Thứ hai, ngày 08/07/2024

Trao đổi - Thảo luận

Kỷ niệm 10 năm thành lập Trung tâm Dữ kiện-Tư liệu (16/10/1996 - 16/10/2006):

Một vài suy nghĩ về công tác tư liệu - báo chí


(12/10/2006 09:22:00)

Có lần lên Thư viện Quốc gia (Hà Nội), vào phòng đọc báo, tạp chí, tôi may mắn được tiếp xúc với một người "nặng lòng" với công tác lưu trữ - tư liệu, đó là bác Nguyễn Huy Đức - một độc giả lâu năm của Thư viện. Qua tìm hiểu tôi được biết, mỗi lần đọc báo, tạp chí thấy có chỗ rách, nếp gấp bác đều sửa lại cho phẳng phiu hoặc lấy băng dính trong dính lại, giúp người đọc sau không cảm thấy "thiếu" và "phiền lòng" khi đọc đến bài báo đó. Trong suy nghĩ của bác Đức thì tư liệu là "bảo bối" quan trọng của những người làm công tác nghiên cứu, báo chí.

     Một người bạn của tôi ở báo Pháp luật cho rằng, những tư liệu mà anh tích trữ được đã có ích rất nhiều trong nghiệp vụ làm báo, có khi đến 30-50% cho sự thành công của một bài báo. Trong lĩnh vực chuyên môn phụ trách, anh đã trực tiếp sưu tầm tư liệu ở thư viện, các báo cáo, rồi từng bài báo... Tháng năm dần qua, tài liệu của anh ngày càng dầy thêm... Anh tâm sự: "Công tác lưu trữ - tài liệu rất cần thiết đối với các phóng viên, biên tập viên, nhà quản lý báo chí. Tư liệu có thể hỗ trợ cho những luận chứng của bài báo. Tư liệu cũng như gia vị vậy, nếu sử dụng hợp lý có thể nâng giá trị của bài viết lên rất nhiều".

     Năm 2005, trên Nội san Thông tấn, nhà báo Lê Việt Thảo nguyên cán bộ TTXVN, cũng đã viết: "Tư liệu giống như nguồn gạo dẻo, nếu biết đổ vừa nước, giữ cho đúng củi lửa, nấu khéo sẽ cho cơm ngon, ít ra cũng vừa miệng, không dở. Tư liệu có vô vàn, nhưng biết chọn lọc, vận dụng thì chất lượng tin, bài được nâng cao, có ấn tượng tốt đẹp với bạn đọc..." (Nội san Thông tấn số 11/2005, tr 51-54).

     Tư liệu đã trở thành một phần không thể thiếu của hầu hết các tác phẩm báo chí. Trên các trang báo hiện nay, xuất hiện nhiều bài viết ngắn, gọn, súc tích với những sự việc, số liệu nổi bật... Nhiều bài viết bình luận, điều tra rất sắc sảo là do phóng viên khéo vận dụng tư liệu so sánh, phân tích để cuốn hút người nghe, người đọc. Các sự việc, tư liệu được phóng viên dẫn ra, so sánh, nêu cao, nhấn mạnh một cách dễ dàng, có sức thuyết phục.

     Tuy nhiên, hiện nay, việc sử dụng số liệu trên báo chí vẫn còn mắc phải không ít những hạn chế. Cụ thể như: Hình thức thể hiện số liệu không nhất quán; đưa số liệu lên báo không chính xác do nguồn cung cấp thông tin sai, hoặc có thể do nhà báo tính toán không đúng; các thông tin, chi tiết, ngày, tháng, địa điểm nhiều khi không trùng khớp nhau... Mặt khác, khi tư liệu, số liệu trong bài viết đã nhiều mà chúng lại được đưa ra dưới dạng chính xác tuyệt đối thì việc lĩnh hội thông tin của độc giả lại càng khó khăn. Có lẽ không ai thấy ngại khi phải đọc những con số ghi trên báo kiểu 257.365.728.000 đồng; 126,745% v.v... Tất nhiên, trong một số lĩnh vực như: giá cả, tỉ lệ lãi suất ngân hàng... sự chính xác như trên là cần thiết; song trong đại đa số các tình huống giao tiếp khác, người đọc sẽ thấy dễ chịu hơn với những kiểu nói "làm tròn" vừa hạn chế sự có mặt của các con số khô khan, vừa giúp họ dễ hình dung giá trị thực của chúng, như: gần một nửa, khoảng 70%, xấp xỉ 2/3, hơn 257 tỷ đồng...

     TTXVN hiện có Trung tâm Dữ kiện - Tư liệu (TTDKTL) thực hiện chức năng "lưu trữ quốc gia về tư liệu thông tin; là ngân hàng dữ kiện - tư liệu..." cung cấp tư liệu cho bạn đọc. TTXVN còn có kho tư liệu ảnh quốc gia với hơn 1 triệu kiểu phim, trong đó có 5.000 kiểu phim về Chủ tịch Hồ Chí Minh và 1.000 kiểu phim về cộng đồng 54 dân tộc anh em. Khối tài liệu lưu trữ của TTXVN nói chung và Trung tâm Dữ kiện - Tư liệu nói riêng trên tất cả các lĩnh vực chứa đựng nguồn thông tin hết sức đa dạng, phong phú, phản ánh mọi mặt đời sống chính trị, kinh tế, xã hội của Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử. Các nguồn tài liệu này cần được đưa ra sử dụng phục vụ các mục đích nghiên cứu, các nhu cầu của công cuộc xây dựng đất nước và xã hội để phát huy được hết các giá trị của nó.

Sắp xếp tư liệu tại thư viện TTXVN. (Ảnh: Hoài Nam).

     Bản tin Thông tin Tư liệu (TTXVN) ra số đầu tiên ngày 5/9/1998 và hiện đang xuất bản 3 kỳ/tuần. Các chuyên đề trong Bản tin đòi hỏi rất cao về tính cẩn thận, chính xác. Để làm tốt các chuyên đề, ngoài việc tìm chủ đề (đề tài), thu thập tài liệu, chúng tôi phải thường xuyên đối chiếu, so sánh, kiểm tra các số liệu, tư liệu trước khi đưa lên Bản tin. Chẳng hạn, trên nhiều tờ báo khi trích dẫn lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã không chính xác, làm mất từ, mất dấu chấm, dấu phẩy trong câu chữ của Bác. Ví dụ, năm 1952, Bác Hồ gửi thơ cho các báo thường hay viết như mọi người vẫn đọc:

     Ai yêu nhi đồng bằng Bác Hồ Chí Minh

     Tính các cháu ngoan ngoãn, mặt các cháu xinh xinh

     Nhưng câu thơ chính xác in trên giấy của Bác là:

     "Ai yêu các nhi đồng

     Bằng Bác Hồ Chí Minh?

     Tính các cháu ngoan ngoãn,

     Mặt các cháu xinh xin"

     Ngay cả những tư liệu lấy tận gốc, tưởng chừng rất chính xác, bởi vì chính họ viết về họ, như Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNNVN), Tổng cục Thống kê... đôi khi cũng không hoàn toàn chuẩn xác. Ví dụ, tư liệu về các vị lãnh đạo Ngân hàng qua các thời kỳ do NHNNVN viết, biên tập viên tư liệu đối chiếu với sách "Chính phủ Việt Nam 1945 - 2003" do TTDKTL xuất bản thì phát hiện ra tài liệu của NHNNVN thiếu đồng chí Nguyễn Quế Lượng (quyền Thống đốc NHNNVN từ tháng 10/1997 đến 5/1998)!...

     Như vậy, đối với người làm công tác tư liệu - báo chí, để hoàn thành tốt công việc luôn phải nêu cao tinh thần đoàn kết, cần mẫn, sáng tạo trong việc sưu tầm, sưu tập và bảo quản nguồn tư liệu phục vụ tốt công tác thông tin. Đồng thời, khai thác, sử dụng các nguồn tư liệu hiện có một cách hệ thống và chính xác để đưa các sản phẩm tư liệu đến với bạn đọc. Biên tập viên phải thật sự say nghề, luôn có tinh thần trách nhiệm cao với công việc. Bởi lẽ, ở đây, hơn bất cứ nơi nào, yêu cầu về tính cẩn thận, tự giác rất cao. Các phóng viên khi viết bài nếu có sai sót, nhầm lẫn, chất lượng như thế nào thể hiện ngay trên ấn phẩm hàng ngày. Nhưng đối với tư liệu chỉ có người phụ trách kiểm tra hoặc có người tra cứu thì mới thấy chất lượng công việc của từng người làm.

     Tra cứu lại tư liệu, so sánh, đối chiếu để tìm ra thông tin chính xác, đòi hỏi biên tập viên luôn phải đọc kỹ, phải nghi ngờ, phải luôn tự đặt câu hỏi "tư liệu đã chính xác hay chưa?". Phải dừng lại ở những câu chữ khi thấy không chắc chắn!. Tuy nhiên, không phải tư liệu nào cũng có văn bản gốc để tra lại. Vậy phải làm như thế nào? Hoàn chỉnh một bài viết rồi, nhất thiết phải kiểm tra, so sánh, đối chiếu với tư liệu gốc hoặc những tư liệu được coi là đáng tin cậy nhất, ngoài ra còn phải kết nối các vấn đề và suy đoán theo logic. Đây là một việc rất khó và đòi hỏi các biên tập viên chúng tôi phải không ngừng học hỏi để tự nâng cao trình độ của mình. Phải phấn đấu khai thác sao cho chuẩn xác và nâng cao chất lượng nguồn cung cấp tư liệu, cũng cần định tỷ trọng các vấn đề chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội sao cho hợp lý, sắp xếp các vấn đề, chuyên đề, lên danh mục sao cho dễ tra cứu, khai thác.

     Biên tập viên làm công tác tư liệu - báo chí cũng cần thu thập, bổ sung, bảo quản an toàn và tổ chức sử dụng có hiệu quả tài liệu lưu trữ của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, gia đình, dòng họ, nhân vật... Cần phải sưu tầm, thu thập, bổ sung tài liệu lưu trữ trong lĩnh vực mình phụ trách. Đặc biệt, các biên tập viên có thể xây dựng tập hồ sơ của riêng mình. Và mục tiêu cuối cùng là tổ chức khai thác, sử dụng có hiệu quả tài liệu lưu trữ phục vụ các nhu cầu khác nhau của nhiều đối tượng trong xã hội bởi nhiều nơi đã để xảy ra tình trạng tài liệu bị thất lạc, hư hỏng, không tìm được khi tra cứu... Cũng cần xây dựng và thực hiện kế hoạch đào tạo cán bộ làm công tác lưu trữ, tổ chức thật tốt việc bảo quản, khai thác, sử dụng tài liệu lưu trữ phục vụ yêu cầu nghiên cứu, báo chí.

 

 

     TRÍCH THƯ CẢM Æ N

 

     Tôi xin cảm ơn ông Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam và bà (Nguyễn Thu Hương) đã trả lời nhanh chóng thư tôi gởi ngày 14-3-2003. Thư đã được gởi bảo đảm, chứng tỏ sự làm việc nghiêm túc của cơ quan Thông tấn xã Việt Nam.

     Tôi đã nhận được những dữ kiện - tư liệu mà quý Trung tâm Dữ kiện - Tư liệu đã gởi cho tôi [gồm các bài: 'Vụ Thông tin báo chí Bộ Ngoại giao Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam ra thông báo', 'Chính quyền Sài Gòn hành hung Uỷ ban Quốc tế trong vụ điều tra ở Cai Lậy'... Đây là các tài liệu về vụ nguỵ quyền Sài Gòn vu cáo ta bắn súng cối 82 mm vào Trường tiểu học cộng đồng Cai Lậy - tỉnh Mỹ Tho cũ, tức tỉnh Tiền Giang ngày nay (BT)]. Nhờ có các bài báo đó mà đã vạch trần âm mưu vu cáo của nguỵ quyền Sài Gòn, đồng thời tháo gỡ được sự thắc mắc của các nhà báo quốc tế.

     Tuy tài liệu lưu trữ đã lâu, thời ấy giấy lại xấu, nhưng bản photocopy vẫn đọc được tốt, chỉ hai bên rìa thỉnh thoảng mất vài chữ, nhưng có thể đoán ra ngay.

     Đây là những tài liệu để tôi viết lại hồi ký thời kỳ đấu tranh từ 1973-1975 ở diễn đàn Ban liên hợp quân sự 4 bên và 2 bên và cung cấp tư liệu cho địa phương (huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang).

     Một lần nữa, tôi xin chân thành thật cảm ơn sự quan tâm của ông Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam và trực tiếp là bà đã giúp tôi có được những bản tin tường thuật vụ 'Cai Lậy'.

 

Kính chúc bà sức khoẻ và công tác tốt.

Đại tá HÀ CÂN

 

(Đại tá Hà Cân, nguyên thành viên Đoàn đại biểu quân sự Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam trong ban Liên hợp Quân sự 4 bên và 2 bên ở Tân Sơn Nhất thời kỳ Hiệp định Paris).

Trần Tiến Duẩn
(Theo Nội san Thông tấn, số 9-2006)

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Những ý kiến tâm huyết đóng góp cho ngành (12/10/2006 08:51:27)

Số lượng tin, bài kinh tế tăng hơn trước (03/10/2006 10:13:50)

Cần phải thay đổi lề lối, tác phong làm việc (03/10/2006 10:13:00)

Từ chất lượng "đầu vào" đến nhu cầu học tập (03/10/2006 10:09:07)

Khai mạc triển lãm Nam Cao và tác phẩm qua nghệ thuật tạo hình (29/09/2006 10:16:40)

Chi hội Ban BT tin Đối ngoại tổ chức viếng thăm nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn (29/09/2006 10:12:57)

Tạo bước đột phá chất lượng thông tin từ khâu biên tập (25/09/2006 11:22:37)

Cảm ơn Nội san đã "cho" tôi một từ đắt (18/09/2006 09:01:10)

Lùn chuyển phỉng viân, biân tập viân - nhìn từ cơ sở (14/09/2006 15:22:15)

Kiên quyết không viết và sử dụng những "cái" không phải thông tin. (15/08/2006 11:00:16)