Thứ hai, ngày 08/07/2024

Trao đổi - Thảo luận

Nhà báo có cần biết khiêu vũ?


(03/07/2006 10:56:53)

Đã hơn 10 năm nay, tôi vẫn suy ngẫm về điều tâm sự của những bạn đồng nghiệp trong cơ quan ta và cơ quan bạn rằng "Chúng ta đã chú ý đào tạo, bồi dưỡng những người làm báo về chính trị, nghiệp vụ, ngoại ngữ, nhưng vẫn có một nội dung chưa được đào tạo bài bản, đến nơi đến chốn, đó là khiêu vũ". Dường như, họ đã không chỉ nói chơi cho vui câu chuyện.

          Trong những dịp đến Viêng Chăn đưa tin, chụp ảnh, quay phim về hoạt động của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ ta thăm Lào, sau những hoạt động chính thức, các đồng chí lãnh đạo khối báo chí, tuyên truyền của bạn thường mời anh em làm báo đến câu lạc bộ để... "xả hơi". Đến đây, mọi người được trò chuyện, uống rượu, uống bia và cả khiêu vũ nữa. Khoản rượu, bia thì anh em ta tỏ ra không thua kém, nhưng nói đến khiêu vũ thì nhiều người lại ái ngại. Nhưng anh em bảo nhau cứ đi dể xem sao. Điều thu nhận được sau khi ở vũ trường ra, không phải là một niềm vui mà là một nỗi buồn, một sự hổ thẹn vì thấy mình thua kém người ta trong một sân chơi. Bạn mời ra sàn nhẩy, có người tìm mọi lý do từ chối. Có người liều mình ra sàn, bạn nhẩy dắt đi vũ điệu Waltz, Tango hay Chachacha đều không biết. Đơn giản ngay như Lămvông, nếu đi đúng vũ điệu thì rất đẹp. Nhưng anh em ta bước đi tùy tiện, không đúng nhạc, đúng nhịp, tay thì khua khoắng lung tung trông rất buồn cười.

 

          Điều tâm sự của các đồng nghiệp hơn 10 năm trước đây đến nay vẫn mang tính thời sự. Khiêu vũ là sân chơi văn hóa, nhưng do quan niệm lệch lạc của "một thời xa vắng" còn ám ảnh, không hiểu biết, không được đào tạo cơ bản, nên nhiều người xa lánh sân chơi này. Các khách sạn lớn tại các thành phố, các khu du lịch nổi tiếng như Hạ Long, Đồ Sơn, Sầm Sơn, Cửa Lò, Hồ Núi Cốc... đã có các dancing club, nhưng dường như vẫn vắng bóng cánh nhà báo.

 

          Hãy gạt sang một bên kiểu múa may của một số đám trẻ đến vũ trường, quán bar để nốc bia rượu rồi nhảy loạn xạ như điên như dại, khiêu vũ quốc tế thực sự là một hoạt động văn hóa lành mạnh mang lại cho con người một niềm vui, một niềm tin và sức khoẻ. Không những thế, vũ trường còn là điểm đến để gặp gỡ, giao lưu với các đồng nghiệp và với các giới chức khác, từ đây có thể nắm thêm tình hình hoặc được gợi mở những đầu mối thông tin. Gặp gỡ, giao lưu với bạn Lào, chúng tôi biết trước tin đồng chí Saman Vinhaket, Bộ trưởng Giáo dục, được bổ nhiệm giữ chức Chủ tịch Quốc hội. Tôi và anh Ngọc Quán (phóng viên ảnh) đã phỏng vấn đồng chí Saman về những đổi mới ở Lào sau 17 năm giải phóng. Khi Quốc hội Lào họp, công bố chính thức, chúng tôi đã có bài và ảnh gửi về Tổng xã. Báo Thể thao & Văn hóa của ta đăng bài phỏng vấn cùng với ảnh của anh Ngọc Quán.

 

PV TTX tham gia chương trình du lịch khiêu vũ tại Kim Bôi - Hoà Bình. (Ảnh: Thế Nghiệp).

          Một lần khác, cũng nhờ tham gia hoạt động này, chúng tôi đã được thông tin trước khoảng 2 tiếng về việc đồng chí Cayxon Phomvihan, Chủ tịch BCH TW Đảng Nhân dân cách mạng Lào, người bạn lớn của nhân dân ta từ trần. Chúng tôi tức tốc đến gặp các bạn Lào ở KPL và ở Đài Phát thanh, truyền hình Lào để xin toàn bộ các tư liệu, văn kiện bằng tiếng Lào và tiếng Việt về việc tổ chức lễ tang để đối chiếu và chỉnh lý. Khi được phép chính thức công bố tin đau buồn này, anh em Phân xã Viêng Chăn đã kịp thời phát về Tổng xã một loạt tin, bài quan trọng để sáng hôm sau, các báo ở nước ta cùng với các báo ở Viêng Chăn đăng tải đầy đủ Thông cáo của BCH TW Đảng và Nhà nước Lào, Tiểu sử Đồng chí Cayxon và Ban tổ chức lễ tang. Nếu không tiếp cận trước đầu mối thông tin, nếu không có sự chuẩn bị, chắc chắn chúng tôi sẽ lúng túng và khó hoàn thành nhiệm vụ. Không chỉ đối với phóng viên tác nghiệp ở nước ngoài, theo chúng tôi, phóng viên tác nghiệp trong nước cũng cần biết khiêu vũ quốc tế.

 

          Liên Chi hội nhà báo TTXVN đã thấy rõ sự cần thiết phóng viên, biên tập viên ngoài việc giỏi về chuyên môn, vi tính và ngoại ngữ cần phải biết khiêu vũ. Một khóa học khiêu vũ đã được mở tại Hội trường Báo ảnh Việt Nam vào năm 2002, tuần học 2 buổi sau giờ làm việc, thu hút nhiều người đến học. Nhưng do thời gian học ngắn, giáo viên phải hướng dẫn nhồi nhét hai, ba điệu trong khoảng 2 tiếng đồng hồ, nên học viên học rất lơ mơ, kết thúc khóa học không đi được vũ hình nào. Buổi liên hoan tất niên năm ấy tại 33 Lê Thánh Tông, mọi người hăm hở kê dọn bàn ghế sang một bên để có sàn khiêu vũ. Đáng tiếc là nhạc nổi lên, các học viên vẫn không đi được điệu nào ra hồn, nhiều người bỏ ra về. Chỉ có số ít thanh niên ở lại nhún nhẩy, lắc lư tự do, chẳng ra điệu nào cả. Tôi muốn nhắc lại điều này để chúng ta cùng suy ngẫm.

 

          Để hiểu biết và hành xử thạo một sinh hoạt văn hóa đẹp phải có sự đầu tư không chỉ thời gian mà cả tiền bạc nữa. Ngoài việc cơ quan tạo điều kiện cho cán bộ, công nhân viên học khiêu vũ, bản thân mỗi người phải có sự đam mê và đầu tư thích đáng. Sẽ không còn phù hợp với lối suy diễn của một thời ấu trĩ, rằng "muốn tôi có sức khoẻ và tinh thần để làm việc tốt, cơ quan phải cho thời gian và tiền bạc đi học". Nếu một ai đó không thấy sự cần thiết phải học khiêu vũ, không muốn tự trang bị cho mình một sự hiểu biết toàn diện, người đó sẽ dần trở nên lạc lõng trong thời kỳ mở cửa hội nhập ngày càng sâu rộng này.

Nguyễn Thế Nghiệp
(Theo Nội san Thông tấn, số 6-2006)

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Bài học của nhà nhiếp ảnh lão thành Võ An Ninh  (03/07/2006 10:51:54)

Báo chí Thuỵ điển coi trọng quyền riêng tư cá nhân  (27/03/2006 15:40:01)

Những tờ báo, hãng thông tấn lạ trên Thế giới (27/03/2006 15:40:01)

Nước Mỹ đào tạo nhà báo tương lai như thế nào? (27/03/2006 15:40:01)

Ý kiến nhỏ về lối làm tin công thức, dập khuôn  (27/03/2006 15:40:01)

Nhà báo & nhân cách nghề nghiệp (27/03/2006 15:40:01)

Về ảnh nghệ thuật và ảnh báo (27/03/2006 15:40:01)

Các kỹ năng phỏng vấn (27/03/2006 15:40:01)

Thông tin các phân xã trong nước:Lượng tăng nhưng chất chưa tăng  (27/03/2006 15:40:01)

Một sự tìm tòi trong bố cục thể hiện  (27/03/2006 15:40:01)