Thứ sáu, ngày 26/04/2024

Tạo bước đột phá mới

Phải đột phá từ mắt xích:

Kiên quyết không viết và sử dụng những "cái" không phải thông tin.


(15/08/2006 11:00:16)

Nghị quyết về việc tạo bước đột phá, tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả và tính cạnh tranh thông tin của đảng ủy TTXVN ngày 19/5/2006 đánh giá: "...Tuy nhiên, công tác thông tin hiện nay đã bộc lộ những yếu kém về tính nhạy bén (tính phát hiện), tính kịp thời, tính hấp dẫn; vai trò là dòng thông tin chủ lưu bị thách thức; chất lượng và hiệu quả tin, ảnh chưa cao, ở một mức độ nào đó chưa đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn cuộc sống; do đó tính cạnh tranh thông tin của TTXVN còn yếu, chưa tương xứng với tiềm năng và vị trí của một cơ quan Thông tấn Nhà nước".

          Vấn đề này chúng ta đã đặt ra từ lâu, nhưng chưa cải thiện được mặc dù đây là vấn đề sống còn của một Hãng Thông tấn Nhà nước, chưa tính đến phải phấn đấu xây dựng thành một tập đoàn truyền thông mạnh, Vì sao? Đương nhiên ai cũng có thể trả lời được, đó là thông tin của TTXVN chưa "nhanh, đúng, trúng, hay" như khẩu hiệu chỉ đạo thông tin của Ban biên tập tin Trong nước đề ra từ lâu.


          Và hôm nay, Nghị Quyết của Đảng ủy TTXVN (ngày 19/5/2006) nêu mục tiêu: "Trong 2 năm 2006 và 2007 của nhiệm kỳ này phấn đấu tạo ra bước đột phá về chất lượng thông tin, bảo đảm tiêu chí thật nhanh, thật chính xác và hấp dẫn, đúng định hướng; đa dạng hóa sản phẩm thông tin; phấn đấu khôi phục vị thế là dòng thông tin chủ lưu (theo cả 3 tiêu chí: Tính chính thống, số lượng và chất lượng), có khả năng cạnh tranh cao, được các phương tiện thông tin đại chúng tin dùng".


          Dù rằng bản thân có chút ít tâm, nhưng chưa đủ tầm để bàn tất cả, tôi chỉ mạnh dạn viết đôi điều bàn về thực hiện NQ của Đảng ủy ở phần tin Trong nước ở khu vực B2, như một đóng góp nhỏ vào việc thử đột phá vào một mắt xích: Kiên quyết không viết và sử dụng những "cái" không phải thông tin.


          Hiện nay cả nước có hàng trăm tờ báo (loại hình báo) xuất bản hàng ngày, hàng tuần, vì vậy có sự cạnh tranh gay gắt, khốc liệt vì uy tín và sự sống còn của mỗi tờ báo là đương nhiên. Chúng ta phải chấp nhận sự cạnh tranh và phải tìm ra thế mạnh của mình để cạnh tranh. Cùng với chức năng, nhiệm vụ được giao, có thể khẳng định ngay thế mạnh của chúng ta là: Có số đông phóng viên được bố trí ở tất cả tỉnh, thành phố trong cả nước-không một cơ quan báo chí nào có được thế mạnh này. Vậy chúng ta phải làm gì và làm như thế nào?


          1. Để tồn tại và phát triển, các cơ quan thông tin đại chúng phải tổ chức lực lượng phóng viên, biên tập viên rất đông và có năng lực. Vì sự uy tín của tờ báo, vì quyền lợi (thu nhập) của phóng viên, họ không "dễ dãi" sử dụng nguyên văn thông tin của TTXVN, trừ những thông tin bắt buộc hoặc thông tin phản ảnh sự kiện thời sự xảy ra ở nơi mà phóng viên của họ không thể có mặt. và thực tế họ cũng chỉ sử dụng tin thời sự ban đầu, còn sau đó khi cần phản ánh sâu hơn họ sẵn sàng cử phóng viên đến nơi xảy ra sự kiện (sóng thần ở Thái Lan, động đất ở Indonexia, chiến tranh ở I-rắc...). Ngay cả một số thông tin do TTXVN phát ra đảm bảo các tiêu chí nhanh (dưa trước), đúng, trúng thì nếu không bắt buộc họ vẫn khai thác, biên tập lại thành của họ, hoặc họ cử phóng viên đến nắm và viết sâu hơn, đầu đủ hơn. Thực tế là các phương tiện thông tin đại chúng có xu hướng ít dùng nguyên văn thông tin của TTXVN, dù đó là thông tin hay và đưa trước. Tuy nhiên họ rất cần và sẵn sàng khai thác thác, sử dụng những nội dung, vấn đề, sự kiện có ý nghĩa khi thông tin của TTXVN phản ánh trước. Thông tin của TTXVN lúc đó như người "dẫn đường chỉ lối" cho các cơ quan thông tin. Phải chăng, đó là định hướng thông tin, là dòng thông tin chủ lưu của thông tin TTXVN được xác định?


          Phân tích như vậy là nhằm tìm ra lời giải cho việc xác định tiêu chí mà NQ Đảng ủy đặt ra là "...có khả năng cạnh tranh cao, được các phương tiện thông tin đại chúng tin dùng" hoặc làm rõ hơn việc làm thế nào để "...khôi phục vị thế là dòng thông tin chủ lưu".


          2. Chúng ta hãy đi sâu vào phân tích hình hình thông tin trong nước của TTXVN hiện nay và sự khai thác, sử dụng của các phương tiện thông tin đại chúng (mảng thông tin đóng vai trò ngân hàng thông tin phục vụ các cơ quan thông tin đại chúng). Có thể thấy: Thông tin của TTXVN chưa thật nhanh (chưa đưa tin trước so với các báo đối với các sự kiện thời sự) và chưa hay (đúng và trúng đối với các vấn đề, sự kiện được phát hiện, dự báo mà xã hội quan tâm).


          Những thông tin thời sự TTXVN chưa đưa trước các báo vì: thứ nhất, phóng viên TTXVN ở các phân xã trong nước chưa bao quát được các đầu mối thông tin nên không nắm được tình hình khi sự kiện xảy ra. Thâm chí có phóng viên phải khai thác các báo để viết tin về sự kiện thời sự xảy ra ngay trên địa bàn phân xã trú đóng; thứ hai, ý thức của người phóng viên phân xã không cảm thấy bị cạnh tranh gay gắt nên mặc dù nắm, biết sự kiện thời sự xảy ra nhưng vẫn "đủng đỉnh" chưa vội viết, phát thông tin về tổng xã. Tác phong bao cấp một thời chưa được loại bỏ vì dù có đưa tin sau các báo (chậm) vẫn được tính điểm và vẫn có thu nhập đủ sống. Như vậy, đối với thông tin thời sự, tiêu chí mà Nghị quyết Đảng ủy đề ra là: "thật nhanh" phải được "lượng hóa" thành: "đưa trước các báo". Chúng ta không yêu cầu 100% thông tin thời sự phóng viên TTXVN phải đưa trước. Tuy nhiên, những sự kiện quan trọng liên quan, ảnh hưởng sâu rộng đến toàn xã hội thì dứt khoát phóng viên TTXVN phải đưa trước. Đương nhiên thông tin của TTXVN luôn phải đảm bảo các tiêu chí chính xác, phản ánh đúng bản chất sự kiện, có giá trị tuyên truyền.


          Khi thông tin thời sự của TTXVN đã đảm bảo được các tiêu chí trên, trong đó tiêu chí có tính quyết định là đưa trước thì dù các phương tiện thông tin đại chúng không sử dụng nguyên văn thì thông tin của TTXVN vẫn có giá trị "mách bảo" cho các phương tiện thông tin đại chúng biết có vấn đề, sự kiện gì đã, đang và sắp xảy ra. Khi đó, họ có thể biên tập lại, hoặc cử phóng viên đến tìm hiểu, nắm bắt để đưa lại những vấn đề, sự kiện mà TTXVN đã thông tin trước đó.


          Thông tin của TTXVN chưa hay (đúng và trúng vấn đề mà xã hội quan tâm) là do khả năng, trình độ của phóng viên. Trên một địa bàn, trong một lĩnh vực, biết bao sự kiện, vấn đề nẩy sinh, vận động theo cả hai chiều tích cực và tiêu cực. Là phóng viên trú đóng ở địa bàn, theo dõi một số lĩnh vực, phóng viên TTXVN phải nắm và nhạy bén, phát hiện, dự báo những vấn đề, sự kiện có tầm ảnh hưởng, sâu rộng, xã hội quan tâm đã, đang và có thể sắp xảy ra với đúng bản chất của nó và kịp thời viết và phát thông tin về Tổng xã trong thời gian sớm nhất (trước các báo). Thông tin của TTXVN đã nhiều lần thực hiện được điều đó. Những vấn đề, sự kiện do TTXVN phát hiện, dự báo sau đó được các báo quan tâm, đi sâu tuyên truyền thành phong trào, thành điển hình và cả những vụ việc tiêu cực được giải quyết. Như vậy, dù các phương tiện thông tin đại chúng không sử dụng hoàn toàn (nguyên văn) thông tin của TTXVN thì rõ ràng thông tin của TTXVN vẫn được xem là đã định hướng được, là thông tin chính thống, là đã hướng dẫn dư luận.


          Về sự nhạy bén phát hiện, dự báo vấn đề, sự kiện, lâu nay một số phóng viên chưa thật sự quan tâm, chỉ lo chạy theo số lượng để đảm bảo định mức. Thông tin do khai thác báo cáo, chẻ tin trong báo cáo, thông tin báo đạo, vô thưởng vô phạt vẫn chiếm tỷ lệ khá nhiều trong tổng số thông tin của các phân xã trong nước. Đây là vấn đề đã nói đến từ lâu, nhiều lần và được ghi khá rõ trong quy chế tính định mức đối với phóng viên các phân xã trong nước. Tuy nhiên, tình trạng này vẫn chưa cải thiện được. Vì sao? Theo tôi chỉ có Ban Biên tập tin Trong nước, Ban Biên tập tin Kinh tế và Phòng Quản lý Phân xã Trong nước mới có thể góp phần trả lời được. Phải chăng vì nể nang, vì sợ phóng viên phản ứng...mà các loại câu, những từ ngữ không có giá trị thông tin vẫn đăng trên các Bản tin trong nước, Bản tin Kinh tế và phát trên mạng. Chúng ta đã có Quy chế (tuy chưa thật sự hoàn chỉnh và còn khiếm khuyết) nhưng tại sao không thực hiện nghiêm quy chế? Lỗi đó đâu phải hoàn toàn do phóng viên yếu kém?


          Tôi cho rằng, thông tin của TTXVN muốn là dòng thông tin chủ lưu, định hướng thông tin, được các phương tiện thông tin đại chúng khai thác, sử dụng cùng với các tiêu chí đúng, trúng thì phải đặt tiêu chí nhanh (đưa trước) lên hàng đầu. Chỉ có như thế TTXVN mới có thể khẳng định rằng: Do thông tin của TTXVN đưa trước các phương tiện thông tin đại chúng khác mới biết mà khai thác. Nếu đưa sau, đưa chậm thì dù có hay, hấp dẫn (trúng, đúng) thì còn ai sử dụng lại?


          3. Về thông tin phục vụ sự lãnh đạo và quản lý của Đảng và Nhà nước. Một số phóng viên các phân xã trong nước chưa nhận thức rõ về nhiệm vụ này. Đây là một trong những kênh thông tin giúp cơ quan Đảng và Nhà nước có thêm thông tin để phân tích, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Đây không phải là thông tin tham thảo cung cấp cho Ban lãnh đạo TTXVN. Thế mà nhiều phóng viên lại tóm tắt, lược trích một số báo cáo có tính chất nôi bộ (mật) của cấp ủy, chính quyền, ngành, đoàn thể của địa phương gửi về Tổng xã và cho đấy là báo cáo nội bộ. Thực tế các báo cáo nội bộ của cấp ủy và chính quyền trước sau cũng sẽ gửi về các cơ quan đảng và Nhà nước ở Trung ương. Vậy thì phóng viên TTXVN tóm tắt, trích lược làm gì vì như thế vừa trùng lặp lại không đầy đủ? Là phóng viên ở địa bàn phải nắm tình hình các mặt, phản ánh những vấn đề (chưa phổ biến được hoặc địa phương không muốn báo cáo về TW) xảy ra chứ không phải khai thác trên các báo cáo có sẵn của địa phương, của ngành. Nếu dùng các báo cáo đó thì cũng chỉ để tham khảo và là đầu mối cho phóng viên đi sâu, phát hiện vấn đề cần báo cáo.


          4. Kiến nghị:
          Cái vòng luẩn quẩn hiện nay là: Phóng viên các Phân xã trong nước do chủ quan (yếu kém) và khách quan (chạy theo định mức) nên thường viết, phát về Tổng xã những thông tin không có giá trị thông tin (chất lượng kém) và chậm so với các cơ quan thông tin khác; Ban biên tập tin Trong nước, Ban biên tập tin Kinh tế, Phòng quản lý Phân xã Trong nước vẫn dễ dãi biên tập, sử dụng đăng trên các bản tin và phát mạng của Ngành, cho điểm và tính thành tiền; các phóng viên dù bị phê phán, vẫn có điểm, có tiền năng suất, thù lao nhuận bút và họ vẫn tiếp tục viết những thông tin loại kém chất lượng... Đâu là nguyên nhân, đâu là kết quả? Hãy mạnh dạn đột phá vào một khâu, chấp nhận sự phản ứng (có khi gay gắt). Đó là dứt khoát không đăng những loại tin vô thưởng vô phạt. Chỉ có như thế phóng viên sẽ không viết những loại thông tin kém chất lượng, họ sẽ phải năng động hơn, nhanh nhạy hơn, đầu tư công sức nhiều hơn để săn tìm những thông tin đúng nghĩa. Trong cái vòng luẩn quẩn này dứt khoát phải có một mắt xích bị đột phá. Nghị quyết Đảng ủy nêu khá đầy đủ các giải pháp, trong đó nhiều giải pháp đã nói đến từ lâu. Điều quan trọng ở đây là chúng ta, từng đơn vị có chủ động tạo ra bước đột phá hay không và chúng ta có dám thực hiện một cách kiên quyết hay không?


          Tất cả đang chờ đợi ở hành động của mỗi chúng ta.

Lý Văn Tích
Giám đốc Văn phòng đại diện TTXVN tại TP. Hồ Chí Minh
(Theo Nội san Thông tấn, số 7-2006)

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Tạo bước đột phá bắt đầu từ tin thời sự trong nước (15/08/2006 10:59:25)

Làm thế nào để đột phá trong thông tin bằng hình ảnh?  (15/08/2006 10:57:44)

Linh hoạt trong sắp xếp, tổ chức nhân lực  (15/08/2006 10:56:28)

Cần đẩy nhanh quá trình thực hiện và xử lý các tin thời sự  (15/08/2006 10:55:02)

Tin Tức tăng cường quan hệ hợp tác với các đơn vị thông tin ở TTXVN  (15/08/2006 10:53:54)

Đột phá từ phân xã  (15/08/2006 10:52:47)

Đột phá từ chính mình (15/08/2006 10:51:40)

Vai trò của việc thẩm định, nhận xét tin bài của các phân xã trong nước.  (15/08/2006 10:49:30)

Cạnh tranh để đưa tin thời sự cập nhật trên địa bàn Thủ đô  (15/08/2006 10:48:42)