Thứ tư, ngày 08/05/2024

Phát hiện bồi dưỡng

Vấn đề đào tạo cán bộ trẻ:

Đừng đợi nước làm ướt chân!


(15/08/2006 10:35:03)

Hôm nay tôi đang là một biên tập viên, bỗng được lãnh đạo tin tưởng cất nhắc lên chức vụ cấp phòng, điều hành những đồng nghiệp mà chỉ 24 giờ trước tôi vẫn đang làm việc cùng.

Ngoài một chút năng lực chuyên môn, tôi không hề được đào tạo bất cứ điều gì để được bổ nhiệm như vậy?
Tại một hội thảo của Poynter, cơ quan có tiếng của Mỹ về đào tạo báo chí, Simon K.C. Li, trợ lý Thư ký toà soạn của tờ Los Angeles Times phát biểu: "Thông thường, những người làm công tác quản lý tại các tờ báo chẳng qua khóa đào tạo nào và cũng chẳng được ai chỉ dẫn. Và dường như để làm được công tác quản lý thì cứ theo khẩu hiệu của hãng Nike: "Cứ làm đi (Just do it)".


          Con người ta sinh ra không phải ai cũng có phẩm chất lãnh đạo, và cho tới khi tốt nghiệp đại học, chẳng mấy ai chuẩn bị trước cho cái ngày mình đứng đầu một công ty. Quản lý nói chung và quản lý một đơn vị, một tờ báo, hoặc chỉ một chuyên mục nói riêng, là điều hết sức phức tạp. Phóng viên thường không phải làm những công việc như thu xếp để hoàn tất công việc này thông qua các công việc kia, tạo sự hợp tác giữa các đồng nghiệp, hiểu rõ tâm tư tình cảm của đồng nghiệp,v.v... Và điều khác biệt nhất là phải chạy đôn chạy đáo lo cả trăm công việc khác nhau cùng một lúc, việc nào cũng cần liên tục lưu tâm chú ý, cần những quyết định tinh tế, có khi nhạy cảm.


          Tại TTXVN, việc thiếu cán bộ luôn là "chuyện thường ngày", ở cả cấp phòng lẫn cấp ban. Nhưng dường như ngoài một bản quy hoạch trên giấy, không hề có một chiến lược nào để đào tạo một cách bài bản về công tác quản lý. Việc học quản lý hành chính nhà nước nói chung chỉ dành cho những người đã làm lãnh đạo, ít nhất cũng ở cấp phó phòng. Và cũng không có cách nào để nâng cao phẩm chất đạo đức và tu dưỡng cho những phóng viên - biên tập viên thuộc diện "cán bộ nguồn" ngoài một số buổi họp, nghe nói chuyện ít ỏi hoặc các khóa học chính trị mà người tham dự trước hết phải đáp ứng hàng loạt tiêu chí xét tuyển. Cứ theo cái quy trình này, không được chuẩn bị trước là điều đương nhiên.


          Trong một hội thảo hồi cuối năm 2005 nhân kỷ niệm 50 năm thành lập Trung tâm Bồi dưỡng Nghiệp vụ Thông tấn, tôi khẳng định rằng nếu muốn có một cán bộ cấp phòng tốt ở độ tuổi khoảng 30 thì phải đào tạo dần cho họ từ khi mới 23-24 tuổi, và muốn có một cán bộ cấp ban có năng lực ở tuổi 40 thì phải chuẩn bị sẵn hành trang cho họ khi mới ngoài 30. Năng lực chuyên môn cao chỉ là một phần trong các tiêu chí cần thiết của một cán bộ lãnh đạo, và ở mỗi cấp độ lãnh đạo nhất định, các cán bộ này lại cần phải có những khả năng khác. Xuất phát điểm để bồi dưỡng một cán bộ ở các cơ quan nói chung và TTXVN nói riêng luôn là những người có năng lực chuyên môn. Nhưng cần phải thừa nhận một thực tế rằng một phóng viên/ biên tập viên giỏi không phải lúc nào cũng đồng nghĩa với một lãnh đạo giỏi.


          Phát hiện khả năng lãnh đạo ở những nhà báo trẻ mới chỉ thể hiện mình qua chuyên môn là điều không đơn giản. Vì thế, cách làm logic và hiệu quả nhất là "trèo lên thang" để xác định những phẩm chất cần thiết của người lãnh đạo, để từ đó nhìn xuống mà chọn lọc những người có "tiềm năng". Những nhà quản lý có kinh nghiệm đều thống nhất một quan điểm rằng để trở thành một cán bộ lãnh đạo giỏi thì phẩm chất quan trọng nhất là phải chú ý đến yếu tố con người- tức là chính những nhân viên của mình. Một số nghiên cứu đã tổng kết 10 chữ dành cho những người sẽ hoặc đang nắm giữ trọng trách quản lý các tờ báo là: 1. Chính trực; 2. Năng lực; 3. Tổ chức; 4. Thành thật; 5. Tầm nhìn; 6. Chia sẻ; 7. Nhân ái; 8. Hỗ trợ; 9. Thời gian; 10. Tin tưởng (xem chi tiết trong bảng).


          Ngay cả những người đang làm lãnh đạo cũng khó đạt được toàn bộ 10 điểm này, vậy mà làm thế nào nhìn thấy những ưu điểm đó ở những phóng viên/biên tập viên trẻ, để biết mà đào tạo và bồi dưỡng cho họ? Chắc chắn sẽ có nhiều người đặt ra câu hỏi đó. Không nên quá dễ dãi trong việc đề bạt cán bộ nhưng cũng đừng quá khắt khe khi lựa chọn những gương mặt mới. Những thanh niên nhiệt huyết sở hữu được tới 5 ưu điểm trong số này chính là những người đã sẵn sàng trên bệ phóng.


          Hãy để ý đến họ, hãy tin tưởng họ, và hãy sớm cung cấp cho họ những kiến thức còn thiếu để những cán bộ trẻ có thời gian chuẩn bị kỹ càng cho tương lai của mình, và của cả cơ quan. Đừng để nước đến chân mới nhảy.

Lê Quốc Minh
(Theo Nội san Thông tấn, số 5-2006)

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG: