Thứ hai, ngày 08/07/2024

Trao đổi - Thảo luận

Thư ngỏ gửi biên tập viên


(04/08/2006 11:21:59)

LTS: Sau khi NSTT số tháng 4/2006 đăng bài "Biến áp lực thành động lực nâng cao chất lượng thông tin", chúng tôi nhận được "thư ngỏ" của bạn Đức Linh trao đổi một số vấn đề mà bạn Lê Huyền đã nêu trong bài viết của mình. Đây là tín hiệu tốt để tạo ra bầu không khí tranh luận thẳng thắn, cởi mở, mang tính xây dựng nhằm tạo bước đột phá trong công tác thông tin của ngành. Để bảo đảm thông tin nhiều chiều và làm cho Nội san thực sự trở thành Diễn đàn trao đổi nghiệp vụ trong toàn ngành, chúng tôi xin đăng bức thư này và rất mong các phóng viên, biên tập viên tiếp tục trao đổi xung quanh vấn đề này.

          Trước tiên, xin tự giới thiệu, tôi là một phóng viên, có thời gian công tác trên 20 năm và đã lưu chuyển qua vài ba phân xã trong nước nên cũng tích cóp được đôi chút kinh nghiệm làm báo. Hôm rồi, đọc bài viết của bạn Lê Huyền "Biến áp lực thành động lực nâng cao lượng thông tin" đăng trên Nội san Thông tấn số tháng 4/2006, tôi rất băn khoăn. Không thể cầm lòng được, tôi mạnh dạn viết bức thư ngỏ này gửi các biên tập viên ở Tổng xã và bạn Lê Huyền với hy vọng giữa phóng viên và biên tập viên thêm hiểu và thông cảm với nhau hơn, cùng chung sức phấn đấu thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng thông tin của toàn Ngành.

          Thực tình tôi không rõ bạn Lê Huyền đang ở độ tuổi nào, vào nghề được bao năm và đã qua trải nghiệm làm phóng viên thường trú ở các phân xã trong nước chưa? Tít bài viết của bạn trên Nội san Thông tấn xem ra rất đúng định hướng nhưng những vấn đề mà bạn nêu ra thì còn nhiều điều cần phải bàn lại một cách thật sự khách quan. Thú thật, đọc bài viết của bạn xong tôi thấy vô cùng hụt hẫng vì cách nhìn nhận, đánh giá "một chiều" của bạn. Liệu có khách quan khi bạn "chê" phóng viên (PV) phân xã trong nước vẫn còn đưa nhiều sản phẩm kém chất lượng về (đầu vào) khiến cho biên tập viên (BTV) ở Tổng xã phải vất vả, đắn đo, khó nghĩ... khi xử lý tin bài. Hơn nữa, bạn còn viện dẫn cả "tình thương" của người biên tập do sợ PV không đạt định mức nên rất ngần ngại loại bỏ tin bài kém chất lượng cùng nhiều "áp lực" khác nữa. Vì sợ mình nhầm chăng nên tôi đã đọc lại bài viết một vài lần nữa, nhưng tịnh tôi không tìm thấy một chữ nào bạn đánh giá về đội ngũ BTV hiện nay đang "ngồi" ở Tổng xã. Theo bạn, đội ngũ này đang rất "ổn" sao!

          Là một PV phân xã không vì thấy bị người chê mà tức, nhưng chân tình mà nói, tôi không đồng ý với cách "chê" một chiều của bạn. Theo nhận thức của tôi, khi TTXVN phát tin thì dòng tin, bài viết đó là sản phẩm của cả một tập thể PV, BTV, cán bộ hiệu đính, kỹ thuật... chứ hoàn toàn không phải của riêng cá nhân ai. Tất nhiên "có bột mới gột nên hồ", các PV cung cấp đầu vào có tốt thì các ban biên tập sẽ đỡ vất vả và sản phẩm thông tin đó dù phát mạng hay phát báo đều có giá trị. Tôi cũng biết, đội ngũ PV phân xã trong nước hiện nay còn rất nhiều bất cập. Người thì quá lâu năm nên "chai" trong hoạt động nghiệp vụ; người thì vừa vào cơ quan, chưa từng học nghề báo và làm báo ngày nào đã đưa đi phân xã; người thì hạn chế về chuyên môn; có vấn đề về sức khỏe... Chính vì vậy, việc sản phẩm họ đưa về còn nhiều "hạt sạn" là điều khó tránh khỏi. Nhưng khi bạn Lê Huyền nói rằng, BTV rất hay phải tặc lưỡi "cho qua vậy" đối với những "hạt sạn" vẫn khiến tôi thấy mủi lòng vì có cảm giác như đang nhận một sự ban ơn! Những PV có năng lực và tâm huyết nghề nghiệp không bao giờ muốn nhận cái tặc lưỡi và câu nói đó đâu, càng không muốn khi nghe bạn bộc bạch: "Khi biên tập thì bọn em chỉ cần biết đó là cái tin thôi, đằng này còn được nhắc đó là tin của Trưởng phân xã này hay con em của người nọ". Tôi bị sốc thật sự: Chẳng lẽ, có lúc mình được sử dụng tin là do thuộc diện được "nể nang" như vậy sao!!!

          Không riêng gì tôi, rất nhiều anh chị em PV phân xã đều muốn các ban biên tập có thái độ làm việc nghiêm túc, công tâm, tin nào đáng dùng thì dùng ngay, phát thật nhanh; tin nào đáng bỏ phải cương quyết bỏ. Có thể thời gian đầu bị bỏ tin liên tục, PV cũng sẽ "choáng" nhưng chắc chắn chỉ một vài tháng sẽ rút ra bài học kinh nghiệm để khắc phục ngay.

          Hoạt động khá lâu năm trong nghề nên tôi rất nghiêm khắc với bản thân, không bao giờ đặt bút viết những mẩu tin dạng "xuân thu nhị kỳ, tứ thời bát tiết" như bạn Lê Huyền đã điểm ra. Chính vì vậy mà tôi rất khó chịu khi thấy bản tin phát vô số tin vô thưởng vô phạt không hề có giá trị thông tin. Những tin: Cấy lúa hè thu, gặt lúa xuân, sản xuất công nghiệp tháng này đạt tổng giá trị bao nhiêu, tổng lưu lượng vận chuyển hành khách trong quí thế nào, giá trị tiểu thủ công nghiệp tăng giảm ra sao... đề nghị BTV cứ thẳng tay loại. Tôi đoán chắc rằng PV chẳng ai muốn viết mấy tin "đến hẹn lại lên" đó nhưng thấy người khác viết và được dùng nên tiếc 10- 20 điểm đành tặc lưỡi đặt bút đưa tin. Rồi ngay cách cho điểm đánh giá chất lượng thông tin của các ban biên tập cũng vậy, chẳng ai muốn viết dài, vấn đề gì cũng tít lớn tít nhỏ, nhưng hình như một số cán bộ biên tập, hiệu đính cứ thấy bài dài mới cho điểm cao nên PV đành phải "lái bài viết" của mình cho hợp thời. Nếu như BTV chắc tay, bài dài chuyển ngắn cô đọng, cho điểm đúng với giá trị thông tin của bài viết thì chỉ qua vài lần, chẳng PV nào lại muốn tốn công đánh máy "kéo tin thành bài". 

          Như tôi đã nói ở phần trên, tin, bài khi được phát báo, phát mạng trở thành sản phẩm tập thể mang thương hiệu TTXVN nên PV và BTV phải là "2 trong 1" gắn bó mật thiết với nhau. Vậy nhưng trong bài viết của mình, bạn cho rằng tin, bài của PV phân xã hầu hết là dở, BTV phải can thiệp nhiều mới dùng được. Cái dở tôi đã tự nhận rồi, nhưng bên cạnh đó nhiều tin bài của anh chị em PV phân xã chúng tôi cũng hay, nêu vấn đề trúng, tính định hướng cao rất đáng dùng. Ở bài viết này, tôi chỉ muốn trao đổi với bạn một đôi điều về công tác biên tập mà PV chúng tôi nhận ra qua việc đọc lại các dòng tin, bài viết của mình sau khi qua tay các bạn. 

          Chắc các ban biên tập ở Tổng xã quá nhiều việc nên liên tục quên tính thời sự của thông tin. Nếu bạn đã là PV phân xã thì bạn sẽ hiểu thế nào là nỗi vất vả khi đi làm tin ở địa phương: Phóng xe máy đối mặt với nắng, gió, bụi; thiếu sự hợp tác của cơ sở; đường đồi núi gập ghềnh, nỗi lo thường trực "tin liệu có được dùng và dùng nhanh không, bao nhiêu điểm"... Về đến nhà lao vào làm tin, chuyển ngay về Tổng xã. Chờ đợi mãi không thấy tin phát... thì ra BTV quên hoặc có "sờ" đến rồi nhưng lại để đấy vì thấy chưa cần thiết. Đơn cử tin "Hội nghị tư vấn giữa kỳ nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam" (9/6), phóng viên phân xã sôi lên, dự chưa hết phiên họp buổi sáng đã vội vượt tàu về trụ sở (vì hội nghị họp tại một hòn đảo) vội vã làm tin ngay. 11 giờ 44 phút tin ra tới Tổng xã. Chờ mãi, chờ mãi 2 rồi 3 tiếng vẫn không thấy tin mình được phát, gọi điện ra giục ban biên tập, vậy mà đến 16 giờ chiều mới thấy tin lên mạng (hầu như giữ nguyên cảo). Một tin đầy tính thời sự như vậy mà đủng đỉnh trong vòng 4 giờ 16 phút mới biên tập xong! Rồi việc xử lý một số tin bài của PV miền Trung về cơn bão ChanChu cũng vậy, trong khi Ban lãnh đạo cơ quan, Phòng QLPX liên tục gọi điện nhắc các PX phải bám thông tin, nhưng buồn thay khi chúng tôi gửi tin về toàn phải chờ từ 2-4 giờ, thậm chí 6 giờ sau mới xử lý xong để phát. Nói là "xử lý" vậy thôi chứ hầu hết chẳng thấy BTV chữa hoặc thêm bớt chữ nào. Tin "Các tàu cứu nạn khẩn trương đón nạn nhân về Đà Nẵng" (21/5), PV chuyển về Hà Nội vào hồi 11 giờ 32 phút, vậy mà loay hoay thế nào cho tới gần 15 giờ mới phát được tin. Tin "Sạt lở nghiêm trọng bờ sông Gianh (Quảng Bình), đe dọa tuyến đường sắt Bắc - Nam" (21/5) được PV chuyển về Tổng xã lúc 9 giờ 05 phút sáng, nhưng phải chờ đến 15 giờ mới phát. Tin Thông tấn "nhanh" như vậy sao? Xin hỏi các đồng chí: Qui trình biên tập gì mà lâu đến vậy, trong khi các  đồng chí nói với chúng tôi là Tổng xã hiện đang thực hiện phát online!

          Còn chuyện "bỏ quên" tin vài ngày hoặc hàng tuần không phát là "chuyện thường ngày" của Ban mà tôi không tiện dẫn ra ở đây. Biên tập kiểu "lợn lành thành lợn què" cũng không phải là chuyện hiếm gặp. Có thể BTV quá "non tay", không có kinh nghiệm thực tế nên mới "phê" tin về cuộc thi các điểm bưu điện văn hóa xã của một tỉnh là "tin về cấp xã không dùng". Hoàn toàn không phải là chuyện "bới lá tìm sâu" nhưng thật đau lòng khi viết bài, PV trăn trở mãi mới đặt được cái tít ưng ý nhưng khi thấy bài đó phát mạng thì ôi thôi, BTV đã tùy tiện biên tập lại theo kiểu muôn thuở: "Trở thành triệu phú nhờ nuôi lợn, giàu lên từ nuôi bò". Vậy tính đổi mới, tăng hấp dẫn cho thông tin chỉ là lời nói thôi sao? Ngày 2/6 PV Bạc Liêu đưa tin với 1 tít khá hấp dẫn: "Địa phương tắc trách, thi công cẩu thả, nhiều tỉ đồng trôi sông". Qua tay biên tập, tít được rút ngắn và đổi thành: "Thi công cẩu thả nên làm nhiều tỉ đồng trôi sông" - đọc thấy trơn truội, kém tính bức thiết của vấn đề. Còn chuyện dùng nhiều từ trùng lặp, sai lỗi chính tả, viết chữ  số tùy tiện ("một số" thành "1 số"), biên tập rút ngắn, thay đổi lại kết cấu bài viết của PV đến không rõ vấn đề định truyền tải, biên tập sai số liệu, tên địa danh, "râu ông nọ cắm cằm bà kia", phát nguyên xi cả tên biên tập viên và điểm cho PV (phần cuối tin, bài) lên mạng... đã và vẫn đang xảy ra.

          Vẫn biết phía PV có cái khó của PV, phía biên tập có cái khó của người biên tập, vậy nên mọi việc cần được nhìn nhận, đánh giá một cách khách quan, chính xác để vượt qua những cái khó để vươn lên, còn đổ lỗi "thông tin không hay" là do phía nào thì quả không phải là chuyện dễ. Nhiều lần, trong các cuộc họp PV khối phân xã, tôi thấy có ý kiến đề xuất Ngành nên nghiêm túc thực hiện qui chế luân chuyển PV giữa phân xã với phân xã, giữa Tổng xã với PX và ngược lại, không nên có trường hợp ngoại lệ nào. Nếu làm được như vậy thì chắc chắn sau khi tạm thời "đổi chỗ", mọi người sẽ hiểu công việc của nhau hơn. Thời gian gần đây, tôi thấy bước đầu đã có một số nam BTV của Ban Biên tập tin kinh tế và Ban Biên tập tin Trong nước được điều đi làm PV hoặc làm Trưởng PX trong nước, nhưng chất lượng tin, bài của họ như thế nào thì các BTV là người rõ hơn ai hết.

          Mong rằng các BTV ở Tổng xã hãy sát cánh với đội ngũ PV địa phương chúng tôi để chung tay dựng xây mái nhà Thông tấn ngày càng bền vững.

Đức Linh
(Theo Nội san Thông tấn, số 7-2006)

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Giao ban điện tử: Tại sao không?  (04/08/2006 11:21:07)

Dệt nên thành công bằng đức tính cần cù, tinh thần đổi mới và trách nhiệm  (03/07/2006 11:16:44)

Cỳằ™c thi Nhiỏº¿p ỏºÊnh BÃĂo chÃư chÃÂu Á  (03/07/2006 11:08:17)

Tự học để có thêm nhiều cơ hội  (03/07/2006 11:04:31)

Hãy làm việc hết mình đi đã!  (03/07/2006 10:59:02)

Nhà báo có cần biết khiêu vũ? (03/07/2006 10:56:53)

Bài học của nhà nhiếp ảnh lão thành Võ An Ninh  (03/07/2006 10:51:54)

Báo chí Thuỵ điển coi trọng quyền riêng tư cá nhân  (27/03/2006 15:40:01)

Những tờ báo, hãng thông tấn lạ trên Thế giới (27/03/2006 15:40:01)

Nước Mỹ đào tạo nhà báo tương lai như thế nào? (27/03/2006 15:40:01)