Thứ hai, ngày 08/07/2024

Trao đổi - Thảo luận

Tự học để có thêm nhiều cơ hội


(03/07/2006 11:04:31)

Vượt qua 26.000 tác phẩm ảnh từ 14 quốc gia châu Á, bức ảnh "Xem truyền hình chảo ở vùng cao Hà Giang" của Nguyễn Việt Thanh, phóng viên Báo Việt Nam News, đã vinh dự đoạt giải Vàng, giải cao nhất dành cho thể loại ảnh báo chí Cuộc sống thường nhật trong cuộc thi Nhiếp ảnh Báo chí Châu Á (Asia Press Photo Contest - APPC) lần thứ nhất. Phóng viên Nội san Thông tấn đã có buổi trò chuyện ngắn với Nguyễn Việt Thanh ngay sau khi anh vừa trở về từ lễ trao giải ở Bắc Kinh (Trung Quốc). Cuộc trò chuyện liên tục bị cắt ngang bởi những cú điện thoại gọi đến chúc mừng...

          * Xin chúc mừng anh! Cảm giác của anh như thế nào khi biết tin mình đoạt giải Vàng tại một cuộc thi lớn như vây?

          Nguyễn Việt Thanh (NVT): Tôi rất vui. Cách đây nửa tháng, tôi đã không tin vào tai mình khi nhận được thông báo từ báo China Daily và tập đoàn Asia News Network (hai nhà tài trợ chính cho cuộc thi - PV)

 

          * Được biết, lễ trao giải Vàng cho các tác giả đoạt giải được tổ chức tại Bắc Kinh ngày 1/6 vừa qua. Ấn tượng của anh khi tham dự lễ trao giải này? 

          NVT: - Lễ trao giải được tổ chức long trọng tại Đại lễ đường Nhân dân Bắc Kinh. Tôi thực sự ấn tượng trước một lễ trao giải lớn như vậy. Có khoảng 6 hãng truyền hình và hàng trăm tờ báo đã đến đưa tin về sự kiện này. Tôi đã nhận được rất nhiều lời chúc mừng qua điện thoại. Điều đó khiến tôi rất vui. Cũng xin nói thêm là ngoài bức ảnh được giải Vàng, tôi còn một bức ảnh về cúm gia cầm được treo danh dự tại triển lãm. Ngoài ra, TTXVN còn có một bức ảnh khác được treo danh dự, đó là ảnh của anh Tứ Hải (phóng viên ảnh VPĐD TTXVN tại TP.HCM- PV). Song song với lễ trao giải là một cuộc triển lãm các tác phẩm đoạt giải được tổ chức tại Tòa soạn báo China Daily. Theo tôi biết, Ban Tổ chức cuộc thi dự định sẽ mang những bức ảnh này đi triển lãm ở hầu hết các nước châu Á.

 

          * Anh đã chụp "Xem truyền hình chảo ở vùng cao Hà Giang" trong hoàn cảnh nào?

          NVT: - Dịp Tết Bính Tuất vừa rồi, tôi lên Hà Giang với dự định làm một phóng sự ảnh về bà con dân tộc đón Tết cổ truyền. Khi đi ngang qua một bản cách huyện Quản Bạ khoảng 40 km thì gặp cảnh bà con đang mải mê xem VTV qua vệ tinh. Thế là tôi dừng xe lại. Ban đầu mọi người rất tò mò khi thấy có người định chụp ảnh họ. Tôi chờ cho đến khi đám đông không còn chú ý đến mình nữa thì bấm máy.

 

          * Chụp ảnh báo chí, theo anh, điều gì là quan trọng nhất?

          NVT: - Theo tôi, ảnh báo chí phải có tính thời sự và phản ánh đúng sự thật. Những bức ảnh báo chí nổi tiếng luôn tạo được ấn tượng, khiến người xem phải nhớ lâu và nó có giá trị hơn hàng ngàn từ. Ý đồ của tác giả khi định chụp một tấm ảnh cũng rất quan trọng, cần phải biết mình chụp cái gì và với cách nhìn nhận vấn đề như thế nào.

 

          * Được biết, trước khi đến với nhiếp ảnh, anh đã từng qua không ít nghề, anh đã gắn bó với nhiếp ảnh từ khi nào vậy?

          NVT: - Tôi tốt nghiệp Đại học chuyên ngành Khảo cổ năm 1992 nhưng không theo nghề đã học mà mày mò tự học về đồ hoạ. Rồi năm 30 tuổi, tôi bắt đầu tự tập chơi piano bởi ước mơ cháy bỏng từ nhỏ của tôi là trở thành một tay pianist. Năm 1995, tôi về thiết kế đồ họa ở báo Việt Nam News cho đến năm 1997, tôi có ý nghĩ là mình phải thử chụp ảnh xem sao và thế là "lọ mọ" tìm tòi, nghiên cứu, tự học và chụp. Năm 2001, may mắn được tham gia một khóa học về nhiếp ảnh do hãng thông tấn AP tài trợ, tôi đã học hỏi được rất nhiều từ những nhà nhiếp ảnh báo chí nổi tiếng thế giới như Tim Page, Jame Nachway và Gray Knight. Chính lớp học này đã mở cách cửa giúp tôi bước ra với thế giới nhiếp ảnh báo chí rộng lớn. Có thể nói, mười mấy năm làm việc trong môi trường tiếng Anh đã giúp tôi rất nhiều. Ngoại ngữ chính là cây cầu nối đến với các cơ hội. Tôi đã may mắn được tham dự 4 khóa đào tạo nhiếp ảnh báo chí ở nước ngoài. Gần đây nhất là khóa học 3 tháng ở Học viện Báo chí quốc tế Béc-lin (Đức) do Tòa soạn báo Việt Nam News tạo điều kiện. Tôi là người Việt Nam duy nhất tham gia khóa học và cũng là người duy nhất đạt chứng chỉ xuất sắc.

 

          * 10 năm gắn bó với nhiếp ảnh, quãng thời gian chưa phải là dài nhưng cái tên Nguyễn Việt Thanh đã được giới nhiếp ảnh biết đến. Anh có thể chia sẻ bí quyết thành công của mình?

          NVT: - Bí quyết thành công của tôi chỉ đơn giản là thông thạo ngoại ngữ. Bởi như tôi đã nói, đó là cây cầu nối giúp phóng viên tiếp xúc với nhiếp ảnh báo chí hiện đại. Bên cạnh đó không thể thiếu lòng yêu nghề, say nghề và dành nhiều thời gian để tìm tòi, học hỏi. Tôi cũng may mắn là được học hỏi nhiều từ các đồng nghiệp đi trước, được làm việc trong một Tòa soạn có môi trường tự đào tạo tốt và luôn tạo điều kiện cho phóng viên tham gia các khóa học nâng cao nghiệp vụ.

 

          * Có một vấn đề đặt ra là: Việt Nam chưa bao giờ đoạt giải tại các cuộc thi ảnh báo chí thế giới kể từ năm 1975 đến nay, thậm chí ảnh để chọn treo cũng không được. Anh suy nghĩ như thế nào về vấn đề này?

          NVT: - Tôi biết rất rõ ở Việt Nam có những phóng viên ảnh báo chí chụp tốt hơn tôi rất nhiều. Nhưng điều quan trọng nhất là lựa chọn bức ảnh nào để gửi dự thi và bức ảnh đó mang thông điệp gì. Yếu tố không thể thiếu tạo nên thành công chính là sự cọ sát với nền báo chí hiện đại.

 

          * Vậy theo anh, nhiếp ảnh báo chí Việt Nam phải làm gì để bắt kịp với nhiếp ảnh báo chí thế giới?

          NVT: - Chỉ có cách là các nhà nhiếp ảnh Việt Nam phải tự học và tìm cơ hội tiếp xúc nhiều với ảnh báo chí thế giới. Bên cạnh đó các biên tập viên ảnh báo chí cũng phải có nhiều kinh nghiệm và tư duy mới để biên tập, phát hiện những bức ảnh có ý tưởng mang phong cách thời đại.

 

          * Anh có dự định gì trong thời gian tới?

          NVT: - Nghề ảnh có nghĩa là phải đi, đi nhiều và khám phá. Tôi sẽ tiếp tục đi và khám phá cuốc sống.

 

          * Xin cảm ơn anh đã dành thời gian trò chuyện với NSTT. Xin chúc anh tiếp tục vươn tới những thành công mới.

Minh Anh - Mạnh Hà
(Theo Nội san Thông tấn, số 6-2006)