Thứ hai, ngày 08/07/2024

Trao đổi - Thảo luận

Hình ảnh những gương mặt trong nhóm ảnh "Bão số 1: Nỗi đau Miền Trung"


(07/11/2006 10:17:56)

Bão số 1 không vào Miền Trung nhưng nó đã làm 246 ngư dân chết và mất tích, 18 tàu tuyền của Miền Trung bị chìm và mất tích. Cơn bão số 1 đã làm nên một cơn giông tố, cơn bão lòng trong hàng triệu người dân Việt.

          Ngay khi có thông tin về ngư dân Miền Trung bị nạn ngoài khơi do bão, từ ngày 21/5, liên tục hàng trăm bức ảnh của phóng viên TTXVN ở Miền Trung và Tổng xã đã phản ánh về sự kiện này, được nhiều báo và các hãng thông tấn sử dụng. Bắt đầu là sự trông mong ngóng đợi: Liên lạc bằng bộ đàm, bằng tâm linh cầu trời khấn biển... Tiếp theo là các công việc cứu hộ, cứu trợ, các chuyến thăm hỏi của các cấp lãnh đạo Đảng, Nhà nước và không thể thiếu việc lột tả nỗi đau của những gia đình có người bị nạn.

          Nhóm ảnh "Bão số 1: Nỗi đau Miền Trung" đã bám sát được mọi hoạt động xung quanh việc giải quyết hậu quả cơn bão. Với những hình ảnh giàu chất phóng sự, đầy cảm xúc, "Bão số 1: Nỗi đau Miền Trung" đã phản ánh một cách trung thực, sâu sắc về sự kiện. Đấy là sự đau đớn, cảm thông chia sẻ của cộng đồng trước sự mất mát  không gì bù đắp nổi do thảm hoạ thiên nhiên gây ra.

          Nhóm ảnh không có cảnh tàn phá. Tất cả là các gương mặt, cứ thế hiện ra trong nỗi đau đớn, mất mát, sẻ chia, xót thương và trách nhiệm... Mọi gương mặt đều truyền cho ta những xúc cảm và buộc ta phải suy nghĩ.

          Bức ảnh của Xuân Tuân (ảnh 5) chụp Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đang đứng lặng trong một vòng những vành khăn trắng, trên tay ẵm một em bé... Nỗi đau và sự cảm thông của ông lúc này dường như chỉ có thể nói được bằng gương mặt và ánh mắt. Ông đang thực hiện trách nhiệm của vị đại diện cao nhất của Đảng: Thăm hỏi đồng bào bị nạn.

          Gương mặt các chiến sỹ biên phòng Quảng Ngãi, trong bức ảnh của Thanh Long (ảnh 3), đau khổ đến sắt lại, chỉ có những bàn tay là linh hoạt. Những bàn tay gượng nhẹ, nâng đỡ những người may mắn sống sót trở về. Dưới chân họ, biển vẫn rì rào vỗ sóng. Họ đang làm nhiệm vụ cứu hộ, đón nạn nhân trở về.

          Vẫn là ảnh Thanh Long (ảnh 8): Gương mặt của ni sư Phát Liên đau xót, từ bi, chia sẻ khi trao 4,5 triệu đồng cho gia đình nạn nhân. Người đàn ông nhận cứu trợ là cha của ba ngư dân bị mất tích có gương mặt đau đớn đến tột độ nhưng toát lên sự cảm động và biết ơn.

          Ảnh "đinh" của nhóm (ảnh 2) là của Công Điền với nhân vật chính là bà Phạm Thị Thuý, 67 tuổi, đang trông tin chồng. Đầu gối quỳ trên cát, cầm ảnh chồng chắp tay trước ngực, trước mặt là những nén hương, hai ngọn nến, một chùm hoa, bà đang khóc thảm thiết, gọi tên chồng bên bãi biển Thanh Bình... Ngoài kia là biển xanh, nắng vàng, chiếc thuyền thúng quen thuộc và những con tàu xa xa. Gương mặt của bà đau đớn và tuyệt vọng, dáng người oằn xuống... Thật không thể đau đớn hơn nữa.

          Xin được chuyển thứ tự, đưa ảnh của Đình Huệ (ảnh 7) xuống cuối cùng để làm "ảnh kết" của nhóm. Nỗi đau của bà Nguyễn Thị Huệ cùng hai con gái đã bị Bão số 1 cướp mất chồng, mất cha. Ba người đàn bà với ba vành khăn tang trắng, bên chiếc thuyền thúng quen thuộc, trên bãi biển, gương mặt đau đớn tuyệt vọng. Dường như họ không còn nước mắt để khóc. Họ quây lại với nhau, nương tựa vào nhau. Sự bấu víu của ba người phụ nữ, cả già cả trẻ, khi người đàn ông duy nhất, trụ cột của gia đình đã ra đi vĩnh viễn. Gương mặt họ hướng ra biển, in lên nền cát, nền trời như một tượng đài, gợi nhớ đến hình ảnh người phụ nữ ôm con, trông chồng hoá đá.

          Những bức ảnh cuối cùng đã khép lại những hoạt động chính trong việc giải quyết hậu quả cơn bão Chan Chu. Những tác giả của nhóm ảnh đã vinh dự được nhận một giải thưởng lớn của ngành: Giải A Giải báo chí TTXVN năm 2006 đúng vào dịp kỷ niệm 61 năm Ngày truyền thống. Giải thưởng như một sự ghi nhận của công chúng đối với những giá trị nhân văn sâu sắc của các bức ảnh; sự chuyên nghiệp, lòng tận tuỵ, nhiệt tình, hết mình vì công việc của các phóng viên ảnh. Điều còn lại của nhóm ảnh này chính là những gương mặt đầy biểu cảm đã, đang và sẽ tiếp tục làm nhức nhối con tim mỗi người xem.

 

Nhóm ảnh: 'Bão số 1: Nỗi đau Miền Trung'

Ảnh: Công Điền - Thanh Long - Xuân Tuân - Đình Huệ

 

 

Bà Phạm Thị Thuý, 67 tuổi (con gái Mẹ Nhu AHLLVTND phường Thanh Khê Đông) cầm ảnh khóc chông thảm thiết bên bãi biển Thanh Bình.

Thân nhân các ngư dân ở Quảng Nam, Đà Nẵng đang cố gắng liên lạc tìm thông tin về người thân qua máy bộ đàm ICOM.

 

Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ngãi đón các nạn nhân bị thương trở về tại cửa biển Cổ Luỹ.

 

Bác sĩ quân y khám cấp thuốc cho các nạn nhân trên tàu BP 09-11-01 trước khi vào đất liền tại cửa Cổ Luỹ (Quảng Ngãi).

Từ ngày 10 đến 12/6/2006, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đến thăm hỏi và động viên các gia đình bị thiệt hại do cơn bão số I (Chanchu) tại thành phố Đà Nẵng, các tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi. Trong ảnh: Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh thăm hỏi gia đình anh Lê Thánh Hoàng, 39 tuổi ở thôn Hà Bình, xã Bình Minh, huyện Thăng Bình (Quảng Nam) bị mất tích, để lại 5 con nhỏ không nơi nương tựa.

Thân nhân các gia đình ngư dân có người bị chết và mất tích thắp hương trong buổi lễ tưởng niệm tại xã Nghĩa An, do huyện uỷ, HĐND, UBMTTQVN huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi tổ chức ngày 09/6/2006.

 

 

 

Tăng ni Phật tử Tịnh xá Ngọc Quảng (Quảng Ngãi), Ni sư Phát Liên - trụ trì Tịnh xá Ngọc Quảng quyên góp được 52,3 triệu đồng, cứu trợ 64 gia đình ngư dân ở xã Nghĩa An, huyện Tư Nghĩa bị nạn do cơn bão số I. Trong ảnh: Ni sư Phát Liên trao 4,5 triệu đồng cho gia đình thân nhân ông Võ Ốc có 3 con là Võ U, Võ Dũng, Võ Hùng (mất tích).

Nỗi đau của bà Nguyễn Thị Huệ cùng 2 con gái ở xã Bình Minh, huyện Thăng Bình (Quảng Nam) khi chồng và 2 con trai bị nạn trong cơn bão số I.

 

 

 

Trần Thiêm
Theo Nội san Thông tấn, số 10-2006

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Báo Le Courrier Du Vietnam tạo bước đột phá trong công tác thông tin (12/10/2006 11:02:37)

Báo Việt Nam News trao quà và học bổng cho trẻ em nghèo (12/10/2006 11:01:45)

Một vài suy nghĩ về công tác tư liệu - báo chí (12/10/2006 09:22:00)

Những ý kiến tâm huyết đóng góp cho ngành (12/10/2006 08:51:27)

Số lượng tin, bài kinh tế tăng hơn trước (03/10/2006 10:13:50)

Cần phải thay đổi lề lối, tác phong làm việc (03/10/2006 10:13:00)

Từ chất lượng "đầu vào" đến nhu cầu học tập (03/10/2006 10:09:07)

Khai mạc triển lãm Nam Cao và tác phẩm qua nghệ thuật tạo hình (29/09/2006 10:16:40)

Chi hội Ban BT tin Đối ngoại tổ chức viếng thăm nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn (29/09/2006 10:12:57)

Tạo bước đột phá chất lượng thông tin từ khâu biên tập (25/09/2006 11:22:37)