Thứ sáu, ngày 26/04/2024

Tạo bước đột phá mới

Cạnh tranh để đưa tin thời sự cập nhật trên địa bàn Thủ đô


(15/08/2006 10:48:42)

"Chúng tôi cũng phải quen dần với việc một sự kiện, hội nghị tổ chức trên địa bàn có cùng lúc nhiều phóng viên TTXVN tham dự."

          Hà Nội là địa bàn trọng điểm, tập trung hơn 400 cơ quan báo chí Trung ương và địa phương tham gia hoạt động. Bên cạnh uy tín sẵn có của cơ quan TTXVN và nguồn thông tin rất dồi dào được coi là thuận lợi lớn nhất, phóng viên phân xã Hà Nội lại luôn phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt trong lĩnh vực thông tin.

 

          Phân xã Hà Nội hiện có 7 phóng viên, mỗi người được phân công phụ trách, theo dõi, đưa tin một số mảng cụ thể. Địa bàn rộng, nhiều đầu mối, sự kiện liên tục xảy ra buộc bản thân mỗi người phải nghiên cứu tự tìm cho mình phương thức tiếp cận phù hợp để tạo niềm tin và duy trì mối quan hệ tốt với cơ sở. Khi có vụ việc nổi cộm xảy ra, cần đưa tin cập nhật, từ nguồn tin ban đầu, chúng tôi đều không quản ngại liên hệ với lãnh đạo ngành, địa phương và trực tiếp gặp dân, tìm hiểu tại hiện trường để có thông tin chính xác và nhanh nhất. Với những tin "nóng" liên quan mật thiết đến đời sống người dân như: An ninh trật tự, đình công, chế độ đền bù giải phóng mặt bằng, thi công các dự án, nhà ở, dịch bệnh, tuyển sinh..., chúng tôi luôn cố gắng theo sát, đưa tin liên tục, phản ánh nhiều chiều.

 

          Tuy nhiên, do đặc thù của hệ thống phân xã, hầu hết các tin, bài đều chỉ được phát mạng, đăng tải trên các bản tin của cơ quan, phần nữa trên báo Tin Tức, trong khi nhiều cơ quan không đặt mua các ấn phẩm này nên không có thông tin về tin, bài phóng viên đã viết, dẫn tới hoài nghi về hiệu quả thông tin của phóng viên và cho rằng không phục vụ mục đích tuyên truyền của đơn vị đó. Một số tin, bài thời sự được báo Tin Tức sử dụng lấy từ mạng của các Ban tin phát tối hôm trước, không có sự trao đổi với phóng viên để cập nhật thông tin nên vô hình chung làm tin trở nên cũ khi đến với độc giả vào chiều hôm sau. Không ít cơ quan đánh giá không đúng về hoạt động của TTXVN và vẫn hiểu về TTXVN như một cơ quan chỉ đưa tin thời sự quốc tế, hoặc những tin liên quan đến lãnh đạo cấp cao và mang tầm "vĩ mô" ở cấp Trung ương. Cá biệt có nơi còn tưởng TTXVN là một bộ phận của... báo Nhân Dân.

 

          Trong quá trình tiếp cận cơ sở, mặc dù bám sát địa bàn và ngành được phân công theo dõi, nhưng nhiều hoạt động, nhiều cuộc họp họ chỉ chú trọng tới báo địa phương hoặc báo ngành mà thường xuyên "quên" TTXVN. Sự "quên" này đã có lúc làm chúng tôi rất nản và ngại xuống cơ sở. Thêm vào đó, hầu hết các báo đài đều có cơ chế cộng tác viên thông thoáng, thuận lợi cho việc cập nhật thông tin của cơ sở, trong khi ở cơ quan ta để có được chế độ này lại phải qua nhiều thủ tục quá chặt chẽ.

 

          Khó khăn thứ hai chúng tôi phải đối mặt khi đưa tin thời sự cập nhật chính là sự cạnh tranh ngay tại cơ quan mình. Chúng tôi cũng phải quen dần với việc một sự kiện, hội nghị tổ chức trên địa bàn có cùng lúc nhiều phóng viên TTXVN tham dự. Nhưng cũng thật bất tiện, khi liên hệ làm việc với sở, ngành mình theo dõi về vấn đề xảy ra trên địa bàn lại nhận được câu trả lời: Vừa tiếp vài ba phóng viên TTXVN rồi! Phóng viên Phân xã Hà Nội, nhất là phóng viên theo dõi các ngành thuộc khối kinh tế đang phải chấp nhận một thực tế là liên tục phải "đụng" với phóng viên của các ban, tòa soạn vì đơn vị này cho phép phóng viên được khai thác, đưa tin các vấn đề của Hà Nội. Đã có trường hợp, khi phóng viên Phân xã Hà Nội liên hệ với cơ sở để thu thập thông tin viết bài thì cũng thời gian đó, phóng viên Ban biên tập Kinh tế cũng viết và cuối cùng sản phẩm của phóng viên Ban Kinh tế phát rồi, thì sản phẩm của phóng viên phân xã Hà Nội đành phải gác lại. Đấy là chưa kể không ít lần, phóng viên các ban, tòa soạn còn gọi điện đề nghị phóng viên Hà Nội đưa đi làm quen với cơ sở hoặc cung cấp số điện thoại để họ liên hệ làm chuyên đề liên quan đến Hà Nội phát trên bản tin của TTXVN mà không hề có ý định phối hợp. Dường như họ cố tình không hiểu cơ sở là thế mạnh của mỗi phóng viên khi tham gia hoạt động nghiệp vụ; để có mối quan hệ bền chặt với cơ sở, phóng viên phải mất rất nhiều thời gian tiếp cận, tạo lòng tin và duy trì.

 

          Trên đây là một số trao đổi nhỏ về nghiệp vụ chúng tôi rút ra trong quá trình tác nghiệp thời gian qua. Chúng tôi mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm tạo điều kiện, góp ý thẳng thắn từ Ban lãnh đạo cơ quan, các ban biên tập và đồng nghiệp, để làm tốt hơn công tác thông tin trên địa bàn trọng điểm Thủ đô.

Hồng Hạnh
(Theo Nội san Thông tấn, số 6-2006)

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG: