Thứ bảy, ngày 27/04/2024

Tạo bước đột phá mới

Vai trò của việc thẩm định, nhận xét tin bài của các phân xã trong nước.


(15/08/2006 10:49:30)

Hàng ngày, tin bài của phóng viên các Phân xã trong nước gửi về được hai Ban biên tập (Ban BTT Trong nước và Ban BTT Kinh tế) xử lý phát lên mạng. Phòng quản lý phân xã trong nước có nhiệm vụ thẩm định lại tất cả các tin, bài này, điều chỉnh điểm đối với từng tin, bài sao cho đúng với quy chế cho điểm, cố gắng không để phóng viên bị thiệt, nhưng cũng không để lọt tin, bài viết chưa đạt yêu cầu mà lại được điểm quá cao, chưa tương xứng với chất lượng tin.

          Ví dụ, có những bài rất dài (3,4 trang), có cả tít to, tít nhỏ, nhưng đọc kỹ thấy nội dung bài viết toàn chi tiết cũ, đã đưa trong những tin bài trước, ban biên tập cho trên 60 điểm, nhưng chúng tôi rút xuống 35 điểm (không đạt chất lượng). Trong khi đó, có những tin bài kịp thời, nêu vấn đề mới, dù chỉ là tin ngắn (biên tập cho 30 điểm) nhưng chúng tôi cho trên 40 điểm để đúng với công sức đầu tư của PV. Ngoài ra, thông qua thẩm định, chúng tôi chọn những tin bài chất lượng (thường gọi là tin bài hay, nêu vấn đề để đề nghị Bộ biên tập khen thưởng khoảng 60 tin,bài/tháng); đồng thời nhận xét chính xác những tin không được dùng để góp phần nâng cao chất lượng thông tin.

 

            Có PV ở một phân xã trong 2 ngày liền được phát 2 bài khá dài về bò sữa của một tỉnh, nội dung thông tin mâu thuẫn, có biểu hiện chẻ tin và viết theo yêu cầu của cơ sở. Chúng tôi chỉ cho điểm một bài đạt chất lượng, còn bài sau cho điểm không đạt chất lượng và nhận xét: Có cần phải viết nhiều bài về bò sữa trong khoảng thời gian không xa nhau thế này?

             

            Để làm tốt công việc này, ngoài năng lực chuyên môn của từng đồng chí làm nhiệm vụ thẩm định (phải có chuyên môn nghiệp vụ từ khá trở lên, chưa nói là giỏi, trưởng thành từ PV, biên tập, có kinh nghiệm nghề nghiệp), Đòi hỏi mỗi đồng chí phải công tâm, thẩm định trên cơ sở nội dung thông tin, chứ không xem tên PV để cho điểm. Phải khẳng định trong hơn 2 năm, làm nhiệm vụ thẩm định, Phòng Quản lý phân xã trong nước đã góp phần đảm bảo sự công bằng đối với thông tin của các PX. Đây cũng chính là việc làm nhằm góp phần nâng cao chất lượng thông tin trong nước của TTXVN.

 

            Còn nhiệm vụ nhận xét tin, bài của phóng viên phân xã (PVPX) hàng tuần, từ năm 2004 đến nay, Phòng Quản lý PX trong nước làm kỹ hơn và thường hoàn thành vào sáng thứ Năm hàng tuần để phát lên mạng cho tất cả các PVPX biết và rút kinh nghiệm trong công tác thông tin. Bản nhận xét gồm hai mảng: Thông tin trong nước (tin nội chính, ngoại giao, văn hóa, xã hội...) và phần thông tin kinh tế. Nhận xét đề cập khá kỹ từng mảng đề tài, nội dung tin mà PV đã thông tin. Ngoài ra, còn có nhận xét rất cụ thể, rõ ràng đối với từng tin bài, đồng thời gợi ý cho PV những vấn đề cần phải viết ngay, viết sâu và kỹ cùng những vấn đề cần phải tập trung thông tin thành tuyến và dài hơi hơn.

 

            Chẳng hạn, trong đợt thông tin về công tác phòng chống dịch cúm gia cầm H5N1 và đại dịch cúm ở người từ cuối năm 2004. Cùng với sự chỉ đạo của Bộ biên tập, chúng tôi kiên trì gợi ý, nhận xét, chỉ ra rất cụ thể những chủ đề, đề tài, nội dung cần thông tin đối với từng địa phương và vùng xảy ra dịch, khi nào viết tin, khi nào viết bài sâu, phỏng vấn, điều tra. Chính vì vậy mà thông tin về lĩnh vực này luôn được duy trì với chất lượng tốt.

 

            Hay ở một số tỉnh ĐBSCL có PV thường xuyên viết về chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển dịch cơ cấu cấy trồng, vật nuôi, nhưng cứ lặp đi lặp lại "Cây lúa-con tôm-giải pháp, bài học" đọc đến nhàm chán, toàn tư liệu cũ, viết theo báo cáo, nhận định, đánh giá của địa phương. Chúng tôi đã nhận xét từng bài viết rất cụ thể, chi tiết, đề nghị không viết lặp lại nhiều, nên chọn vấn đề mới để thông tin. Nhờ đó mà tin của phóng viên này chuyển biến hẳn.

 

            Cũng có PX trong vòng 4 tháng, cả 3 PV viết 3 tin bài về phát triển kinh tế trang trại ở một huyện, nội dung mâu thuẫn và ít chi tiết mới; trước đó cả 3 PV của phân xã này cũng đã viết 3 tin biểu dương một huyện có nhiều hộ sản xuất giỏi, nhưng số liệu thông tin trùng lặp, nội dung có chỗ lại "đá nhau". Để xảy ra tình trạng này, cái chính là do tổ chức thông tin không tốt và bỏ qua khâu duyệt tin. Nhận rõ điều đó, chúng tôi không chỉ nhận xét từng tin, bài mà còn đưa ra những ý kiến rất cụ thể để tổ chức thông tin của phân xã và góp ý thẳng thắn với trưởng PX về trách nhiệm trong khâu duyệt tin, bài.

 

            Thẩm định, nhận xét và gợi ý thông tin đối với các PV PX địa phương theo tôi là một khâu quan trọng, nếu làm tốt trên tinh thần trách nhiệm cao, vì đồng nghiệp, vì sự nghiệp của ngành sẽ góp phần thúc đẩy, nâng cao chất lượng thông tin. Nhưng để làm tốt, phát huy được hiệu quả của công tác này cần chú ý quan tâm nhiều hơn nữa đến yếu tố con người. Chúng ta đã có đội ngũ PV địa phương có khả năng tác chiến, nếu lại có những người làm công tác quản lý, chỉ đạo, thẩm định, nhận xét, gợi ý sắc sảo thì chắc chắn mảng thông tin địa phương sẽ được nâng lên một bước, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ thông tin của ngành. Vì vậy, phải chọn lựa, có kế hoạch bồi dưỡng, đào tạo để có đội ngũ chuyên viên, phóng viên giỏi đáp ứng yêu cầu này.

Nguyễn Sỹ Thuỷ
(Theo Nội san Thông tấn, số 6-2006)