những thông tin quan trọng nhất mà TTXVN phát đi được sử dụng trên các báo là bao nhiêu? Những thông tin đó được xã hội quan tâm như thế nào?

            Trong số nhiều việc cần làm, theo tôi, có những vấn đề sau:

            Thứ nhất là việc chỉ đạo thông tin. Đây là vấn đề hàng đầu cần được quan tâm . Phải làm sao cho hệ thống của chúng ta, từ mỗi phóng viên, biên tập viên, mỗi phân xã đến các đơn vị ở Tổng xã nhạy bén, phản ánh kịp thời với tình hình. Làm sao chúng ta không thể để lọt sự kiện quan trọng? Làm sao có thể nắm bắt nhanh những vấn đề lớn, đang được quan tâm ở mỗi ngành, mỗi địa phương? Tất nhiên, Ban lãnh đạo ngành có trách nhiệm đưa ra những yêu cầu, định hướng trong việc tổ chức, xử lý thông tin đối với từng lĩnh vực, từng ban biên tập, từng tòa soạn báo. Nhưng để nhanh chóng nắm bắt được tình hình - cở sở để có ý kiến chỉ đạo kịp thời - rất cần những thông tin từ thực tiễn, từ mỗi phân xã, mỗi ban biên tập, tòa soạn. Đây là quá trình tương tác hai chiều và hiệu quả chỉ đạo sẽ là một sự tổng hợp của quá trình đó. Thêm nữa, biến những dự định thành những sản phẩm cụ thể rất cần có sự chỉ đạo, điều hành sát sao của các đơn vị và năng lực tác nghiệp của mỗi phóng viên, biên tập viên.

            Thứ hai là phải làm sao để mỗi phóng viên của TTXVN có phương thức tác nghiệp tốt. Bởi vì có phương thức tốt thì phóng viên mới kịp thời phát hiện ra cái mới trên địa bàn công tác của mình. Tôi xin ví dụ về vụ chìm đò ở Phú Thọ xảy ra vừa qua, đến khi Đài Truyền hình thông tin phân xã mới biết chuyện đó. Đây cũng là vấn đề lớn đặt ra với công tác đào tạo, bồi dưỡng phóng viên, biên tập viên. Trong rất nhiều trường hợp, phóng viên TTXVN còn thiếu sự năng động, nặng tác phong "công chức", chưa thực sự hòa mình vào dòng chảy của cuộc sống với vô vàn sự kiện. Ngay cả trong cuộc họp, nếu phóng viên biết lắng nghe, chịu khó trao đổi về những vấn đề quan tâm thì rất có thể sẽ nảy sinh nhiều vấn đề không có trong báo cáo. Bên cạnh đó, phóng viên không chỉ biết viết tin mà còn cần biết sử dụng thành thạo các thể loại báo chí để có những sản phẩm thông tin phong phú, đáp ứng yêu cầu bạn đọc.

            Thứ ba là cơ chế định mức hiện nay cần được đổi mới. Cách chúng ta chấm điểm có phần đang hướng cho phóng viên làm nhiều, làm đủ số lượng mà chưa khuyến khích một cách mạnh mẽ để có những tin hay, có chất lượng cao, có sức cuốn hút mạnh mẽ trong dự luận xã hội. Việc đánh giá tin, bài cần phản ánh đúng công sức phóng viên bỏ ra, tránh tình trạng cào bằng. Có phóng viên phản ánh đi công tác miền núi vất vả mấy ngày trời mới viết được một bài được chấm 80 điểm, trong khi ở tại phân xã chỉ cần viết 2 tin cũng được số điểm tương đương mà chẳng phải vất vả gì. Cơ chế thưởng phạt cần nghiêm túc hơn. Phóng viên có bài viết tốt, được bạn đọc quan tâm có thể được điểm cao gấp hàng chục lần, ngược lại, nếu để lọt thông tin, làm chưa tốt phải chịu phạt rõ ràng. Cần có cơ chế gắn việc phân phối với hiệu quả sử dụng thông tin trên các cơ quan báo chí.

            Thứ tư là cần chú ý đến yêu cầu của báo chí trong một nền kinh tế thị trường. Tôi nghĩ, bên cạnh những thông tin chung cung cấp cho các phương tiện thông tin đại chúng, TTXVN cần có những thông tin riêng viết theo đơn đặt hàng của từng tờ báo. Bởi vì, một thông tin hay, hấp dẫn mà chỉ phát lên bản tin một cách chung chung có khi báo này lại có tâm lý sợ các báo khác đều dùng. Nếu chúng ta có những thông tin viết riêng cho mỗi tờ báo thì thông tin đó sẽ có giá trị cao hơn. Vấn đề ở chỗ chúng ta phải biết cách cung ứng, cá biệt hóa từng khách hàng của mình và nắm được yêu cầu riêng của họ. Một tài liệu cho biết, chỉ có các tờ báo lớn ở Mỹ tự lo tin, bài, còn rất nhiều tờ báo sống bằng thông tin của hãng thông tấn. Song không phải bằng cách lấy từ bản tin mà họ đặt hàng với hãng về từng tin, bài. Như vậy, các báo sẽ không cần nhiều phóng viên mà hiệu quả thông tin vẫn cao. Chúng ta có thế mạnh 64 phân xã với hàng trăm phóng viên. Vấn đề không phải là phóng viên của chúng ta viết kém mà do chúng ta chưa biết cách tổ chức dịch vụ, trong đó có vai trò năng động của bộ phận chăm lo khách hàng.

            Cách tổ chức thông tin của các phân xã cung cấp cho chính các báo của TTXVN như Tin Tức, Thể thao & Văn hóa cũng chưa đáp ứng được yêu cầu.

            Trong thời gian tới, theo tôi, Ban Biên tập tin Trong nước và Ban Biên tập tin Kinh tế, bên cạnh nhiệm vụ biên tập, cần quan tâm hơn công tác marketing và tổ chức hoạt động, chủ động đưa ra những yêu cầu "đặt hàng" để các phân xã thực hiện. Phải làm sao để các Ban biên tập này trở thành những đầu mối lo cả đầu ra cho sản phẩm thông tin chứ không chỉ đầu vào. Đa dạng hóa dịch vụ cung cấp thông tin cho các báo là điều cần thiết và có thể làm được.

- Có nhận xét cho rằng các bản tin trong nước của TTXVN hiện nay cần phải đổi mới cả về cách thể hiện nội dung và hình thức trình bày. Đồng chí có thể cho biết ý kiến về vấn đề này?

            - Đ/c Trần Mai Hưởng:

            Tôi rất tán thành việc đổi mới cách thể hiện thông tin và hình thức trình bày các bản tin này. Về cách thể hiện, đây là vấn đề liên quan đến kỹ thuật viết. Theo tôi, trước tiên phóng viên phải nhận thức được tình hình để tìm ra cái mới trong đời sống xã hội và thể hiện bằng tin, bài, ảnh. Để làm được điều đó, phóng viên phải có kiến thức, nắm được quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, có sự tâm huyết, nhạy cảm, có cái nhìn độc lập và không thể thiếu bản lĩnh nghề nghiệp. Nhân đề cập đến cái mới trong thông tin, Ban lãnh đạo cơ quan sẽ tạo điều kiện ủng hộ để anh em phóng viên yên tâm, dám tìm đến cái mới.

            Điều đáng nói nữa, như tôi đã nói ở trên, là các bản tin cần xác định rõ đối tượng bạn đọc để thể hiện cho phù hợp. Báo chí hiện đại ngày nay không chấp nhận sự vòng vo, nhiều câu chữ rườm rà, cái mới nhất, "nóng" nhất của sự kiện phải được nêu ở trên. Nguyên tắc này có lẽ các phóng viên, biên tập viên đều nắm rõ nhưng trong thực tế không phải ai cũng làm được điều đó. Nhiều khi, đọc hết cả một tin mà không thấy cái gì mới hoặc có cái mới thì lại không được nêu bật lên. Trước khi viết một tin phải đặt câu hỏi: Tin này có gì mới không? Nếu không có cái mới thì không đưa tin. Còn nếu có cái mới thì cần phân tích xem có nên đưa ra hay không và đưa như thế nào? Để có được cái mới trong tin, phóng viên phải là người có kiến thức toàn diện. Trong thực tế, cái mới của cá nhân người viết không tương đồng với cái mới của cộng đồng. Có thể phóng viên thấy vấn đề đó là mới, nhưng bạn đọc thì lại không cho là mới. Người viết phải đem cái mới đến cho công chúng chứ không phải phản ánh cái mới đối với riêng mình.

            Bên cạnh đó, để viết được hay, hấp dẫn, phóng viên phải rèn luyện rất nhiều. Tôi cho là không chỉ hướng dẫn phóng viên biết cách viết tít, mào đầu hay thân tin mà còn phải kỹ đến từng câu, từng chữ, từng dấu phẩy. Ở đây, cũng xin nói đến vai trò của biên tập viên, họ góp phần rất quan trọng làm cho tin hay hơn cả về nội dung và hình thức thể hịên. Hiện nay, chúng ta đã thiếu những phóng viên giỏi, lại càng thiếu những biên tập viên giỏi.

            Lâu nay, do không kiên quyết, chúng ta vẫn đưa lên bản tin những cái tin lẽ ra không cần phải đưa ra. Đó là sự lãng phí rất lớn vì những tin bài đó không có hiệu quả sử dụng.

            - Xin cảm ơn đồng chí.

Mai Trang
Theo Nội san Thông tấn, số 11/2006

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Nâng cao hiệu quả báo Tin tức (17/11/2006 09:18:30)

Tạo bước đột phá chất lượng thông tin từ khâu biên tập (25/09/2006 11:22:37)

Kiên quyết không viết và sử dụng những "cái" không phải thông tin. (15/08/2006 11:00:16)

Tạo bước đột phá bắt đầu từ tin thời sự trong nước (15/08/2006 10:59:25)

Làm thế nào để đột phá trong thông tin bằng hình ảnh?  (15/08/2006 10:57:44)

Linh hoạt trong sắp xếp, tổ chức nhân lực  (15/08/2006 10:56:28)

Cần đẩy nhanh quá trình thực hiện và xử lý các tin thời sự  (15/08/2006 10:55:02)

Tin Tức tăng cường quan hệ hợp tác với các đơn vị thông tin ở TTXVN  (15/08/2006 10:53:54)

Đột phá từ phân xã  (15/08/2006 10:52:47)

Đột phá từ chính mình (15/08/2006 10:51:40)