Thứ hai, ngày 08/07/2024

Trao đổi - Thảo luận

Dệt nên thành công bằng đức tính cần cù, tinh thần đổi mới và trách nhiệm


(03/07/2006 11:16:44)

Nghề báo lạ lắm, nhất là đối với người phụ nữ làm báo, bởi cảm giác như "đi trên dây" vừa say mê, vừa hồi hộp, vừa không kém phần lo lắng. Nhưng khi đã "trót" vào nghề, yêu nghề và say nghề, nhà báo nữ càng cảm nhận được cái vinh quang của nghề cầm bút.

          Nữ nhà báo Nguyễn Kim Yến sau gần 25 năm gắn bó tâm huyết với nghề, đã liên tục phấn đấu vượt lên thử thách nghề nghiệp, dành cái tâm, thổi bùng lên ngọn lửa nhiệt tình trong công việc. Những tố chất như: Nhanh nhẹn, say mê, cẩn thận, cần cù, chịu khó và đổi mới đã giúp chị hoàn thành xuất sắc mọi công việc được giao, được anh chị em trong Ban và các đồng chí lãnh đạo tin tưởng. Hiện nay chị là Bí thư Chi bộ, Trưởng Ban biên tập tin Đối ngoại (BĐN), kiêm nhiệm các chức vụ: Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ TTXVN; Uỷ biên Ban Quản lý - Chỉ đạo Phân xã ngoài nước của TTXVN; Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo cung cấp thông tin lên mạng Internet của TTXVN. Từ năm 1982 đến nay, năm nào chị cũng được bầu là Lao động xuất sắc, nhiều năm là Chiến sĩ thi đua ngành, được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2004. Năm 2005, chị vinh sự được nhận danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc.

 

          Tuy rất bận nhưng chị cũng đã dành cho NSTT cuộc trao đổi ngắn về vấn đề đổi mới nâng cao chất lượng thông tin TTXVN nói chung và thông tin đối ngoại nói riêng.

 

          P/v: TTXVN đã và đang nỗ lực đổi mới và nâng cao chất lượng thông tin, vậy theo chị đâu là những yếu tố cốt yếu trong vấn đề đổi mới thông tin của TTXVN hiện nay và của riêng BĐN?

           Nhà báo Nguyễn Kim Yến (NKY): 

Nhận bằng khen của Bộ ngoại giao. (Ảnh: PV).

          Nghị quyết gần đây của Ban Chấp hành Đảng bộ TTXVN đã chỉ ra rất rõ thực trạng công tác thông tin (cả đối nội và đối ngoại) và những yêu cầu bức thiết để đổi mới thông tin của ngành ta. Tôi nghĩ, tất cả mọi cố gắng, mọi sáng kiến đều phải nhằm thực hiện các định hướng mà Đảng ủy đã nêu trong Nghị quyết. Vấn đề cốt lõi là viết cái gì và viết như thế nào. Hằng ngày, thấy quá nhiều điều phải đổi mới. Mà thực hiện mỗi sự đổi mới, dù nhỏ, cũng đều rất gian khó. Nhưng tôi tin rằng từng bước chúng ta sẽ thực hiện được, khi đã nhận thức rõ nhu cầu đổi mới là nhu cầu "sinh tử".

 

          P/v: Làm thông tin đối ngoại là một công việc khá "hóc", theo chị, cái khó nhất khi phóng viên làm tin đối ngoại là gì? Biên tập viên cần những kỹ năng gì để giải quyết những khó khăn đó?

          NKY: Để làm tốt tin, bài đối ngoại, phóng viên và biên tập viên cần phải nhạy bén về chính trị; có kiến thức phong phú về kinh tế - xã hội và văn hóa; thông thạo ngoại ngữ và có khả năng "bắt mạch" được nhu cầu của đối tượng. Trên thực tế, chúng ta còn có quá ít những cán bộ đáp ứng đầy đủ các yêu cầu đó. Mỗi người đều phải phấn đấu để thường xuyên vượt lên chính mình. Bạn thấy đấy, nhiều khi ta viết tin, bài bằng tiếng mẹ đẻ cho đồng bào ta đọc mà còn chưa hay, thì làm sao ta dám tự mãn, cho là mình có thể viết hay những tin bài bằng tiếng nước ngoài? Vậy nên, sự phấn đấu vươn lên là đòi hỏi nghiêm túc và thường xuyên.

 

          P/v: Được biết BĐN đang giữ kỷ lục về phát tin, kỷ lục về lượng độc giả truy cập, chị có thể cho biết những bí quyết để tạo nên thành công đó? Theo chị yếu tố quảng bá thương hiệu trang web, quảng bá hình ảnh đơn vị giữ vai trò như thế nào đối với một đơn vị báo chí?

          NKY: BĐN trong những năm gần đây đã đạt được những kết quả đáng kể về số lượng và chất lượng tin, bài, về lượng độc giả truy cập (Trang Thông tin đối ngoại vinh dự được nằm trong số 8.000 website có số người truy cập cao nhất, trong tổng số khoảng 8 triệu website của thế giới - p/v). Trước tiên và chủ yếu là nhờ nỗ lực của mọi thành viên trong đơn vị, từ cán bộ đến nhân viên. Nhìn chung, tinh thần trách nhiệm và ý thức kỷ luật của anh chị em là rất đáng trân trọng. Vấn đề mà hiện nay chúng tôi suy nghĩ nhiều là làm thế nào để nâng cao hiệu suất trong từng công việc cụ thể.

          Vấn đề quảng bá thương hiệu website là quan trọng, cần thường xuyên đổi mới. Nhưng, điều cốt lõi vẫn là số lượng và chất lượng tin. Cái ‘thùng" dù đẹp cũng ít giá trị nếu đó là "thùng rỗng".

 

          P/v: BĐN đã thực hiện cung cấp dịch vụ Thông tin đồ hoạ trên Trang Thông tin điện tử của TTXVN, xin chị cho biết một vài nét về loại hình thông tin này và giá  trị của nó trong hoạt động báo chí?

           NKY: Thông tin đồ họa là một thể loại khá mới mẻ trong thông tin báo chí nói chung. Nó có ưu điểm rất lớn nhờ tính trực quan. Ở nhiều nơi, trong những điều kiện cụ thể (do đặc thù tâm lý và văn hóa của người đọc, do trình độ kỹ thuật sản xuất thông tin đồ họa), nó là một thể loại "ăn khách". Còn trong hoàn cảnh của ta hiện nay, theo tôi việc dùng phổ biến thể loại này là quá khó khăn và hiệu suất chưa chắc đã cao (ít nhất là hiệu suất kinh tế).

 

          P/v: Chị có nhận xét gì về việc đào tạo phóng viên trẻ hiện nay (cụ thể là trong các trường báo chí), chất lượng đào tạo liệu đã thực sự đáp ứng được yêu cầu của cơ quan báo chí và các nhà báo trẻ cần phải có những tố chất và sự rèn luyện như thế nào để vững vàng hơn khi bước vào nghề báo?

          NKY: Lớp trẻ hiện nay có nhiều thuận lợi, nhất là về đào tạo. Hầu hết các bạn đó được học hành cơ bản, có hệ thống, lại có nhiều cơ hội bồi dưỡng nghiệp vụ. Một số phóng viên, biên tập viên trẻ trưởng thành rất nhanh. Chỉ mong sao họ đừng sớm tự mãn với những kết quả nhất định, mà cố gắng phấn đấu không ngừng để nâng cao bản lĩnh chính trị, vốn văn hóa và trình độ nghiệp vụ. Và phải có lòng yêu nghề thì mới có thể trở thành thợ lành nghề.

 

          P/v: Chị rất quan tâm tới cán bộ, nhân viên?

          NKY: Chắc chắn là sự quan tâm của tôi đối với cán bộ, nhân viên chưa tương xứng với sự quan tâm mà mọi người dành cho tôi. Tôi luôn cảm thấy mình là người mắc nợ.

 

          P/v: Xin cảm ơn chị 

 

          Để hiểu thêm về công việc của nhà báo Nguyễn Kim Yến, NSTT cũng đã có một cuộc "đi vòng" tiếp xúc với các cán bộ, biên tập viên đã và đang công tác cùng chị và ghi nhận được những tâm sự chân tình:

 

           * Chị Nguyễn Thị Kim Dung, Chủ tịch Công đoàn Ban:

          Công tác với chị Yến ở Ban đã lâu năm, trong quãng thời gian gắn bó ấy, tôi đã "đong đầy"được nhiều tình cảm tốt đẹp, và đối với tôi ấn tượng sâu đậm nhất về con người chị Yến đó là một người cán bộ gương mẫu, hết lòng vì công việc. Chị bao quát, quản lý công việc một cách toàn diện, chặt chẽ từ nhiều phía và luôn có sáng kiến cải tiến về kỹ năng làm thông tin đối ngoại đảm bảo nhanh, chính xác, đa dạng với nhiều chuyên mục. Tôi thực sự tâm đắc phong cách làm việc có tính nguyên tắc, cẩn trọng, công tâm, chu đáo và đầy trách nhiệm của chị ấy.

 

          Một ưu điểm nữa tôi thấy ở chị ấy là tinh thần vì tập thể, vì sự đoàn kết, gắn bó trong Ban. Chị đã dành sự quan tâm đặc biệt cho hoạt động công đoàn, đưa ra các sáng kiến và chỉ đạo việc tổ chức các hoạt động tập thể bổ ích, thiết thực như: Gặp mặt tất cả các gia đình cán bộ, viên chức trong ban; thi tin hay, giải thể thao và văn nghệ của Ban; tổ chức đám cưới tại công sở cho phóng viên trẻ gia đình ở xa Hà Nội; tổ chức hoạt động vui chơi cho các cháu nhân ngày Quốc tế thiếu nhi, Tết Trung thu. Chị cũng rất quan tâm đến người cao tuổi, tổ chức thăm hỏi các cán bộ hưu trí, anh chị em khi bị ốm đau... Có lẽ vì là lãnh đạo nữ nên chị thấu hiểu tâm tư tình cảm của chị em trong Ban, được nhiều chị em tìm đến giãi bày và có phương án giải quyết những thắc mắc, suy tư. Cứ như vậy, chị "phải gánh thêm" công tác hòa giải: Hòa giải giữa các đồng nghiệp và hòa giải giữa các thành viên trong gia đình riêng của viên chức. Được sự quan tâm của chị và lãnh đạo Ban, hoạt động công đoàn luôn đạt được những kết quả tích cực, không khí sinh hoạt tập thể sôi nổi thực sự, chất lượngcông việc tăng lên, tình đoàn kết gắn bó chặt chẽ hơn.

 

          * Chị Nguyễn Thị Tám, Bí thư chi đoàn Ban:

          Dưới lăng kính của tôi - người đã có thời gian làm việc hơn 10 năm ở BĐN thì tôi nhận thấy điểm nổi bật ở chị Yến là tinh thần trách nhiệm cao, thực sự sâu sát và tận tâm với công việc. Phần lớn thời gian của chị là dành cho công việc, kể cả ngày nghỉ (chị Yến thường dành 11 - 12 tiếng làm việc tại cơ quan). Mỗi khi phân công công việc cho cá nhân hay tập thể nào trong Ban, chị đều giám sát sát sao, đôn đốc nhắc nhở để công việc hoàn thành đúng tiến độ và đạt hiệu quả cao nhất. Về điểm này, chị thực sự là một tấm gương đối với một cán bộ phòng trẻ như tôi.

 

          Là Trưởng Ban kiêm Bí thư Chi bộ, chị cũng dành sự quan tâm đặc biệt đối với tổ chức đoàn thanh niên của Ban. Bên cạnh việc gợi ý những hình thức hoạt động Đoàn, thậm chí gợi mở cách lãnh đạo Đoàn ở một đơn vị làm thông tin, chị còn nhiệt tình tham gia các hoạt động của Chi đoàn khi có thể, như các buổi tham quan, sinh hoạt văn hóa- văn nghệ, quyên góp ủng hộ nạn nhân chất độc da cam... Về chuyên môn, chị cũng là một trong số ít cán bộ ban trực tiếp tổ chức các buổi rút kinh nghiệm thông tin cho đoàn viên trẻ, thông qua các giải báo chí của đoàn thanh niên hoặc của ngành mà chị là thành viên Ban giám khảo. Đồng thời, chị thường xuyên khuyến khích viết tin bài để tích luỹ kinh nghiệm, trau dồi nghiệp vụ...

 

          Một chi tiết đáng nhớ là tại một hội nghị tổng kết công tác thi đua của ban mà chị Yến là một trong những điển hình thi đua được báo cáo trước hội nghị, tôi đã trực tiếp đặt một câu hỏi khá tế nhị với chị Yến về việc chị và phu quân (Nhà báo Nguyễn Quốc Dũng) cùng là thành viên của Ban phụ trách có gây khó khăn cho công việc của chị không. Câu trả lời là nguyên tắc làm việc tập thể và đặt hiệu quả công việc chung lên trên hết đã giúp chị xóa đi những nghi ngại trong vấn đề này; dân chủ và công bằng nội bộ là yếu tố cốt lõi của thành công. Trên thực tế, công việc của BĐN đang ngày càng tiến triển thuận lợi, tinh thần đoàn kết nội bộ ngày càng nâng cao, hiệu quả công việc nâng lên rõ rệt.

 

          * Chị Nguyễn Kim Yến, phụ trách Phòng Lưu trữ- Thư viện, Trung tâm Dữ kiện - Tư liệu, đã từng công tác ở BĐN:

          Kim Yến đã rất thành công trong vai trò một người con, một người vợ, người mẹ. Gia đình bố mẹ chồng Yến quê ở Thái Bình. Sau khi cưới, hai vợ chồng mời ông bà ra Hà Nội ở để được gần gũi chăm sóc, nhưng ông bà lại thích ở quê. Vậy là, trong hơn 10 năm liên tục, hai vợ chồng Yến đều về Thái Bình ăn Tết, lo săn sóc các cụ. Kim Yến rất chịu khó, chịu thương trong công việc gia đình nội ngoại. Được gia đình hai bên nội ngoại rất quý. Yến vừa mang nét dịu dàng, đôn hậu của người phụ nữ, chị vừa nghiêm nghị, dứt khoát trong xử lý công việc.

 

          * Chu Thuý Dung, biên tập viên trẻ: 

          Cô Yến giúp em từng bước vững tay nghề khi vừa mới "chân ướt chân ráo" đặt chân về Ban. Cô đã truyền nghề, truyền kinh nghiệm làm báo cho em bằng cách cử các anh, chị phóng viên có kinh nghiệm chỉ bảo cặn kẽ về cách biên tập, làm tin. Đồng thời, cô còn trực tiếp có các buổi trao đổi, hướng dẫn em cách làm tin thế nào cho hay, nhất là cách cấu trúc một tin, bài viết, tít tin, mào đầu như thế nào để hấp dẫn bạn đọc nhưng mà ... (cười) phải đúng định hướng, chính xác sự kiện và văn phạm. Mặc dù là phóng viên trẻ, nhưng em và các bạn đã được Ban cho tham gia khóa học về cách viết tin do Trung tâm Bồi dưỡng Nghiệp vụ Thông tấn; do Hội đồng Anh tổ chức. Em còn được tạo điều kiện cho đi công tác ở Quảng Nam, trực tiếp làm công tác phóng viên, viết được một số tin bài và quan trọng nhất là em học hỏi được nhiều kinh nghiệm từ thực tiễn. Ban đầu mới vào ban, thấy cô Yến "nghiêm" quá, "bắt" làm việc phải "đâu ra đấy" em hơi "run", nhưng đúng là nhờ vậy mà em học được rất nhiều điều bổ ích.

 

          * Nguyễn Hữu Hiền, kỹ thuật viên:

          Biết em là người ngoại đạo (Hiền học Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội) cô Yến đã tận tình chỉ bảo, dìu dắt em từng bước, dạy em cách làm "nghề" báo- đó là cách chọn, tin hay, ảnh đẹp - thời sự để phát mạng. Cảm nhận của em về cô Yến là tinh thần làm việc rất miệt mài, có khi đến khuya, cẩn thận duyệt tin, bài để kịp thời phát lên mạng phục vụ bạn đọc trong nước và quốc tế. Mặc dù cô Yến không trực tiếp làm công việc phát tin lên mạng, nhưng cô đã chỉ đạo chúng em kịp thời phát tin để đạt hiệu quả cao. Cô rất quan tâm đến trang web của Ngành cả về nội dung - hình thức; luôn nhắc nhở các kỹ thuật viên phải thận trọng khi chọn và biên tập ảnh đi kèm với tin khi phát lên mạng Internet.

Bình Minh
(Theo Nội san Thông tấn, số 6-2006)

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Cỳằ™c thi Nhiỏº¿p ỏºÊnh BÃĂo chÃư chÃÂu Á  (03/07/2006 11:08:17)

Tự học để có thêm nhiều cơ hội  (03/07/2006 11:04:31)

Hãy làm việc hết mình đi đã!  (03/07/2006 10:59:02)

Nhà báo có cần biết khiêu vũ? (03/07/2006 10:56:53)

Bài học của nhà nhiếp ảnh lão thành Võ An Ninh  (03/07/2006 10:51:54)

Báo chí Thuỵ điển coi trọng quyền riêng tư cá nhân  (27/03/2006 15:40:01)

Những tờ báo, hãng thông tấn lạ trên Thế giới (27/03/2006 15:40:01)

Nước Mỹ đào tạo nhà báo tương lai như thế nào? (27/03/2006 15:40:01)

Ý kiến nhỏ về lối làm tin công thức, dập khuôn  (27/03/2006 15:40:01)

Nhà báo & nhân cách nghề nghiệp (27/03/2006 15:40:01)