Thứ tư, ngày 24/04/2024

Phát hiện bồi dưỡng

Tuyển chọn và sử dung những cây bút giỏi


(15/08/2006 10:36:18)

Trong việc bồi dưỡng các cây bút giỏi, việc tuyển chọn và sử dụng là hai trong những yếu tố không thể xem nhẹ.

          Nội san thông tấn đã có cuộc trao đổi về vấn đề này với Quyền Tổng biên tập Tuần tin Khoa học và Công nghệ Vũ Trung Hương. Sau đâu là nội dung cuộc trao đổi.
PV. - Anh có theo dõi loạt bài trong Diễn đàn "Phát hiện và bồi dưỡng cây bút giỏi" trên Nội san thông tấn không?

          Đ/C VŨ TRUNG HƯÆ NG (VTH): - Có chứ! Đấy là vấn đề quá lớn quyết định sự tồn tại và phát triển của cơ quan trong thời đại bùng nổ thông tin, để Thông tấn xã Việt Nam giữ vững và nâng cao vị thế, vươn lên ngang tầm những mục tiêu, nhiệm vụ ngày càng cao mà Đảng và Nhà nước đặt ra cho một hãng thông tấn quốc gia và khu vực.


          PV:- Anh có thể chia sẻ những suy nghĩ, trăn trở của mình!

          VTH - Với tư cách của người trên 30 năm làm thông tin khoa học, tôi có thể nói rằng Ban lãnh đạo cơ quan, Ban Tổ chức cán bộ, Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ Thông tấn như một đơn vị chuyên ngành đã lo và làm được nhiều việc theo hướng tuyển chọn và đào tạo những cây bút giỏi cho TTXVN. Còn bản thân tôi, từ người biên dịch, biên tập, phóng viên đi lên đến khi giữ vai trò cán bộ quản lý tôi muốn nhấn mạnh thêm đến quá trình tự học của người cầm bút.


          Nói một cách nôm na việc tuyển chọn và đào tạo, bồi dưỡng những cây bút giỏi, sắc sảo cũng giống như việc chọn giống cây, giống cho năng suất cao trong sản xuất nông nghiệp. Xin lỗi đồng chí về sự so sánh có phần hơn thô thiển nhưng đúng như vậy: cây con có khoẻ, chống được sâu bệnh, chịu được hạn, úng hay không, thời kỳ sinh trưởng ngắn hay dài, rồi thì chăm sóc thế nào, có ra hoa kết trái cho năng suất thu hoạch cao không...Tóm lại phải tính đến hiệu quả. Tất nhiên, đối với con người, nhất là người chiến sĩ cầm bút của Đảng, phải có những tiêu chuẩn hàng đầu như lòng yêu nước, lòng trung thành với lý tưởng...mà chúng ta đã nói nhiều. Trong một cuộc trao đổi ngắn, tôi xin nhấn mạnh mấy điểm sau:


          Thứ nhất, phải chọn những người có năng khiếu làm thông tin, làm báo. Cái nghề này cũng như viết văn ấy, là nghề sáng tạo. Có phải ai cứ qua trường viết văn Nguyễn Du là trở thành nhà văn đâu, mà người ta chọn từ cơ sở, từ những người có thiên hướng, có tác phẩm để đi đào tạo thêm đấy chứ!


          Cũng về phương diện này, theo tôi, cần chọn để bồi dưỡng làm nòng cốt những người say nghề, coi việc cầm bút, viết lách (viết tin, viết bài) là sự nghiệp của cuộc đời. Ngoài ra còn phải kể đến năng khiếu ngoại ngữ đối với những người làm tin thế giới, tin đối ngoại. Nhưng có một điều mà chúng ta còn chưa chú ý đủ khi tuyển chọn và đào tạo: đó là Tiếng Việt. Không thể chấp nhận một phóng viên còn viết sai ngữ pháp, thậm chí sai chính tả. Không giỏi tiếng mẹ đẻ thì viết hay thế nào được?


          Thứ hai, đương nhiên, ở một cơ quan lớn với nhiều đơn vị chức năng như TTXVN thì phải tuỳ theo nhiệm vụ- mục tiêu mà nhấn mạnh đến tính chuyên ngành hẹp khi tuyển lựa và đào tạo bồi dưỡng. Trước đây cơ quan ta đã từng tuyển chọn các phóng viên tốt nghiệp khoa ngữ văn; khoa sinh, khoa lý… Một người theo dõi về ngoại thương, chứng khoán không thể không qua các trường lớp kinh tế, cũng như một người biên tập tin Khoa học và Công nghệ không thể không biết gì về y tế, giáo dục, môi trường, tin học…


          Thứ ba, là nên kết hợp việc tuyển chọn từ nhiều nguồn khác nhau; có thể là những bạn trẻ mới tốt nghiệp đại học nhưng cũng có thể là phóng viên, biên tập đã từng công tác ở các cơ quan báo chí. Thậm chí, có thể chọn những cháu còn đang học năm thứ hai, thứ ba chưa ra trường, có năng khiếu, có thành tích học tập, đang cộng tác với các bản tin, các tờ báo trong và ngoài cơ quan. Bằng cách này, ta có thể tạo ra được "vườn ươm cây giống" với nguồn dự trữ dồi dào nhưng lại bỏ ra chi phí thấp nhờ sự cộng tác của các khoa, lớp, trường đại học.


          Tôi xin phép không đề cập các hình thức thi tuyển và đào tạo mà những đơn vị chức năng của cơ quan đã tích luỹ được nhiều kinh nghiệm. Tôi chỉ muốn nhấn mạnh đến ý cuối cùng là việc sử dụng người đã chọn, đã đào tạo, đã bồi dưỡng, không để tài năng bị thui chột theo năm tháng…


          Chính việc sử dụng đúng người, đúng việc mới mang lại hiệu quả cho các khâu trước đó. Sử dụng đúng người, đúng việc bằng cách tạo "đất dụng võ" để người đó nâng cao tay nghề cũng là bồi dưỡng không để tài năng thui chột theo năm tháng. Tôi lấy ví dụ, có thể nói, chúng ta vẫn thiếu những nhà bình luận, những nhà phân tích sắc sảo. Vì sao? Có phải vì chúng ta chưa đào tạo, bồi dưỡng? Tôi khẳng định là không vì chúng ta đã có những người làm được, thậm chí làm tốt là đằng khác. Nhưng thực tế là, trước những sự kiện trong nước và thế giới nóng bỏng, các báo của cơ quan hầu như chưa dành "đất" cho thể loại bình luận, phân tích mà mới chỉ tổng hợp những ý kiến bình luận, phân tích của người khác. Nhân đây, cũng phải nói rằng, hiện nay chúng ta đã "thoáng" nhiều. Trước đây, việc một cây viết giỏi không có đất "dụng võ" đành hợp tác với các cơ quan báo chí bạn bị xem như phạm điều "cấm kỵ". Một điều cấm bất thành văn. Phải coi việc lính nhà mình được các đơn vị khác mời "đánh thuê" cũng là dịp rèn dũa, tập luyện, thậm chí còn là niềm tự hào nữa chứ. Vì đó là "thương hiệu" của mình mà.


          PV:- Còn việc đào tạo anh có bổ sung thêm ý gì?
          VTH: - Tôi đã nói là cơ quan và Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ Thông tấn làm được nhiều việc rồi mà. Tôi chỉ muốn nhấn mạnh đến quá trình tự học của người phóng viên, biên tập như ở trên đã nói. Cần tạo một thói quen tự học qua đọc, nghe, quan sát trong suốt quá trình công tác. Đồng thời, tôi muốn bổ sung một hình thức đào tạo bồi dưỡng như cử đi biệt phái sang công tác ở các cơ quan báo bạn, kể cả các báo địa phương và Trung ương. Tất nhiên là cần có sự liên kết với họ.


          Trên đây chỉ là mấy thiển ý của tôi, mong được góp một số ý tưởng, tiếng nói vào công tác đào tạo bồi dưỡng của cơ quan.


          PV: Xin cảm ơn anh đã dành thời gian cho NSTT.

PV (thực hiện)
(Theo Nội san Thông tấn, số 5-2006)

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Đừng đợi nước làm ướt chân! (15/08/2006 10:35:03)